Chùa a Chùa Yên Đông

Một phần của tài liệu Một số định hướng và giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn tại đảo Hà Nam trong phát triển du lịch. (Trang 38 - 43)

c. Đình Lưu Khê

2.2.1.2. Chùa a Chùa Yên Đông

a. Chùa Yên Đông

Trong số những ngôi chùa cổ còn lại ở Quảng Ninh hiện nay thì chùa Yên Đông ở xã Yên Hải, huyện Yên Hưng là một trong số ít những ngôi chùa cổ được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Cũng như bao đình chùa khác trên đảo Hà Nam, chùa Yên Đông là tên gọi đặt theo tên của làng Yên Đông, ngoài ra chùa còn có tên chữ là “ Pháp Âm Tự” ( tức chùa Pháp Âm).

Theo như bia để lại thì chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI bằng tranh, tre, lá, nứa để thờ phật và đáp ứng sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Đến năm Đoan Thái thứ hai ( ngày 21/8/1587) các đại sĩ cùng thiện sãi, vãi trong xã góp tiền khởi công xây dựng lại. Đến năm Mậu Tý ngày mùng 4 tháng 2 năm 1588 đắp tượng phật ngày 26 tháng 3 làm lễ khánh thành, chủ tăng đông đủ, hoa quả phô sắc, người vật tưng bừng, bồng sơn cảnh đẹp.

Chùa Yên Đông được toạ lạc trên một khu đất mà như tấm bia “Yên Đông tự bi ký” khắc vào năm 1590 có đoạn viết: “ Chùa Yên Đông là nơi có vị thế hùng tráng, được tứ khí trung đúc, sông, núi, gò, đồng. Bốn phía đủ cả Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước, là nơi đệ nhất danh thắng xứ Hải Đông…Sau khi hoàn tất việc xây dựng, nơi đây càng trở nên chốn bồn lai tiên giới. Những người hảo tâm công đức, lòng thành được Chư Phật chứng minh, phúc lộc theo núi sông mà đến, con cháu đời đời hưởng phúc, lộc, thọ, khang, ninh,… Thời đó phong tục thuần hậu, lúa tốt dân đông, nhân tài thịnh, danh thơm lưu truyền ngàn sau…”.

Tiếng lành đồn xa, sau khi chùa Yên Đông được hoàn thành thì nơi đây càng trở nên đông đúc, nhộn nhịp, linh thiêng, phật tử quy y, tăng ni trụ trì, tất cả đều hướng thiện vào cõi phật, góp công, góp của trùng tu tôn tạo, mong quả phúc đời đời cho con cháu. Là ngôi chùa làng nhưng Yên Đông không lúc nào vắng bóng chuông ngân. Chùa đã qua nhiều sư trụ trì, tất cả các sư đều học rộng hiểu sâu, dốc lòng tâm quy. Mặc dù qua bao thời gian đã làm cho cảnh cũ của chùa có nhiều thay đổi nhưng chùa Yên Đông vẫn giữ được những nét cổ kính của ngôi chùa cổ và còn lưu giữ được nguyên vẹn. Hệ thống tượng phật đồ thờ tự ở đây được các nghệ nhân chạm trổ công phu tỉ mỉ, tạc lên các pho tượng mang đầy đủ các hình dáng khác nhau, thể hiện nội tâm khác nhau. Những mềm mại nhưng khoẻ khoắn dứt khoát cùng những hoa văn trang trí trên từng pho tượng thể hiện qua các thời kỳ đều mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Văn hoá góp phần làm phong phú thêm kho tàng tài sản hiện vật quý giá của vùng đảo Hà Nam nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Chùa Yên Đông được xây dựng không những ngoài việc sinh hoạt, văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân mà còn góp phần quan trọng trong đấu tranh cách mạng giải phóng đất nước.

Trong kháng chiến chống Pháp chùa là cơ sở hoạt động của Việt Minh, Sư Lôi là một trong những nhà sư yêu nước hoạt động tích cực đã nuôi dấu cán bộ cách mạng rất an toàn. Năm 1947 - 1948 làng Hải Yến bị giặc khủng

bố, chùa Yên Đông là nơi tập hợp thanh niên trong làng lên làng Hải Yến để mít tinh biểu tình chống lại nhưng bị quan lại Pháp bắt giữ một số người.

Trong kháng chiến chống mĩ chùa là nơi huấn luyện dân quân tự vệ của xã cho chắc tay súng, vững tay cày, luôn đảm bảo hậu phương vững mạnh sẵn sàng chi viện sức người sức của cho chiến trường Miền Nam đánh mỹ.

