2. Thực trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam 1 Mục tiêu của việc CPH các DNNN
2.2.2. Những hạn chế của CPHDNNN
Sau hơn 15 năm thực hiện, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vì nhiều lý do khác nhau, CPH chưa mang lại kết quả như mong muốn. So với yêu cầu đặt ra, tiến độ CPH DNNN còn chậm, DNNN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối còn nhiều, tỷ lệ vốn Nhà nước trong các công ty cổ phần còn lớn, quy mô DNNN chưa lớn, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của DNNN nói chung, Tổng công ty nhà nước nói riêng chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số quy định về sắp xếp, CPH DNNN chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, vướng mắc trong quá trình thực hiện còn chậm được tháo gỡ [30]. Cụ thể như sau:
Tốc độ CPH còn chậm, chưa đảm bảo được chỉ tiêu đề ra. Chẳng hạn, trong 3 năm (2000-2002) cả nước chỉ CPH được 523/1065 doanh nghiệp theo dự kiến, đạt 50% kế hoạch [27]. Tính đến 31/12/2005, cả nước mới CPH được 2.935 DNNN. Số doanh nghiệp được CPH tăng nhiều, nhưng số vốn mới chiếm 12% tổng số vốn trong các DNNN; nếu trừ đi phần vốn Nhà nước còn giữ lại gần 50% trong các doanh nghiệp CPH, thì thực chất tỷ lệ trên chỉ chiếm khoảng 6% [12]. So với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 9 khoá IX thì còn chậm, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Xét về cơ cấu các doanh nghiệp được CPH, việc CPH chưa được thực hiện đều khắp trong tất cả các lĩnh vực. Các doanh nghiệp được CPH chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xây dựng, số lượng doanh nghiệp
được CPH trong các lĩnh vực khác rất ít. Do số lượng doanh nghiệp được CPH không cao, hơn nữa đó chỉ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ: trên 90% công ty cổ phần có vốn Nhà nước dưới 10 tỷ đồng – trong đó khoảng trên 75% có vốn Nhà nước dưới 5 tỷ đồng. Mặt khác, Nhà nước vẫn còn giữ lại một tỷ lệ đáng kể cổ phần của mình trong các công ty cổ phần, nên CPH nhìn chung chưa có tác động đáng kể đến việc cơ cấu lại vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Về cơ bản, chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ được CPH.
Một số doanh nghiệp CPH mới chỉ tập trung vào tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để tăng lợi nhuận, chia cổ tức, trong khi chưa chú trọng đến những vấn đề có ảnh hưởng đến hoạt động lâu dài của doanh nghiệp như: thực hiện đổi mới công nghệ, đầu tư vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh... Chính vì vậy, vẫn còn một số DNNN CPH làm ăn kém hiệu quả, thậm chí còn thua lỗ.
Việc thực hiện chính sách đối với người lao động có những bất cập. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp không đủ kinh phí để giải quyết chính sách cho người lao động, không lo được việc làm cho họ. Trong khi đó, ở một số đơn vị làm ăn có hiệu quả, có phúc lợi để giải quyết chính sách trợ cấp cho người mất việc do sắp xếp thì người lao động lại không muốn nghỉ theo chế độ. Vì thế, tỷ lệ người lao động được giải quyết theo chế độ sau khi DNNN chuyển sang công ty cổ phần vẫn còn rất thấp so với số lượng cần giải quyết.
Công tác tuyên truyền vận động vẫn còn bị xem nhẹ nên chưa tạo ra được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của xã hội đối với chủ trương CPH. Nhận thức về vai trò của CPH còn lệch lạc, phiến diện, đặc biệt là các lãnh đạo trong DNNN cần được CPH. Mặt khác, do bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, nhiều doanh nghiệp không muốn công khai bán cổ phần ra bên ngoài. Vì vậy, số cổ phần bán ra bên ngoài không đáng kể nên thực chất vẫn là CPH khép kín, chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược, chưa thay đổi cơ bản được phương thức quản trị doanh nghiệp. CPH vì thế vẫn chủ yếu nặng về giải quyết chính sách, xử lý tài chính doanh nghiệp, xử lý lao động, chưa phải là mở cửa doanh nghiệp.
Như vậy, với tính chất là một hình thức chuyển đổi sở hữu DNNN chủ yếu, việc CPH chậm đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sắp xếp lại DNNN ở nước ta.
CHƯƠNG III