THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NAM NỮ CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ

Một phần của tài liệu những ảnh hưởng của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng tới việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Trang 42 - 46)

VIỆC NAM NỮ CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Đường lối xử lý các trường hợp chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được pháp luật quy định rõ ràng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vẫn còn không ít những trường hợp nhầm lẫn. Xin đưa một số ví dụ như sau:

- Trường hợp chị Hoàng Thị Oanh sinh năm 1970 cư trú tại Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội và anh Trần Quốc Lộc sinh năm 1957 quê ở Hà Nam. Năm 1993, anh Lộc và chị Oanh chung sống với nhau không tổ chức đám cưới, không đăng ký kết hôn vì khi đó anh Lộc đã có vợ con ở Hà Nam. Thời gian đầu anh chị ở nhà mẹ đẻ của chị Oanh ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Do anh Lộc có vợ con ở quê nên anh chị có nhiều mâu thuẫn ngay từ khi mới chung sống. Chị Oanh luôn nghi ngờ anh Lộc mang tiền về quê cho vợ con. Năm 1995, khi chị Oanh sinh con được bốn tháng, do cãi nhau anh đã cho phân đạm vào cơm và có nhiều lần lừa gạt tiền bạc của gia đình nên mẹ chị đuổi anh Lộc ra khỏi nhà. Anh Lộc đem con đến thuê nhà ở làng Cầu. Anh dọa chị Oanh là sẽ mang con đi cho, chị Oanh sợ nên phải về chung sống với anh. Trong thời gian ở làng Cầu hai anh chị vẫn tiếp tục mâu thuẫn. Tháng 10/2001 chị Oanh vay tiền của mẹ và bạn bè để mua một căn hộ ở Khu tập thể công ty May 10 rồi cùng anh Lộc đến ở. Mâu thuẫn tiếp tục nảy sinh, anh chị nhiều lần đánh chửi nhau. Đến tháng 01/2002 anh chị ly thân, cắt đứt quan hệ. Cả hai bên đều xác định đây là cuộc hôn nhân bất hợp pháp không mang lại hạnh phúc cho nhau và đề nghị Tòa án hủy bỏ.

Tại bản án sơ thẩm số 21 ngày 06/08/2002 TAND huyện Gia Lâm đã ra quyết định: quan hệ giữa anh Lộc và chị Oanh là quan hệ kết hôn trái pháp luật, do đó hủy kết hôn trái pháp luật giữa hai người; con chung do chị Oanh tiếp tục nuôi; tài sản là căn nhà tập thể Công ty may 10 thuộc quyền sở hữu của chị Oanh.

Như vậy Tòa án sơ thẩm huyện Gia Lâm quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật là không đúng. Bởi, theo quy định tại điểm 3 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2000 thì kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn, nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định. Cụ thể là việc đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 12 là: “UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn…”; và việc tổ chức đăng ký kết hôn phải theo đúng nghi thức quy định tại Điều 14, nhưng lại vi phạm một trong các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9. Xét thấy trong trường hợp này, anh Lộc và chị Oanh chung sống với nhau là vi phạm nguyên tắc Hôn nhân một vợ một chồng, bởi anh Lộc đã có vợ ở quê. Tuy nhiên, họ chỉ chung sống với nhau như vợ chồng chứ chưa đăng ký kết hôn theo luật định. Do vậy, quyết định hủy kết hôn trái pháp luật của Tòa sơ thẩm trong trường hợp này là sai. Quyết định đúng phải là: không công nhận chị Oanh và anh Lộc là vợ chồng.

Bản án này đã được xét xử lại tại Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thành phố Hà Nội ngày 11/11/2002 với kết quả cuối cùng là Quyết định tuyên bố không công nhận anh Lộc và chị Oanh là vợ chồng, quyết định hủy kết hôn trái pháp luật của Tòa án sơ thẩm là không chính xác. Bên cạnh đó, Tòa án cần phải ra quyết định buộc anh Lộc và chị Oanh chấm dứt hành vi chung sống trái pháp luật của mình.

- Trường hợp thứ hai, anh Bùi Văn Tiếp trú tại thôn My Sơn, xã Ngũ Lão, huyện TN kết hôn (tại UBND xã Ngũ Lão) với chị Nguyễn Thị Cải vào năm 1983. Đến năm 1986, anh Bùi Văn Tiếp có quan hệ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn với chị Phạm Thị Vy, là người cùng thôn với anh Tiếp. Trong quá trình chung sống, anh Tiếp và chị Vy sống hạnh phúc từ năm 1986 đến năm 1997 thì phát sinh mâu thuẫn. Tháng 08/2001, anh Tiếp và chị Vy có đơn xin thuận tình

ly hôn gửi đến TAND huyện TN. Anh Tiếp và chị Vy có hai con chung và một vài tài sản chung đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Tại Bản án ly hôn sơ thẩm số 108/LHST ngày 09/10/2001 của TAND huyện TN, đã căn cứ vào khoản 3 Điều 48 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 11, khoản 3 Điều 17, Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000 xử tuyên bố: “không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh Bùi Văn Tiếp và chị Phạm Thị Vy”.