Chùa Yên Đông cũng được xây dựng khá đẹp, quy mô khang trang. Phía Nam tiếp giáp với sông làm thành dải Thanh Long, phía Tây Nam tiếp giáp núi Thuỷ Đường, Phủ Đệ là danh thắng số một của Hải Phòng. Bao gồm chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, nhà giải vũ, nhà tăng, nhà ni, vườn tháp, vườn bia,… Trải qua thời gian và bao lần trùng tu xây dựng dấu ấn và kiến trúc cũ của chùa đã bị thay đổi nhiều nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc của ngôi chùa cổ.

Toàn bộ các công trình xây dựng chùa được nằm trong khuôn viên tường rào, hiện nay với diện tích là 3.318m2 theo kiểu tiền phật hậu thánh hay tiền phật, hậu tổ.

Phía trên chùa là đường đi, tiếp đến là hồ nước trồng sen, vườn rau, tường rào tam quan, sân chùa chính, sân sau. Bên phải là nhà tổ, nhà ni, nhà khách, vườn tháp, bếp, giếng nước,… Bên trái chùa là nền đình làng Hải Yến, trường THCS Yên Hải, bên phải chùa là cánh đồng, phía sau chùa là đường làng.

Chùa được quay hướng Tây. Đây là hướng ổn định nhất, hợp với sự vận hành của âm dương khiến cho chúng sinh không rời bỏ nghĩa vụ vì chúng sinh đau khổ. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, gồm năm gian tiền đường và ba gian hậu cung, tường xây gạch đỏ, mái lợp ngói tây, hai đầu hồi đắp hình tròn mây, trên bờ nóc dắp nổi ba chữ “ Pháp Âm Tự”, phía sau hậu cung vòm mây đắp nổi hình hổ phù cách điệu hoa cúc mãn khai. Hai bên đầu tiền đường là hai trụ đèn lồng xây xi măng đắp nổi hai câu đối.

Tiền đường năm gian dài 15m, rộng 8,3m, có bốn bộ vì kèo gồm hai hàng cột cái tám chiếc đường kính 35cm, hai hàng cột quân tám chiếc đường kính 25cm, một hàng cột kiêm bốn chiếc giáp hậu cung. Hệ thống vì kèo gỗ

kiểu trồng rường con nhị các giường câu đầu, đầu rư được bào trơn đóng bén, không chạm khắc gì.

Gian giữa của tiền đường không đặt gì, là nơi nhà sư tụng kinh niệm phật và các phật tử cầu nguyện. Hai gian hai bên là hai tượng hộ pháp đứng trong tư thế uy nghiêm, mình mặc áo giáp đầu đội mũ trụ. Tượng bên phải cầm binh khí, tượng được tạc bằng gỗ cao 2,7m. Phía trước hai tượng là hai bàn thờ xi măng, mỗi ban trên có đặt một bát hương, một mâm bồng gỗ, một lọ hoa sơn mài.

Gian đầu hồi bên trái là bàn thờ Đức Ông được xây bằng xi măng. Trên đó là tượng Đức Ông ngồi trên ngai, tượng cao 1m được tạc vào thời Nguyễn. Dưới chân tượng là hai con nghê gỗ nhỏ, phía trước tượng là bốn tượng nhỏ không rõ tên cũng được tạc vào thời Nguyễn và một giá để kiếm.

Gian đầu hồi bên phải là bàn thờ Mẫu được xây bằng xi măng hai cấp. Cấp trên cùng là ba tượng Mẫu ( Tam toà Thánh Mẫu) được ngồi trong khám sơn son thiếp vàng chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt và hoa dây móc. Tượng Mẫu Thiên cao 60 cm, còn tượng Mẫu Địa và Mẫu Thuỷ cao 50cm, bên cạnh là hai nàng hầu cao 32 cm được tạc trong tư thế đứng. Tất cả các tượng này được tạc vào thời hậu lê, phía trước ban thờ treo một chuông đồng to được đúc vào ngày lành tháng xuân Minh Mệnh thứ 13 (1832), chuông cao 1,4m cả quai đường kính 60m được đúc khối liền. Quai chuông là đôi rồng uốn lượn kết thành, thân chuông được đúc thành bốn múi ghi thành bốn chữ “ Pháp Âm tự chung” và khắc tứ linh tứ quý. Phía sát tường đầu bên phải là tấm bia đá được làm vào năm Hưng Trị tam niên thập nguyệt cốc nhật bi ( bia được lập ngày lành tháng 10 năm Hưng Trị thứ ba (1590), triều vua Mạc Mậu Hợp).

