Áp dụng căn cứ ly hôn

Một phần của tài liệu Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố Huế từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2011 (Trang 25 - 31)

5. Cơ cấu đề tài

1.3.1 Áp dụng căn cứ ly hôn

Trong xã hội có giai cấp, hôn nhân là hiện tượng xã hội mang tính giai cấp. Trong từng giai đoạn phát triển lịch sử, ở mỗi chế độ xã hội khác nhau, giai cấp thống trị đều thông qua Nhà nước, bằng pháp luật (hay tục lệ) quy định chế độ hôn nhân phù hợp với ý chí của Nhà nước. Tức là nhà nước bằng pháp luật quy định trong những điều kiện nào thì cho phép xác lập quan hệ vợ chồng, đồng thời xác định trong những điều kiện, căn cứ nhất định mới được phép xóa bỏ (chấm dứt) quan hệ hôn nhân. Đó chính là căn cứ ly hôn được quy định trong pháp luật Nhà nước.

Theo định nghĩa được trích trong cuốn giải nghĩa của Nguyễn Thế Giai thì căn cứ ly hôn là những tình tiết hay điều kiện được quy định trong pháp luật và chỉ khi có những tình tiết hay điều kiện đó, Tòa án mới xử cho ly hôn.

Pháp luật Việt Nam cho phép mọi công dân có quyền tự do dân chủ bao gồm quyền tự do “kết hôn” và tự do “ly hôn”, được quy định tại Điều 39, Điều 42 BLDS 2005 nhưng quyền tự do kết hôn và tự do ly hôn phải được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước, phải căn cứ vào luật HN&GĐ:

Theo khoản 8 Điều 8 Luật HN&GĐ 2000 quy định “ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của cả hai vợ chồng”, việc ly hôn phải dựa vào căn cứ cho phép ly hôn mà pháp luật quy định.

Hệ thống pháp luật HN&GĐ của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay đã quy định căn cứ ly hôn ngày càng hoàn thiện, phù hợp, là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết các án ly hôn.

Nội dung căn cứ ly hôn được quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật HN&GĐ 2000: “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn

Theo tinh thần của điều luật thì khi vợ hay chồng hay cả hai vợ chồng có yêu cầu ly hôn, sau khi thụ lý vụ kiện, Tòa án phải tiến hành điều tra và hòa giải, nếu hòa giải không thành và xét thấy giữa vợ và chồng đã có mâu thuẫn sâu sắc, tình cảm yêu thương của vợ, chồng không còn nữa, mục đích hôn nhân không đạt được, Tòa án mới giải quyết cho ly hôn. Tuy nhiên đây chỉ là quy định mang tính lý luận, thực tế gặp nhiều khó khăn và phức tạp khi áp dụng.

Để áp dụng giải quyết đúng đắn, hợp lý trước hết cần phải hiểu, quan hệ vợ chồng ở vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” là giữa vợ chồng đã có nhiều lục đục, mâu thuẫn sâu sắc đến mức vợ, chồng không thể dung hòa, tình cảm vợ, chồng không thể hàn gắn được, tình trạng đó ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các thành viên trong gia đình không thể nào sống bình thường được. Và khi quan hệ vợ chồng không tồn tại nữa, sự tan võ hôn nhân và ly tán gia đình là điều không thể tránh khỏi, vì thế không thể hiểu đơn giản “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” chỉ là biểu hiện tình yêu giữa vợ chồng không còn nữa, bởi vì khi nói đến tình yêu trong quan hệ vợ chồng còn hay hết là chỉ nói đến quan hệ tình cảm có tính chất riêng tư của vợ chồng mà chưa thấy hết mọi mặt khác trong đời sống vợ chồng nói riêng và đời sống gia đình nói chung.

Khi có yêu cầu ly hôn thì đương sự đưa ra nhiều lý do vì vậy khi xem xét đánh giá “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” cần phải đặt thực trạng đời sống vợ chồng trong tổng thể mối quan hệ, và như vậy, khi

giải quyết ly hôn, Tòa án mà cụ thể là người thẩm phán không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận sự hiện hữu của tình trạng đó biểu hiện như thế nào mà còn cần phải thẩm tra, xem xét lợi ích của vợ chồng, của con cái, của gia đình và xã hội trong quan hệ hôn nhân đó như thế nào. Phải nắm được tính hiện thực của thực trạng đó cũng như tính tất yếu của nó với tư cách là hệ quả của quan hệ vợ chồng, giữa các thành viên trong gia đình. Có cách nhìn toàn diện như vậy thì việc xét xử, giải quyết ly hôn mới mang lại kết quả cao, chính xác góp phần thúc đẩy quan hệ HN&GĐ phát triển phù hợp với đạo đức XHCN, phù hợp với lợi ích toàn xã hội.

