- Việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh
2.2.3. Sơ bộ nhận định về nhân cách tuổi ấu thơ trong xã hội hiện nay
Trẻ em trước tuổi đi học ngày nay, nhìn chung có chiều hướng khôn lớn, thông minh, chiều cao, cân nặng của trẻ đều có chỉ số phát triển hơn trước. Đặc biệt sự phát triển của não bộ đánh dấu những trưởng thành vượt trội về thể chất, trí tuệ. Những kết quả đó là dấu hiệu đáng mừng cho một thế hệ tương lai, đồng thời cũng là kết quả bước đầu của phương pháp đổi mới giáo dục; công tác chăm sóc, bảo vệ bà mẹ, trẻ em được tốt; trẻ em được lĩnh hội thông tin sớm cả về chất lượng và thời lượng; nhiều gia đình đầu tư thích đáng cho trẻ những năm đầu trước tuổi đi học; trình độ nuôi dạy con của các bậc cha mẹ được nâng cao...
Tuy nhiên, việc nuôi dạy trẻ ngày nay vẫn còn nhiều bất cập trước những yêu cầu đổi mới đất nước.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo, trẻ em trước tuổi đi học hiện nay có khoảng 11,5 triệu, trong đó chỉ có hơn 2 triệu trẻ được đến trường học mẫu giáo. Còn lại hơn 8 triệu trẻ chưa được đến trường lớp. Như vậy, việc nuôi dạy trẻ em trước tuổi đi học chủ yếu vẫn là gia đình.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khẳng định gia đình có vai trò đặc biệt và tác dụng to lớn trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ thì tình cảm yêu thương ruột thịt trong gia đình, đặc biệt tình cảm mang tính chất Mẹ - Con khó có một tổ chức xã hội nào thay thế được. Bởi vậy, gia đình là nôi văn hóa đầu tiên của con người. Trong gia đình, trẻ được mọi người quan tâm chăm sóc, được sống trong những quan hệ và hoạt động phong phú đa dạng, sinh động của gia đình đầm ấm. Trẻ luôn được tiếp xúc với những người mà chúng thân thuộc khuyến khích, bảo ban từng ngày từng giờ. Vì vậy, gia đình là môi trường văn hóa mang đầy nhân tính, giúp trẻ nhỏ phát triển lành mạnh và hình thành những phẩm chất người mà không ở loài động vật nào có được.
Tuy vậy, không phải cứ trẻ nhỏ được nuôi dạy trong gia đình là sẽ được phát triển tốt. Có biết bao các bậc cha mẹ phải băn khoăn lo lắng và có khi cảm thấy bất lực trước những biểu hiện về tính tình, sức khỏe của trẻ. Chẳng hạn, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 6 tuổi còn cao, tỷ lệ bệnh tật còn nhiều. Số trẻ bị suy dinh dưỡng khá lớn. Quá trình nuôi dạy thấy trẻ phát triển chậm mặt này, mặt khác. Những cái đó xem ra, gia đình không thể có phương pháp sư phạm, thay vì trẻ cần được người lớn giúp đỡ tạo điều kiện thích ứng với yêu cầu học tập tại trường.
Gia đình ngày nay vẫn là môi trường văn hóa không thể thiếu trong nuôi dạy con cái, song không thể quan niệm lỗi thời "trời sinh voi, trời sinh cỏ" hay "cha mẹ sinh con trời sinh tính". Muốn cho con khỏe mạnh, con được phát triển toàn diện, gia đình phải có những hiểu biết khoa học về phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 6 tuổi. Cùng với đó, trẻ phải được giáo dục, hoạt động nơi trường lớp bảo đảm nhu cầu phát triển của trẻ. Nếu trẻ được nuôi dưỡng - giáo dục đúng thì sẽ được phát triển thuận lợi cả về thể chất, tinh thần, có thói quen, nếp sống tốt.
Giáo dục trẻ trong gia đình hiện nay cho ta nhìn thấy rõ ba xu hướng chính:
- Thứ nhất, cha mẹ và gia đình vẫn giữ nguyên cách dạy dỗ con em như trong truyền thống. Tức là dùng khuôn phép mệnh lệnh cố gắng đúc nặn nên những đứa trẻ đúng theo khuôn mẫu định trước. Những đứa trẻ trong gia đình này có nếp sống, thói quen tốt và ứng xử rất có nguyên tắc lễ giáo, nhưng tài năng cá tính ít được phát huy.
