Tổng thống do dân bầu và không chịu trách nhiệm trước quốc hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chế độ Tổng thống hợp chúng quốc Hoa Kỳ - sự hình thành và phát triển doc (Trang 46 - 51)

Bầu cử là một phương thức gián tiếp để thực hiện dân chủ, còn phương thức trực tiếp như hình thức tự trị, tự quản, tự nhân dân trực tiếp tham gia vào công việc nhà nước, phương thức này rất khó thực hiện vì không thể có một lãnh thổ đủ nhỏ để thực hiện điều này. Bầu cử có từ thời chiếm hữu nô lệ nhưng chưa phổ biến và những người được thực hiện quyền bầu cử lại rất hạn chế. Chỉ khi có các cuộc cách mạng tư sản nổ ra, giai cấp tư sản đấu tranh giành quyền lực với giai cấp phong kiến và cùng với sự tiến bộ của xã hội mà bầu cử mới trở thành một chế định quan trọng để nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng cách gián tiếp bầu những người mình cho là tín nhiệm, thay mình nắm chính quyền và kiểm soát chính quyền. Ngay trong nhà nước tư sản thì những nhà nước áp dụng học thuyết phân quyền mới thường xuyên áp dụng phương thức bầu cử bởi vì đối tượng bầu cử nhiều hơn, phải tổ chức nhiều cuộc bầu cử hơn: "Tại những nhà nước tư sản dụng nguyên tắc phân quyền, đối tượng được bầu thường rộng hơn trong các nhà nước áp dụng nguyên tắc tập quyền" [11, tr. 22]. Mỹ là nước áp dụng nguyên tắc phân quyền nên chế định bầu cử được áp dụng thường xuyên để bầu chọn ra rất nhiều các quan chức của nhà nước. Điều đó có nghĩa là quyền lực được nhân dân sử dụng nhiều hơn và quyền lực nhà nước có xu hướng quay trở về với nhân dân nhiều hơn. Khác với Tổng thống Đức và Tổng thống ý, Tổng thống Mỹ do nhân dân bầu ra thông qua cử tri đoàn. Nếu đặt trong thế kỷ XVIII, trong khi đa số các nước còn duy trì chế độ quân chủ, vị trí nguyên thủ quốc gia chủ yếu là thế tập, truyền ngôi và suốt đời thì một nguyên thủ quốc gia có nhiều quyền lực lại được bầu theo nhiệm kỳ là một sự thay đổi quá lớn, hiếm thấy, và việc bầu như vậy có khi còn được coi là Tổng thống không đáng tin cậy. Lịch sử còn ghi lại sự kiện đầu tháng 1 năm 1832, Tổng thống Mỹ là Andrew Jackson đã cử chiến hạm Peacock đến Việt Nam để thảo luận về hiệp định thương mại nhưng Việt Nam lúc đó là vua quan triều Nguyễn đã từ chối không ký vì:

Lý do quan trọng nhất khiến các phái viên của triều đình Huế không đồng ý ký, rốt cuộc chủ yếu lại thuộc về hình thức văn bản. Họ cho rằng lời

lẽ trong dự thảo hiệp định không tuân thủ công thức tôn kính cần có đối với Hoàng đế Việt Nam. Thậm chí còn căn vặn phía Mỹ, sau khi được giải thích rằng Tổng thống Hoa Kỳ là do bầu ra nên có nhiệm kỳ, rằng như vậy Tổng thống Mỹ không tương xứng với Hoàng đế Việt Nam [18, tr. 37].

