Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân

Một phần của tài liệu LỤÂN VĂN: Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long hiện nay pot (Trang 84 - 87)

Muốn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết các tổ chức đảng phải thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân là quy luật tồn tại phát triển của Đảng, là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của Đảng. Quan hệ mật thiết với nhân dân là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng và là một trong những bài học quý báu của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã tổng kết và rút ra: "trong toàn bộ hoạt động của mình Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân" [9, tr. 29] và nhấn mạnh trong điều kiện Đảng cầm quyền phải đặc biệt chăm lo củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, Đảng ta đã khẳng định: "Trong toàn bộ hoạt động của Đảng, phải xuất phát từ lợi ích nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân" [11, tr. 5].

Thực tế các đảng bộ xã ở Vĩnh Long, việc củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân những năm qua có nhiều tiến bộ. Những thành tựu về kinh tế - văn hóa - xã hội đã đạt được của các đảng bộ xã, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Qua đó tăng cường thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng gắn bó. Tuy có những ưu điểm nêu trên, một ít cán bộ, đảng viên đã sa sút về đạo đức và lối sống, còn những hiện tượng quan liêu, xa rời nhân dân làm ảnh hưởng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân về công tác vận động quần chúng, làm ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo của đảng bộ. Để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng cố mối đại đoàn

kết toàn dân, các đảng bộ xã ở Vĩnh Long cần đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hợp lòng dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hút nhân dân tham gia vào các phong trào xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng khu dân cư văn hóa, phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, dân số kế hoạch hóa gia đình, phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào xóa đói giảm nghèo... từng bước xây dựng nông thôn mới, làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ, tham gia các phong trào cách mạng của quần chúng tại cơ sở; từ đó tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Nhân dân Vĩnh Long có truyền thống đoàn kết, lao động cần cù sáng tạo, để phát huy được truyền thống đó, các đảng bộ cần quán triệt sâu sắc quan điểm công tác quần chúng của Đảng và Nhà nước ta, tiếp tục thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội có nội dung giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc, gắn với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, trên cơ sở đó phấn đấu tập hợp rộng rãi lực lượng quần chúng trong lứa tuổi vào các tổ chức thích hợp theo hướng đa dạng hóa tổ chức và nội dung hoạt động thiết thực, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Vận dụng tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước để tác động trực tiếp đến đại đoàn kết dân tộc và quy chế dân chủ trong xã hội. Tạo ra những động lực thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của nhân dân, ủng hộ công cuộc đổi mới của đảng bộ đề ra, tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Tiếp tục đổi mới công tác vận động quần chúng, các đảng bộ xã bằng việc thực thi đầy đủ chức trách của từng tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Cấp ủy bảo đảm

đề ra chủ trương, nghị quyết về công tác vận động quần chúng, bố trí phân công cấp ủy viên, đảng viên trực tiếp thực hiện và kiểm tra, uốn nắn công tác vận động quần chúng tại cơ sở, mọi cán bộ, đảng viên phải làm công tác dân vận theo chức trách của mình.

Chính quyền cơ sở thực hiện đúng và đầy đủ mọi quy định của pháp luật trong quá trình quản lý xã hội, cụ thể hóa và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời xử lý tiêu cực, cửa quyền, thưởng phạt nghiêm minh, thực hiện tốt "quy chế dân chủ ở cơ sở" theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ, nâng cao trình độ năng lực về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ cốt cán, phát triển các phong trào quần chúng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở các tổ chức các đoàn thể tại cơ sở. Phát triển rộng các đoàn thể chính trị - xã hội đủ sức tuyên truyền giáo dục đường lối, chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ của từng giới, giáo dục nhân dân hiểu rõ đủ sức chống lại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; kết hợp chặt chẽ các ngành, đơn vị tại cơ sở, tích cực phòng, chống các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện tốt việc xây dựng xã không có người vi phạm pháp luật.

Phát triển mạnh công tác đoàn thể như các hội nghề nghiệp, từ thiện, nhân đạo... tập hợp quần chúng ở cơ sở vào tổ chức theo hướng đa dạng hóa loại hình, bảo đảm tính tự giác, tự quản, động viên nhân dân tham gia xây dựng quê hương, tham gia sinh hoạt chính trị - xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng.

Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các đảng bộ xã tăng cường kiểm tra, định kỳ sơ, tổng kết phát huy và nhân điển hình để nhân thêm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Từ các phong trào, Mặt trận và các đoàn thể, hội quần chúng hàng tháng, quý cần bầu chọn hội viên, đoàn viên xuất sắc

trong tổ chức mình, giới thiệu tạo nguồn kết nạp Đảng góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh ở cơ sở xã.

Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tăng cường đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường chỉ có thể đem lại kết quả của sự phối hợp hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị ở cơ sở. Vì vậy, đòi hỏi các cấp ủy đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, khắc phục được những thoái hóa, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, xây dựng chính quyền cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội phải đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Qua các hoạt động đó mà tạo mối quan hệ, tạo sự gắn bó giữa quần chúng nhân dân với các đoàn thể quần chúng, tạo điều kiện tốt tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng cố khối đoàn kết dân tộc tại cơ sở.

Một phần của tài liệu LỤÂN VĂN: Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long hiện nay pot (Trang 84 - 87)