Sau khi Bản án được tuyên, các đương sự đều không kháng cáo, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và trên một cấp đều không kháng nghị theo trình tự phúc thẩm nên Bản án nêu trên của TAND huyện TN đã có hiệu lực pháp luật.

Nhưng đến ngày 18/03/2002, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố HP có Quyết định kháng nghị số 196/QĐ-DS kháng nghị Bản án ly hôn sơ thẩm số 108/LHST ngày 09/10/2001 của Tòa án nhân dân huyện TN theo thủ tục giám đốc thẩm. Nội dung kháng nghị là: “xét thấy anh Bùi Văn Tiếp và chị Phạm Thị Vy chung sống với nhau khi anh Tiếp đang có vợ hợp pháp là chị Nguyễn Thi Cải chưa ly hôn nên đã vi phạm Điều 9, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000”. Do vậy, cần phải hủy hôn nhân trái pháp luật giữa anh Bùi Văn Tiếp và chị Phạm Thị Vy. Tòa án nhân dân huyện TN xử không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh Tiếp và chị Vy là trái với Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000. “Vì vậy, yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố HP đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, xử theo hướng sửa Bản án ly hôn sơ thẩm số 108/LHST ngày 9/10/2001 của Tòa án nhân dân huyện TN, tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh Bùi Văn Tiếp và chị Phạm Thị Vy”.

Như vậy, trong cùng một vụ việc mà Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm lại quyết định khác nhau. Có quan điểm cho rằng cần phải chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố HP tức là tuyên bố hủy việc kết hôn trái

pháp luật giữa chị Vy và anh Tiếp vì họ có quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng, tuy không đăng ký kết hôn nhưng thời điểm chung sống giữa họ vào năm 1986, khi đó Luật HN&GĐ năm 1986 chưa có hiệu lực thi hành nên theo quy định tại Mục 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật HN&GĐ thì: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn, trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ.”

Tại mục 1, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 quy định trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung. Căn cứ vào đó thì đối với những quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 dù không có đăng ký kết hôn cũng được coi là hôn nhân hợp pháp. Vì vậy, trường hợp của anh Phạm Văn Tiếp và chị Phạm Thị Vy có quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng vào thời điểm trước ngày 03/01/1987, lẽ ra được coi là hôn nhân hợp pháp nhưng do anh Tiếp đã có vợ hợp pháp và chưa ly hôn với chị Nguyễn Thị Cải nên anh Tiếp và chị Vy đã vi phạm khoản 1 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000. Do đó, phải áp dụng điểm d, mục 2 NQ02/2000/NQ- HĐTP: “đối với những trường hợp kết hôn thuộc một trong những quy định tại Điều 10 là vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại điểm 3 Điều 9 và nói chung là phải hủy việc kết hôn trái pháp luật.”

Quyết định giám đốc thẩm số 03/QĐ-GĐT-TA ngày 26/09/2002 của Ủy ban Thẩm phán TAND thành phố HP đã quyết định bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND thành phố HP và giữ nguyên bản án ly hôn sơ thẩm số 108/LHST ngày 9/10/2001 của TAND huyện TN.

Chúng tôi đồng ý với Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND thành phố HP vì: anh Bùi Văn Tiếp và chị Phạm Thị Vy tuy vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại điểm 3 Điều 9 nhưng họ lại không đăng ký kết hôn mà chỉ chung sống với nhau như vợ chồng nên không thể ra Quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật của họ. “Nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng” (điểm 1, Điều 11).

Như vậy, qua việc phân tích hai ví dụ trên cho thấy, trong thực tiễn xét xử các vụ việc liên quan đến trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng vẫn còn không ít những sai xót của Tòa án. Sở dĩ có sự tồn tại này bởi việc áp dụng các quy định của pháp luật còn chưa được thống nhất, cho dù các văn bản pháp luật đã được ban hành và giải thích khá cụ thể, chi tiết về việc áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ năm 2000.

Một phần của tài liệu những ảnh hưởng của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng tới việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w