Qua sự kiện lịch sử trên ta thấy rằng, tại thời điểm đó việc bầu cử Tổng thống Mỹ theo nhiệm kỳ đúng là đặc điểm riêng biệt của chế độ cộng hòa Tổng thống, qua đây chúng ta cũng rút ra bài học lịch sử: Trong quan hệ quốc tế chúng ta cần phải hiểu thể chế chính trị của họ thì mới có thể giao lưu kinh tế thương mại để đem lại lợi ích cho quốc gia. Việc Tổng thống Mỹ được hình thành qua bầu cử từ nhân dân là lý do để giải thích vì sao Tổng thống Mỹ có nhiều quyền hơn các Tổng thống ở Đức và ở ý. Tổng thống Mỹ tiếp thu quyền lực từ sự lựa chọn của nhân dân còn Tổng thống Đức và ý trong chính thể cộng hòa đại nghị thường không có thực quyền: "Nguyên thủ quốc gia ở chế độ cộng hòa đại nghị, thường không do nhân dân trực tiếp bầu ra, mà thường được bầu trên cơ sở Nghị viện hoặc do Nghị viện trực tiếp bầu. Chính phương pháp này làm cho Tổng thống không có thực quyền" [9, tr. 209]. Chế độ bầu cử Tổng thống Mỹ - người đứng đầu hành pháp cũng là một trong các lý do để Tổng thống và nội các do Tổng thống lập ra không phải chịu trách nhiệm trước quốc hội. Điều đó có nghĩa là quốc hội không thể giải tán được chính phủ, các thành viên nội các cũng không bị quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, nội các chỉ là các thành viên giúp việc cho Tổng thống nên chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống. Ngược lại, Tổng thống cũng không thể giải tán được quốc hội vì quốc hội cũng lấy quyền lực từ nhân dân, nhưng Tổng thống cũng như quốc hội đều phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Có thể nói đây là hình thức dân chủ khá điển hình của xã hội tư bản vì cùng lúc người dân có quyền lựa chọn đại diện vào hai ngành quyền lực lập pháp và hành pháp: "Quyền của người dân Mỹ, một mặt được thể hiện thông qua quốc hội và mặt khác thông qua Tổng thống" [39, tr. 55]. Đây là điểm khác biệt so với chính thể cộng hòa đại nghị hay chính thể quân chủ đại nghị. Trong chính thể quân chủ đại nghị và chính thể cộng hòa đại nghị, về nguyên tắc nguyên thủ quốc gia có quyền bổ nhiệm hoặc đề nghị quốc hội bầu ra một người đứng đầu chính phủ tức là thủ tướng, nhưng cũng chỉ được bổ nhiệm hoặc đề nghị nghị viện bầu một người không khác hơn là người đứng đầu đảng chiếm đa số trong quốc hội hay thủ lĩnh của đảng có uy tín trong quốc hội. Vì lẽ đó mà chính phủ phải

chịu trách nhiệm trước quốc hội, nếu chính phủ không còn tín nhiệm thì chính phủ phải từ chức hoặc bị quốc hội giải thể. Ví dụ ở Anh quốc, hạ viện có thẩm quyền thành lập chính phủ và giải thể chính phủ: "Hạ viện là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan lập pháp có chức năng phê chuẩn tất cả các đạo luật và hiệp định ký với nước ngoài, có quyền phủ quyết đối với Thượng viện. Hạ viện thành lập Chính phủ và có thể giải tán Chính phủ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm" [25, tr. 50]. Còn ở Cộng hòa Liên bang Đức và ở ý thì: "Thủ tướng có thể bị Nghị viện ý hoặc Hạ viện Đức bỏ phiếu bất tín nhiệm buộc phải từ chức" [51, tr. 30]. Cùng với nguyên tắc phân quyền và cơ chế đối trọng cân bằng, chế độ bầu cử đã góp phần đem lại sự ổn định cho chính quyền Mỹ hơn hai trăm năm qua. Vì Tổng thống quyền uy như vậy nên cuộc bầu cử cũng như cách thức bầu cử Tổng thống Mỹ được xem là rất quan trọng và thủ tục bầu cũng diễn ra rất phức tạp. Dựa theo thực tế bầu cử ở Mỹ, nhà nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Đăng Dung chia quá trình bầu cử Tổng thống làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Lựa chọn ứng cử viên Tổng thống

