Đương sự trong vụ án ly hôn

Một phần của tài liệu Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố Huế từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2011 (Trang 48 - 52)

5. Cơ cấu đề tài

1.4.3 Đương sự trong vụ án ly hôn

Trong hoạt động tố tụng dân sự, đương sự là thành phần không thể thiếu, họ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với vụ án. Đương sự được hiểu là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Các đương sự trong vụ án ly hôn gồm có: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với vụ án ly hôn. Trong vụ án ly hôn việc đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định sẽ giúp Tòa án giải quyết công việc một cách dễ dàng hơn, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên.

Trong thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại TAND thành phố Huế cũng như các TAND trên cả nước đã gặp phải một số vướng mắc trong vấn đề đương sự.

Trước hết, đó là vấn đề một trong các bên đương sự là người đại diện cho vợ (chồng) trong vụ án ly hôn khi vợ (chồng) bị mắc bệnh tâm thần, không có hành vi dân sự, cụ thể là bố (mẹ) của vợ (chồng). Thực tế cho thấy có nhiều người khi kết hôn là người có sức khỏe, năng lực hành vi đầy đủ nhưng trong thời kỳ hôn nhân, do bị tai nạn lao động, hoặc tai nạn trong sinh hoạt hoặc bị mắc các chứng bệnh khác khiến cho họ trở thành người bị bệnh tâm thần, mất

năng lực hành vi mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Có nhiều trường hợp, vợ (chồng) của người bị mắc bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi đó đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nhưng cũng có nhiều trường hợp cha hoặc mẹ của người bị bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự đã chủ động khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn để “giải phóng” cho bị đơn đi lấy vợ (chồng).

Đối với trường hợp này, có Tòa án đã thụ lý vụ án sau khi nguyên đơn cung cấp đầy đủ tài liệu như: bản sao bệnh án của người mắc bệnh tâm thần, xác nhận của cơ quan y tế về tình trạng sức khỏe của người mắc bệnh tâm thần… Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ. Nhưng Tòa án đã gặp lúng túng về thủ tục tố tụng dân sự bởi vì lý do sau:

- Một là, quyền ly hôn là quyền nhân thân của con người, việc ly hôn hay không là do chính người vợ (chồng) quyết định

- Hai là, tại khoản 3 Điều 73 BLTTDS 2004 có quy định là “…Đối với việc ly hôn đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt tham gia tố tụng”.

Trong trường hợp này, đã có nhiều cách giải quyết từ phía Tòa án, có Tòa án, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã giải thích cho nguyên đơn để nguyên đơn tự nguyện rút đơn, có Tòa án , thẩm phán đã đưa vụ kiện ra xét xử với kết quả là: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì không thỏa mản các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật HN&GĐ 2000. Nhưng ở đây, tuy đưa vụ án ra xét xử nhưng thật sự thẩm phán không yên tâm về việc chấp nhận người đại diện của người mắc bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi tham gia tố tụng để giải quyết ly hôn. Vậy có nên chấp nhận người đại diện đối với người mắc bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự tham gia để giải quyết ly hôn không? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là đối với những người có trách nhiệm trong việc

thực thi, bảo vệ pháp luật, tuy nhiên pháp luật chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh khó khăn, vướng mắc đã đề cập ở trên, một vướng mắc nữa mà chúng ta cần quan tâm và tìm ra hướng giải quyết đó là vấn đề bỏ sót đương sự trong vụ án ly hôn.

