khác
Chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được xây dựng từ những kinh nghiệm của bản thân nước Mỹ, từ kinh nghiệm của nhà nước Anh, và của nhiều quốc gia trên thế giới. Khi mới giành độc lập, chế độ Hợp bang được thiết lập trên mười ba thuộc địa đã đứng ra điều hành toàn bộ liên bang. Phần đóng góp của chế độ Hợp bang là lãnh đạo dân chúng và các tiểu bang tiến hành cuộc chiến tranh với Anh quốc, một phần đóng góp quan trọng khác là nó cung cấp những bài học, những kinh nghiệm quý báu về xây dựng chính quyền. Những thiếu sót trong việc tổ chức chính quyền trung ương, những sự bất lực của liên bang đối với tiểu bang đã được chế độ Tổng thống Hoa Kỳ khắc phục. Các tiểu bang với tính độc lập của mình trong Hợp bang, đã tiến hành xây dựng hiến pháp, xây dựng chính quyền, in tiền và lập quân đội riêng, đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền liên bang. Tuy nhiên, nhưng kinh nghiệm về xây dựng hiến pháp và xây dựng chính quyền của các bang lại là nền tảng để xây dựng Chế độ Tổng thống Hoa Kỳ. Việc áp dụng học thuyết phân quyền và hành pháp nằm trong tay một người chính là kinh nghiệm của tiểu bang Virginia (chế độ Hợp bang trước đây không áp dụng học thuyết phân quyền). Việc quốc hội chia làm hai viện chính là học theo kinh nghiệm của mô hình lưỡng viện Anh. Mô hình nhà nước Liên bang trong đó các bang có những quyền tự chủ địa phương, ta thấy rất gần với mô hình mà Lão tử một triết gia phương Đông đã đề ra: "Lão tử là người đầu tiên chủ trương thể chế liên bang như ngày nay, trong đó mỗi tiểu bang được quyền sống theo phong tục, tập quán của địa phương mình: Cam kỳ thực; mỹ kỳ phục; an kỳ cư; lạc kỳ tục; muốn thực hiện thể chế ấy thì mỗi phần tử trong liên bang phải là một nước nhỏ: tiểu quốc quả dân" [56, tr. 25]. Việc áp dụng các nguyên tắc của nền cộng hòa như thiết lập chính quyền qua bầu cử, quyền đại diện của dân chúng theo tỷ lệ là áp dụng của mô hình nhà nước Cộng hòa dân chủ chủ nô thời Hy Lạp cổ đại. Hiến pháp 1787 cũng là rút tỉa từ hiến pháp của các tiểu bang, mười điều tu chính án đầu tiên cũng chính là tuyên ngôn nhân quyền trong hiến pháp của bang Virginia. Những kinh nghiệm trên được Edmund Randolph (1753 - 1813)
thống đốc bang Virginia khẳng định trong bức thư gửi chủ tịch hạ viện bang Virginia, khi ông phản đối kế hoạch chỉ đổi mới một vài điểm chế độ Hợp bang: "Những lời phản đối của tôi không phải lý thuyết suông, mà là kết quả của những suy xét về nước Mỹ cùng với kinh nghiệm thu được từ các quốc gia khác" [21, tr. 275].
Về giải thích tại sao Mỹ lại xây dựng chế độ Cộng hòa Tổng thống? Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới của trường Đại học Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành tháng 8 năm 1999 có đưa ra ba cách giải thích:
Vậy tại sao ở Mỹ lại xây dựng một nhà nước tư sản theo chính thể cộng hòa Tổng thống. Có ba quan điểm lí giải khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Một số người cho rằng vì nước Mỹ ở xa xôi
cách biệt, đường biển đi lại khó khăn, nên các nhà lập hiến Hoa Kỳ không
thể tiếp thu một cách kịp thời những gì gọi là tiến bộ ở châu Âu lục địa và của Anh quốc.
Quan điểm thứ hai: Cho rằng chính thể cộng hòa Tổng thống cho phép áp dụng được triệt để thuyết tam quyền phân lập, và thể hiện đúng quan điểm thỏa hiệp của các tầng lớp tư sản.
Quan điểm thứ ba: Những người khác lại cho rằng, nhằm ngăn chặn làn sóng đấu tranh của nhân dân và nhằm điều hành nhanh nhạy công việc nhà nước, nên Mỹ thiết lập chính thể cộng hòa Tổng thống [55].
