Hệ thống Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng gồm Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố và 07 trạm chuyển tiếp truyền hình, hệ thống truyền hình cáp, 11 đài phát thanh huyện và 216 đài truyền thanh xã, phường. Hệ thống này đã phát và chuyển tiếp các chương trình phát thanh - truyền hình của trung ương, của thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nâng cao dân trí và đáp ứng các nhu cầu giải trí cho mọi người dân. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố đã tăng thời lượng phát thanh đạt 13h/ngày, thời lượng phát sóng truyền hình 13h/ngày, riêng thứ 7 và chủ nhật là 18h/ngày và tiếp sóng các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2, VTV3) trên kênh 10 VHF và UHF.
Hệ thống thiết bị thu tín hiệu truyền hình bằng vệ tinh TVRO thu chương trình trong nước phục vụ nhân dân vùng sâu, vừng xa, hải đảo. Các đài phát thanh quận, huyện, thị xã được trang bị máy phát sóng FM, phòng cách âm và thiết bị sản xuất chương trình. Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn được nâng cấp, một số được đầu tư hệ thống truyền thanh không dây, bảo đảm cho việc chuyển tải tín hiệu và bảo vệ an toàn hệ thống truyền thanh của địa phương. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng trong những năm qua đã bám sát các định hướng tuyên truyền theo trọng tâm, trọng điểm của nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của thành phố tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Chương trình thời sự với thời lượng 40 phút/ngày những năm 2000 trở về trước nay đã tăng lên 90 phút/ngày với những tin tức cập nhật, phong phú, kịp thời, bám sát những vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống [Xem Phụ lục 9, tr.108 luận văn].
Trong việc đáp ứng yêu cầu giải trí của người dân thì sự xuất hiện của những kênh truyền hình, chương trình phát thanh, truyền hình có tính chất giải trí là một
điểm mới trong hoạt động của hệ thống thông tin đại chúng ở thành phố Hải Phòng nói riêng, ở nước ta nói chung.
Những năm 1990 của thế kỷ XX các kênh truyền hình HTV 7 (Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh), kênh VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) đã ra đời, đó là những kênh thường được coi là các kênh giải trí. Thực ra đó mới chỉ là lấy giải trí làm "điểm nhấn" chứ chưa phải là những kênh chuyên biệt giải trí. Chỉ tới gần đây mới xuất hiện những kênh chuyên biệt giải trí thật sự. Đầu tiên với Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), sau đó là Truyền hình cáp Sài Gòn (SCTV), Truyền hình cáp Hà Nội (HCTV). Các kênh truyền hình loại này phát sóng từ 10 - 24/h/ngày, chiếu phim truyện Việt Nam và nước ngoài, phim hiện đại và cổ điển, phim lẻ và phim nhiều tập, ngoài ra còn có các chương trình ca nhạc, tạp kỹ, thể thao và giải trí cho khán giả...