Đương sự trong vụ án ly hôn là người vợ, người chồng hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gửi đơn yêu cầu đến Tòa án nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm hại. Và sự tham gia đầy đủ của các đương sự sẽ đảm bảo sự khách quan của vụ án giúp cho vụ án được giải quyết một cách chính xác, hợp tình, hợp lý đối với các bên đương sự, vì thế sự tham gia đầy đủ các đương sự trong vụ án ly hôn đóng vai trò rất quan trọng khi Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án. Tuy nhiên, trong hoạt động xét xử tình trạng bỏ sót đương sự vẫn diễn ra khá nhiều, đặc biệt là việc Tòa án xét xử vụ án mà không có sự tham gia đầy đủ của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trước hết, đó là vấn đề đương sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Thực tế hiện nay cho thấy, khi con cái kết hôn với nhau, cha mẹ thường “cho” con đất làm nhà ở, giúp con bước đầu ổn định, xây dựng mái ấm gia đình mới, tuy nhiên việc chuyển nhượng này lại không lập thành văn bản mà thường là nói bằng miệng. Và đến khi cuộc sống vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, không thể sống chung với nhau được nữa và quyết định ly hôn. Trong khi giải quyết ly hôn các bên có nhu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong đó có cả phần đất mà bố mẹ “cho” trước đây, và bên vợ (chồng) có bố mẹ của mình cho đất thì lại nói là bố mẹ “cho mượn” phải trả lại hoặc bố mẹ cho rằng đất này chỉ cho riêng con đẻ của mình. Trong quá trình Tòa án điều tra, xác minh để thu thập tài liệu, chứng cứ về mảnh đất đó lại gặp khó khăn khi mà các bên nguyên đơn không cung cấp được các tài liệu liên

quan đến mảnh đất để chứng minh mảnh đất đó là đất “cho” nên xác định đó là tài sản chung. Khi Tòa án mở phiên tòa xét xử lại không triệu tập cha, mẹ của các bên hoặc có triệu tập nhưng với tư cách là người làm chứng cho quan hệ hôn nhân vợ chồng để làm căn cứ ly hôn chứ không phải với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đến khi phiên tòa khép lại, bản án có hiệu lực pháp luật thì cha, mẹ của một trong hai bên vợ chồng lại khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thực tế khi xảy ra vấn đề này đã gây ra nhiều tốn kém, mất thời gian và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên.

Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn trong những năm qua tại Tòa án vấn đề bỏ sót đương sự không chỉ dừng đối với trường hợp nêu trên mà một vướng mắc Tòa án gặp phải nữa là là trường hợp giải quyết các vụ án ly hôn mà các bên đương sự không xác định được tài sản mình nợ hoặc vợ, chồng có ý định cố tình che giấu, vì thế đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các chủ nợ khi mà hôn nhân của vợ chồng (con nợ) chấm dứt. Tòa án trước khi đưa vụ án ly hôn ra xét xử phải xác minh, điều tra để thu thập chứng cứ trong một thời gian dài bởi vì đương sự không khai hoặc cố tình che dấu và khai thiếu, khiến cho nhiều vụ án bị tồn đọng. Nếu Tòa án chưa điều tra, thu tập chứng cứ đầy đủ mà đư vụ án ra xét xử thì sẽ gặp khó khăn trong việc gửi giấp triệu tập đến những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (chủ nợ) do các đương sự không nói hoặc có nói về chủ nợ nhưng Tòa án không xác định được địa chỉ hoặc chủ nợ không có ở nơi cư trú (đi làm ăn xa, học tập, công tác xa…) mà không có người thân. Và thực tế xảy ra trường hợp, khi bản án có hiệu lực pháp luật thì chủ nợ lại trở về và nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho họ. Vấn đề này đã gây bức xúc cho cơ quan có thẩm quyền khi tham gia xét xử vụ án và được quần chúng đặc biệt quan tâm.

Tóm lại, trên đây là những vấn đề vướng mắc mà TAND thành phố Huế nói riêng và các TAND trên cả nước nói chung thường gặp phải trong quá trình xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn. Việc xác định và tìm ra những bất cập và vướng mắc này giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng có cách giải quyết hợp tình, hợp lý trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản mới để khắc phục những vướng mắc và thiếu sót trên. Góp phần hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong lĩnh vực HN&GĐ tiến tới xây dựng quan hệ hôn nhân gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

CHƯƠNG 2

YÊU CẦU VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ SƠ THẨM CÁC VỤ ÁN

LY HÔN

Một phần của tài liệu Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố Huế từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2011 (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w