Những đặc điểm truyền thống tác động đến sự phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Kon Tum

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum docx (Trang 42 - 48)

Phương thức sản xuất trồng trọt nương rẫy là hoạt động kinh tế truyền thống đem lại nguồn thu nhập chính cho các dân tộc ở Kon Tum. Mỗi hộ gia đình sử dụng nhiều đám rẫy, mỗi đám trồng một đến hai năm rồi bỏ hoang hóa để chuyển sang đám khác. Vài năm sau mới khai phá, trở lại. Các kỹ thuật canh tác thích ứng với đất dốc trồng khô (phát, đốt, chọc - tỉa) không dùng cày cuốc để hạn chế xói mòn, phát rừng đốt rẫy lấy tro thay phân, tính thời vụ cao, cường độ lao động lớn, chỉ làm 1 vụ/năm, thành quả lao động phụ thuộc vào nước trời, vào thời tiết khí hậu. Tín ngưỡng nông nghiệp đa thần, coi trọng việc thờ thần lúa là nét đặc thù phổ biến. Bên cạnh nương rẫy và khai thác nguồn lực tự nhiên từ rừng, chăn nuôi, thủ công và trao đổi các sản phẩm như: rượu cần, thú rừng... chỉ là các hoạt động kinh tế phụ bổ trợ. Nhìn chung kinh tế truyền thống của các DTTS còn thấp kém với nét đặc thù là nền

kinh tế sinh tồn, thủ công, tự cấp tự túc, lệ thuộc vào rừng và tự nhiên.

ở tất cả các dân tộc Tây Nguyên, cũng như các dân tộc ở Kon Tum đều có một quan niệm chung là trong đời sống của họ có một lực lượng vô hình có ảnh hưởng quyết định đến đời sống con người, lực lượng ấy được quy tụ ở khái niệm chung là Yàng (thần linh). Người Bana tin rằng cuộc sống hàng ngày của họ bị chi phối bởi

các lực lượng siêu nhiên, từ việc ốm đau đến việc sản xuất không phải tự thân con người mà do thần linh ma quỷ quyết định. Trong các vị thần được đồng bào hay nhắc tới phải kể đến thần sấm sét (BôkLaib) có hình dạng con dê xồm hoặc ông già hai tay đầy lông lá ngủ suốt mùa khô, thức dậy khi mùa mưa tới, điều khiển mưa thuận gió hòa, trừng trị những người loạn luân. Một vị thần quan trọng khác là thần lúa (Yang Xri bang Yang Đai) chuyên ban phát lúa cho con người. Ngoài ra còn thần nước (Yang Đăk), thần núi (Yang Kông) là những thần luôn được người ta cúng tế, mong được phù hộ. Người Xơ Đăng cùng gọi thần linh là Yang, thần sấm sét là thần đáng kính và đáng sợ nhất, trông coi mùa màng, trừng trị những kẻ vi phạm luật tục và giúp chiến thắng kẻ thù. Ngoài ra có nhiều vị thần khác tác động đến đời sống của họ như thần nước, thần núi, thần nhà rông v.v.., dường như bao quanh cuộc sống của họ đều có mặt của thần linh.

Người Giarai, Brâu, Giẽ-Triêng, trong đời sống của họ rất nhiều Yàng chi phối: Yang Hma (thần ruộng nương), Yang Ktăn (thần sét), Yang Pênia (thần lúa nước). Tất cả các Yang này luôn được nhắc đến trong những nghi lễ cúng bái hàng năm [31, tr.51].

Có thể nói tất cả các dân tộc ở Kon Tum, ngoài thế giới con người thì còn một thế giới khác, đó là thế giới thần linh. Hầu như mọi hành vi, cách ứng xử của con người đều có sự quan sát của thần linh. ở một trình độ thấp kém, luôn bị đe dọa thì họ cầu mong có lực lượng khác che chở, phù trợ có được cuộc sống ấm no.

Ngoài thế giới thần linh ra, đồng bào các dân tộc còn tin ở người đang sống còn có "hồn, vía". Người Ba Na tin rằng mỗi người là nam hay nữ đều có 3 hồn (bngol, kpal, ha dang. Hồn chính (bngol) ở chớm tóc, hồn phụ ở trước trán (Kpal) và ở thân thể (badang). Khi chết hồn chính ở làng ma (atan), còn hai hồn phụ hay quanh quẩn ở nghĩa địa. Hồn cũng có hồn mạnh, hồn yếu, người giàu có, người tài năng, hồn mạnh hơn người thường, người có "vía" mạnh, yếu, vía mạnh thường là những

người già, dũng sĩ, thầy cúng. Những người có vía mạnh thường tập hợp được nhiều người hay gặp may mắn trong cuộc sống, vía người cũng có lúc mạnh lúc yếu, lúc mạnh tùy thuộc vào thể lực và tuổi tác, người nào có vía dữ bị mọi người xa lánh vì hay mang tai họa cho mọi người [31, tr. 49-50].