Các sân chơi trên truyền hình cũng ngày càng trở thành một hoạt động giải trí hấp dẫn của công chúng. Để đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng, trên truyền hình đã xuất hiện xu hướng "trò chơi hoá". Nhiều chương trình truyền hình trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hải Phòng... có xu hướng " Showgame" hoá, tức là biến thành các trò chơi. Đây là một xu hướng hiện đại của truyền hình thế giới, bởi lẽ trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, khán giả ngày càng ít thời gian, và chỉ có cái gì thật hấp dẫn thì mới lôi cuốn được họ. Những năm trước đây, khi "Trò chơi liên tỉnh" và "SV 96" xuất hiện trên màn ảnh VTV3 thì sức lôi cuốn của truyền hình cũng trở nên sống động, hấp dẫn hơn. Cho đến thời điểm này cũng đã có tới hàng chục trò chơi trên VTV. Lĩnh vực Âm nhạc có "Thế kỷ âm nhạc"," Trò chơi âm nhạc", "Làng vui chơi, Làng ca hát", lĩnh vực Điện ảnh có "Trò chơi điện ảnh"... rồi "ở nhà chủ nhật", "Câu lạc bộ người yêu thơ", "Đường lên đỉnh Olympia", "Gặp nhau cuối tuần", "Chiếc nón kỳ diệu", "Ai là Ai", "Ai là triệu phú"..Riêng thiếu nhi có "Vườn cổ tích", "Những đứa trẻ tinh nghịch", "Ông mặt trời thông thái"... Với các trò chơi này, việc phổ biến kiến thức lịch sử, văn hoá, nghệ thuật trở nên khéo léo hơn, dễ vào lòng khán giả hơn. Từ Hành trình văn hoá với tri thức văn hoá các nước, cho đến "Đường lên đỉnh Olympia" là kiến thức tổng hợp về tự nhiên, xã hội...Hoặc như chương trình "Thế kỷ âm nhạc"," Trò chơi âm nhạc"
đang thu hút một số lượng lớn khán giả ngồi ở trường quay và trước máy thu hình. Kiến thức âm nhạc được bổ túc cho khá nhiều người từ các dòng nhạc, tác giả, tác phẩm ở nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều dân tộc, quốc gia khác nhau...cho đến thuộc và hát tương đối đúng nhạc một số bài hát quen thuộc... Hiện nay có một số chương trình trò chơi giải trí như: "Ai là triệu phú" và " Hãy chọn giá đúng" đang thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng trong và ngoài trường quay...Trong thời gian qua, truyền hình Hải Phòng đã xây dựng một số chương trình trò chơi giải trí như "Sắc màu Hoa phượng", "Con tàu may mắn", "Siêu thị Sao"...đã tạo được những tiếng vang nhất định. Đặc biệt, trong dịp Tết Bính Tuất vừa qua, khán giả thành phố Cảng đã được xem
một chương trình trò chơi mới của Đài Truyền hình Hải Phòng- đó là trò chơi "Con
đường chinh phục". Đây là trò chơi mới rất hấp dẫn về phần sân khấu, ánh sáng, âm thanh, đạo cụ...Tổng số tiền đầu tư lên tới 5 tỷ đồng, với ý tưởng lớn là người xem Truyền hình Hải Phòng không phải là 1,9 triệu dân mà có thể là 19 triệu dân. Nhắm tới mục đích mở rộng trò chơi tới nhiều tỉnh trong cả nước, Đài truyền hình Hải Phòng bắt tay với 10 đài truyền hình của các địa phương kết nối phát sóng "Con đường chinh phục" trong cùng một thời điểm, đồng thời các đội chơi cũng sẽ được tuyển lựa xa hơn: có các thành viên của Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình...Theo kế hoạch, "Con đường chinh phục" sẽ là một sân chơi di động ra các tỉnh lân cận để người xem cảm thấy đây là một sân chơi dành cho nhiều người chứ không riêng gì Hải Phòng.
Luật chơi như sau:Mỗi cuộc thi có 2 đội chơi. Phần thi thử sức bằng cơ bắp để
lựa chọn nước đi trước. Phần thi khám phá là những câu hỏi tổng hợp. Mỗi đội sẽ chơi trò xúc sắc để tiến nhanh về đích. Trên dọc hành trình, có nhiều điều bất ngờ nằm trong các nước đi: Cướp biển, cứu nạn, kho báu...Có 2 cơ hội để giành được số điểm cao: Chinh phục Đảo giấu vàng và Đảo Kim Cương, Giải thưởng cho mỗi đội tuỳ theo số điểm mà mỗi đội giành được.
Có thể nói, một mục tiêu quan trọng của các "trò chơi truyền hình" là tính giải trí - thư giãn. Mục đích này được thể hiện rất cao. Nó làm người ta quên đi những mệt nhọc của công việc vất vả hàng ngày, góp phần tái tạo sức lao động.
2.2.3.Hoạt động văn hoá giải trí qua các dịch vụ văn hoá nghệ thuật (Biểu
diễn nghệ thuật, Điện ảnh, Băng, đĩa hình, Karaoke...)