Về chính trị tư tưởng, công tác quần chúng và xây dựng Đảng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 38 - 42)

Đồng bào khmer An Giang có truyền thống cách mạng, trong các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Mối quan hệ giữa đồng bào Khmer và đồng bào Kinh luôn mật thiết, gắn bó. Qua công tác giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ và đồng bào Khmer làm cho bà con hiểu rõ hơn đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia lao động sản xuất, chăm lo cuộc sống, tham gia xây dựng làng, xã, quê hương. Đồng thời, cũng đã kịp thời đấu tranh với bọn thù địch lợi dụng vấn đề lịch sử để chia rẽ, kích động gây hận thù.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng tình hình an ninh, chính trị trong vùng đồng bào dân tộc cần phải được thường xuyên quan tâm, chú ý vì đây là vùng biên giới, bọn địch, kẻ xấu dễ xâm nhập, hơn nữa việc nghe, xem đài truyền hình Phnôm-Pênh cũng khá rõ ràng, nên những vấn đề xảy ra trên đất Campuchia tác động rất nhạy cảm với bà con.

Mặt khác, tuy ta tăng cường công tác giáo dục, quản lý hành chính, quản lý biên giới, nhưng vẫn còn nhiều người dân tộc lén sang Campuchia. Qua đấu tranh của ta, đã có một số người khi trở về đã tự thú là có tham gia với các Đảng chính trị phản động ở Campuchia. Vì vậy, cần phải tiếp tục giáo dục ý thức tự giác ngộ chính trị cho bà con và phải tăng cường hơn nữa công tác giữ gìn an ninh chính trị, thực hiện tốt quy chế qua lại biên giới.

Đảng bộ An Giang xác định công tác quần chúng trong bà con Khmer trước hết là chăm lo giúp đỡ, để bà con đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thường xuyên quan tâm giải quyết kịp thời những lợi ích và nguyện vọng chính đáng của bà con. Vì vậy mà uy tín của mặt trận, chính quyền, các cấp ủy ngày càng được nâng lên, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân được gắn bó hơn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng trong đồng bào Khmer được chú ý hơn, tỉnh đã tổ chức được một số khóa học về chính trị, y tế ngay tại vùng dân tộc để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ dân tộc, tạo điều kiện cho các đối tượng được tham dự rộng rãi và đầy đủ hơn. Hiện nay, trong toàn tỉnh có trên 1000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên người dân tộc Khmer. Riêng đảng viên có 209 người, có 5 đồng chí là cấp ủy viên huyện, đoàn viên 671 người.

Nhìn chung, hệ thống chính trị ở vùng dân tộc đã phát huy được vai trò và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, ở 2 huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer nhưng số cán bộ Khmer ở cơ sở cũng như ở cấp huyện còn rất ít. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng đối với đồng bào Khmer gặp không ít khó khăn, do bất đồng ngôn ngữ. Khi tìm nguồn cán bộ Khmer bổ sung vào một số cơ quan cần thiết thì đa số có trình độ văn hóa thấp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không cao.

Để khắc phục tình trạng trên, hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đều tổ chức dạy tiếng Khmer cho cán bộ cấp huyện, xã; và chọn số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông gửi đi đào tạo tiếp tục ngành, nghề (kinh phí huyện) để trong vài năm tới bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Trong những năm từ 1996 - 2000 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quan tâm chỉ đạo của ủy ban nhân dân, sự hỗ trợ của các đoàn thể, công tác dân tộc ở vùng đồng bào Khmer được triển khai thực hiện thiết thực, cụ thể hơn. Phong trào xóa đói, giảm nghèo phát triển sâu rộng, động viên được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, đã giúp cho nhiều hộ vượt qua đói nghèo, một số vươn lên khá giả.

Tình hình sản xuất và sinh hoạt, học hành, khám và chữa bệnh, đi lại của bà con đồng bào Khmer trong tỉnh có nhiều thuận lợi hơn trước. Đại đa số đồng bào Khmer nơi đây đã chấp hành tốt chủ trương, chính sách, tích cực ra sức lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Từ việc sản xuất theo lối tự cung, tự cấp, dựa vào thiên nhiên là chủ yếu, nay đồng bào Khmer đã biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất hai vụ…Vì vậy, những năm gần đây xét trên tổng thể đa phần đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer được cải thiện. Đời sống kinh tế và mức hưởng thụ văn hóa vùng dân tộc Khmer có mặt được nâng lên.

Tình trạng hộ đói triền miên không còn, số hộ nghèo giảm dần. Tỷ lệ hộ được xem phim ảnh, truyền hình, nghe radio bằng hai thứ tiếng ngày càng nhiều. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư từ Chương trình 135 và các Chương trình lồng ghép khác góp phần cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt chung trong cộng đồng.

Những lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Khmer được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện tổ chức, nên luôn được phát huy nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam bộ.

Mặc dù, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp quan tâm giúp đỡ bà con dân tộc nhưng do ảnh hưởng của sản xuất theo phương thức lạc hậu, trình độ nhận thức thấp, tập tục lạc hậu còn nặng, thiếu nhạy bén (bảo thủ, tiếp thu những hướng dẫn kỹ thuật canh tác yếu) trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên kinh tế gia đình của đại đa số các hộ không được cải thiện. Việc mở rộng trong quan hệ làm ăn với bên ngoài phum, sóc với các địa phương khác còn rất hạn chế, chỉ biết bám vào ruộng đất để kiếm sống là chính. Vì vậy, cuộc sống còn nghèo, thiếu thốn thường xuyên cả về vật chất lẫn tinh thần, ít hiểu biết về pháp luật nên dễ bị kích động lôi kéo. Một trong những âm mưu đó là, lợi dụng các vấn đề dân tộc, nhân quyền và tôn giáo; đặc biệt là tập trung vào chủ đề xuyên tạc lịch sử vùng đất Tây Nam bộ, kích động tư tưởng ly khai, thù hằn, chia rẽ giữa các dân tộc, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị trong từng phum, sóc.

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh tế của người Khmer trước hết phải có sự thay đổi nhận thức trong cách tổ chức, tính toán đầu tư. Sản phẩm tạo ra phải thật sự là hàng hóa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì thế, phải xác lập một chiến lược kinh tế nhằm định hướng cho hàng loạt các giải pháp tiếp theo dựa trên các mặt mạnh, mặt yếu của hoạt động kinh tế ở vùng dân tộc Khmer. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc để “thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến”.

Chương 2

Quá trình thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở An Giang (2001 - 2004)

2.1.Chính sách của Đảng và quá trình chỉ đạo thực hiện của Đảng bộ An Giang về chính sách dân tộc

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng bộ tỉnh An Giang lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer (1996 - 2004) pptx (Trang 38 - 42)