Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định pháp luật về mối quan hệ giữa khiếu nại và khởi kiện hành chính

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính – những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 57 - 60)

mối quan hệ giữa khiếu nại và khởi kiện hành chính

Luật thực định không phải là yếu tố duy nhất chi phối mối quan hệ giữa khiếu nại và khởi kiện, đó là điều đã được khẳng định xuyên suốt khóa luận. Bởi vậy pháp luật dù có được hoàn thiện đến đâu cũng không thể đảm bảo mối quan hệ nói trên sẽ được cải thiện theo một tỷ lệ thuận tương ứng. Bên cạnh những giải pháp đi vào sửa đổi, bổ sung nội dung pháp luật, việc áp dụng các giải pháp về thực hiện pháp luật cũng góp phần quan trọng vào việc đưa mối quan hệ khiếu nại - khởi kiện hành chính ở Việt Nam đến gần hơn với “chuẩn mực lý tưởng”:

Thứ nhất, việc gặp gỡ, đối thoại giữa người giải quyết khiếu nại và người khiếu nại phải là gặp gỡ, đối thoại thực chất và phải được tiến hành thường xuyên với tinh thần thẳng thắn, thiện chí của cả hai bên. Việc gặp gỡ giữa hai bên tranh chấp cũng cần được duy trì ngay cả trước và trong quá trình tố tụng tại tòa. Hoạt động này giúp cho hai bên thực sự nắm bắt được tư tưởng và ý nguyện của nhau, giảm thiểu khả năng leo thang xung đột dẫn đến thái độ bất hợp tác khiến việc giải quyết bị kéo dài. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa nếu như nguyên tắc tiền tố tụng được dỡ bỏ, khi đó sự thỏa hiệp giữa hai bên tranh chấp sẽ thống nhất được từ những vấn đề cốt lõi nhất như lựa chọn cách thức nào để giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, những số liệu phản ánh mối quan hệ giữa khiếu nại và khởi kiện hành chính cần được thống kê đầy đủ, định kỳ và có tính mục đích. Hiện nay chúng ta gần như mới chỉ có một con số duy nhất để đánh giá mối quan hệ này đó là số vụ tranh chấp hành chính chuyển tiếp thành vụ án hành chính hàng năm. Tuy nhiên con số ấy thường cũng chỉ là kết quả của những khảo sát nhỏ mang tính địa phương, khu vực mà chưa bao quát được hết tình hình giải quyết tranh chấp hành chính trong cả nước. Chúng tôi kiến nghị ngoài báo cáo tổng kết thường niên về tình hình giải quyết khiếu nại và tình hình giải quyết tranh chấp hành chính tại Tòa cần có một báo cáo độc lập trong đó xử lý và ghi nhận những số liệu về mối quan hệ khiếu nại – khởi kiện một cách có hệ thống. Với những

chỉ số như tỉ lệ khiếu nại chuyển tiếp lên tư pháp sau một cấp khiếu nại, tỉ lệ khiếu nại chuyển tiếp lên tư pháp sau hai cấp khiếu nại, số lượng vụ việc có sự tranh chấp thẩm quyền giữa cơ quan hành chính và Tòa án, số lượng vụ việc đã đi hết con đường hành chính mà Tòa án từ chối thụ lý…, mối quan hệ giữa khiếu nại và khởi kiện hành chính sẽ không còn quá trừu tượng và có thể được đánh giá chính xác, toàn diện hơn.

Thứ ba, nếu như nguyên tắc tiền tố tụng được thay thế bởi nguyên tắc tự do lựa chọn, cơ quan hành chính và Tòa án trên cùng một địa bàn cần tổ chức những cuộc hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm cũng như giải pháp đối với tình hình giải quyết tranh chấp hành chính ở địa phương mình. Các diễn đàn ở quy mô lớn hơn (cấp trung ương, cấp quốc gia) cũng nên được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá những ưu, nhược điểm của mỗi phương pháp, đóng góp tích cực cho những dự thảo sửa đổi pháp luật.