Về quan điểm thứ nhất cho rằng, do đường biển cách trở nên nước Mỹ không thể có điều kiện giao lưu để tiếp thu những gì gọi là tiến bộ của châu Âu. Tác giả e rằng điều này chưa hoàn toàn đúng. Vào thời điểm thế kỷ XVII, XVIII thì đúng là từ Anh sang Mỹ khoảng hơn năm nghìn km đường biển là xa xôi cách trở hơn so với đi từ Anh sang Pháp qua eo biển Măng Sơ, eo biển này về sau người ta đã đào một con đường xuyên biển để nối Anh với Pháp, và nó cũng xa xôi cách trở hơn, so với đi từ Pháp sang Tây Ban Nha, sang Đức vốn có chung đường biên giới. Nhưng nếu nói Mỹ do giao thông cách trở nên không thể tiếp thu một cách kịp thời những gì gọi là tiến bộ của châu Âu và vì thế nên đã xây dựng mô hình chế độ Cộng hòa Tổng thống thì tính thuyết phục đối với tác giả chưa thực sự cao. Vì:
- Trước khi Cô Lông tìm ra Châu Mỹ năm 1492 châu Mỹ hoàn toàn biệt lập với châu Âu. Nhưng sau đó, nhất là từ khi thành phố Jamestown được xây dựng 1607, thì giao lưu thương mại Âu Mỹ đã nhộn nhịp rất nhiều:
Thuộc địa Vịnh Massachusetts tiếp tục phát triển thương mại. Từ giữa thế kỷ XVII trở đi nó đã trở nên phát đạt... Bằng việc đóng những con tàu
riêng của mình và giong buồm đi tới các hải cảng trên khắp thế giới, những
thợ đóng tàu của Vịnh Massachusetts đã đặt nền tảng cho nền thương mại có
nhu cầu rất phát triển. Vào cuối thời kỳ thuộc địa, một phần ba toàn bộ các
con tàu mang cờ nước Anh đã được đóng ở NewEngland [29, tr. 41].
Mối liên hệ Âu Mỹ chắc chắn là không thực sự cách biệt lắm thì một công việc thường ngày như gia sư mà người Mỹ vẫn có thể thuê người châu Âu làm: "ở thuộc địa
miền Nam, các chủ đồn điền và nhà buôn giàu có thuê các gia sư từ Ailen hay Xcotlen
đến để dạy con cái họ" [21, tr. 47]. Một bằng chứng khác để chứng minh sự liên hệ thường xuyên của Anh và Mỹ: "Nói tóm lại, số phận của các thuộc địa phía nam nằm trong tay các đại địa chủ… việc quản lý các đồn điền lớn này đòi hỏi phải có những quan hệ thường xuyên với Luân Đôn" [15, tr. 76]. Những bằng chứng trên cho thấy rằng, quãng đường biển hơn năm nghìn km từ Âu qua Mỹ là xa xôi nhưng mối giao thương giữa hai châu lục lúc đó vẫn diễn ra thường xuyên. Còn nếu cho rằng Mỹ không tiếp thu kịp thời những gì là tiến bộ của châu Âu thì ta hãy xem xét thêm. Tuy là dân định cư song họ rất chú ý phát triển văn hóa giáo dục. Bằng chứng là họ đã xây dựng một loạt các trường đại học: Đại học Harvard năm 1636 ở Massachusetts, một trường đã nổi tiếng thế giới, trường Đại học Yale, đại học Willam và Mary… ở Massachusetts có luật cứ năm mươi gia đình phải có một trường học, ở Philadelphia có lớp học buổi tối cho người lớn, phụ nữ cũng không bị cấm. Đặc biệt, việc truyền bá văn hóa ở thuộc địa Mỹ là rất lớn: "Tới đầu năm 1639 những người làm nghề kinh doanh sách ở Boston đã trở nên phát đạt bán các tác phẩm văn học cổ điển, lịch sử, chính trị, triết học, khoa học, thần học, văn chương. Vào năm 1639 nhà xuất bản đầu tiên ở thuộc địa Anh và là nhà xuất bản thứ hai ở Bắc Mỹ được xây dựng" [29, tr. 46]. Và:
Trình độ của dân cư nhờ đó mà nâng dần lên. Sách báo gia tăng và được phổ biến tới tận làng quê. Nhiều cửa hàng sách nhập hầu như đủ các loại
từ Anh. Chẳng hạn một của hàng sách tại Philadelphia đã cả gan nhập từ Luân Đôn hàng mấy trăm tập của bộ Commentaires rất khó nuốt của Sir Willian Blackstone, một luật gia tầm cỡ xuất bản năm 1765. Số sách này tiêu thụ không khó khăn lắm tại Mỹ [15, tr. 81].