- Thứ hai, loại gia đình có cha mẹ vì yêu thương và chiều chuộng con nên không đòi hỏi gì ở con cái, không muốn để trẻ làm bất cứ việc gì mặc dù chỉ là dạy cho con việc lặt vặt để tạo cho trẻ có thói quen lao động giúp đỡ gia đình sau này. Cách suy nghĩ và dạy dỗ đó dẫn đến kết quả là trẻ trở nên xấu tính xấu nết, có thói quen tự coi mình là "cái rốn của vũ trụ", luôn đòi hỏi khi ở nhà, ở trường và đối với chúng bạn.
- Thứ ba, gia đình có cha mẹ biết kết hợp giữa gia đình và nhà trường mẫu giáo để dạy con thống nhất theo một hệ giá trị chuẩn mực. Việc kết hợp đó trước hết tạo cho trẻ thuận lợi trong phát triển nhân cách. Trẻ không sống hai "bộ mặt": một ở trường, một ở gia đình. Thứ hai, sẽ là sự bổ sung tích cực từ hai phía: trường học giúp các bậc cha mẹ những kiến thức mới kịp thời trong giáo dục con, nhất là phương pháp dạy trẻ 5 tuổi để chuẩn bị cho con vào lớp một, ngược lại, gia đình luôn cung cấp cho nhà trường, những ưu nhược điểm trong tính cách, sức khỏe, sở thích... của con để cô giáo kịp thời uốn nắn, phát huy. Những đứa trẻ được giáo dục theo cách phối hợp có ý thức của người lớn như vậy, xem ra chúng có tính cách tự tin, năng động, thông minh, độc lập và tự phục vụ được mình, hơn hẳn những trẻ cùng trang lứa của hai loại gia đình trên.
Qua thực trạng nuôi dạy con trong xã hội truyền thống và nuôi dạy con trong xã hội ngày nay cho thấy những mặt mạnh, mặt hạn chế của mỗi thực tiễn xã hội đó trong hình thành nhân cách ban đầu trẻ em.
Phương thức nuôi dạy con trong xã hội truyền thống có mặt ưu điểm con cái được quan tâm chăm sóc từ lúc còn bào thai trong bụng mẹ tới khi lọt lòng sinh ra và lớn lên đã được "học ăn, học nói, học gói, học mở". Quan niệm "uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây", theo kinh nghiệm, kinh điển được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bao đời đã hình thành trong trẻ thơ một thói quen, một nếp sống như cha ông, đó là sự đồng thuận với cộng đồng, gia đình. Phẩm chất nhân cách cá nhân trong xã hội truyền thống lấy lợi ích cộng đồng, lợi ích gia đình lên trên lợi ích cá nhân. Do đó, cái "tôi" trong xã hội truyền thống bị lu mờ, cá tính không được phát triển. Con người thiếu tự tin, không dám tự nghĩ, tự quyết, tự làm, sống phụ thuộc và ỷ lại vào cộng đồng, xã hội, gia đình.
Tính đồng thuận là phẩm chất truyền thống tốt của mỗi cá nhân nhằm duy trì sự ổn định, bền vững trong mọi mối quan hệ gia đình - họ tộc - làng xóm - dân tộc. Song những hạn chế trong giáo dục truyền thống dẫn đến con người "phi cá tính", kém năng động, ít sáng tạo góp vào sự trì trệ và lạc hậu ngàn năm của xã hội nông nghiệp cổ truyền. Nguyên nhân đó cũng góp phần không nhỏ vào phương thức nuôi dưỡng con cái quá trình từ trong bào thai cho tới lúc sinh con, nuôi con sơ sinh. Sự kiêng khem quá mức như không được bồi dưỡng tẩm bổ khi mang thai sợ con to khó đẻ; sau đẻ chỉ ăn cơm muối nướng, uống nước tiểu, dẫn tới phản khoa học. Con trẻ sinh ra và lớn lên với thể trạng của người mẹ và cách nuôi như vậy khó có được một sức khỏe thể chất bảo đảm. Do đó tỷ lệ trẻ tử vong, suy dinh dưỡng và tật bệnh trong xã hội truyền thống là rất cao.