Cũng như nhiều dân tộc khác, các dân tộc Kon Tum đều có chung quan niệm: ngoài thế giới thực ra còn có một thế giới khác, thế giới của những người chết. Người Bana gọi đó là Plây atâu (làng ma). Người Giarai gọi Plây ơi dã (làng ông bà). Thế giới người chết được đồng bào mô phỏng theo cuộc sống của chính họ, nhưng có sự trái ngược, đối lập nhất định giữa người và ma: nếu như bên này là đêm thì bên kia là ngày, người chết vẫn được chia của dưới hình thức là đồ tùy táng và đồ cúng. Sau một thời gian nhất định nào đó tùy thuộc vào tập quán từng dân tộc, từng gia đình người sống làm một lễ đoạn tuyệt với người chết gọi là lễ “bỏ mả”. Khi đã thực hiện xong nghi thức này coi như trách nhiệm của người sống đối với người chết chấm dứt ở đây. Hồn người chết về hẳn với tổ tiên ở thế giới người chết, không còn đòi hỏi gì ở người sống nữa [31, tr.59-60].

Như vậy, người DTTS ở KonTum chịu ảnh hưởng nặng nề tâm lý, thói quen, lối sống còn nhiều nét lạc hậu, thụ động do phương thức sản xuất nhỏ, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên mang lại. Đây là một khó khăn rất lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực các DTTS ở đây để có thể đáp ứng được yêu cầu của quá trính sản xuất mới ngày càng hiện đại.

Cùng với quan niệm đa thần trong quá trình phát triển, đặc biệt là từ khi có sự xâm nhập của các tôn giáo độc thần (Công giáo và Tin lành) đã làm biến đổi mạnh mẽ cuộc sống buôn làng trên nhiều mặt từ quan niệm, lối sống, sinh hoạt cho đến kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức...

Các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung và các dân tộc Kon Tum nói riêng, trước thế kỷ XX đang trên đà tan rã của chế độ công xã thị tộc. Trình độ kinh tế - xã hội đang ở điểm xuất phát thấp, hoạt động khai hoang tự nhiên còn chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống xã hội, xã hội khép kín và gần như xa lạ với thế giới bên ngoài. Khi tiếp nhận đạo Công giáo, xã hội cổ truyền các dân tộc có những chuyển biến căn bản, đó là cuộc đấu tranh giằng co giữa tập quán sản xuất cũ với những yếu tố mới du nhập từ đạo Công giáo diễn ra quyết liệt trong cuộc sống của các dân tộc mà dường như thần linh có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Do vậy từ khi bắt đầu vào mùa sản xuất cho đến khi thu hoạch là cả một chuỗi dài các nghi lễ phiền toái (lễ chọn đất làm rẫy, lễ phát rẫy, lễ đốt rẫy, lễ tỉa lúa, bắp; lễ cúng lúa mới, lễ thu hoạch, lễ mở cửa kho lúa...) vừa chiếm mất nhiều thời gian, vừa tốn kém về vật chất, vì thế chúa đến loại dần các thần linh ra khỏi đời sống của các dân tộc, lúc này làm việc gì chỉ cần cầu chúa là đủ, xin chúa là đủ.

Truyền từ đời này sang đời khác chỉ có một phương thức canh tác: phát, đốt, chọc, tỉa vẫn còn tồn tại đến ngày nay, công cụ sản xuất chủ yếu là dao, rựa, rìu để chặt phát rẫy, cuốc, niếc để nạo cỏ; gậy vót nhọn để chọc lỗ tra hạt, lúc thu hoạch chỉ dùng tay để tuốt lúa. Với những phương thức canh tác thô sơ chỉ mang lại hiệu quả thấp, nạn đói luôn là nỗi ám ảnh đối với mọi người. Muốn tăng năng suất lao động, trước tiên phải có công cụ sản xuất và phải luôn được cải tiến. Mặc dù, có trâu, bò song đồng bào các DTTS lại chưa biết sử dụng làm sức kéo vì không dám đụng chạm đến những con vật được xem là linh thiêng vốn chỉ được dùng vào việc cúng tế. Chính Công giáo được truyền bá đã làm thay đổi dần nếp nghĩ của đồng bào. Trâu, bò cũng là những con vật bình thường như các con vật khác, có sức kéo, từ đó, đồng bào nghĩ đến việc mở rộng diện tích canh tác, nâng dần năng suất lao động và đời sống ít nhiều được cải thiện, lòng tin ngày càng được khẳng định.

Trước đây, lịch canh tác theo một quy trình rất chặt chẽ, trước khi vào vụ gieo trồng thường chờ sự linh ứng báo mộng của thần linh, khi nào được thần linh cho

phép mới được gieo trồng, nhiều khi bỏ lỡ mất thời tiết thuận lợi cho thời vụ canh tác.