Tiêu chuẩn để trở thành ứng cử viên Tổng thống là rất rộng mở: ứng cử viên Tổng thống phải có độ tuổi từ ba lăm tuổi trở lên; cư trú ở Mỹ ít nhất là mười bốn năm và phải là công dân Mỹ chính gốc. Nhưng thực tế chỉ ra rằng kể từ năm 1852 tất cả các Tổng thống đắc cử đều là người của đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ. Các đảng khác và các ứng cử viên độc lập đều có thể trở thành ứng cử viên nhưng chưa bao giờ đắc cử. Vì vậy việc lựa chọn ứng cử viên cho chức Tổng thống chủ yếu và sôi động là diễn ra ở hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Việc chỉ có hai đảng đề ra các ứng viên Tổng thống và thường là chỉ có một trong hai đảng trúng cử Tổng thống là lý do khách quan chứ không quy định trong luật. Bởi vì, nếu các đảng không giới thiệu thì nhân dân không thể tự biết để giới thiệu ứng viên và hơn nữa hai đảng này tỏ ra là đại diện được các xu hướng chính trị lớn ở Hoa kỳ và thu hút được đa số cử tri. Như vậy nếu có ứng cử viên của đảng khác xuất hiện, thì cử tri sợ rằng nếu bầu cho đảng đó thì lá phiếu sẽ bằng không vì lá phiếu của họ cùng lắm là chỉ phân tán phiếu bầu chứ không thể thắng ứng cử viên của hai đảng kia. Ví dụ điển hình là ứng cử viên Perot (đảng Cải cách) ứng cử Tổng thống năm 1996 và ứng cử viên R. Nader (đảng Xanh) năm 2000 đều không nhận được phiếu bầu nào của đại cử tri.

ở Mỹ việc chỉ định ứng viên ra tranh cử Tổng thống không phải do tổ chức đảng và ban lãnh đạo đảng quyết định mà do cử tri của đảng và người ngoài đảng (ngư- ời ngoài đảng nhưng có ghi danh tham gia bầu cử sơ bộ ứng viên Tổng thống của đảng) quyết định. Có nghĩa là đảng giới thiệu một ứng viên nào đó nhưng cử tri của đảng có thể bỏ phiếu cho người đó hoặc một người khác của đảng, người thắng phải có đa số tuyệt đối. Ví dụ đảng Dân chủ có 5 ứng cử viên G, A, B, D, M. Trong cuộc bầu cử sơ bộ, các ứng cử viên này phải vận động các cử tri của đảng ở tiểu bang bầu cho các đại diện của mình nhiều phiếu để họ trở thành đại biểu cho ứng cử viên đó đi dự đại hội của đảng toàn liên bang. Mỗi một tiểu bang theo quy định của đảng sẽ có một số lượng đại biểu nhất định do đó ứng cử viên nào càng có nhiều đại diện của mình đi dự đại hội liên bang thì càng có lợi. Đến đại hội đảng toàn liên bang thì ứng cử viên nào đạt được đa số phiếu tuyệt đối mới trở thành ứng cử viên Tổng thống chính thức của đảng. Nếu vòng một chưa tìm ra thì tiếp tục vòng hai, vòng ba. Để tập trung phiếu những ứng cử viên ít phiếu có thể rút lui hoặc dồn phiếu cho ứng cử viên khác tùy theo sự mặc cả giữa họ. Cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng được các nhà nghiên cứu đánh giá là trận đấu đa phương khốc liệt dài hơi hao người tốn của, đây là những thử thách khó khăn của những người trong nội bộ đảng để tìm ra một khuôn mặt sáng giá là ứng viên chính thức của đảng ra tranh chức Tổng thống. Các ứng cử viên trong đảng đều tranh luận công khai và "Chiến đấu một cách công khai đến hơi thở cuối cùng tất cả ưu điểm và nhược điểm đều bộc lộ dễ nhận thấy" [8, tr. 84]. Lịch sử đã ghi nhận năm 1924 đảng Dân chủ phải bầu 103 lần mới tìm ra ứng cử viên Tổng thống chính thức của đảng là John Davis nhưng ông này bị Coolige ứng cử viên của đảng Cộng hòa đánh bại và giành mất chức vụ Tổng thống thứ ba mươi của nước Mỹ [59, tr. 874]. Đối với các Tổng thống ở nhiệm kỳ lần thứ nhất do ưu thế đang nắm quyền bộ máy nhà nước có ảnh hưởng lớn đến cử tri và quan hệ quốc tế nên thông thường các đảng đề cử luôn là ứng cử viên Tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Giai đoạn 2: Bầu cử chính thức Tổng thống

