Vấn đề cấp dưỡng

Một phần của tài liệu Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố Huế từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2011 (Trang 37 - 41)

5. Cơ cấu đề tài

1.3.3.Vấn đề cấp dưỡng

Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng là một trong những quyền và nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân của vợ chồng, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh từ kết hôn được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện quan hệ cấp dưỡng giữa vợ và chồng, kể cả trường hợp vợ chồng ly hôn. Vấn đề cấp dưỡng khi ly hôn có từ lâu đời trong lịch sử loài người, đây là một chế định pháp lý quan trọng trong luật pháp về HN&GĐ nước ta và vấn đề này ngày càng được sự chú ý của cộng đồng và người dân. Bởi lẽ, việc cấp dưỡng

nhằm đảm bảo người được cấp dưỡng hưởng được sự quan tâm, chăm sóc về vật chất và tinh thần, đảm bảo cho người cấp dưỡng đủ điều kiện tồn tại và phát triển.

Khi quan hệ hôn nhân chấm dứt theo nguyên tắc, quan hệ nhân thân giữa vợ chồng cũng chấm dứt nhưng những quan hệ tài sản trong đó có quan hệ cấp dưỡng giữa vợ chồng không hẳn đã chấm dứt. Khi một bên vợ hoặc chồng gặp khó khăn túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì người vợ hoặc chồng củ có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của họ, điều đó hoàn toàn phù hợp với truyền thống của người Việt Nam “vợ chồng một ngày nên nghĩa”. Bên cạnh đó, khi vợ chồng ly hôn người con không thể cùng một lúc nhận được sự chăm sóc nuôi dưỡng của cả cha và mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, để giải quyết vấn đề cấp dưỡng đặc biệt là vấn đề cấp dưỡng của vợ chồng giành cho con cái còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Đó là vấn đề quy định người nuôi dưỡng trong vụ án ly hôn, đây là vấn đề rất quan trọng, bởi vì: Khi cha mẹ ly hôn, người bị tổn thương nhiều nhất vẫn là đứa con, nhất là khi con đang ở lứa tuổi chưa thành niên _ lứa tuổi cần sự chăm sóc của cả cha và mẹ để có thể phát triển toàn diện.

Về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con sau khi ly hôn có thể được các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau và được Tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. Người không trực tiếp nuôi dưỡng con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Nếu hai bên không thể tự thỏa thuận với nhau, Tòa án sẽ xem xét giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng.

Cụ thể hóa nguyên tắc nêu trên, tại khoản 2 Điều 92 Luật HN&GĐ 2000 quy định “ vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Theo công văn số 62/2002/KHXH, TANDTC cũng hướng dẫn việc thực hiện khoản 2 Điều 92 Luật HN&GĐ 2000, việc hỏi ý kiến con chỉ đặt ra trong trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được việc giao con cho ai nuôi. Vì vậy trong thực tiễn áp dụng pháp luật, các Tòa án vận dụng các quy định này không giống nhau.

Thực tiễn cho thấy, việc xem xét ý kiến, nguyện vọng của con và coi đó là một trong những cơ sở để Tòa án việc giao con cho ai nuôi là cần thiết xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn. Bởi vì, khi cha mẹ ly hôn, con cái mất đi một điểm tựa quan trong nhất đó là mái ấm gia đình, việc hỏi ý kiến là để các em nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Trong thực tiễn, khi giải quyết các vụ án ly hôn nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện khả năng thực tế của mỗi bên để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng thì áp dụng hướng dẫn quy định tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật HN&GĐ năm 2000. Theo đó, khi áp dụng Điều 92 thì người không có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng cho hợp lý. Về phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức

cấp dưỡng định kỳ hàng tháng”. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết một số điều Luật HN&GĐ 2000 cũng quy định rõ chế định cấp dưỡng tại chương III trong các trường hợp cụ thể, theo khoản 2 Điều 6 của Nghị định: “ Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương, nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm chi phí cần thiết cho ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để đảm bảo cuộc sống của người được cấp dưỡng….”Có thể nói việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con của mình sinh ra.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp sau khi ly hôn, vấn đề cấp dưỡng chưa đảm bảo quyền lợi của con, chưa nói đến trường hợp khoản tiền cấp dưỡng sau khi ly hôn là “nợ khó đòi” đối với một số trường hợp người cha, mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng lại vô trách nhiệm, không tự nguyện, tự giác..

Quy định của Tòa án về mức cấp dưỡng là căn cứ vào mức thu nhập, giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án. Tuy nhiên khi ly hôn, hầu hết con ở tuổi rất nhỏ có trường hợp phải 13,14 năm sau mới đủ 18 tuổi, mức cấp dưỡng lại “bất di, bất dịch” trong khi đó, thị trường lại biến động, giá cả leo thang, chưa kể những trường hợp có nghĩa vụ cấp dưỡng lại cố tình không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, điều này gây khó khăn rất lớn cho người trực tiếp nuôi dưỡng con đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp.

Do các quy định về cấp dưỡng còn chung chung, chưa có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng về nuôi con sau khi ly hôn đã làm cho Tòa án khi xét xử chỉ còn biết căn cứ vào điều kiện thực tế cụ thể của từng trường hợp. Nhưng cũng chính vì lý do đó mức cấp dưỡng mỗi nơi mỗi vẻ, mặt khác việc thiếu chế tài cứng rắn hơn để ràng buộc những người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình, cũng như các cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phải có nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan tư pháp thực hiện cũng là một cản trở không nhỏ biến cấp dưỡng nuôi con trở thành món nợ khó đòi. Điều

này đã làm giảm đi hiệu quả pháp luật khiến bản án, quyết định của Tòa án không được thực thi một cách đầy đủ, đúng đắn trên thực tế.

Ngoài quy định về nuôi và cấp dưỡng nuôi con, Luật HN&GĐ còn có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn ( Điều 60 Luật HN&GĐ 2000). Tuy nhiên khác với việc cấp dưỡng nuôi con, cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn được quy định chặt chẽ, người được cấp dưỡng phải là người có khó khăn, túng thiếu và bản thân họ có yêu cầu và yêu cầu đó phải có lý do chính đáng. Thế nhưng, trên thực tế điều luật này ít được thực hiện vì lý do đương sự không biết có quy định như vậy hoặc biết, có yêu cầu nhưng bên kia chỉ đồng ý cấp dưỡng nuôi con. Đây cũng là một điều luật khó thực hiện vì thiếu chế tài ràng buộc.

Như vậy, cấp dưỡng là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vụ án ly hôn. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng vấn đề này vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Vì vậy đòi hỏi phải có những quy định rõ ràng, cụ thể kèm theo những chế tài hợp lý nhằm đảm báo quyền lợi cho người cấp dưỡng cũng như giảm bớt gánh nặng cho người trực tiếp nuôi con trong vụ án ly hôn.

Một phần của tài liệu Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố Huế từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2011 (Trang 37 - 41)