nhận là “hôn nhân thực tế”
Điều 8 Luật HN&GĐ năm 1986 quy định: “việc kết hôn do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của một trong hai bên kết hôn công nhận và ghi vào sổ kết hôn theo nghi thức do nhà nước quy định… Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý.” Như vậy, theo suy luận ở trên vừa đưa ra thì trường hợp hôn nhân không đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là hôn nhân không trái pháp luật. Do đó thực tế có rất nhiều trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, đến khi phát sinh mâu thuẫn thì lại đến tòa án cho yêu cầu ly hôn; hay khi một bên chết, thì bên còn sống yêu cầu chia di sản của bên kia. Ngày 20/11/1988, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ , trong đó quy định đối với việc hôn nhân không có đăng ký tuy có vi phạm về thủ tục kết hôn nhưng không coi là kết hôn trái pháp luật, nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án không hủy việc kết hôn mà xử
như đối với trường hợp ly hôn. Tuy nhiên, hướng dẫn này cũng chỉ là giải pháp tình thế để bảo vệ quyền lợi cho các bên và con cái sinh ra trong mối quan hệ đó.
Về nguyên tắc, quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng chỉ phát sinh từ thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, trong quan hệ chung sống như vợ chồng thì thời điểm này được tính từ mốc thời gian nào? Bởi, giữa họ không có Giấy chứng nhận kết hôn. Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 quy định rất chi tiết về vấn đề này, theo đó:
- Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn , nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Nếu việc đăng ký kết hôn được thực hiện sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.
- Đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 nhưng đã đăng ký kết hôn từ trong thời gian từ ngày 01/01/2001 đến 01/01/2003, nếu họ có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.
- Đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 nhưng đăng ký kết hôn sau ngày 01/01/2003, sau này trong Chỉ thị số 02/2003/CT-BTP ngày 14/07/2003 gia hạn thêm “đối với các
trường hợp phức tạp, cần xác minh hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì cần cố gắng, tích cực hoàn thành việc đăng ký kết hôn trước ngày 01tháng 8 năm 2004” . Từ sau ngày 01/08/2004 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b, khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng; nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2000, bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng, nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.
Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP nêu rõ những trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng được coi là “hôn nhân thực tế” khi có đủ các điều kiện kết hôn và thuộc một trong bốn trường hợp:
- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau
- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận
- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến - Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Theo đó, thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống như vợ chồng quy định là: ngày họ tổ chức lễ cưới; ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận; ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình. Tuy nhiên, việc quy định ngày nam, nữ “thực sự” bắt đầu chung sống có vẻ khá “trừu tượng” bởi, không có một sự chắc chắn nhất định, nếu vợ chồng tự thỏa thuận ngày họ về chung sống với nhau để bảo vệ lợi ích của mình trong mối quan hệ với người thứ ba hoặc có tranh chấp về lợi ích giữa vợ và chồng thì rất có thể thời điểm này sẽ không còn là chính xác nữa.
Điều 3 Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 đã quy định cụ thể về vấn đề này:
Quan hệ hôn nhân của những người đăng ký kết hôn theo quy định của Nghị định này, được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế. Ngày công nhận hôn nhân có hiệu lực phải được ghi rõ trong Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn theo hướng dẫn của Bộ tư pháp.
Kể từ thời điểm hai bên nam nữ về chung sống với nhau, giữa họ sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật HN&GĐ quy định, đó là các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và về tài sản. Trong trường hợp các bên phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ áp dụng các quy định pháp luật về ly hôn để giải quyết.