1. Thực trạng về cạnh tranh và vấn đề thực thi luật cạnh tran hở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
1.1.1. Khái quát tình hình cạnh tranh trên thị trường Việt Nam
Cùng với quá trình đổi mới, cạnh tranh theo pháp luật dần dần được chấp nhận như một động lực phát triển, đảm bảo hiệu quả tiến bộ xã hội. Để thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết công ăn việc làm, Nhà nước từng bước nới lỏng cạnh tranh. Vai trò to lớn của kinh tế tư nhân trong việc tạo ra sự năng động, sáng tạo của nền kinh tế và giải quyết vấn đề lao động thiếu việc làm ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn trong chủ trương đường lối phát triển, trong pháp luật và trên thực tế.
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh tự do bao gồm chủ thể kinh doanh tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh và tự quyết định hoạt động kinh doanh của mình trong khuôn khổ pháp luật quy định. Các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình và hưởng thành quả theo kết quả hoạt động. Hiện nay, cạnh tranh đã hình thành với mức độ khác nhau trong nền kinh tế. Điều này được thể hiện trong tình hình cạnh tranh trên thị trường Việt Nam hiện nay như sau: Môi trường cạnh tranh rộng rãi hình thành chủ yếu trong các ngành sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng thông thường như sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm tiêu dùng, điện tử, dệt may...Trong những ngành này sản phẩm rất phong phú đa dạng. Do không bị hạn chế nên rất nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần tham gia kinh doanh, doanh nghiệp được tự chủ, chủ động phát huy tính sáng tạo và năng động của mình . Kết quả là nhiều doanh nghiệp đã vươn lên, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh, chiếm được và duy trì thị
phần đáng kể trên thị trường trong nước, vươn ra thị trường thế giới với kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh.
Trong một số thị trường khác, cạnh tranh mang tính độc quyền có phạm vi hẹp hơn trong một chừng mực nhất định, nhưng vẫn quyết liệt như: trong lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy, số doanh nghiệp hạn chế hơn, sản phẩm ít đa dạng hơn. Cạnh tranh diễn ra chủ yếu giữa các nhãn mác khác nhau của cùng một loại sản phẩm, mỗi hãng độc quyền sản xuất một mác sản phẩm riêng của mình. Giá cả giữ ở mức cao trong nhiều năm và gần đây có xu hướng giảm xuống khi xuất hiện cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Các nhãn hiệu liên tục đưa ra nhãn mác, kiểu dáng mới để thu hút người tiêu dùng.
Thị trường nước ta hiện nay đang có hiện tượng lạm dụng sức mạnh kinh tế của các doanh nghiệp nước ngoài. Trên thị trường Việt Nam đang diễn ra tự giành giật thị phần quyết liệt giữa các hãng đa quốc gia của nhiều nước có nền kinh tế lớn mạnh như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ….và chúng đang dồn các doanh nghiệp nội địa của chúng ta trước bờ vực của sự phá sản [22].
Kết quả khảo sát thị trường ở Việt Nam đã chứng minh một số dạng hành vi lạm dụng quyền lực thị trường và cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đó là những biểu hiện như: Phá giá độc quyền, giao dịch nhằm mục đích loại trừ đối tác, hạn chế phát triển kỹ thuật công nghệ, đăng ký patent nhằm hạn chế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế chưa bình đẳng. Tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế: giữa DNNN với doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khá phổ biến. Sự bất bình đẳng thể hiện ở chỗ, các DNNN được hưởng nhiều ưu đãi chỉ vì lý do sở hữu chứ không phải vì lý do hiệu quả, trong khi đó kinh tế tư nhân và nước ngoài đều bị hạn chế trong hoạt động.
Hiện nay thị trường nước ta còn có hiện tượng: Quy định về mở chi nhánh, văn phòng đại diện chưa tương thích với Luật Doanh nghiệp về đăng ký hoạt động với quyền chủ động thuộc về người kinh doanh (Văn phòng đại diện không được phép kinh doanh), hạn chế quyền hạn của doanh nghiệp về phân cấp uỷ quyền và nhân sự. Điều này dẫn đến tình trạng khá phổ biến là thị trường trong nước bị chia cắt theo từng vùng: Một số chính quyền địa phương hạn chế doanh nghiệp ở địa phương khác hoạt động kinh doanh tại địa phương mình bằng cách không cho hoặc hạn chế cấp phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Đối với một số bộ ngành cũng xảy ra tình trạng khép kín thị trường hoặc chỉ định đối tác giao dịch cho các đơn vị thuộc quyền quản lý: doanh nghiệp trúng thầu là doanh nghiệp của Bộ có dự án; doanh nhiệp thuộc Bộ chỉ mua hàng hoá của doanh nghiệp trong ngành [16, tr. 80}. Tình trạng này đã hạn chế cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Ngoài một số không nhiều các lĩnh vực cạnh tranh như đã nêu ở trên, tình trạng độc quyền còn tương đối phổ biến trong nền kinh tế.