Tại nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẩn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ 2000 đã nêu rõ:

8.a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Tòa án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, như: Người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như: thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.

- Vợ, chồng không chung thủy với nhau, như: có quan hệ ngoại tình, đã được người chồng hoặc người vợ hay bà con thân thích của họ, hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có hành vi ngoại tình.

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1. mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẩn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung không thể kéo dài được”.

Khi quan hệ vợ chồng đã đến mức “trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” thì thường dẩn đến hậu quả làm cho “mục đích hôn nhân không đạt được”. Mục đích của hôn nhân chế độ XHCN là nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững ( Điều 1 Luật HN&GĐ 2000)

Mặc dầu có những hướng dẫn cụ thể, song khi đánh giá mức độ “trầm trọng” của vợ, chồng là việc không đơn giản vì đây là lĩnh vực thuộc tình cảm riêng tư của vợ chồng. Hạnh phúc của vợ chồng không đơn giản chỉ là tình yêu giữa vợ chồng với nhau mà gồm nhiều mặt khác trong đời sống vợ chồng nói riêng và đời sống gia đình nói chung. Vì vậy khi giải quyết, Tòa án không chỉ dựa vào nguyên nhân mà đương sự đưa ra mà từ nguyên nhân đó Tòa án phải tiến hành điều tra, xác minh để xác định và kết luận về tình trạng thực tế của quan hệ hôn nhân đó như thế nào, nếu quan hệ vợ chồng không thể kéo dài được vì mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn.

Thẩm phán có quyền cho phép ly hôn hay không cho phép ly hôn dựa trên cơ sở pháp lý nêu trên và trên cơ sở đánh giá mức độ hợp lý, hợp tình biểu hiện ở thực tế, lý do của đương sự trình bày với căn cứ ly hôn mà pháp luật đã quy định. Thẩm phán có quyền bác đơn xin ly hôn nếu thấy lý do không có căn cứ và việc ly hôn đó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống sau này của vợ chồng hoặc con cái. Vấn đề đặt ra là người trực tiếp giải quyết cho ly hôn phải phân tích chính xác, khách quan,

toàn diện, có khoa học và hợp lý yêu cầu ly hôn để chấp nhận cho ly hôn hay bác đơn yêu cầu ly hôn. Trong khi Luật HN&GĐ 2000 không có điều luật nào quy định về căn cứ để “bác đơn yêu cầu ly hôn”. Đây thực sự là khó khăn vướng mắc của Tòa án khi thụ lý, giải quyết các vụ án ly hôn.

- Xin đơn cử một vụ án như sau:

Anh Nguyễn Văn B và chị Lê Thị T kết hôn hợp pháp năm 2003. Cuộc sống gia đình hạnh phúc được 2 năm thì phát sinh mâu thuẫn do tính tình không hợp, anh B có quan hệ ngoại tình với chị H nên thường xuyên gây gổ và có lời lẽ xúc phạm, đánh đập chị T, anh B không quan tâm đến cuộc sống gia đình nữa. Vì vậy, ngày 20/5/2009 chị T đã có đơn gữi đến TAND thành phố Huế xin ly hôn anh B với lý do là do mâu thuẫn vợ chồng, tính tình không hợp.

Tại phiên hòa giải, Tòa án nhận thấy lý do chị T đưa ra là không rõ ràng, anh B đã trình bày lý do anh xúc phạm, đánh đập chị T là do chị T không sống tốt với anh và gia đình, vì chị T tự ý bỏ nhà đi. Nay anh B nhận ra sai lầm của mình và muốn sửa chữa để hàn gắn lại quan hệ gia đình chứ không muốn ly hôn, anh vẫn còn yêu thương chị T, nhưng chị T vẫn một mực đòi ly hôn nên TAND thành phố Huế đã ra quyết định hòa giải không thành và đưa vụ án ra xét xử.

Tại bản án số 41/2009/HNGĐ-ST ngày 23 tháng 9 năm 2009 Hội đồng xét xử TAND thành phố Huế đã: Áp dụng khoản 1 Điều 89 Luật HN&GĐ 2000 xử bác đơn yêu cầu xin ly hôn của chị H đối với anh T.

Ngày 12/10/2009, chị T đã có đơn kháng cáo gửi lên TAND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu xem xét cho chị được ly hôn với anh B với ly do hạnh phúc không còn, mâu thuẫn về quan điểm sống, hay xung đột nhau trong đời sống gia đình.

