Những thành tựu nổi bật

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 59 - 67)

Về kinh tế và đời sống:

Từ những năm 90 trở về trước, vùng đồng bào dân tộc Khmer còn sản xuất độc canh cây lúa (chủ yếu là lúa mùa 1 vụ ruộng trên), năng suất bình quân chỉ đạt 2-3 tấn/ha, sản lượng lương thực bình quân chưa đầy 500kg/người/năm; diện tích đất hoang hóa còn lớn; cơ cấu sản xuất chưa hợp lý; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém; nhiều địa phương ở hai huyện miền núi thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô; tỷ lệ người chưa biết chữ khá cao, thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao còn rất thiếu thốn…

Trong những năm qua Đảng bộ An Giang tập trung lãnh đạo đề ra nhiều giải pháp thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư lồng ghép tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cho đồng bào dân tộc. Đặc biệt, là cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư phát triển nhanh và rộng khắp như: điện, đường, nước sinh hoạt, thủy lợi, chợ trung tâm cụm xã, trạm y tế, trường học... Bộ mặt và đời sống nông thôn không ngừng được cải thiện.

Hầu hết những vùng đất hoang hóa đều được khai thác, phục vụ sản xuất; từng bước sắp xếp lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục ngành nghề truyền thống, giải quyết việc làm, cấp đất, giao rừng, thực hiện nhiều chương trình lồng ghép để xóa đói giảm nghèo.

Nền kinh tế của tỉnh liên tục phát triển, GDP năm 2002 tăng 10,54%, năm 2003 tăng 9,13%, năm 2004 tăng trên 10%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2003: Khu vực I chiếm 37,65%, khu vực II chiếm 12,73% và khu vực III chiếm 49,62%. Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khá tốt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2001 là 9,3% đến năm 2003 giảm còn 4,96%; trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu

số từ 23 - 25% cá biệt có nơi trên 30% năm 2001 đến nay giảm còn khoảng 15%, (hộ dân tộc thiểu số 21.289, hộ nghèo 3.240).

Nông, lâm nghiệp: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của hai huyện miền núi, tỉnh tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân trong vùng, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc. Các trung tâm dịch vụ kỹ thuật đã có nhiều cố gắng trong việc lựa chọn và phổ biến các loại giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu miền núi.

Từ những năm qua, toàn vùng đã thực hiện cải tạo, phát triển hệ thống thủy lợi, đầu tư hàng trăm tỷ đồng phục vụ khai hoang, phục hóa, tăng hệ số sử dụng đất lên gấp đôi, một số nơi lên gấp 3 lần (2 lúa, 1 lúa + 1 màu, 1 lúa + 2 màu). Hệ thống thủy lợi vùng cao đã và đang được xây dựng, trong đó có trạm bơm 3-2 trị giá 76 tỷ đồng để phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở một số xã thuộc huyện Tịnh Biên. Năng suất lúa bình quân của hai huyện đã tăng lên 4,1- 4,5 tấn/ha; sản lượng lúa của huyện Tịnh Biên đạt 145.365 tấn, của huyện Tri Tôn đạt 263.334 tấn/ha (năm 2003).

Nhiều mô hình chuyển dịch bước đầu đạt hiệu quả khá như: lúa Khaodawkmali, nuôi bò trang trại, nuôi tằm ăn lá mì… kết hợp các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm (hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sạ lúa theo hàng, gặt xếp dãy, sấy lúa…). Năm 2004, đàn bò huyện Tịnh Biên có 15.815 con, huyện Tri Tôn có 20.000 con.