Nội dung văn bia ghi lại việc trùng tu, tôn tạo chùa Yên Đông của các tăng ni phật tử trùng tu, tôn tạo và ca ngợi chùa Yên Đông.

Hậu cung gồm ba gian dài 7,9m và rộng 7,9m được nối liền mái với tiền đường. Tính từ trong ra ngoài, hàng trên cùng là ba pho tượng tam thế tượng trưng cho Phật thuộc ba thời khác nhau. Cả ba tượng đều cao 1m và tạc giống nhau, ngồi tạo thiền trong thế kiết giá toàn phần. Tượng được tạc vào thời

Mạc với dáng cân đối theo hình tháp, thân hình đầy đặn. Bệ Phật là toà sen ba lớp, lòng các cánh sen nở căng đầy và dày tạo cho tượng một dáng ngồi thanh thoát và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

Hàng thứ hai, giữa là tượng A Di Đà được tạc lớn hơn so với các tượng khác. Tượng cao 1,4m và cũng được tạc vào thời Mạc. Bệ tượng là toà sen bốn lớp, lòng cánh sen nở căng đầy, trên mỗi cánh sen là một hoa cúc mãn khai và có hai đường chỉ chạy xung quanh. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc có giá trị nhất còn lưu giữ trong chùa. Đứng hai bên tượng A Di Đà là hai tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Hai tượng này được tạc bằng nhau cao 1,2m đứng trên toà sen.

Hàng thứ ba giữa là tượng Thích Ca Mầu Ni đang thuyết pháp cao 1m ngồi tọa thiền trên toà sen. Đứng hai bên tượng Thích Ca Mầu Ni là hai tượng A Nan và Cà Diếp. Cả hai tượng này đều được tạc trong tư thế đứng trên toà sen. Các pho tượng trên đều được tạc vào thời Mạc.

Hàng thứ tư là tượng Quan Âm Tiên Thu cao 1m được tạc trong tư thế ngồi trong toà sen. Tượng có 12 tay, hai tay chính chắp trước ngưc kiểu hoa ôm mười tay khác đặt trong tư thế khác nhau. Các ngón tay thuôn nhỏ mềm mại, khuôn mặt hình mặt nguyệt đầy đặn đôn hậu, đầu đội mũ thiên quan, chính giữa mũ phía trước là ngọn lửa tam muội.

Hàng thứ năm là tượng Thích Ca Sơ Sinh đứng trên toà sen với thân hình nhỏ nhắn nhưng đầy đặn.

Bên phải hậu cung là ban thờ Quan Âm Tống Tử được xây dựng bằng xi măng cao 1m ngồi trên bệ bế đứa bé trên tay. Bên phải hậu cung là bàn thờ tượng Đức Thánh Hiền được tạc vào thời Nguyễn.

Nhà thờ Tổ nằm ở phía sau, quây hướng Nam, kiến trúc kiểu chữ “Nhất” có ba gian dài 8m, rộng 6m. Tường xây gạch đỏ, mái lợp ngói tây. Toàn bộ phía trước là cửa gỗ ván lừa. Hệ thống vì kèo cột gỗ kiểu giá chiêng trồng rường. Các rường chạm trổ hoa cúc mãn khai.

Nhà khách nằm ở bên phải chùa quay hướng Nam bao gồm có ba gian mới được xây dựng lại. Bên phải chùa là vườn tháp, gồm năm tháp xây gạch hai tầng trát vữa xi măng, đỉnh tháp là hình búp sen, phía trước tháp là bài vị ghi tên tuổi của các vị sư, phía sau tháp là tấm bia gắn trên thân tháp ghi lại công lao to lớn của các vị sư đó. Lễ hội chính ở chùa Yên Đông được tổ chức vào mùng 5 tháng 1 âm lịch.

Bằng những tư liệu hiện vật còn lưu giữ đến ngày nay, có thể nói chùa Yên Đông đã đóng góp đáng kể cho công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn nền điêu khắc cổ của dân tộc, cho việc tìm hiểu về sự phát triển của lịch sử địa phượng. Góp phần làm phong phú thêm kho tàng tài sản hiện vật quý giá của vùng đảo Hà Nam nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Chùa được Bộ Văn Hoá – Thông Tin cấp bằng công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật số 30/QĐ-BVHTT ngày 24-11-2000.

2.2.1.3. Miếu

Một phần của tài liệu Một số định hướng và giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn tại đảo Hà Nam trong phát triển du lịch. (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w