Qua quá trình thu thập, xác minh lại chứng cứ và đối chiếu với nội dung vụ án, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận định mâu thuẫn vợ chồng xãy ra

chỉ là do hiểu lầm nhau, chưa đến mức trầm trọng nên TAND tỉnh Thừa Thiên Huế khi xét xử phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND thành phố Huế.

Như vậy trong trường hợp này do chị T không đưa ra được các chứng cứ để chứng minh mâu thuẫn vợ, chồng “đã đến mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, trong khi đó anh T vẫn yêu thương chị và việc ghen tuông chị chỉ do hiểu lầm. Chính vì vậy, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 89 Luật HN&GĐ 2000 và mục 8 NQ số 02/2000/HĐTP ngày 23/12/2009 của Hội đồng thẩm phán TANDTC xử bác đơn yêu cầu ly hôn của chị T đối với anh B là đúng pháp luật, thấu tình đạt lý.

Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại TAND thành phố Huế trong những năm qua cho thấy nguyên nhân dẫn đến “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” là rất đa dạng, phức tạp.

Thực tế có nhiều nguyên nhân mà mỗi đương sự khi đến trình bày tại Tòa án là không hề giống nhau, mỗi vụ án mỗi nguyên nhân. Bên cạnh những nguyên nhân đã được bọc lộ ra ngoài qua sự trình bày của đương sự thì vẫn còn những nguyên nhân ẩn dấu bên trong mà các đương sự không muốn đề cập hoặc cố tình che dấu. Theo thống kê tại TAND thành phố Huế thường nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ án ly hôn là tình trạng mâu thuẫn kéo dài, vợ chồng không còn tình cảm với nhau, đó là sự bất đồng quan điểm sống đối với các vấn đề phát sinh trong đời sống chung, hai bên thiếu sự thông cảm, tôn trọng lẫn nhau dẫn đến hệ quả phát sinh là tính tình không hợp và không còn yêu thương nhau nữa. Trong khi, quan hệ HN&GĐ phải được tạo lập và xây dựng trên cơ sở tình yêu thương chân thật và sự tự nguyện của vợ chồng mới có được hạnh phúc gia đình và quan hệ hôn nhân bền vững. Khi những yếu tố không còn thì ly hôn là kết quả tất yếu.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: ngoại tình, không chung thủy,bị đánh đập, ngược đãi, vợ chồng xa cách lâu năm, bệnh tật, không có con hoặc không sinh được con trai, nguyên nhân kinh tế…cũng là nguyên nhân hay xảy ra trong các vụ án ly hôn.

Qua đó cho thấy rằng, biểu hiện của sự mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài là rất đa dạng, đòi hỏi việc giải quyết và đánh giá phải thận trọng, chính xác.

Trên thực tế, có một số vụ án ly hôn, thẩm phán chưa thật sự phân biệt được căn cứ ly hôn với nguyên nhân ly hôn hoặc động cơ ly hôn nên đã dựa vào nguyên nhân ly hôn hay động cơ ly hôn để giải quyết vụ án, điều này dẫn đến tình trạng cho ly hôn theo “lỗi” của đương sự tức là làm trái với quy định của pháp luật. Việc không dựa vào căn cứ ly hôn mà dựa vào nguyên nhân ly hôn hay động cơ ly hôn sẽ không nhận định được thực tế của quan hệ hôn nhân để đưa ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Điều này còn dẫn đến hệ quả có những vụ án không đến mức phải ly hôn thì Tòa án cho ly hôn, ngược lại, những vụ án mà quan hệ vợ chồng đã đến mức mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nFhân không đạt được và ly hôn chính là giải thoát cho vợ chồng thì Tòa án lại hòa giải, chỉ ra “lỗi” của vợ, chồng và họ tưởng là mình có lỗi nên đã nhận lỗi và về đoàn tụ nhưng chỉ trong thời gian ngắn (1 hoặc 2, 3 tháng) sau lại nộp đơn yêu cầu ly xin hôn.

Như vậy, mặc dầu có những quy định của pháp luật cụ thể cho việc áp dụng căn cứ ly hôn nhưng thực tế, để nhìn nhận, đánh giá, giải quyết vấn đề này cho hợp tình, hợp lý là không hề đơn giản, hiệu quả của việc áp dụng giải quyết các vụ án ly hôn còn phụ thuộc vào năng lực của thẩm phán trong việc điều tra, xác minh, đánh giá thực trạng hôn nhân của vợ chồng để đưa ra một quyết định, một hướng giải quyết đúng đắn nhất góp phần ổn định quan hệ HN&GĐ và lợi ích của xã hội.

Một phần của tài liệu Thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố Huế từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2011 (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w