7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2.1.2. Hiện trạng nuôi trồng hải sản
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để đánh bắt thuỷ hải sản, vùng biển nước ta còn có rất nhiều điều kiện thuận lợi để ngành nuôi trồng thuỷ hải sản phát triển như: Có khoảng 1,5 triệu ha diện tích đầm phá, vịnh kín. Nhiều vùng biển có điều kiện phát triển như Quảng Ninh - Hải Phòng hơn 200.000 ha, khu vực ven biển miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 41.000 ha, khu vực Đông và Tây Nam Bộ có hơn 62.000 ha, vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hoà 20.000 ha…
Nghề nuôi trồng hải sản đã có những bước phát triển khá, tăng nhanh cả về diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng, ở cả 3 vùng nước lợ, mặn và ngọt (sản lượng nuôi trồng đã tăng 16%/năm). Nuôi trồng hải sản đã góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển; Chất lượng và giá trị của sản phẩm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu ngày càng cao, nhất là tôm. Đảm bảo an ninh thực phẩm, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2003, sản lượng nuôi trồng đạt 1,1 triệu tấn, gấp 1,9 lần so với năm 1998.
Về giống loài hải sản để nuôi trồng cũng rất phong phú, chủ yếu là các đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôn Hùm, cá Nục, cá Hồng, cua, ghẹ, Bào ngư, nghêu, rong biển, trồng rong Sụn, nuôi Sứa đỏ, San hô, Ngọc trai…
Từ năm 1986 đến nay, diện tích và sản lượng nuôi trồng hải sản nước lợ, mặn liên tục tăng lên. Các hình thức và chủng loại nuôi trồng cũng trở nên đa dạng hơn (nuôi tôm, cua, cá trong đầm; Trong lồng, bè - đối với một số loại cá đặc sản và tôm Hùm; Nuôi các loại thân mềm như ốc Hương, Vẹm xanh, Tu hài, ngao, v.v...) Phương thức nuôi cũng càng ngày càng hiện đại hơn: Từ quảng canh sang thâm canh và công nghiệp. Do đó, các sản phẩm đạt chất lượng cao hơn và được xuất khẩu rộng rãi hơn thông qua chế biến.
Hiện nay, trước tình trạng nguồn lợi sinh vật đang suy kiệt, ngư dân đã chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thuỷ hải sản ở biển. Việc nuôi trồng đến nay đã đạt kết quả khá tốt. Năm 2005, người dân ven biển tỉnh Phú Yên đầu tư 13.5000 lồng và tỉnh Khánh Hoà đầu tư 21.000 lồng nuôi tôm Hùm. Tôm Hùm trở thành loại hải sản nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, cải thiện đời sống ngư dân ven biển. Năm 2001, tổng số lồng nuôi trên biển là 23.989 chiếc. Trong đó số lồng nuôi tôm Hùm là 19.912 chiếc, nuôi cá biển là 4.077 chiếc. Năm 2004 tổng số lồng bè nuôi tôm, cá trên biển đã tăng đến 38.965 chiếc lồng. Trong đó số lồng nuôi tôm Hùm là 30.115 lồng, nuôi cá là 8.850 lồng. Sản lượng nuôi lồng bè nước mặn năm 2001 chỉ đạt 2.635 tấn, năm 2004 đạt hơn 10.000 tấn.
Hình 3.18: Nuôi tôm hùm ở hòn Ông (quần đảo Nam Du – Kiên Giang) Nguồn: www.vietlinh.com.vn/dbase/VLTTShowContent.asp?ID=8289
Hải sản nuôi trên biển có chất lượng và giá trị hàng hoá cao, thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm nuôi biển rộng mở, được khách hàng thế giới ưa thích. Hiện nay, chúng ta đã sản xuất được giống một số loại như cá Gió, cá Song chấm nâu, cá Sủ chấm (Hồng Mỹ), cá Vược, Bào ngư, ốc Hương, cua… và chuyển giao công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cho nhiều địa phương phát triển sản xuất. Tổng giá trị nuôi thuỷ sản biển (chưa kể giá trị thông qua xuất khẩu) ước đạt 3.700 - 3.800 tỷ đồng tương đương 230 - 240 triệu USD.