Diễn biến chỉ số VN-Index

Một phần của tài liệu 252100 (Trang 42 - 45)

Qua hình 2.1, chúng ta có thể thấy diễn biến chỉ số VN-Index từ khi TTCK bắt đầu hoạt động đến hết năm 2004. Như vậy, quá trình tăng giảm của VN-Index có thể chia thành bốn giai đoạn để xem xét.

a. Giai đoạn 1 (từ 28/07/2000 đến 25/06/2001): chỉ số VN-Index trong giai đoạn này tăng liên tục, cho đến đỉnh điểm là 571,04 điểm vào ngày 25/06/2001. Thông thường sự biến động giá cổ phiếu trên thị trường thứ cấp là do biến động cung – cầu về cổ phiếu đó. Giá cổ phiếu ở Việt Nam trong giai đoạn này tăng cao là do nguồn cung cổ phiếu còn quá hạn hẹp. Thị trường với 5 cổ phiếu được tham gia giao dịch, với tổng giá trị giao dịch thấp. Những người nắm giữ cổ phiếu phần lớn cũng không muốn bán do giá tăng liên tục. Cầu về cổ phiếu giai đoạn này quá lớn so với cung bởi vì mệnh giá định ra ban đầu thấp, đã tạo nên tính hấp dẫn của cổ phiếu đó trên thị trường. Chính tính hấp dẫn nảy sinh trong điều kiện cung còn quá ít đã làm cho cầu vượt xa cung, đẩy giá lên cao liên tục.

b. Giai đoạn 2 (từ 25/06/2001 đến 11/03/2002): đây là giai đoạn tụt dốc nhanh chóng của chỉ số VN-Index. Sự suy giảm cầu đầu tư chứng khoán ở giai đoạn này đã kéo giá các cổ phiếu nhất loạt giảm xuống nhanh chóng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư trên TTCK do sự tác động của các biện pháp hành chính của UBCKNN. Đó là: việc nới rộng biên độ dao động giá trong mỗi phiên giao dịch từ +/- 2% lên +/-7%, quy định số lượng cổ phiếu tối đa mà một nhà đầu tư có thể mua trong mỗi phiên. Và mặc dù chưa được công bố chính thức, nhưng thông tin về việc UBCKNN có thể đưa ra quy định yêu cầu các nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phiếu mà họ đã mua trong thời gian từ 3 đến 6 tháng trước khi bán lại đã khiến các nhà đầu tư lo ngại. Vào tháng 10/2001, một lần nữa, UBCKNN điều chỉnh biên độ dao động giá trở về mức ban đầu +/-2% để hạn chế chiều hướng giảm giá cổ phiếu. Trong giai đoạn này, chỉ số VN-Index từ 571,04 điểm đã giảm xuống còn 180,73 điểm tại phiên giao dịch thứ 246 ngày 11/03/2002.

c. Giai đoạn 3 (từ 11/03/2002 đến 24/10/2003): các biện pháp hành chính như tăng phiên giao dịch từ 3 ngày/tuần lên 5 ngày/tuần, nới lỏng lại biên độ dao động giá cổ phiếu lên +/-3% , sử dụng cả phương thức giá khớp lệnh và giá thỏa thuận, tăng lần khớp lệnh từ 2-3 lần/phiên đã giúp TTCK năm 2002 hoạt động trầm tĩnh hơn. Chỉ số VN-Index ổn định hơn, song đó là sự ổn định cầm chừng. Sang đến năm 2003, chỉ số VN-Index lại giảm với tốc độ nhanh chóng. Vào phiên giao dịch thứ 509 ngày 01/04/2003, VN-Index dừng ở mức 139,64 điểm. Sau đó, thị trường có dấu hiệu hồi phục nhưng chỉ số VN-Index không hồi phục lại được với mức khởi điểm đầu năm (183,41 điểm). Đợt giảm giá thứ 2 bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tận cuối tháng 10/2003. Kết thúc phiên giao dịch 652 ngày 24/10/2003, VN-Index giảm xuống mức kỷ lục 130,9 điểm. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong năm 2003, nhiều công ty niêm yết hoạt động không đạt kết quả như kế hoạch đề ra, công tác công bố thông tin trên thị trường chưa tốt như vụ bê bối ở công ty Bibica, Canfoco… đã làm cho các nhà đầu tư trên TTCK vốn đã buồn nản nay lại thêm thất vọng.

d. Giai đoạn 4 (từ 24/10/2003 đến 31/12/2004): chỉ số VN-Index có sự hồi phục. Đỉnh điểm của giai đoạn này là chỉ số VN-Index tăng lên gần 280 điểm trong phiên giao dịch ngày 01/04/2004. Nguyên nhân của sự hồi phục này là nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và một số tổ chức đầu tư trong nước đã góp phần định hướng cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Việc nới rộng tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty cổ phần từ 20% lên 30%, sự xuất hiện của quỹ đầu tư nước ngoài Vietnam Opportunities Fund, PXP Vietnam Fund và sự xuất hiện của Quỹ đầu tư đầu tiên của Việt Nam huy động vốn trong nước – Vietfund Management, đã làm cho nhà đầu tư trong nước kỳ vọng nhiều hơn vào TTCK Việt Nam. Giá cổ phiếu trong giai đoạn này hầu như không có biến động lớn. Chỉ số VN-Index ở

mức 239,29 điểm ngày 31/12/2004, tăng 72,35 điểm so với chỉ số VN-Index ngày 31/12/2003 là 166,94.

Một phần của tài liệu 252100 (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)