Như vậy ta có thể thấy buôn bán sách báo - sản phẩm mang tính trí tuệ, mang tính văn hóa và thời sự rất cao mà được phát đạt ở Mỹ chứng tỏ giao lưu văn hóa khoa học giữa Âu và Mỹ là phát triển. Có những tác phẩm chứa đựng tư tưởng tiến bộ được
xếp trong một trăm cuốn sách ảnh hưởng khắp thế giới bị cấm ở Pháp như cuốn Tinh
thần pháp luật của Montesquieu (1689 - 1775) và cuốn Bàn về khế ước xã hội của Rousseau (1712 - 1778) vẫn được lưu hành rộng rãi ở Mỹ. Những tác phẩm này cùng với
cuốn Bàn về chính phủ của Locke (1632 - 1704) đã ảnh hưởng trực tiếp tới Bản tuyên ngôn
độc lập 1776, Hiến pháp 1787 là những văn kiện chính trị pháp lý xây dựng chế độ cộng hòa Tổng thống: "Tư tưởng cuốn Bàn về chính phủ có ảnh hưởng trực tiếp đến cách mạng thuộc địa Bắc Mỹ. Jefferson và những người tiên phong của cách mạng Mỹ đã cầu trợ ở những cuốn sách này" [17, tr. 114]. Như vậy là quan điểm thứ nhất chưa thật sự thuyết phục tác giả.
Quan điểm thứ hai cho rằng, chính thể cộng hòa Tổng thống cho phép áp dụng triệt để thuyết tam quyền phân lập, và thể hiện đúng quan điểm thỏa hiệp của các tầng lớp trong giai cấp tư sản. Về ý thứ nhất, chính thể cộng hòa Tổng thống cho phép áp dụng triệt để thuyết tam quyền phân lập, tác giả thấy rằng, trước khi có cách mạng Mỹ, trên thế giới chỉ có chính thể cộng hòa và chính thể khác mà chưa hề có chính thể cộng hòa Tổng thống. Chính thể cộng hòa Tổng thống là do các nhà khoa học sau này nghiên cứu và đặt tên để phân biệt với các chính thể khác. Chính thể cộng hòa Tổng thống lúc đó được các nhà lập quốc gọi là mô hình chính quyền mới chưa hề có trên trái đất, và được các nhà lập quốc sáng tạo ra khi nghiên cứu về các chính thể trên thế giới và trong những điều kiện của nước Mỹ, chứ không phải các nhà lập quốc Mỹ nghiên cứu chính thể cộng hòa Tổng thống rồi áp dụng vào nước Mỹ vì thấy chính thể đó cho phép áp dụng triệt để thuyết tam quyền phân lập. Về ý thứ hai, chính thể cộng hòa Tổng thống thể hiện đúng quan điểm thỏa hiệp của các tầng lớp trong giai cấp tư sản. Tác giả cho rằng ý này đúng, nhưng chưa thật đầy đủ. Trong quá trình xây dựng hiến pháp, các nhà
lập quốc không chỉ đại diện cho riêng tầng lớp tư sản để thỏa hiệp, mà các nhà lập quốc lúc đó đại diện cho quyền lợi của cả nước Mỹ, đại diện cho các tầng lớp dân chúng, đại diện cho quyền lợi của các bang, đại diện quyền lợi cho liên bang, đại diện quyền lợi của miền bắc và miền Nam, giữa công nghiệp thương mại và nông nghiệp, đại diện cho phương thức sản xuất tư bản và nô lệ, đại diện cho các tôn giáo và sau cùng đại diện cho các tầng lớp tinh hoa nhất của nước Mỹ ở thời điểm đó. Toàn bộ những quyền lợi này thể hiện trong hai xu hướng chính trị mà tác giả trình bày ở phần trên. Đối với chúng ta quan điểm giai cấp là vô cùng cần thiết vì hiện nay chúng ta đang đứng trên lập trường của giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng nếu chúng ta giải thích mọi việc đều quy về tương quan lực lượng giữa các giai cấp, về đấu tranh giữa các giai cấp thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu toàn diện, không đầy đủ khi giải thích sự vật nhất là trong tình hình hiện nay.
