Về kinh tế, văn hóa, xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 32 - 38)

Trong nhiều năm qua An Giang đã dồn sức tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chủ yếu là sản xuất lương thực, thủy sản, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp: Giáo dục, Y tế, đường nông thôn, điện nông thôn, chợ nông thôn, nước sinh hoạt nông thôn…tuy còn nhiều khó khăn nhưng đời sống nhân dân từng bước được ổn định và có nâng lên, bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc có những đổi mới.

Đối với khu vực hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn là vùng trọng điểm được ưu tiên đầu tư để phát triển sản xuất cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội. Vì đây là vùng căn cứ kháng chiến, vùng biên giới - dân tộc -miền núi và đây cũng là vùng nghèo nhất của tỉnh. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và các ngành các cấp trong tỉnh An Giang luôn xem việc đầu tư, ưu tiên giải quyết chính sách để tạo điều kiện

cho đồng bào ở hai huyện này phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nhất là đối với vùng đồng bào Khmer đó là trách nhiệm và tình cảm của các cấp lãnh đạo. Vì vậy mà tỷ lệ vốn đầu tư cho khu vực này chiếm tỷ lệ cao hơn các nơi khác.

Riêng về vốn ngân sách Trung ương và tỉnh từ năm 1991 đến 2000 đã đầu tư qua các chương trình, dự án phát triển giao thông, điện, nước sinh hoạt, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm xá, chương trình hỗ trợ đồng bào đặc biệt khó khăn (2,38 tỷ), trợ giá chính sách các mặt hàng miền núi (3,4 tỷ đồng), bao gồm các mặt hàng như: lúa giống, khoai mì, phân hóa học, dầu thắp sáng, muối i-ốt, thuốc chữa bệnh và tập vở học sinh.

Hỗ trợ nhà ở, tính riêng từ 1998 đến 2000, đã cất 1.306 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 910 căn nhà cho gia đình chính sách (đã giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho các gia đình chính sách), với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng (ngân sách + vận động).

Là một tỉnh đồng bằng nhưng An Giang cũng có diện tích là đồi núi (chiếm gần 3% so tổng diện tích của tỉnh), chủ yếu ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, rừng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Do chiến tranh tàn phá, những năm đầu sau giải phóng, hầu hết các đồi núi đều trơ trọc. Thực hiện Chương trình 327 và Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, tập trung chủ yếu cho trồng rừng phòng hộ An Giang đã tạo cho trên 7.000 hộ dân có việc làm, trong đó riêng đồng bào Khmer là 3.140 hộ. Nhờ có chương trình này mà mỗi hộ thu nhập hàng năm từ 1,5 đến 2 triệu đồng, đặc biệt trong số đó có những hộ trước đây chuyên sống bằng nghề phá rừng làm củi, đốt than nay họ đã chuyển sang nhận khoán trồng rừng và cuộc sống đã ổn định. Đến đầu năm 1996, diện tích lâm nghiệp toàn tỉnh là 19.800 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 7.136 ha. Đến cuối năm 1998, do chuyển một phần đất lâm nghiệp sang trồng các loại cây màu công nghiệp nên diện tích đất lâm nghiệp còn lại 18.249 ha.

Thời kỳ 1996 - 2000, tỉnh đã phủ xanh 8.000 ha đồi trọc thuộc vùng rừng phòng hộ đầu nguồn theo Chương trình 327/CT và khôi phục 3.500 ha rừng tràm, hình thành vùng rừng sinh thái. Cho đến nay tổng diện tích rừng đồi núi, đồng bằng

và biên giới của tỉnh đã có 10.283 ha, góp phần cải thiện môi trường, môi sinh trong vùng, chống xói mòn, sạt lở và quy tụ dần động vật hoang dã. Hiện nay có 2.000 ha rừng đã khép tán, mở ra triển vọng du lịch trong vùng.