Đã giao khoán rừng cho 14.251 hộ dân (trong đó có 5.300 hộ dân tộc Khmer), tạo việc làm cho số lượng lớn lao động (theo mô hình kết hợp lâm -nông - chăn nuôi gia súc, gia cầm), với thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đến 2,2 triệu đồng/hộ/năm, tạo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Tệ phá rừng làm rẫy, lấy củi hầm than đã được khắc phục hoàn toàn. Phong trào toàn dân tham gia phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả cao. Kế hoạch trồng thêm rừng mới đang được tiếp tục thực hiện.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của đồng bào dân tộc chủ yếu có: đá xây dựng, xay xát gạo, đường thốt nốt, nông cụ cầm tay…hai huyện miền núi có trên 4.000 cơ sở, tỉnh và huyện đã hỗ

trợ phục hồi, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà máy gạch Tuy-nen công suất 20 triệu viên/năm (vốn 17 tỷ đồng), 2 xí nghiệp chế biến đá ốp-lát công suất 20.000m3/năm (vốn 18 tỷ đồng), một số xí nghiệp khai thác và chế biến đá…, doanh nghiệp tư nhân đầu tư chế biến hạt điều… góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động là người dân tộc Khmer ở hai huyện miền núi.

Xây dựng và kết cấu hạ tầng: Tính riêng từ 1997 đến năm 2000, tổng kinh phí đầu tư phát triển các công trình thủy lợi lớn, nhỏ gần 100 tỷ đồng (có gần 5,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp) để nạo vét kênh, mương, làm các tuyến đê bao chống lũ, thủy lợi nội đồng, xây cống, làm đập tràn chống úng, tiêu lũ núi… Trung ương còn đầu tư một số công trình lớn như cầu cạn Xuân Tô, đập tràn cao su Trà Sư, Tha La trong hệ thống thoát lũ ra biển Tây…

Hệ thống giao thông nông thôn, đường liên xã, liên huyện phát triển với tốc độ tương đối nhanh. Các tuyến lộ dẫn đến các trung tâm xã đều đã được láng nhựa. Trên 400km đường tỏa về các phum, sóc, các ấp vùng sâu với trên 150 cây cầu, cống được đầu tư bằng vốn ngân sách kết hợp với đóng góp của nhân dân.

Điện lưới quốc gia đã kéo đến tất cả các trung tâm xã vùng núi - dân tộc. Tại Tri Tôn, trên 80% phum, sóc vùng sâu và trên 70% số hộ ở huyện Tịnh Biên đã có điện, nước sinh hoạt.

Tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt trong mùa khô đã được khắc phục phần lớn. Ngoài số nhà máy nước quốc doanh, hai huyện còn có 10 nhà máy nước tư nhân, cùng với hàng ngàn giếng đào, giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Hai huyện đã vận dụng nhiều phương pháp linh hoạt như hợp đồng thuê bao trả chậm để lắp đặt điện kế, thủy kế. Các hộ chính sách được hỗ trợ lắp đặt, riêng các hộ đặc biệt khó khăn được lắp đặt miễn phí. Đối với các hộ dân tộc Khmer nghèo nếu dời ra ở các cụm, tuyến dân cư theo quy hoạch thì được tỉnh hỗ trợ 1 đồng hồ điện + 1 đồng hồ nước/3 hộ; hộ ngưỡng nghèo được cho trả chậm.

Mạng điện thoại đã được nối đến tất cả các trung tâm xã, thị trấn, có 15 điểm bưu điện - văn hóa phục vụ khá tốt nhu cầu thông tin liên lạc, đọc sách báo của nhân dân. Mạng lưới thương nghiệp miền núi - dân tộc được mở rộng, cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất.

Một số khu du lịch trọng điểm đã và đang được tập trung đầu tư xây dựng như Núi Cấm, đồi Tức Dụp, hồ Soài So, Ba Chúc… Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh cũng tham gia đầu tư phát triển một số điểm du lịch sinh thái.

Về văn hóa - xã hội:

Giáo dục, đào tạo: Tất cả các xã thuộc vùng dân tộc miền núi đều có trường tiểu học và trung học cơ sở để thực hiện phổ cập giáo dục. Tỷ lệ con em dân tộc trong độ tuổi được huy động đến trường đạt bình quân gần 62%, được miễn học phí, miễn đóng góp quỹ tu sửa trường lớp. Trường trung học phổ thông dân tộc Khmer nội trú được thành lập từ năm 1992, hàng năm có lưu lượng bình quân từ 550 đến 650 học sinh; nhiều trường phổ thông đã tổ chức dạy song ngữ Việt - Khmer. Chữ Khmer cũng được dạy trong các chùa Khmer. Ngoài số đã tốt nghiệp ra trường và bố trí công tác, hiện đang có trên 400 sinh viên, học sinh dân tộc Khmer đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Riêng Trường Đại học An Giang, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khoảng 2.200 sinh viên, trong đó số sinh viên dân tộc Khmer chiếm gần 2%, được miễn giảm học phí.

Các phòng tre lá, tạm bợ được thay thế hoàn toàn. Tình trạng học 3 ca đã được khắc phục. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm đáng kể. Các huyện miền núi thực hiện đề án đào tạo, hướng nghiệp sư phạm, thu hút giáo viên người Khmer, giáo viên từ nơi khác đến, thực hiện chính sách về nhà ở, cho vay vốn ưu đãi để làm kinh tế gia đình và các chính sách khác đối với giáo viên công tác vùng dân tộc; khuyến khích khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập, rèn luyện…

Cả hai huyện miền núi đã được công nhận chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Số học sinh, sinh viên người dân tộc đi học ngoài tỉnh, ngoài phần học bổng khuyến khích học tập, các em còn được trợ cấp thêm 1 triệu đồng/em/năm.

Năm học 2004-2005, tỉnh đã xét tuyển 23 em dân tộc Khmer vào trường dự bị đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ 15 em. Ngoài ra, còn có 20 em được xét tuyển học lớp y sĩ do Bệnh viện Quân y 121 (QK9) mở, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo (3,5 triệu đồng/học viên), đồng thời tỉnh còn hỗ trợ sinh hoạt phí thêm mỗi em 100.000 đ/tháng thực học.

Y tế: Tất cả 27 trạm y tế xã, thị trấn ở hai huyện miền núi đều có đủ bác sĩ, cán bộ điều dưỡng…(bình quân có 6 cán bộ y tế). Hai bệnh viện tuyến huyện có 140 giường (Tri Tôn 80 giường, Tịnh Biên 60 giường); 3 phòng khám đa khoa khu vực có 70 giường; 100% số ấp có đồng bào dân tộc đều có tổ y tế (Tri Tôn 59 tổ, Tịnh Biên 51 tổ).

Các phòng khám khu vực, các trạm y tế xã được trang bị phương tiện, y cụ khám chữa bệnh khá đầy đủ và thường xuyên được đầu tư nâng cấp. Tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi về đào tạo, bổ sung cán bộ y tế cho các huyện dân tộc - miền núi. Số cán bộ y tế tại hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đạt tỷ lệ bình quân gần 18 cán bộ/1 vạn dân, trong đó có 3,1 bác sĩ. Đồng bào dân tộc đều được miễn giảm viện phí.

Về hoạt động y tế dự phòng khá tốt, mỗi năm tổ chức tẩm mùng bằng hóa chất chống muỗi sốt rét 2 lần; bệnh sốt rét cơ bản đã được đẩy lùi. Tỷ lệ dân sử dụng muối i-ốt ở Tri Tôn là 93%, ở Tịnh Biên gần 100%.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sinh sản được đẩy mạnh và đạt kết quả khá tốt. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở hai huyện miền núi giảm còn 1,7%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi trong đồng bào dân tộc giảm còn 30%.

Văn hóa thông tin, thể dục thể thao: Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đông đảo bà con dân tộc hưởng ứng tích cực. Nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi. Việc lãng phí tiền của, thời gian, công sức cho lễ hội, cưới xin, ma chay… giảm đáng kể.

