2. Quan hệ pháp luật thanh toán bằng thư tín dụng
2.3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
2.3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên yêu cầu mở thư tín dụng
Người yêu cầu mở L/C có quyền đưa ra các chỉ thị để xác nhận L/C và kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị đó. Đồng thời với việc hưởng quyền người yêu cầu mở L/C cũng phải thực hiện các nghĩa vụ.
Người yêu cầu mở L/C cũng phải thực hiện ký quỹ trong trường hợp L/C thanh toán ngay và hoàn trả L/C mà ngân hàng đã thanh toán; thực hiện các biện pháp đảm bảo đối với ngân hàng phát hành L/C; trả phí dịch vụ cho ngân hàng.
2.3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên phát hành thư tín dụng
Ngân hàng phát hành có quyền yêu cầu người mở L/C chuyển tiền kí quỹ đầy đủ trước khi thực hiện mở L/C. Ngân hàng cũng có quyền truy đòi người
mở L/C thanh toán cho mình tất cả những khoản tiền mà mình đã thanh toán kèm theo phí dịch vụ và lãi.
Bên cạnh quyền nêu trên, ngân hàng phát hành có nghĩa vụ thực hiện việc thanh toán tiền cho người thụ hưởng theo đúng cam kết trong L/C. Để thực hiện nghĩa vụ này, ngân hàng có quyền kiểm tra tính hợp lệ của bộ chứng từ mà người thụ hưởng xuất trình để chấp nhận hoặc từ chối thanh toán. Nghĩa vụ này của ngân hàng phát hành hoàn toàn được thực hiện dựa trên cơ sở bộ chứng từ do người thụ hưởng xuất trình chứ không phụ thuộc vào bất cứ sự kiện pháp lý nào liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa.
2.3.3.Quyền và nghĩa vụ của bên thụ hưởng thư tín dụng
Trên nguyên tắc, quyền được thanh toán của người thụ hưởng từ ngân hàng phát hành được xác định dựa vào tập quán thương mại chứ không phải dựa trên cơ sở hợp đồng giữa ngân hàng phát hành với người yêu cầu mở thư tín dụng. Ngưòi thụ hưởng sau khi nhận được giấy mở thư của bên trả tiền do ngân hàng phục vụ mình gửi đến, người thụ hưởng phải đối chiếu với hợp đồng và đơn đặt hàng đã ký, chấp nhận và thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Căn cứ vào hóa đơn, chứng từ giao hàng, thụ hưởng lập bảng kê hoá đơn, chứng từ giao hàng gửi đến ngân hàng phát hành (thông qua ngân hàng thông báo) hoặc ngân hàng xác nhận để yêu cầu thanh toán tiền hàng theo thư tín dụng đã mở.
2.3.4.Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khác có liên quan
Đối với Ngân hàng thông báo: khi nhận giấy báo thanh toán do bên thụ
hưởng nộp vào (đơn, bảng kê hoá đơn, chứng từ giao hàng), ngân hàng có quyền và có trách nhiệm kiểm tra các thủ tục, xem xét thời gian hiệu lực của thư tín dụng, số tiền bên thụ hưởng đề nghị thanh toán trong phạm vi số tiền mở L/C, nếu đúng thì ngân hàng thông báo sẽ tiếp nhận số tiền thanh toán từ tài khoản L/C do ngân hàng phát hành chuyển đến theo các chứng từ thanh toán.
Đối với Ngân hàng thanh toán: Ngân hàng thanh toán có thể là ngân hàng
phát hành L/C hoặc là một ngân hàng được chỉ định, hoặc chính là ngân hàng thông báo. Trách nhiệm của ngân hàng thanh toán cũng giống như ngân hàng phát hành, nghĩa là khi nhận được bộ chứng từ của người xuất khẩu gửi đến,
ngân hàng phải tiến hành kiểm tra, nếu phù hợp với điều kiện của thư tín dụng thì thực hiện việc thanh toán, sau đó chuyển bộ chứng từ thanh toán tới ngân hàng phát hành để ngân hàng này yêu cầu thanh toán đối với người xin mở thư tín dụng.
Đối với Ngân hàng xác nhận: Chủ thể này chịu trách nhiệm thanh toán số
tiền trong thư tín dụng cho người thụ hưởng, trên cơ sở quan hệ hợp đồng ủy quyền – hợp đồng dịch vụ xác nhận giữa họ với ngân hàng phát hành thư tín dụng. Để bảo đảm có tiền thanh toán cho người thụ hưởng, Ngân hàng này được phép yêu cầu người phát hành phải đặt tiền ký quỹ xác nhận theo tỷ lệ có thể tối đa 100% giá trị tín dụng và được hưởng phí xác nhận.
CHƯƠNG II