Những hạn chế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 67 - 70)

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, nhưng thực trạng tình hình trong đồng bào dân tộc nhất là ở hai huyện miền núi vẫn còn không ít khó khăn còn phải tiếp tục phấn đấu khắc phục. So với tỷ lệ và mặt bằng số hộ nghèo chung trong toàn tỉnh thì số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn khá cao. Khoảng cách về đời sống giữa người Khmer với người Hoa và người Kinh gia tăng; phản ánh rõ nét nhất là số hộ nghèo còn chiếm khá cao trong các phum, sóc. Nhiều xã tuy đạt kết quả tích cực trong xóa đói giảm nghèo nhưng còn lúng túng trong giải pháp vươn lên khá, giàu. ở những nơi chưa đảm bảo tính bền vững thì tỷ lệ các hộ tái nghèo vẫn còn là một nguy cơ tiềm ẩn.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc còn nhiều lúng túng, ngành nghề chậm phát triển; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… chưa thật sự tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch và tổ chức lại sản xuất.

Số nhà kiên cố, bán kiên cố, số hộ có điện, nước sạch, nhà vệ sinh, phương tiện sinh hoạt, điều kiện thụ hưởng văn hóa tinh thần…tuy có tiến bộ hơn trước, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức thấp. Mặt bằng dân trí còn thấp, còn nhiều người chưa biết chữ phổ thông; kiến thức pháp luật còn hạn chế. Một số tập tục chưa được bài trừ. Tỷ lệ sinh con và trẻ em suy dinh dưỡng còn cao.

Tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên thoát nghèo trong một bộ phận đồng bào dân tộc chưa tốt. Số lượng cán bộ, đảng viên, công chức là người dân tộc Khmer trong các ngành, các cấp vẫn còn ít.

Chương trình dân tộc (Kế hoạch số 18/KH.UB của ủy ban nhân dân tỉnh) đã được tổng kết từ tháng 7/2003. Từ đó đến nay, đa số bà con đều phấn khởi, yên tâm cố gắng sản xuất làm ăn, cải thiện cuộc sống; một số hộ đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư qua Chương trình dân tộc phát huy được tác dụng, hiệu quả thiết thực, góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Kết quả của chương trình này đang được hai huyện miền núi tiếp tục phát huy trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, ở một số nơi, trong số các hộ dân tộc Khmer đã được cấp đất hoặc hỗ trợ vốn chuộc đất sản xuất, hỗ trợ vốn chăn nuôi bò, có một số trường hợp đã lén sang nhượng, cầm cố trở lại; một số hộ tuy còn giữ đất, được hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhưng hiệu quả chưa cao; một số hộ đã bán bò trước thời hạn hoàn vốn cho ngân hàng hoặc bán bò cho người khác rồi nhận nuôi rẻ trở lại…

Huyện Tri Tôn: Trong số 2.678 hộ dân tộc Khmer được cấp 1.571 ha đất sản xuất và 537 hộ được hỗ trợ vốn nuôi 1.134 con bò, đến nay đã có 15 hộ bán 11,66 ha đất, 96 hộ cầm cố 62,31 ha, 57 hộ cho thuê 36,36 ha, 168 hộ đã bán 292 con bò, 20 hộ bán 40 con rồi nhận nuôi rẻ trở lại.

Huyện Tịnh Biên: Trong số 1.092 hộ dân tộc Khmer được cấp 899,99 ha đất sản xuất và 402 hộ được hỗ trợ vốn nuôi 804 con bò, đến nay đã có 02 hộ bỏ đất hoang, 04 hộ bán 1,64 ha đất, 180 hộ cầm cố 73 ha, 110 hộ cho thuê 43,2 ha, 134 hộ bán bò 243 con.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do trình độ dân trí thấp, bà con thiếu kinh nghiệm sản xuất làm ăn; tập quán sản xuất, cơ cấu mùa vụ chưa chuyển đổi nhiều, việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, sản xuất hàng hóa chưa phát triển mạnh, giá cả một số mặt hàng nông sản hàng hóa thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, mức sống của nhân dân và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng núi, vùng dân tộc; một số do ít đất, đất xa nhà hoặc do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên bán đất, cầm đất, bán bò để sử dụng vào việc cưới xin, ma chay, trị bệnh… một số trường hợp lại không chịu khó, chí thú làm ăn, còn nặng tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, của cộng đồng, thiếu phấn đấu tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ở vùng núi, vùng dân tộc đạt hiệu quả chưa cao, chưa có mô hình thật sự hấp dẫn người đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa có bước đột phá. Mặt khác, vùng núi, vùng dân tộc cũng chịu ảnh hưởng nhiều năm liền xảy ra thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại lớn về nhiều mặt.

Nhận thức của các cấp ủy, các ngành và trong một số cán bộ đảng viên về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc chưa sâu sát, chưa toàn diện, lãnh đạo và điều hành chưa đồng bộ. Việc vận dụng và thực hiện chính sách dân tộc có nơi chưa tốt, chưa khơi dậy và phát huy thế mạnh của địa phương, thể hiện ở việc nắm bắt, xử lý thông tin thiếu đầy đủ, kịp thời đối với những vấn đề nảy sinh liên quan đến tâm tư tình cảm và đời sống thực tế của đồng bào dân tộc.

Công tác tuyên truyền vận động chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Một số nơi chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu đánh giá đặc điểm dân tộc chưa đề ra được phương thức và giải pháp vận động tập hợp quần chúng thích hợp.

Hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng dân tộc chưa thật sự sát dân, chưa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào. ý thức chính trị và mức độ đấu tranh tư tưởng trong công tác vận động đồng bào dân tộc chưa nhạy bén, linh hoạt; tham mưu đề xuất chưa kịp thời, tâm lý ngán ngại chờ sự chỉ đạo khá phổ biến. Trong khi đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc còn thiếu và yếu nên việc phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, tập hợp quần chúng vào tổ chức còn ít, chất lượng chưa cao; xây dựng và nắm lực lượng cốt cán chưa chắc.

Bọn xấu và các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng khó khăn về đời sống của đồng bào dân tộc và sai sót của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách dân tộc để mua chuộc, lôi kéo, tuyên truyền xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Trước tình hình đó, các huyện đã đề ra các giải pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng nêu trên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đi đôi với việc tập trung hơn nữa trong việc hướng dẫn, tổ chức bà con sản xuất làm ăn và áp dụng các biện pháp hành chính thích hợp theo quy định hiện hành.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 67 - 70)