Hai huyện miền núi đều có nhà văn hóa trung tâm. Nhiều xã đã có nhà văn hóa. Tất cả các trung tâm xã đều có hệ thống trạm truyền thanh (có dây và không dây) để tuyên truyền và phát triển các ngành nghề truyền thống trong đồng bào dân tộc Khmer và cũng đã tiếp âm tốt các chương trình phát thanh tiếng Khmer của đài phát thanh, truyền hình tỉnh, nhằm chuyển tải mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như những chủ trương, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc đạt kết quả tốt.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phủ sóng phát thanh truyền hình tỉnh đã xây dựng một trạm tiếp sóng truyền hình tại đồi Tức Dụp (Tri Tôn) và đang chuẩn bị lắp dựng thêm trạm tiếp sóng Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tại đỉnh Núi Cấm. Sóng truyền hình được phủ đến khoảng 70% địa bàn miền núi, các đài truyền thanh đều có chương trình phát tiếng Khmer hàng ngày. Hàng năm, chương trình mục tiêu quốc gia về phát thanh truyền hình đã cấp nhiều tivi, radio về hai huyện miền núi cho đồng bào nghèo trong vùng.

Hầu hết các xã, thị trấn miền núi đều có đội văn nghệ quần chúng, các đội bóng đá, bóng chuyền nông dân, thường xuyên hoạt động các lễ hội, giao lưu, hội diễn… các giải thể thao, liên hoan văn nghệ dành cho nông dân dân tộc Khmer được tổ chức đều đặn hàng năm. Ngày hội văn hóa (lễ Đolta) cổ truyền của đồng bào khmer tỉnh An Giang vào cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thay phiên nhau tổ chức ngày hội đua bò truyền thống vùng Bảy Núi, một loại hình thể thao văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, đã thu hút đông đảo bà con trong vùng.

Nhìn chung, phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đông đảo bà con dân tộc hưởng ứng tích cực. Trong những năm gần đây nhận thức của bà con có nâng lên một bước mới, tự nguyện di dời về khu tái định cư, tách chuồng bò ra khỏi nhà, tham gia xây dựng gia đình văn hóa mới. Trên 9.000 hộ dân tộc Khmer được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, trên 50 ấp đồng bào Khmer được công nhận ấp văn hóa. Bên cạnh đó, còn tạo cho đồng bào nghĩ cách làm và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, cùng đồng bào người Kinh tham gia khá tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng phong trào tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp.

Tôn giáo - tín ngưỡng: Các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc được nhân dân và chính quyền sở tại tôn trọng, đi liền với việc xây dựng và nâng cao nhận thức đúng đắn nhằm đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa. Nhu cầu sửa chữa, xây dựng lại chùa chiền của đồng bào, sư sãi được mặt trận, các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ, thực hiện đúng theo quy định hiện hành; hầu hết các chùa Khmer đã được trùng tu, sửa chữa

bằng nguồn đóng góp của bà con và một phần hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Đặc biệt, năm 2001 tỉnh đã xuất ngân sách 200 triệu để tu sửa các chùa có công với cách mạng và chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Cấp ủy, chính quyền cùng mặt trận, đoàn thể đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhà chùa, sư sãi người Khmer, thường xuyên tổ chức đi thăm, chúc mừng tặng quà cho các nhà chùa vào các dịp lễ hội, tết Chol Chnăm-Thmây, Đolta… Ngoài ra, tổ chức thông tin đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và Nghị quyết Trung ương 7, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tác động đến nhận thức của các vị sư sãi, nên nhiều vị đã tích cực tham gia hỗ trợ vận động bà con Khmer hưởng ứng thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ở khu dân cư. Tận dụng lợi thế đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng kết hợp với nhà chùa sư sãi lồng ghép nhằm tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, là điểm trình diễn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, phổ biến kiến thức nuôi con khỏe, phòng chống trẻ em suy dinh dưỡng, các dịch bệnh cho đồng bào dân tộc Khmer.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 59 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)