Quan điểm thứ ba cho rằng, nhằm ngăn chặn làn sóng đấu tranh của nhân dân và nhằm điều hành nhanh nhạy công việc nhà nước, nên Mỹ thiết lập chính thể cộng hòa Tổng thống. Những người theo qua điểm này là họ dựa vào sự hỗn loạn mà chế độ Hợp bang gặp phải mà điển hình là vụ nổi loạn của đại úy Shay ở bang Massachussetts. Đúng là trong quá trình tranh luận tại Hội nghị lập hiến các đại biểu có đưa vụ nổi loạn của đại úy Shay ra, xong cái chính họ sợ là tình trạng vô chính phủ chứ không phải sợ làn sóng đấu tranh của nhân dân, bằng cứ là họ rất sợ chính quyền chuyên chế như vua Anh, họ cũng rất sợ một chính quyền trung ương mạnh và thường xuyên lạm quyền làm tổn hại đến quyền tự do của dân chúng. Chính vì họ sợ nhân dân lại rơi vào chế độ độc tài mất tự do nên họ phải xây dựng một chính quyền kiểm soát dân chúng và tự kiểm soát chính quyền. Trong hiến pháp họ đã tìm cách hạn chế quyền của nhà nước và tuyên bố rõ quyền của nhân dân không thể bị xâm phạm trong mười tu chính án đầu tiên. Hiến pháp là tối cao không thể xâm phạm. Như thế không có nghĩa là các nhà lập quốc thiết lập chính thể cộng hòa Tổng thống chỉ là để ngăn chặn làn sóng đấu tranh của nhân dân. Còn ý kiến cho rằng, thiết lập chính thể cộng hòa Tổng thống là để điều hành nhanh nhạy công việc nhà nước, điều này chỉ đúng đối với ngành quyền lực hành pháp mà thôi vì đây là đặc tính của hành pháp. Còn đối với nhà nước tổ chức theo chế độ Cộng hòa Tổng thống, do có phân ba ngành quyền lực và có khả năng kiềm chế đối trọng nên
không phải lúc nào công việc nhà nước cũng điều hành nhanh nhạy, chưa kể những lúc bị đình trệ, tê liệt mà vấn đề này còn tùy thuộc một số yếu tố khác. Vậy nguyên nhân nào
Mỹ chọn mô hình chính thể cộng hòa tổng thống? Thứ nhất, do nước Mỹ hình thành từ
một vùng đất hoàn toàn mới. Trên mảnh đất đó chưa có dấu ấn hay bức tường thành nào của chế độ phong kiến, nên có thể gieo cấy, xây dựng một mô hình chính quyền mới
ngay từ đầu mà không gặp phải sự chống đối của những tàn dư trong chế độ cũ. Thứ
hai, những người dân nhập cư từ Anh quốc và châu Âu đã chán ghét sự áp bức nặng nề
của chế độ nhà nước và pháp luật châu Âu. Họ khao khát muốn xây dựng một chính quyền hoàn toàn mới, để có cách quản lý phù hợp với vùng đất Tân thế giới, cũng như thỏa mãn những ước vọng về tự do chính trị, tự do tôn giáo và giàu có, thịnh vượng về
kinh tế. Thứ ba, ở vùng đất gồm mười ba bang Bắc Mỹ, địa lý và tài nguyên rất đa dạng
nên quan hệ xã hội và sự phát triển kinh tế là khác nhau. Điều đó làm xuất hiện những nhóm lợi ích khác nhau mâu thuẫn với nhau. Đặc biệt, những nhóm lợi ích mâu thuẫn với nhau, nhưng họ không đấu tranh triệt tiêu nhau. Họ đấu tranh với nhau để tìm ra những thỏa hiệp. Chính cuộc đấu tranh để đạt tới những thỏa hiệp đã giúp họ tìm ra mô
hình chế độ tổng thống. Thứ tư, Mỹ thành lập quốc gia muộn nên những nhà lập quốc
Mỹ đã tổng kết, kế thừa được những mô hình chính quyền đã có trong lịch sử, trên cơ sở đó tiếp thu những tư tưởng chính trị, pháp lý mới của châu Âu và kiến tạo thành một
mô hình chính quyền mới. Thứ năm, tại thời điểm lập quốc, nước Mỹ đã tập hợp được
một lớp người có tư tưởng tiến bộ và có thế lực, họ đại diện cho trí tuệ của những người nhập cư, do đó họ đã tìm ra được những giá trị hay để thiết lập nên một mô hình chính quyền mới.
Kết luận chương 1
Chế độ Tổng thống Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ là một nhà nước tư bản do vậy nó cũng có đặc điểm chung về sự hình thành của nhà nước tư bản đó là: " Tiền đề ra đời của nhà nước tư sản là sự khủng hoảng toàn diện của chế độ phong kiến và sự hình thành trong lòng xã hội phong kiến ấy các quan hệ tư bản" [54, tr. 85]. Tất nhiên, sự khủng hoảng của chế độ phong kiến là diễn ra ở Anh quốc đang trực tiếp cai trị Bắc Mỹ.