Nguồn cung chứng khoán trên thị trường

Một phần của tài liệu 252100 (Trang 33 - 36)

Hàng hóa cung ứng cho TTCK bao gồm cổ phiếu của các công ty cổ phần, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu của chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ Quỹ đầu tư chứng khoán và các tài sản tài chính khác theo quy định.

Tính đến hết năm 2004, trái phiếu vẫn là hàng hóa chủ đạo trên TTCK Việt Nam với giá trị niêm yết chiếm khoảng 93,58% toàn bộ thị trường. Riêng cổ phiếu, mặc dù chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng lại là loại hàng hóa được đại đa số người đầu tư tham gia thị trường quan tâm.

Đến cuối năm 2004, theo Bộ Tài chính, cả nước đã tiến hành cổ phần hóa được 2.307 công ty, với tổng số vốn điều lệ đăng ký trên 22 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 557 công ty cổ phần có vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 2 năm (2003-2004) có lãi, là đối tượng xem xét đăng ký thực hiện niêm yết trên TTGDCK; 667 công ty có vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 1 năm (2004) có lãi, là đối tượng xem xét thực hiện giao dịch qua TTGDCK; 540 công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước trên 51% có thể xem xét, quyết định bán bớt cổ phần Nhà nước. Như vậy, khả năng cung ứng hàng hóa từ các công ty Nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới cho TTCK Việt Nam là rất lớn. Tuy vậy, tính đến cùng thời điểm này, cả nước mới chỉ có 26 công ty niêm yết cổ phiếu trên TTDGCK, trong đó có tới 24 công ty là doanh nghiệp Nhà nước. Cho đến nay, chưa một công ty nào sử dụng TTCK là nơi huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Theo khía cạnh này thì TTCK Việt Nam vẫn chưa đảm nhận được vai trò là nơi cho các công ty trong nước huy động vốn cổ phần thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, mặc dù hy vọng là điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới đây.

Đối với nguồn hàng trái phiếu, tuy khối lượng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng chứng khoán niêm yết, nhưng trên thực tế nguồn hàng này phần lớn còn là tiềm năng chưa niêm yết cũng không nhỏ. Cũng theo Bộ Tài Chính, tính đến nay, khối lượng trái phiếu niêm yết chiếm 207/234 loại, với tổng giá trị trái phiếu niêm yết gần 24.000 tỷ đồng (bằng 93,58% tổng giá trị chứng khoán niêm yết). Tổng giá trị các loại trái phiếu đã phát hành đến cuối năm 2004 là 48.027 tỷ đồng, khối lượng trái phiếu niêm yết giao dịch tại TTGDCK là 20.300 tỷ đồng, chiếm 42,27% tổng dư nợ trái phiếu đã phát hành. Tuy vậy, vẫn còn tới 27.727 tỷ đồng, chiếm 57,73% các loại trái phiếu đã phát hành chưa được niêm yết trên TTGDCK.

Như vậy, đã qua gần 5 năm hoạt động nhưng vẫn có quá ít công ty sẵn lòng hoặc có khả năng đáp ứng các tiêu chí để được niêm yết trên TTCK, hoặc đơn giản không nhận ra sự cần thiết phải làm điều đó. Đối với những công ty thỏa mãn các tiêu chí niêm yết của TTGDCK, sự miễn cưỡng của họ thường xuất phát từ suy nghĩ cho rằng lợi thế và tính hấp dẫn của việc này không đáng kể so với những bất lợi có thể gặp phải. Đặc biệt, mức độ công khai thông tin doanh nghiệp cần thiết để niêm yết trên TTCK được coi là cản trở đối với nhiều công ty ở Việt Nam hiện nay. Vì thế, một TTCK với 26 cổ phiếu niêm yết của những công ty có quy mô vốn chưa phải là lớn không thể đại diện cho nền kinh tế Việt Nam để các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhìn nhận và đánh giá sức khỏe cũng như triển vọng của toàn bộ nền kinh tế nhằm đưa ra các quyết định đầu tư có cơ sở. Tương tự, số lượng chứng khoán niêm yết quá ít ỏi trên thị trường cũng khiến cho các nhà đầu tư trong nước chưa có được nhiều sự lựa chọn để thay thế các khoản tiền gửi ngân hàng theo truyền thống của mình. Các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chưa thực sự là cổ phiếu của những công ty mạnh nhất để thuyết phục nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rằng tiền bạc của họ sẽ

sinh lời thông qua những cổ phiếu đó. Nếu có sự tham gia của các công ty lớn, tiêu biểu cho các ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế thì TTCK Việt Nam mới thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch, năm 2005, Bộ Tài Chính sẽ xây dựng đề án thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Đây là một tổ chức đặc biệt của Nhà nước, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và các luật khác có liên quan. Nhiệm vụ chính của Tổng công ty là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, công ty TNHH có 2 thành viên trở lên, công ty liên doanh và công ty cổ phần được cổ phần hóa và chuyển đổi từ các doanh nghiệp Nhà nước độc lập hoặc mới thành lập.

Sự thay đổi lớn nhất mà Tổng công ty sẽ mang lại là doanh nghiệp thay vì trực thuộc và chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương… sẽ được chuyển về trực thuộc Tổng công ty và chịu sự điều tiết của Tổng công ty. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc Tổng công ty ra đời và thực hiện các chức năng quy định có thể coi là một cuộc “đại phẫu” phần vốn đầu tư của Nhà nước, bởi Tổng công ty sẽ tập trung và sắp xếp lại các khoản đầu tư theo tiêu chí hiệu quả – việc mà từ trước đến nay chưa có cơ quan nào thực hiện.

Ngoài ra, nếu Tổng công ty được thành lập thì Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ được giao quyền thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động của Tổng công ty. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp cổ phần hóa, phân loại những doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả để đưa lên TTCK. Như vậy, cơ hội tăng hàng cho TTCK là rất lớn, bởi việc tăng hàng sẽ chuyển từ thế bị động (phụ thuộc vào doanh nghiệp như hiện nay) sang thế chủ động, tức là trong khả năng của ngưới đứng đầu Tổng công ty. Ngoài ra, bản thân Tổng công ty cũng là một tổ chức đầu tư. Bên cạnh hoạt động

đầu tư trực tiếp, Tổng công ty sẽ tham gia đầu tư trên TTCK thông qua các công cụ như cổ phiếu, trái phiếu, liên kết hoặc ủy thác cho tổ chức tài chính và Quỹ đầu tư. Như vậy, đây cũng là nguồn cầu tiềm năng rất lớn cho TTCK.

Một phần của tài liệu 252100 (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)