Thời gian diễn ra cuộc bầu cử chính thức Tổng thống Mỹ là ngày thứ 3 liền sau ngày thứ 2 đầu tiên của tháng 11 năm thứ tư sau cuộc bầu cử lần trước. Theo quy định của hiến pháp, cử tri Mỹ không bỏ phiếu bầu trực tiếp Tổng thống. Thay vào đó, họ bỏ

phiếu bầu "danh sách đại biểu của cử tri hay còn gọi là danh sách các đại cử tri " tại các bang những người cam kết ủng hộ ứng cử viên Tổng thống này hay ứng cử viên Tổng thống khác. Các đại cử tri được "các nhà hoạt động chính trị và thành viên các đảng ở các bang đề cử" [13, tr. 13]. Theo khoản 1 Điều 2 Hiến pháp Mỹ, mỗi bang sẽ có số lư- ợng đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của mỗi bang đó trong quốc hội, và các đại cử tri không được là nghị sĩ hoặc một chức vụ có lợi tức nào trong chính quyền tiểu bang hoặc liên bang. Việc bầu cử Tổng thống bằng đại cử tri chứ không phải

cử tri bầu trực tiếp là xuất phát từ hai lý do của các nhà lập hiến tiền bối. Một là nếu để

cử tri trực tiếp bầu thì với việc tấn phong của nhân dân quyền lực của Tổng thống sẽ rất lớn và có thể khuynh loát các ngành quyền lực khác làm mất thế quân bình giữa các

ngành quyền lực. Hai là nếu bầu trực tiếp thì cử tri không đủ thông tin và điều kiện để

có thể lựa chọn chính xác một người khôn ngoan nhất đầy đủ phẩm hạnh để lãnh đạo đất nước. Hiện nay năm mươi bang của Mỹ trừ hai bang (Maine và Nebraska) đều quy định luật: "người thắng ăn cả", điều đó có nghĩa là ứng cử viên Tổng thống nào có được nhiều đại diện trong số đại cử tri của mỗi bang thì sẽ được hưởng tổng số lượng đại cử tri ở bang đó. Ví dụ bang Massachuselts có số lượng quy định là mười hai đại cử tri phù hợp với số mười hạ nghị sĩ và hai thượng nghị sĩ, nếu đảng Cộng hòa giành được sáu đại diện còn đảng dân chủ giành được bốn đại diện còn ứng viên tự do hoặc các đảng khác giành được hai đại diện thì đảng Cộng hòa sẽ giành tất cả mười hai đại cử tri để đi bầu Tổng thống.

Giai đoạn 3: Đại cử tri bầu Tổng thống

Các đại cử tri họp tại thủ phủ các tiểu bang bầu Tổng thống. Phiếu bầu của họ được xác nhận gắn xi gửi lên Chính phủ Mỹ để trình lên thượng nghị viện. Chủ tịch th- ượng viện trước sự chứng kiến của các thành viên hai viện sẽ mở và kiểm phiếu bầu. Để trúng cử Tổng thống các ứng cử viên phải đạt ít nhất 270 phiếu đại cử tri. Nếu không ứng viên nào đạt đa số phiếu thì hạ viện sẽ quyết định chiến thắng bằng cách chọn không quá 3 người, trong số các ứng cử viên có số phiếu cao nhất để các thành viên của hạ viện biểu quyết theo bang mỗi đoàn cử tri bang có một phiếu. Nếu Hạ viện không bầu được Tổng thống trước ngày thứ 4 của tháng 3 tiếp theo thì phó Tổng thống sẽ trở

thành quyền Tổng thống như trong trường hợp Tổng thống qua đời hay không đủ năng lực điều hành đất nước.

Cuộc bầu cử ở Mỹ rất sôi động và tốn kém những quy định về bầu cử lắt léo, thêm vào đó là mỗi bang lại có những quy định riêng về thủ tục đăng ký về thủ tục bầu cử và quy định về lá phiếu rất khác nhau, làm cho quá trình bầu cử phức tạp hơn và thực tế đã gây ra tranh cãi về kết quả bầu cử. Điển hình là cuộc bầu cử năm Tổng thống năm 2000 cuối cùng phải nhờ đến phán quyết của tòa án tối cao mới phân định được chiếc ghế Tổng thống thứ bốn ba thuộc về ai. Tuy vậy cử tri Mỹ vẫn chấp nhận cách thức bầu cử này và các nhà nghiên cứu vẫn đánh giá quá trình bầu cử này là công bằng và dân chủ góp phần to lớn vào sự ổn định của nước Mỹ trong suốt hai thế kỷ qua.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chế độ Tổng thống hợp chúng quốc Hoa Kỳ - sự hình thành và phát triển doc (Trang 46 - 51)