Các dân tộc Kon Tum đã biết đến ruộng nước trước đó do học hỏi từ người Việt và người Chăm, nhưng do không có kỹ thuật canh tác nên năng suất không cao. Cùng với việc truyền bá đạo, các nhà truyền giáo đã hướng dẫn đồng bào kỹ thuật làm lúa nước như: lập trang trại, mua trâu bò, công cụ cày bừa, do đó đã mang lại hiệu quả cao.

Sự giao lưu buôn bán của các dân tộc Kon Tum trước đây chỉ thu hẹp trong nội bộ làng hoặc hàng năm đến những tháng nghỉ sản xuất, sau vụ thu hoạch, dân làng tổ chức những đoàn đi xuống miền xuôi để trao đổi những sản phẩm làm ra, lấy các nhu yếu phẩm không sản xuất được, chủ yếu là hàng đổi hàng. Khi tiếp xúc với đạo Công giáo, việc giao lưu trao đổi được đẩy mạnh, ở đây hình thành nên những định canh, định cư với số lượng dân cư đông đúc, cùng với quá trình di dân từ đồng bằng lên hình thành những thị tứ, thị trấn, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi hàng hóa ở đồng bào dân tộc. Nền kinh tế khép kín, tự cung, tự cấp dần bị phá vỡ và nay được mở ra tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Như vậy, ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, xét trên phương diện nào đó đạo Công giáo đã có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế của người DTTS, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất cũ lạc hậu, năng suất thấp và đem lại những yếu tố mới, hiện đại, phần nào giúp cho đời sống vật chất của người dân tộc được cải thiện. Nhưng ở phương diện khác đạo Công giáo đã đem lại những yếu tố bất lợi, kìm hãm quá trình phát triển kinh tế, gây nên sự nghèo khó trong đời sống vùng đồng bào DTTS. Cụ thể là:

Sự cản trở lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế là vấn đề tăng dân số nhanh ở vùng đồng bào có đạo. Giáo hội Công giáo ở Kon Tum không cho phép giáo

dân của mình thực hiện các biện pháp tránh thai do ủy ban kế hoạch hóa gia đình triển khai. Họ cho rằng làm như thế là vi phạm vào giáo lý, cho nên chương trình kế hoạch hoá - gia đình ở đây ít mang lại hiệu quả, tỷ lệ sinh ở những nơi này bao giờ cũng cao hơn nhiều so với các nơi không có đạo, mỗi gia đình trung bình có từ 5 - 10 người con. Do dân số tăng nhanh, số ruộng rẫy trung bình trên đầu người ngày càng thu hẹp dần, cuộc sống hàng ngày với cái ăn, ở, đi lại càng làm cho giáo dân thêm nghèo khó, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo. Bên cạnh đó, việc đạo đã chiếm phần lớn thời gian của giáo dân. Không kể những buổi đọc kinh hàng ngày, riêng lễ ngày chủ nhật và các lễ khác buộc các giáo dân phải tham gia, điều này làm ảnh hưởng đến thời gian sản xuất. Thực tế cho thấy, nương rẫy hiện nay cách nhà rất xa, đường đi lại khó khăn, thông thường đến mùa rẫy phải tập trung cho kịp thời vụ nhưng do phải đi nhà thờ, nên việc đồng áng bị bỏ trễ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Ngoài ra, tư tưởng giáo lý và giáo luật của Công giáo vốn không khuyến khích sự phát triển kinh tế, họ lý tưởng hóa cuộc sống thanh bần. Điều này đã đem đến cho giáo dân tư tưởng thụ động, chờ đợi và an bài với cuộc sống hiện tại, vì thế ảnh hưởng đến việc vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Sự hiện diện của đạo Công giáo, cùng với giáo lý, giáo luật, lễ nghi nghiêm ngặt của nó đã làm thay đổi cách sống, sinh hoạt và hành vi ứng xử trong cuộc sống thường ngày của đồng bào DTTS: đó là sự chuyển đổi từ thế giới đa thần, tín ngưỡng vạn vật hữu linh và hàng loạt những cấm kị trong sản xuất, sinh hoạt, thay vào đó là một vị chúa duy nhất chi phối tất cả các vị thần khác. Sự thay thế đó là do trình độ phát triển thấp cộng với những tập tục nhiều khi vô lý đã giam hãm cuộc đời và số phận từng con người. Trong cái vòng nghèo đói bệnh tật, chết chóc và thường xuyên bị đe dọa bởi nhiều hiểm họa của thiên tai, vì vậy với sự hiện diện một vị chúa đầy lòng nhân ái, có nhiều phép màu sẵn sàng dang tay cứu giúp họ lúc hoạn nạn và hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia, điều đó ít nhiều cũng là chỗ dựa về mặt

tinh thần và là niềm an ủi để giảm bớt nỗi đau thực tại, đồng thời nhen nhóm niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai đối với đồng bào DTTS ở Tây Nguyên.

2.1.2.2. Những nhân tố đương đại có tác động đến sự phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Kon Tum

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum docx (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)