Giai đoạn tiền ngôn ngữ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa và sự hình thành nhân cách trẻ em (Trước tuổi đi học) ở nước ta hiện nay pot (Trang 25 - 27)

Ông bà ta thường nói "dạy con từ thuở còn thơ", nhưng trong thực tế, việc quan tâm, dạy dỗ bắt đầu từ khi đứa con còn nằm trong bụng mẹ, đó là thời kỳ "thai giáo" hay còn gọi là thời kỳ "chăm sóc thai nghén".

Việc sinh con đối với người Việt Nam rất là quan trọng. Còn đối với bản thân người phụ nữ sinh đẻ là một việc hệ trọng. Trong thành ngữ Việt có câu "người chửa cửa mả", người phụ nữ lúc sinh nở được coi là sự "vượt cạn". Đấy là chưa kể những âu lo ở giai đoạn nuôi trẻ sơ sinh. Bởi vậy, vấn đề thai giáo được coi là quan trọng, một phần vì sức khỏe của cả mẹ và con, một phần vì mọi tư tưởng hành động của người mẹ đều có ảnh hưởng tới bào thai. Vì thế, đã xuất hiện nhiều tập quán, tín ngưỡng liên quan tới thai nghén và sinh con của người phụ nữ.

Trước hết, nói về tập quán trong ăn uống của người phụ nữ khi mang thai, trong xã hội truyền thống, khi điều kiện vật chất và trình độ y tế còn thấp kém, thì sản phụ thường hay gặp tai biến. Bởi vậy, người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ hầu như không bồi dưỡng cho phụ nữ mang thai, họ quan niệm rằng: nếu tẩm bổ nhiều, thai sẽ to và sản phụ khó đẻ. Song, nếu có bồi dưỡng, người chửa cũng chỉ được dùng những thức ăn mà tập quán cho rằng "sau này dễ đẻ". Ví dụ, người phụ nữ mang thai huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, trước khi sinh khoảng ba tháng, người chửa thường ăn cháo cá chép nấu với vừng rang được xát vỏ. Hoặc phụ nữ ở nhiều địa phương gần tới ngày sinh thường ăn chè vừng, ăn đu đủ chín, hoặc như muốn con sau này trắng thì ăn nhiều trứng gà luộc v.v...

Trong lúc có thai phụ nữ còn phải kiêng một số thức ăn như thịt chó vì sợ nóng, sợ bị xúi (không may). Sách Phong tục Việt Nam của Toan ánh cho biết: kiêng ăn quả dính đôi vì sợ sinh đôi, không ăn cua bởi sợ đẻ ngang, kiêng ăn ốc vì sợ con hay rớt rãi, kiêng ăn khoai sọ vì sợ con thừa ngón tay ngón chân, kiêng ăn thịt thỏ để tránh con sứt môi, kiêng ăn những đồ cúng ở đám tang để tránh con bị chứng sài, kiêng những thịt ôi, hoa quả úa, có hại cho sức khỏe và do đó tới bào thai [2, tr. 381].

Trong thai giáo nhắc nhở người mẹ phải tránh làm những việc xấu như: ăn cắp, ăn trộm, những hành động độc ác trái luân thường đạo lý, tránh những cảnh quá xúc động, tránh dùng lời lẽ thô tục, những thái độ giận dữ... thái quá. Người mẹ cần giữ sự thanh thản, luôn tươi cười, có ý nghĩ cao quý, nói năng dịu dàng, đi đứng khoan thai, giữ cho tâm hồn ngay thẳng, trong sạch. Trong buồng ngủ nên treo tranh các em bé xinh đẹp, tươi tắn, bụ bẫm dễ thương, cũng có thể treo tranh các vị anh hùng, vĩ nhân hay tranh phong cảnh tao nhã thanh khiết.

Trong dân gian còn nhắc nhở người mang thai "phải năng cất nhắc, vận động, đừng ăn không ngồi rồi, kiêng ăn nhiều chất bổ sợ thai lớn khó sinh", đặc biệt những người phụ nữ mang thai lần đầu (gọi là con so) thì phải vận động nhiều, như câu tục ngữ: "Chửa con so làm cho láng giềng...".

Tóm lại, mọi tập tục truyền thống xung quanh vấn đề thai giáo đều có mục đích

đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và đứa con sinh ra. Thời kỳ dưỡng thai là hết sức quan trọng, người ta phải làm mọi việc để đạt được "mẹ tròn, con vuông" coi đó là niềm hạnh phúc lớn lao của gia đình, người mẹ phải được chuẩn bị đầy đủ về thể chất và tinh thần mới có điều kiện dưỡng thai tốt. Qua người mẹ, thai nhi không những tiếp nhận các chất bổ dưỡng mà còn nhập thân tình cảm, tâm hồn của người mẹ truyền cho.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa và sự hình thành nhân cách trẻ em (Trước tuổi đi học) ở nước ta hiện nay pot (Trang 25 - 27)