Xã hội ngày nay, do điều kiện y tế, trình độ dân trí và chất lượng sống con người được nâng cao, người mẹ được chăm sóc từ khi mang thai tới khi sinh con, nuôi dạy con góp phần không nhỏ cải thiện thể chất trí lực của trẻ. Tuy vậy, như phần trình bày trên cho thấy, trẻ ở độ tuổi (0 đến 6 tuổi) ở nước ta chủ yếu do gia đình đảm nhận trọng trách nuôi dạy con (80%). Trong 80% số trẻ đó lại có đến 60 - 70% trẻ sống trong gia đình nông thôn còn nhiều những bất cập trong khoa học nuôi - dạy con. Nhiều gia đình ngày nay cha mẹ bận công việc suốt ngày, con trẻ được phó thác cho các cô ở
trường mẫu giáo dạy dỗ, hoặc thả cho trẻ chơi đứa lớn trông đứa bé, lang thang qua chơi các nhà hàng xóm. Nhiều gia đình, cha mẹ khá giả sẵn sàng đáp ứng mọi yêu sách của con trẻ trong ăn uống cũng như hưởng thụ trong tiêu dùng sinh hoạt, mong được "hy sinh đời bố, củng cố đời con" đã hình thành nên một lớp trẻ có tính cách ích kỷ chỉ biết đòi hỏi ở người khác, sống ỷ lại, chây lười. Sau lớn lên ít biết xem trọng công sức lao động, công sức nuôi dạy của cha mẹ và thầy cô giáo.
Tóm lại, trẻ em "như búp trên cành" khi còn ở độ dưới 6 tuổi, phương pháp nuôi
dạy sao cho trẻ phát triển toàn diện, đặt nền móng nhân cách trong những năm đầu tiên của cuộc đời hết sức quan trọng. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn chúng ta trong Gia đình - Cộng đồng - Xã hội. Búp non đó có ra lá, nở hoa cho trái tốt hay không là ở đường hướng và giải pháp thực hành của tất cả các bậc cha mẹ, những nhà giáo dục - văn hóa, và một chính sách xã hội tích cực.
Chương 3
Phương hướng, nhiệm vụ nhằm phát huy vai trò
của văn hóa trong hình thành nhân cách trẻ em (trước tuổi đi học) ở nước ta hiện nay
Từ khi lọt lòng mẹ cho đến 6 tuổi, trẻ trải qua một thời kỳ phát triển rất nhanh về các mặt thể chất và tình cảm trí tuệ. Đặc trưng của lứa tuổi này là trẻ hoàn toàn hồn nhiên trong sáng và đặc biệt nhạy cảm với mọi tác động, ảnh hưởng của giáo dục và môi trường xung quanh.
Được nuôi - dạy đúng đắn, được sống trong một môi trường thuận lợi với đầy đủ tình cảm thương yêu của cha mẹ, anh chị em hoặc người thân trẻ sẽ phát triển bình thường. Ngược lại, thiếu nuôi dưỡng chu đáo, thiếu dạy dỗ cẩn thận, thiếu tình yêu thương của gia đình người thân, hay bệnh tật, hay tai nạn rủi ro đều có thể ảnh hưởng xấu rất lâu, thậm chí suốt cuộc đời của trẻ.
Như vậy, khi trẻ 6 tuổi, mỗi trẻ đã có những nét tính cách riêng biệt, tuy chưa ổn định nhưng đã có thể nhận ra khá rõ ràng. Những nét tính cách nảy nở ban đầu từ 0 - 6 tuổi sẽ ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến học hành và sự phát triển các mặt của trẻ sau này, đặc biệt có ý nghĩa quyết định lâu dài đến sự trưởng thành và nhân cách của trẻ.
Ngày nay, xu hướng giáo dục tiến bộ đều xem trọng việc nuôi - dạy trẻ ở lứa tuổi này, đó là khâu đầu tiên, đặt nền tảng xây dựng nhân cách con người cho mai sau. Chính vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: Phải làm tốt việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành...
Việc chăm sóc và giáo dục các trẻ em từ tuổi sơ sinh cho đến 6 tuổi có tác dụng cực kỳ quan trọng trong sự hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa.