Một là, phát triển nguồn nhân lực các DTTS ở Kon Tum phải được xem là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh và là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp và của chính đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Định hướng phát triển trong giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta hiện nay là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý; quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao; quốc phòng và an ninh vững chắc; dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để thực hiện được những mục tiêu đó vấn đề đầu tiên mang tính chiến lược lâu dài là phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực, đây là hướng đầu tư quan trọng nhất và hiệu quả nhất, là yếu tố quyết định thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Tỉnh Kon Tum có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ dồi dào, trong đó nguồn nhân lực các DTTS chiếm tỷ lệ lớn nhưng trình độ còn thấp, hiệu quả sử dụng không cao.
Vì vậy để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như thực hiện mục tiêu chung của cả nước, không có con đường nào khác là Kon Tum phải tập trung phát triển mạnh và khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực này.
Thực hiện mục tiêu phát huy mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả lợi thế, đảm bảo chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ cao, đúng hướng và bền vững thực hiện mục tiêu phát triển năm 2006 - 2010 của Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh, đó là: “Tiếp tục giữ vững và phát huy đoàn kết nội bộ, đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm khai thác các lợi thế, tiềm năng kinh tế của từng địa phương, đẩy nhanh tốc độ kinh tế, sớm đưa tỉnh Kon Tum thoát nghèo” [27, tr. 35].
Mục tiêu nhiệm vụ trên đối với tỉnh Kon Tum là rất nặng nề bởi vì hiện nay nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu đó còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, việc phát huy và sử dụng lực lượng lao động là người DTTS còn nhiều hạn chế. Vì thế việc xác định phát triển nguồn nhân lực các DTTS là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm phát huy triệt để nguồn lao động dồi dào này trong tiến trình CNH, HĐH của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn và phải được xem là bước đột phá
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực các DTTS phải là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị chứ không phải của riêng một cấp nào, ngành nào, bởi nguồn nhân lực chỉ thực sự phát triển khi được đào tạo, bồi dưỡng sử dụng và đãi ngộ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phát triển cả về thể lực, trí lực, phẩm chất đạo đức, phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều đó phải bắt đầu từ việc đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về mọi mặt: sức khỏe, tri thức, tay nghề, đạo đức. Đồng thời, đòi hỏi mỗi cá nhân người lao động phải luôn tự ý thức nâng cao trình độ, tự bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, sức khỏe... nhằm đáp ứng ngày càng cao của xã hội.
Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Kon Tum cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực các DTTS của tỉnh nói riêng làm cơ sở định hướng thực hiện kế hoạch hóa sự phát triển các ngành: giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, dân số... nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn CNH, HĐH. Trên cơ sở đó, tỉnh cần ban hành và thực hiện các chính sách tăng cường đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực phúc lợi xã hội, dịch vụ cơ bản để chăm lo cho con người, quản lý và sử dụng tốt tiềm năng lao động. Nhà nước, trước hết là tỉnh cần tạo môi trường, hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, mở mang ngành nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ có khả năng tạo việc làm mới, đồng thời có chính sách hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để người lao động các DTTS có cơ hội tìm việc làm và phát triển. Mặt khác, cần phát huy vai trò to lớn của các doanh nghiệp tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia cùng với nhà nước phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ưu tiên tạo việc làm và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động người DTTS trong tỉnh.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực ở Kon Tum phải trên cơ sở thực hiện nhất quán nguyên tắc trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước: "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ" [13, tr. 121].
Các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam bình đẳng, không phân biệt lớn nhỏ, giàu - nghèo, bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, thực hiện quyền làm chủ. Đồng bào các DTTS cũng như đa số đều có đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ công dân, có quyền lợi và trách nhiệm xây dựng thể chế chính trị mới, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở các vùng DTTS. Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên CNXH.
Bình đẳng về kinh tế là phải tạo điều kiện cho các DTTS phát triển về kinh tế - xã hội, từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Trước hết, phải đầu tư xây dựng cơ cấu kinh tế ở các vùng DTTS trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất và đời sống, khai thác và sử dụng triệt để nguồn nhân lực đã được đào tạo, sử dụng đúng người đúng nghề, không phân biệt người DTTS hay người đa số, xây dựng chính sách kinh tế xã hội phải phù hợp với những đặc thù của các DTTS. Mặt khác, dân tộc đa số phải giúp đỡ các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thông qua nhiều hình thức như hướng dẫn, vận động, xây dựng mô hình kinh tế điển hình v.v..
Trên vấn đề này những năm qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện kết nghĩa với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, thông qua đó giúp đỡ các vùng đồng bào DTTS khó khăn phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một chủ trương đúng đắn và trực tiếp giúp đồng bào có cơ hội thoát khỏi sự khép kín về kinh tế - xã hội, bước đầu tiếp cận với nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, giao lưu học tập v.v.. từng bước đưa người DTTS thoát nghèo, đời sống được nâng lên, quan hệ giữa các dân tộc ngày càng xích lại gần hơn, tình hình an ninh quốc phòng được giữ vững.
Ba là, quá trình phát triển nguồn nhân lực các DTTS phải tôn trọng giữ gìn và phát huy những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Kon Tum.
Phát triển nguồn nhân lực các DTTS ở tỉnh Kon Tum nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc, xây dựng đồng bộ và phát huy có hiệu quả các công trình văn hóa ở cơ sở như: văn hóa nhà Rông, cồng chiêng...bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống tích cực ở các thôn, làng; phê phán và xóa bỏ các hủ tục mê tín, nếp sống lạc hậu... Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, tăng cường đầu tư
trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ hoạt động văn hóa của địa phương.
Như vậy, việc xây dựng nền văn hóa phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho người lao động là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, việc phát triển như thế nào, đặc biệt đối với người DTTS để không làm mất đi bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, không bị lai căng. Thực tế cho thấy hiện nay một bộ phận thanh thiếu niên ý thức xây dựng văn hóa kém. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn yếu về chuyên môn nên việc giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS chưa thực sự được quan tâm. Vì vậy việc xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng con người mới, con người XHCN vì văn hóa là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển.
Bốn là, cần quán triệt quan điểm phát triển, chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực các DTTS của tỉnh.
Để phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực các DTTS phục vụ CNH, HĐH, gần 15 năm phát triển và trưởng thành, Kon Tum đã và đang có những bước tiến, nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển. Để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh CNH, HĐH với quy mô và tốc độ nhanh hơn, Kon Tum cần thực sự coi trọng khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực các DTTS còn đang ở tiềm năng này. Phải có chủ trương, chính sách cụ thể và đặc biệt là có chính sách ưu tiên, đãi ngộ đối với lực lượng này. Phát huy mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đảm bảo chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ cao, đúng hướng và bền vững. Đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút mọi nguồn đầu tư, tạo thị trường lao động ngày càng nhiều.
Xuất phát từ những quan điểm chỉ đạo trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII đã quán triệt quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xác định giáo dục - đào tạo là giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn, bởi thông qua giáo dục - đào tạo vừa nâng cao trình độ nhận thức chung của con người về mọi mặt, vừa nâng cao tinh thần ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động, sản xuất. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực này, trong những năm qua công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực các DTTS đã đạt được những kết quả nhất định bổ sung thêm lực lượng lao động trong các lĩnh vực ngành nghề, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, nhất là người DTTS.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực các DTTS ở Kon Tum phải tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường và của thị trường lao động, đồng thời đảm bảo giữ vững định hướng XHCN.
Phát triển nguồn nhân lực các DTTS tỉnh Kon Tum trước hết phải tôn trọng các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, của thị trường lao động. Sau đó phải đảm bảo thị trường phát triển đúng định hướng, cạnh tranh bình đẳng, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người lao động đều được giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và có việc làm, có thu nhập, nâng cao đời sống, đặc biệt, người DTTS có cơ hội tiếp cận đến phát triển, như vậy cần có sự quản lý, kiểm soát và điều tiết của nhà nước, trước hết là của tỉnh. Chính điều này đảm bảo quá trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa nhằm phát triển toàn diện con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng trong quá trình phát triển.
Kon Tum xuất phát điểm thấp nền kinh tế còn kém phát triển, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp dịch vụ mới được hình thành, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó phải thực hiện “đi tắt đón đầu”, nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng chưa đảm bảo yêu cầu của phát triển CNH, HĐH. Tuy vậy trong nền kinh
tế thị trường, thị trường lao động phát triển theo quy luật khách quan, do vậy phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển của tỉnh nhưng phải theo nhu cầu của thị trường. Thực tế hiện nay cho thấy ở một số địa phương, việc đào tạo nguồn nhân lực diễn ra một cách ồ ạt, vừa thừa, vừa thiếu, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ cao... Vì vậy đòi hỏi các chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải hướng theo nhu cầu của thị trường lao động.
Cơ chế hoạt động của thị trường lao động là cơ chế cạnh tranh, do đó người lao động phải được đào tạo để chính bản thân tự nâng cao khả năng cạnh tranh mới có cơ hội và hy vọng tìm được việc làm thích hợp. Mặt khác trên thị trường lao động, nhu cầu lao động luôn luôn biến động, thay đổi và đặt ra những yêu cầu mới về số lượng, chất lượng, cũng như cơ cấu lao động. Vì vậy gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động nhằm giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm sau khi đào tạo. Tóm lại, phát triển nguồn nhân lực trong cơ chế thị trường là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động để họ có nhiều cơ hội phát triển. Quá trình phát triển nguồn nhân lực các DTTS ở Kon Tum cũng phải tuân theo những quy luật chung đó.