Theo PLCT Hoa Kì (cụ thể là Đạo luật Sherman) thì việc chiếm độc quyền thương mại trong mọi trường hợp đều là bất hợp pháp và đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi sự tập hợp hoặc âm mưu hạn chế tự do thương mại, trong đó có hành vi sáp nhập hay hợp nhất các doanh nghiệp [29]. Điều 1 Đạo luật Sherman 1890 [41] của Mỹ quy định: “ mọi thoả thuận hợp tác với mục đích độc quyền hoá hay một mưu đồ nhằm hạn chế thương mại giữa các tiểu bang, hay với nước ngoài,… bị tuyên bố là bất hợp pháp”. Toà án tối cao Mỹ từng áp dụng quy định này một cách máy móc qua việc cấm tất cả các thoả thuận hạn chế
thương mại, bất kể hạn chế đó có hợp lý hay không. Tuy nhiên, toà án này cũng nhanh chóng nhận ra rằng Đạo luật Sherman không áp dụng đối với các thoả thuận nhằm thúc đẩy kinh doanh hợp pháp, không có mục đích hạn chế thương mại giữa các tiểu bang mặc dù chúng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến thương mại. Quan điểm này được chính thức thừa nhận vào năm 1911 qua việc lần đầu tiên khẳng định áp dụng nguyên tắc lập luận hợp lý trong án lệ Standard Oil và American Tobacco [30]. Luật Sherman không cấm trở thành nhà độc quyền hoặc thậm chí là ứng xử như nhà độc quyền bằng cách tăng giá hoặc giảm sản lượng. Thay vì đó, hành vi bị cấm là hành vi sử dụng các biện pháp không lành mạnh để đạt được hoặc duy trì độc quyền chủ yếu bằng cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh có hiệu quả.
Tại quốc gia này các hành vi HCCT thường phải được xem xét trên nguyên tắc lập luận hợp lý, tức nó phải được đưa vào phân tích một cách toàn diện trên cơ sở bối cảnh kinh tế cụ thể. Lúc này tất cả các ảnh hưởng khuyến khích cạnh tranh cũng như các ảnh hưởng HCCT của một hành vi HCCT sẽ (và phải) được phân tích, đánh giá chi tiết, kĩ lưỡng nhằm xác định xem HCCT đó về bản chất có tác dụng khuyến khích cạnh tranh hay thực sự ngăn cản cạnh tranh. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời và minh bạch, TATC Mỹ đã khẳng định, nếu một TTHCCT thoả mãn hai điều kiện: (i) có các ảnh hưởng nghiêm trọng đến cạnh tranh và (ii) không có các tác dụng thúc đẩy cạnh tranh để bù lại, tức không có sự biện minh hợp lý về tính hiệu quả của hành vi, thì thoả thuận đó mặc nhiên vi phạm PLCT mà không cần phải tiến hành các phân tích toàn diện theo nguyên tắc lập luận hợp lý. Điều này khắc phục được nhược điểm của nguyên tắc này là bởi vì để xác định được đâu là một HCCT đã là khó, thì việc phân tích các khía cạnh kinh tế của một TTHCCT lại càng khó hơn. Các phân tích kinh tế như vậy thường rất phức tạp, lại kéo dài mà nhiều lúc không đem lại kết quả. Hơn nữa việc quy định hai điều kiện để một TTHCCT được coi là mặc nhiên vi phạm PLCT còn tạo nên niềm tin cho các doanh nghiệp, các thương nhân vì nhờ thế mà họ có thể kiểm soát được các thoả thuận của chính họ có xu hướng HCCT liệu có vi phạm PLCT hay không.
Qua việc nghiên cứu chung về “nguyên tắc lập luận hợp lý” có thể thấy bản thân các TTHCCT nếu có trong một hợp đồng NQTM không phải lúc nào cũng xấu và không mặc nhiên vi phạm PLCT. Vì điều dễ thấy rằng các thỏa thuận kiểu này là biểu hiện của việc các bên tự bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh trên thương trường và chúng mang lại những hiệu quả nhất định cho nền kinh tế. Bởi thế, những TTHCCT này hoàn toàn có thể được chấp nhận trong một giới hạn nhất định nếu tại giới hạn đó chúng không làm hạn chế một cách nghiêm trọng khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng khuyến khích cạnh tranh của một TTHCCT mà ảnh hưởng khuyến khích cạnh tranh có phần lớn hơn thì thoả thuận đó không được coi là vi phạm PLCT.