Ngoài vốn ngân sách đầu tư, tỉnh cũng quan tâm giải quyết vốn tín dụng giúp bà con phát triển sản xuất; từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm đầu tư cho vay nuôi bò, sản xuất tiểu thủ công nghiệp; vốn xóa đói giảm nghèo…

Ngoài ra, tỉnh quan tâm theo dõi giúp đỡ cứu trợ kịp thời bà con gặp thiên tai, khó khăn. Riêng năm 1997 ngân hàng đã cho vay 20,9 tỷ đồng cho 11.131 lượt hộ đồng bào Khmer vay vốn sản xuất. Tuy nhiên, vì đây là vùng đồng bào dân tộc đời sống còn nhiều khó khăn, vùng núi đất đai bị bạc màu, vùng trũng thì bị phèn nặng, do đó điều kiện sản xuất khó khăn, khổ cực hơn những vùng khác, nhất là đất ruộng trên và rẫy.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng nâng dần tỷ lệ khu vực II và khu vực III trong tổng cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh về dịch vụ, làm cơ sở thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh hơn, thay đổi nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cơ cấu kinh tế toàn tỉnh giai đoạn 1996 - 2000 có bước chuyển dịch như sau: Khu vực I (là khu vực bước đầu phát triển) giảm dần tỷ lệ từ 48% (1995) còn 44,4% (2000), khu vực II (là khu vực tạm ổn định) tỷ lệ ổn định ở mức khoảng 13% trong suốt thời kỳ, khu vực III (là khu vực đặc biệt khó khăn) tăng nhanh từ 34,48% (1995) lên 42,6% (2000).

Theo số liệu thống kê trong 20.210 hộ đồng bào Khmer được phân loại cụ thể: hộ giàu 1.890 hộ, chiếm 9,35%; hộ khá 3.074 chiếm 15,21%; hộ trung bình 10.964 chiếm 54,25% ; hộ nghèo 4.282 chiếm 22,19% (tiêu chuẩn hộ nghèo là thu nhập dưới 100.000đ/người/tháng ở xã và thu nhập dưới 120.000 đồng/người/tháng ở thị trấn và phường).

Có 12.369 hộ, chiếm 61,2% hộ có đất sản xuất và 7.841 hộ chiếm 38,8% hộ không có đất sản xuất, chủ yếu chăn nuôi, nấu đường thốt nốt, làm các nghề khác và làm thuê (trong tổng số hộ có 586 hộ thuộc diện gia đình chính sách).

Do cư trú ở những vùng có điều kiện địa lý - tự nhiên khó khăn nên hoạt động chủ yếu của đồng bào Khmer là sản xuất nông nghiệp: Trồng lúa và nuôi bò, nhưng còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, trình độ thâm canh còn hạn chế. Đặc biệt hơn trong chiến tranh Tây Nam ta di dời bà con về Minh Hải, Sóc Trăng… khi chiến tranh kết thúc đồng bào lại quay về quê cũ, song đời sống vô cùng khó khăn cơ cực, nhà cửa không còn và mấy năm đầu là phải thường xuyên cứu đói. Đến nay đời sống tuy đã ổn định, song so với mặt bằng chung trong toàn tỉnh vùng này vẫn là vùng nghèo, cần phải được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn.

Với điều kiện cộng đồng dân cư cùng chung sống đoàn kết, hòa thuận và tương trợ lẫn nhau. Qua nhiều thế kỷ chung sống trong đại gia đình dân tộc Việt Nam sát cánh cùng nhau đồng cam cộng khổ trong chiến tranh, xây đắp và hưởng thụ thành quả của công cuộc xây dựng quê hương đã làm cho hai nền văn hóa Kinh - Khmer giao thoa lẫn nhau để cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nền văn hóa trên cơ sở Phật giáo Tiểu thừa mà chùa đóng vai trò như một trung tâm. Những tập quán dân tộc vẫn đang là cái nền rất cơ bản của đời sống văn hóa dân tộc của bà con Khmer trong tỉnh. Thêm vào đó là sự phát triển chung của xã hội, sự nâng lên của đời sống vật chất tất cả các mặt trên đã tác động sâu sắc đến cuộc sống tinh thần, văn hóa của người dân Khmer, trình độ văn hóa của người dân có bước phát triển khá. Tất cả các vùng đồng bào Khmer đều có trường học.

Nhiều năm qua, tỉnh đã đầu tư phát triển nhanh sự nghiệp giáo dục cho đồng bào Khmer, số lượng trường, lớp và sĩ số học sinh các cấp học phổ thông đều tăng, công tác xóa mù chữ, phổ cập tiểu học đang được đẩy mạnh. Tỉnh có 2 trường nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông dành cho con em đồng bào Khmer.

Năm 1998, toàn tỉnh có 12.925 học sinh, gồm tiểu học 11.428 em; trung học cơ sở 1.198 em, trung học phổ thông 299 em; sinh viên đại học và chuyên nghiệp 66. Tuy nhiên, số đồng bào biết chữ phổ thông, nhất là người lớn tuổi tỷ lệ còn ít, số trẻ em trong độ tuổi đến trường còn thấp. Thực trạng hiện nay là phần lớn thanh thiếu niên biết tiếng và chữ Việt nhưng những người lớn tuổi phần nhiều lại hiểu rất ít về tiếng và chưa biết về chữ Việt, số này lại là trụ cột trong gia đình, từ đó trẻ em cũng được sinh hoạt hàng ngày bằng tiếng Khmer. Do vậy, trong giai đoạn đầu đến

trường tiểu học, đa số các em tiếp thu chậm hơn các bạn học cùng lớp nên hiện tượng lưu ban, bỏ học thường có tỷ lệ cao ở các trường vùng dân tộc Khmer. Đó là khó khăn cơ bản nhất đối với công tác giáo dục cho đồng bào dân tộc Khmer.

Về văn hóa dân tộc được chính quyền, mặt trận và các cấp ủy quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để bà con được tổ chức các ngày lễ, ngày tết theo đúng phong tục truyền thống với nội dung vui tươi lành mạnh. Các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ từng bước, đời sống văn hóa mới ở địa bàn dân cư đang hình thành và phát triển.

Các thiết chế văn hóa, thể thao trong vùng dân tộc được tập trung phát triển nhanh. Trong các xã tập trung người dân tộc, kết hợp các nguồn vốn của nhiều ngành của tỉnh, huyện đã hình thành các bưu điện văn hóa, các tụ điểm hoạt động văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền. Tại các nơi này đồng bào cả Kinh lẫn Khmer đều đến sinh hoạt tương đối thường xuyên.

Ngoài ra tỉnh đã cấp cho các huyện này trên 80 ti vi, trong số đó các chùa đều được ưu tiên phân phối, hiện tại 100% chùa đều có hệ thống truyền thanh, đồng thời cũng đã cấp không 2000 radio cho các tụ điểm văn hóa, chùa và một số gia đình đồng bào dân tộc, đã cấp 244 bộ phim tài liệu, phim truyện trong nước lẫn nước ngoài đã được lồng tiếng Khmer do các đội chiếu bóng lưu động thường xuyên hoạt động được đồng bào rất hoan nghênh. Bên cạnh đó, các khu di tích lịch sử và cách mạng, các chùa được công nhận di tích văn hóa (tập trung rất nhiều ở địa bàn này) được tôn tạo đã hóa vào các thiết chế văn hóa ở cơ sở phục vụ cho bà con cũng là niềm tự hào và là cơ sở giáo dục về truyền thống cách mạng, về tình đoàn kết keo sơn giữa đồng bào Kinh và Khmer.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ được biểu hiện tập trung trong các lễ hội dân tộc được cả hệ thống chính trị kết hợp với các chùa tổ chức chu đáo, mang bản sắc dân tộc đã lôi cuốn hầu hết mọi người tham gia, như: Chol Chnăm -Thmây và Dolta là các lễ lớn. Trong dịp này ngoài các loại hình hoạt động văn hóa văn nghệ do tỉnh, huyện tổ chức phục vụ còn có các hoạt động thể dục thể thao, các cuộc vui chơi theo truyền thống dân tộc, đặc biệt việc đua bò được hưởng ứng nồng nhiệt.

Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, từng bước giáo dục vận động phong trào nếp sống vệ sinh, văn minh hòa vào việc thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư”, với kết quả bước đầu đáng khích lệ, đã có 7.664 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 43,3% so với tổng số hộ và 16 ấp toàn người dân tộc được công nhận là ấp văn hóa.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc được đầu tư và triển khai thực hiện đạt kết quả khá hơn trước, nhất là công tác phòng bệnh, chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng và trẻ em uống sabin, vitaminA, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em… Đặc biệt việc thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình được chị em đồng bào Khmer hưởng ứng ngày càng nhiều. Hàng năm, tỉnh, huyện phối hợp tổ chức nhiều đợt khám và phát thuốc điều trị bệnh phụ khoa cho chị em phụ nữ dân tộc. Số xã vùng dân tộc có trạm y tế là 27, có 3 bác sĩ, 14 y sĩ, 34 y tá, 6 hộ sinh, 5 dược sĩ là người Khmer. Tỷ lệ tăng dân số: 2,1% (Tịnh biên), 2,3% (Tri Tôn) và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng: 31,32% (Tịnh Biên), 28,18% (Tri Tôn), số người thực hiện kế hoạch hóa gia đình: 2.082 (Tịnh Biên), 5.681 (Tri Tôn) đang có xu hướng phát triển tích cực được đông đảo đồng bào hưởng ứng. Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, trình độ dân trí thấp, còn nhiều tập tục cũ phải tiếp tục đấu tranh, giáo dục như: ngủ không mùng, để bò sống chung trong nhà, trị bệnh bằng cúng bái…

Phật giáo Tiểu thừa với trung tâm là nhà chùa và sư sãi có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn quyết định phần lớn cuộc sống văn hóa tinh thần.

Chùa Khmer chăm lo cuộc sống cho bà con trong phum, sóc bằng nhiều cách: tổ chức các lớp học dạy chữ cho đồng bào phật tử, giúp đỡ cho con người có được điều kiện cần thiết nhất để tiếp cận với cuộc sống, với xã hội và ngay cả với khoa học, để có trình độ để nhận biết khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Cùng với việc dạy chữ, nhà chùa còn tập trung dạy đạo lý, tri thức làm người giúp cho nhân dân trong phum, sóc có được cái tâm làm người, đúng đạo lý để vững bước trong con đường ăn, ở nơi trần thế.

Mặc dù tính cộng đồng và lòng tin rất lớn vào đạo Phật thông qua sư sãi và nhà chùa, làm cho lòng tin vào các đạo khác khó xâm nhập vào bà con. Nhưng hiện tại một số tôn giáo với ý đồ không tốt mà ta đã phát hiện, đang dùng cạm bẫy vật chất để đánh đổ lòng tin của bà con về mặt tín ngưỡng. Đây là một biện pháp nguy hiểm mà thời gian qua nổi lên là đạo Tin lành (đạo Tin lành có ý đồ phục hồi lại chi hội Chi Lăng -Tịnh Biên (Tuyên uý) để đủ 6 chi hội thành lập Ban đại diện, xin lại cơ sở vật chất (Thành phố Long Xuyên) dùng tiền, vật chất như việc cất nhà tình thương để phát triển tín đồ (Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Long Xuyên, Tân Châu và An Phú), xây giếng nước cho đồng bào dân tộc (Tri Tôn). Đặc biệt là dùng tiền mua chuộc người dân tộc Khmer ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên sang Campuchia truyền đạo và huấn luyện (do Mỹ huấn luyện), cấp kinh sách về Việt Nam truyền đạo, tập trung phát triển tín đồ là Việt kiều sống ở Campuchia dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia vào đạo. Tuy nhiên, do ta luôn cảnh giác nên đã được ngăn chặn kịp thời, chúng thực hiện ý đồ chưa có hiệu quả, chưa lôi kéo được bà con.

Nhu cầu sửa chữa, xây dựng lại chùa chiền của đồng bào, sư sãi được mặt trận, các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ, thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Hiện có 63 chùa: 19 chùa phái Thamadút, 44 chùa phái Malamikai (Khmer An Giang có 2 hệ thống phái đạo: Thamadút và Malamikai) có gần 800 sư sãi (thường biến động do xuất ra, tu vào) cũng như hoạt động của nhà chùa đều chấp hành đúng chủ trương, chính sách và pháp luật. Phần đông sư sãi hiện nay đều tham gia lao động sản xuất và tham gia các công tác xã hội như tham gia Mặt trận, tham gia làm thủy lợi. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Vào các dịp lễ hội, lễ Tết cổ truyền của người dân tộc Khmer, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đều tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các chùa, hộ chính sách, hộ nghèo người Khmer tạo mối quan hệ tốt với đồng bào dân tộc. Cấp ủy và chính quyền, mặt trận các cấp luôn quan hệ với các sư sãi và vận động họ, coi đây là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của địa phương vì nắm được sư sãi là nắm được dân.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 32 - 38)