MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỂ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NAM NỮ CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Một phần của tài liệu những ảnh hưởng của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng tới việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Trang 46 - 52)

CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Như đã nói ở trên, nam nữ chung sống như vợ chồng luôn là một hiện tượng khách quan trong xã hội, do đó sẽ không có một giải pháp nào hiệu quả tới mức ngăn chặn được tận gốc hành vi này xảy ra. Tuy nhiên, xin nêu một số kiến nghị mong muốn được đóng góp một phần nào đó vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên chung sống và của người thứ ba.

- Đối với việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần xây dựng một văn bản pháp luật riêng quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Việc Luật HN&GĐ không thừa nhận “hôn nhân thực tế” là hoàn toàn phù hợp cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, không thừa nhận “hôn nhân thực tế” không có nghĩa là sẽ chấm dứt tình trạng chung sống như vợ chồng trong xã hội mà ngược lại, nó vẫn tiếp tục tồn

tại như một hiện tượng khách quan, pháp luật không thể bỏ qua và cũng không thể không điều chỉnh. Để giải quyết các vấn đề phát sinh từ mối quan hệ này cần xây dựng một hệ thống các quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh vấn đề chung sống, tránh tranh chấp xảy ra để bảo vệ quyền lợi của các bên, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em và của người thứ ba khi thiết lập các giao dịch dân sự, kinh tế đối với các đương sự.

- Đối với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành, cần tăng cường củng cố và hoàn thiện các quy định của pháp luật điều chỉnh vấn đề chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, làm cơ sở cho cơ quan xét xử áp dụng một cách thống nhất. Đặc biệt là cần khắc phục những hạn chế của các quy định hiện hành và xây dựng chế tài để xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trái pháp luật.

Đối với quan hệ chung sống như vợ chồng trái pháp luật, hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định chế tài xử lí vi phạm đối với hành vi nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn và không có đủ điều kiện kết hôn. Mặc dù Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ quy định về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, song Nghị định này chỉ điều chỉnh nhóm hành vi trực tiếp xâm hại đến các quan hệ hôn nhân và gia đình, còn hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật thì không được điều chỉnh. Do đó, cần quy định những chế tài cho hành vi này trong Nghị định 87/2001/NĐ-CP hoặc nên xây dựng một văn bản pháp luật điều chỉnh những hành vi thuộc loại này. Trong quá trình giải quyết nên xét đến tính chất và mức độ vi phạm điều kiện kết hôn của các đương sự để xử lý cho hợp tình hợp lý:

+ Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì các trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực HN&GĐ.

+ Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng và có đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm thì các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 146, Điều 147, Điều 148 và Điều 150 Bộ luật hình sự năm 1999 (Chương XV - các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình).

- Đối với công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật: Có thể nói, sự chuyển biến ý thức của nhân dân đối với việc tuân thủ pháp luật là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu lực của các quy định pháp luật trên thực tế. Do đó cần tăng cường và nâng cao hiệu quả của các chuyến đi tuyên truyền pháp luật lưu động về cơ sở đặc biệt là tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật về HN&GĐ. Cần giúp nhân dân hiểu rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của đăng ký kết hôn cũng như các thủ tục bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật để được Nhà nước công nhận là vợ chồng.

- Ở những nơi miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì UBND các cấp có thể tổ chức các cuộc đăng ký kết hôn lưu động đến tận cơ sở. Những cán bộ hộ tịch cần phối, kết hợp với nhân dân và những người có trách nhiệm ở thôn xóm (trưởng thôn, trưởng bản….) để khuyến khích những đôi nam nữ đã chung sống với nhau như vợ chồng mà chưa đăng ký kết hôn tự nguyện đăng ký để quyền lợi của họ được pháp luật bảo vệ.

- Đối với tình trạng sinh viên chung sống với nhau như vợ chồng đang ngày một gia tăng hiện nay một cách nhanh chóng thì các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cùng với cán bộ hộ tịch kết hợp với các chủ nhà để có biện pháp kiểm tra, rà soát các khu nhà cho thuê, nhà trọ kiểm tra tình trạng hôn nhân của họ. Khi thấy họ chưa đăng ký kết hôn thì nên chỉ rõ cho họ thấy hậu quả của việc không đăng ký kết hôn tới quan hệ vợ chồng cũng như tới xã hội và khuyên họ nên chấm dứt việc chung sống với nhau. Trong trường hợp xét thấy việc chung sống giữa họ là xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc thì nên

khuyến khích họ đi đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền để được pháp luật công nhận và bảo vệ những quyền, lợi ích giữa vợ và chồng theo phát luật.

- Bài khóa luận ra đời trong hoàn cảnh nước ta đang chuẩn bị tiến hành cho một cuộc Tổng điều tra dân số trên phạm vi cả nước, trong mẫu đơn khai báo gồm có cả một mục khai về tình trạng hôn nhân. Các cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra các biện pháp mềm dẻo mà hiệu quả để khi áp dụng nó vào việc lấy thông tin từ phía người dân sẽ thu được những kết quả sát thực nhất. Qua đó có thể phát hiện và ngăn chặn một cách đáng kể những hành vi của nam nữ chung sống như vợ chồng.

- Gia đình và nhà trường cần phối hợp trong việc giáo dục con em mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cần rèn luyện cho trẻ lối sống nghiêm túc, học và làm theo Hiến pháp và pháp luật.

KẾT LUẬN

Chung sống như vợ chồng là hành vi tự nguyện liên kết của hai người nam, nữ; họ đã ăn ở và coi nhau là vợ chồng mà không tiến hành đăng ký kết hôn. Nam nữ chung sống như vợ chồng đã và đang tồn tại từ trước tới nay như một hiện tượng tất yếu của xã hội, bởi vậy chắc chắn tình trạng này sẽ tồn tại lâu dài, khó có thể ngăn chặn. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này một cách thống nhất và kịp thời.

Tình trạng chung sống như vợ chồng, xét dưới góc độ xã hội đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tới tầng lớp thanh niên – những người trẻ tuổi, hình thành lối sống buông thả, “hôn nhân thử nghiệm”, các quan niệm về tình yêu lứa đôi trong sáng dần bị mờ nhạt bởi sự tự do liên kết giữa hai giới xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, không phải từ mong muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Dưới góc độ pháp luật HN&GĐ, tình trạng chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đã gây ra không ít những ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng với nhau, gây thiệt hại về cả mặt vật chất và tinh thần cho các bên, quyền lợi chính đáng mà lẽ ra họ phải được hưởng đã không được pháp luật bảo vệ chỉ vì họ không tuân thủ quy định về đăng ký kết hôn do pháp luật quy định.

Bài khóa luận đã nêu lên những quan điểm của Nhà nước đối với các trường hợp chung sống như vợ chồng được thừa nhận là hôn nhân thực tế và đối với các trường hợp không được thừa nhận là hôn nhân thực tế. Như vậy, hiện nay quan điểm của Nhà nước là không thừa nhận hành vi nam nữ chung sống như vợ chồng là hôn nhân thực tế đối với các trường hợp xác lập quan hệ chung sống từ ngày 01/01/2001 trở đi là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn chính đáng. Qua đó bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ này, đồng thời cũng bảo đảm được tính pháp chế XHCN.

Phần cuối của bài là một số kiến nghị đối với các vấn đề cơ bản: - Đối với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

- Đối với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành - Đối với công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật

- Đối với việc xử lý các trường hợp quan hệ chung sống như vợ chồng trái pháp luật

Một phần của tài liệu những ảnh hưởng của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng tới việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w