Trong án lệ Sylvania [39], Toà án tối cao Mỹ đã xem xét một quy định trong hợp đồng NQTM cấm BNhQ bán sản phẩm của BNQ ngoài khu vực đã thống nhất trước có phải là một hạn chế thương mại bất hợp lý vi phạm PLCT (Điều 1 Đạo luật Sherman 1890) hay không. Vụ kiện này xảy ra giữa hai bên là Công ty Continental T.V và Công ty GTE Sylvania. Tại vụ kiện này BNhQ đã viện vào quy định trong hợp đồng NQTM là BNQ cấm BNhQ bán sản phẩm của BNQ ngoài vị trí khu vực đã thống nhất trong hợp đồng NQTM là một quy định vi phạm PLCT để không thực thi hợp đồng.
Toà án này cho rằng, những HCCT như vậy làm giảm cạnh tranh đối với một thương hiệu nhất định của một loại sản phẩm (trong án lệ này chính là làm giảm cạnh tranh giữa các BNhQ từ Sylvania – BNQ), nhưng trên thực tế quy định này lại có thể thúc đẩy cạnh tranh giữa các thương hiệu khác nhau của cùng một loại sản phẩm hay giữa các sản phẩm tương tự có khả năng thay thế nhau (chính là thúc đẩy cạnh tranh giữa các BNQ với nhau, tức là giữa Sylvania và các đối thủ của nó). Mà điều này nếu đem so sánh giữa lợi ích khuyến khích cạnh tranh và ảnh hưởng HCCT và nếu coi sự cạnh tranh giữa các BNhQ trong một thương hiệu là không quan trọng bằng sự cạnh tranh giữa các thương hiệu sản phẩm với nhau (tức theo nguyên tắc lập luận hợp lý) thì sẽ là không vi phạm PLCT.
Theo nguyên tắc lập luận hợp lý thì những HCCT dạng BNhQ được độc quyền phân phối trên một khu vực địa lý nhất định giúp cho BNhQ mới có thể tạo chỗ đứng cho mình trên thương trường (nếu không có sự bảo đảm rằng bản thân BNhQ sẽ được độc quyền trên một khu vực nhất định, rất có thể tại một khu vực mà có quá nhiều cửa hàng nhận quyền của BNQ thì khả năng việc kinh doanh của BNhQ tiến triển là không cao,…), hay cũng nhờ có những TTHCCT này mà BNQ mới có thể duy trì và phát triển hoạt động NQTM của mình, qua đó góp phần thúc đẩy cạnh tranh giữa các BNQ của một loại sản phẩm. Điều này khiến cho nhìn về tổng thể thì giá trị khuyến khích cạnh tranh lớn hơn ảnh hưởng HCCT giữa các BNhQ của một thương hiệu nhất định, bởi thế nên chúng sẽ không vi phạm PLCT.
Thực tế là các TTHCCT theo chiều dọc (thoả thuận giữa các tác nhân kinh tế nằm ở vị trí khác nhau trong một chu trình sản xuất hoặc lưu thông) [19], không liên quan đến giá đã được TATC Mỹ phán quyết là không thể bị coi là vi phạm mặc nhiên, mà phải được xem xét trên nguyên tắc lập luận hợp lý. Minh chứng cho điều này chính là vụ Sylvania ( Continental TV v. GTE Sylvania 1977) đã trình bày.
Vậy qua nghiên cứu, tham khảo PLCT của Mỹ và Liên minh Châu Âu, nhận thấy hiện nay các nước này áp dụng rộng rãi “nguyên tắc hợp lý” (the rule of reason). Nguyên tắc này được coi là kim chỉ nam của Luật chống độc quyền Mỹ và cũng được áp dụng rộng rãi ở Liên minh Châu Âu. Cơ sở để áp dụng nguyên tắc này là dựa trên sự cân nhắc hợp lý giữa hiệu quả cạnh tranh và HCCT dưới góc độ kinh tế, theo đó một TTHCCT có thể đem lại hệ quả hạn chế thương mại hoặc không. Do đó, về nguyên tắc, một thoả thuận như vậy không bị cấm, nó chỉ bị cấm khi nó HCCT một cách đáng kể mà không có một lợi ích kinh tế nào quan trọng hơn có thể biện minh cho hành vi đó. Hay nói cách khác, Luật cạnh tranh không ngăn cản hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lớn mà chỉ ngăn cấm các doanh nghiệp đó lạm dụng quyền lực thị trường của mình một cách bất bình đẳng [26]. Xét ở góc độ hiệu quả kinh tế, lợi ích công và một số lợi ích khác như các TTHCCT trong một số trường hợp nhất định lại có tác
dụng tiết kiệm chi phí, nguồn lực, tăng cường hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao hơn, khắc phục khủng hoảng nhằm chuyên môn hoá hoặc hợp lý hoá các quy trình công nghệ. Vì vậy, pháp luật về chống HCCT của một số nước đều đặt ra những ngoại lệ, những trường hợp miễn trừ đối với một số TTHCCT nhất định.
2. Thực trạng pháp luật về nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật Cạnh tranh ở Việt Nam