Thứ tư, trong việc đưa ra nhận định về các vụ án hành chính phúc thẩm, giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao cũng cần linh hoạt hơn trong cách suy diễn của mình, tạo điều kiện tốt nhất để Tòa án cấp dưới có thể tiếp nhận giải quyết các tranh chấp. Đối với những trường hợp gây tranh cãi về thẩm quyền nên xử lý theo hướng ưu tiên con đường tố tụng.

Thứ năm, công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về quyền khiếu kiện hành chính và thủ tục khiếu kiện hành chính cần phải được đẩy mạnh. Một nội dung cần được đặc biệt chú trọng đó là phổ biến cho người dân hiểu rõ về

tính chất cũng như hậu quả pháp lý của từng cách thức giải quyết tranh chấp,

từ đó giúp họ có thể lựa chọn được cách thức đúng đắn nhất.

Lợi ích của Nhà nước không phải lúc nào cùng dung hòa với lợi ích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội. QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước trong nhiều trường hợp đã xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng quản lý, là nguyên nhân làm phát sinh các tranh chấp hành chính. Để phản kháng lại những QĐHC, HVHC này, người dân có thể sử dụng một trong hai hoặc cả hai quyền: khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính. Quyền khiếu nại hành chính và quyền khởi kiện hành chính được pháp luật ghi nhận, bảo hộ và bảo đảm thực hiện bởi những quy định khá đầy đủ của Luật KNTC (sửa đổi, bổ sung năm 2004 và 2005), Pháp lệnh TTGQVAHC (sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2006) cùng các văn bản liên quan. Tuy nhiên điểm thiếu sót của pháp luật hiện hành là chưa xác định cụ thể tương quan vị trí giữa hai quyền này, chưa xác lập cụ thể mối quan hệ giữa hai phương thức giải quyết tranh chấp hành chính. Có thế thấy, mối quan hệ giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính không chỉ là một khái niệm học thuật mà còn là hiện tượng hiện hữu trong hệ thống quy phạm (một cách gián tiếp) cũng như trong thực tiễn áp dụng và thực hiện pháp luật ở nước ta. Những khiếm khuyết của pháp luật không thể ngăn cản chúng ta nghiên cứu về vấn đề này. Nghiên cứu mối quan hệ giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính vừa có ý nghĩa lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Nắm rõ những đặc điểm cơ bản (tính độc lập, tính bổ trợ, tính đối trọng, tính nhượng bộ - loại trừ) và cơ chế tương tác giữa chúng, ta có thể đề ra những biện pháp thích hợp và hiệu quả để hoàn thiện mối quan hệ giữa khiếu nại và khởi kiện trong lĩnh vực hành chính. Liên quan đến mối quan hệ được nghiên cứu, nguyên tắc tiền tố tụng và quan niệm về tài phán hành chính là những nội dung được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi cũng đã dành sự tập trung nhất định để làm rõ những tác động của hai yếu tố trên đối với mối quan hệ khiếu nại – khởi kiện hành chính. Trong bối cảnh chưa có nhiều công trình khoa học đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này, phần lý luận trong khóa luận lần đầu tiên đã xây dựng nên một hệ thống tiêu chuẩn (tuy chưa thực sự hoàn chỉnh) khả dĩ có thể áp dụng để đánh giá mối quan hệ khiếu nại – khởi kiện hành chính trong một nền pháp luật cụ thể. Chiếu theo những tiêu chuẩn đó, mối quan hệ giữa

khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính ở Việt Nam chưa phải là tối ưu nếu không muốn nói là đang ở vào mức độ yếu so với mặt bằng chung. Hạt nhân trong mối quan hệ này là nguyên tắc tiền tố tụng song nó đã không chứng minh được giá trị tồn tại của mình. Nói cách khác, trong bối cảnh Việt Nam tiền tố

tụng tuy cần thiết nhưng không tất yếu. Những giải pháp mà khóa luận đề

xuất là những giải pháp thiết kế riêng cho Việt Nam và được tiếp cận theo hướng đưa ra những thay đổi căn bản ngay từ chính hạt nhân ấy.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính – những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w