Chương II: HIỆN TRẠNG CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ Ở ĐÔNG TRIỀ U QUẢNG NINH 2.1 Khái quát chung về huyện Đông Triều
2.2.1.2. Chùa Ngoạ Vân
Chùa Ngoạ vân tên chữ là “ Ngoạ Vân Tự” thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều, Tỉnh Quảng Ninh. Chùa là nơi Trần Nhân Tông đã từng tu hành và viên tịch ở đó.
Vua Trần Nhân Tông có tên huý là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Ông sinh năm Mậu Ngọ (Nguyên Phong năm thứ 8), ngày 11/11/1258, có thể chất hoàn hảo, tinh anh thánh nhân. Ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng.
Trần Nhân Tông lên ngôi hoàng đế ngày 22/10/1278. Năm 1287 giặc Nguyên xuất quân xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhà vua đã cùng thượng hoàng Trần Thánh Tông lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Song không chịu chấp nhận thất bại, cuối năm 1287 chúng lại huy động toàn bộ lực lượng, xuất quân xâm lược nước ta lần thứ ba. Nhà vua lại cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại lập nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử mùa xuân năm 1288, xóa bỏ vĩnh viễn ý đồ xâm lược nước ta của giặc Nguyên Mông.
Mùa xuân ngày 9 tháng 3 năm 1293 vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Thuyên, tháng 8 xuất gia vào núi Yên Tử Và Yên Tử cũng chính là nơi vua Trần Nhân Tông sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một giáo phái mang đậm phong cách người Việt.
Ngoạ Vân nằm trên đỉnh núi thuộc dãy núi chạy từ Yên Tử sang, cách Trại Lốc 10km và xa khu dân cư. Kiến trúc dựa vào vách núi, bố trí thành 3 lớp. Trên cùng là Am ngoạ Vân. Am Ngoạ vân là một ngôi nhà nhỏ đề “Ngoạ Vân Am”, kiến trúc kiểu chữ nhất và có một đôi câu đối viết trên tường cột cửa. Trên bệ thờ đặt một tượng đồng Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông trong tư thế nằm đọc sách, một chân co một chân duỗi, một tay chống vào đầu, một tay cầm quyển sách đưa ra trước mắt. Nhưng đến nay pho tượng đã bị mất.
Bên trái am có một ngôi chùa nhỏ đề “Thiên Sơn Tự” (chùa Thiên sơn) và có một câu đối ở cửa:
“ Tứ thời cảnh sắc tân Vạn cổ anh linh tự”.
Tạm dịch: Muôn thủa chùa linh ứng Bốn mùa cảnh sắc tân.
Chùa quay hướng tây nam, diện tích 27,2m2 với kết cấu kiến trúc kiểu chữ nhất. Phía trước có hai tháp ba tầng bằng đá gạo theo phương pháp ghép mộng đá. Cả hai tháp đều quay về hướng tây nam, có khắc tên bằng chữ nổi : Đoạn Nghiêm tháp (bên phải) và Phật Hoàng tháp (bên trái), trong đó có tấm bia đá khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) khẳng định: “Trần Triều Nhân Tông Hoàng đế lăng” tức lăng của Hoàng đế Trần Nhân Tông. Sách Đại Nam nhất thống trí ghi : “Ở đỉnh núi Yên Tử (có thuyết nói ở Yên Sinh, địa phận xã Nam Mẫu, huyện Đông Triều) lúc Trần Nhân Tông băng, nằm trên tảng đá lớn đấy gọi là đá niết bàn, rước thi thể làm hoả táng ở lăng Qui Đức, một nửa táng ở tháp này. Đời chính hoà Triều Lê sửa
lại, sau này nhà chùa và phòng tăng đổ nát chỉ còn lại tháp”. Ngoài ra còn có các con vật bằng đá như voi hoặc các bệ đặt tượng bằng đá có khắc đài sen, am Ngọa Vân không lớn lắm, nhưng phong cảnh nơi đây rất kỳ thú, quả là một thắng tích. Đứng ở nơi đây có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh bốn phía.
Trong hệ thống chùa am tháp ở Yên Tử, Chùa Ngoạ Vân xa xôi cách biệt ít được người đời thăm viếng, song đối với các nhà nghiên cứu và những người theo đạo phật thì Ngoạ Vân là chốn linh thiêng bậc nhất. Đên với Ngoạ Vân chúng ta sẽ tìm tòi được những điều thú vị về đệ nhất Trúc Lâm Tam Tổ Trần Nhân Tông cả về mặt đạo và mặt đời mà thời gian qua ít có dịp tìm hiểu.
Ngày 29/5/2006 chùa Ngọa Vân đã đựơc Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa (số 55/2006/QĐ-BVHTT).