Những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không được thừa nhận là “hôn nhân thực tế”

Một phần của tài liệu những ảnh hưởng của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng tới việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Trang 39 - 42)

thừa nhận là “hôn nhân thực tế”

Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định việc nam nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Điều này thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước ta đối với các trường hợp vi phạm thủ tục đăng ký kết hôn, kể từ ngày Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thì sẽ chấm dứt việc công nhận “hôn nhân thực tế”.

Theo điểm c, Khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/06/2000 thì:

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì

Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Quy định tại điểm c, Khoản 3 như trên đã thể hiện triệt để quan điểm của Luật HN&GĐ với mục đích đúng đắn và thái độ kiên quyết chấm dứt tình trạng “hôn nhân thực tế”. Trường hợp các bên xác lập quan hệ vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ không được thừa nhận là đã kết hôn về mặt pháp luật. Nếu các bên có yêu cầu ly hôn thì các vấn đề do việc xác lập quan hệ hôn nhân không có đăng ký kết hôn phát sinh sẽ được giải quyết như sau:

Về quan hệ nhân thân: Khi có tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng chưa đủ điều kiện “hôn nhân thực tế” và họ có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Theo Khoản 3 Điều 8 Luật HN&GĐ thì việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn không bị coi là kết hôn trái pháp luật, do đó Tòa án không thể tuyên bố xử hủy quan hệ này, nhưng về mặt nhân thân thì không thừa nhận việc phát sinh quan hệ vợ chồng giữa các đương sự để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp về tài sản và con.

Về quan hệ tài sản: Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 35/2000/QH10, trong trường hợp các bên chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn có tranh chấp về tài sản, thì áp dụng quy định về giải quyết tranh chấp về tài sản đối với các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật.

Tài sản chung của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần bởi theo Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì sở hữu chung của vợ chồng mới là sở hữu chung hợp nhất.

Theo Khoản 3 Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2000 đối với vấn đề tài sản thì Tòa án sẽ giải quyết như sau:

Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

Đối với con chung: Quan hệ của các bên chung sống như vợ chồng không được pháp luật thừa nhận là hôn nhân không làm giảm hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của họ đối với con chung. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha mẹ được Nhà nước thừa nhận hay không thừa nhận. Do đó, Nghị quyết số 35/2000/QH10 và khoản 2 Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2000 đã khẳng định: “quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn”. Như vậy, khi hai bên nam, nữ bị Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng thì họ vẫn phải có nghĩa vụ đối với con chung. Các quyền lợi của con được giải quyết theo các Điều 92 (Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn); Điều 93 (Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn); Điều 94 (Quyền thăm nom con sau khi ly hôn). Hai bên có thể thỏa thuận về việc nuôi dưỡng con, mức cấp dưỡng nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con sau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được việc nuôi con thì Tòa án sẽ giao cho một bên nuôi con, có xét đến nguyện vọng của con (nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên). Trong trường hợp con dưới ba tuổi thì giao cho người mẹ nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Như vậy, việc áp dụng các quy định tại Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết hậu quả pháp lý đối với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng sau ngày 01/01/2001 là hoàn toàn hợp lý, tuân thủ nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em (theo Điều 2 Luật HN&GĐ năm 2000).

Một phần của tài liệu những ảnh hưởng của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng tới việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Trang 39 - 42)