7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2.5. Vùng thềm lục địa
Thềm lục địa của Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của lục địa Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa. Nơi nào bờ ngoài rìa của lục địa cách đường cơ sở chưa đến 200 hải lí, thì thềm lục địa được mở rộng ra đến 200 hải lí kể từ đường cơ sở. Nhà nước Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả Tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam.
Các đảo và quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền Việt Nam đều có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Dọc theo bờ biển nước ta hiện nay có hàng nghìn đảo lớn nhỏ, nhưng tập chung nhiều nhất ở vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng (vịnh Bắc Bộ); các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau thuộc vùng biển Tây Nam nước ta (trong vịnh Thái Lan). Có nhiều đảo nằm một mình như đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hoặc cụm đảo Cô Tô, quần đảo Thổ Chu… Nhiều huyện đảo có dân cư khá đông như đảo Phú Quý, huyện đảo Phú Quốc. Cách bờ tương đối xa từ 170 đến 250 hải lí là huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) và huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà). Việc khẳng định chủ quyền của nước ta với các đảo và quần đảo này còn là cơ sở để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.
Để phục vụ phát triển kinh tế biển và giữ vững an ninh chủ quyền trên các vùng biển, đến nay nước ta đã ký kết một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng:
Hiệp định vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia (1982); Thoả thuận khai thác chung vùng chồng lấn thềm lục địa Việt Nam - Malaisia (1992); Hiệp định về phân định ranh giới biển Việt Nam - Thái Lan (1997); Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc (2004) và Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia (2003). Ngoài ra, Việt Nam cũng mở các diễn đàn trao đổi về vấn đề chủ quyền hai quần đảo với Philippin (1995), Trung Quốc (1995) và Malaisia; Tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất khu vực về Biển Đông, triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các bên có liên quan, trong đó có dự án nghiên cứu khoa học biển Việt Nam - Philippin (JOMSRE).
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Khái quát chung về vùng biển Việt Nam, đã nêu bật được các nội dung chính sau: - Vị trí địa lí của Biển Đông và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam: Qua xác định vị trí địa lí, tác giả đã đánh giá về những ảnh hưởng của vị trí địa lí Biển Đông đến tự nhiên và kinh tế - xã hội. Nhìn chung, vùng Biển Đông thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam có một vị trí chiến lược rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và hội nhập quốc tế.
- Đặc điểm của Biển Đông: Phần này đã giải thích tên gọi “Biển Đông”. Xác định diện tích và phạm vi vùng Biển Đông. Và quan trọng nhất, phần này đã trình bày khái quát về các đặc điểm hải văn của vùng Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng. Xác định vùng thềm lục địa với những đặc điểm nổi bật. Qua đó, xác định hệ thống các đảo và quần đảo trong vùng biển nước ta. Các đảo và quần đảo có vai trò rất quan trọng việc xác định chủ quyền biển đảo và cũng rất quan trọng trong các hoạt động kinh tế biển - đảo Việt Nam.
- Các bộ phận hợp thành vùng biển Việt Nam: Theo Công ước Quốc tế về luật biển năm 1982 và luật biên giới quốc gia năm 2003, vùng biển nước ta gồm các bộ phận: Vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc khẳng định chủ quyền vùng biển nước ta có ý nghĩa rất to lớn, tạo nên sự ổn định cho sự phát triển kinh tế biển nước nhà.
CHƯƠNG 3: TÀI NGUYÊN BIỂN VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG