- Chăm sóc trẻ sơ sinh
2.1.2.3. Giai đoạn tiền thao tác
Nhìn chung, hoạt động nuôi dạy con trẻ từ 3 - 6 tuổi trong xã hội truyền thống chủ yếu vẫn là sự trao truyền kinh nghiệm sống được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác trong gia đình và bằng tấm gương của chính bản thân bố mẹ. Quan niệm của cha
mẹ trong xã hội truyền thống là sống tốt để vừa làm gương, vừa là gốc tạo nên phúc ấm cho con cháu. Triết lý sống "Nhân" nào "Quả" ấy khiến các bậc cha mẹ rất chú ý đến việc "dạy con từ thuở còn thơ". Với một quan niệm rất nghiêm khắc "yêu cho roi cho vọt" và đòi hỏi ở con cái rất nhiều. Con cái thường được giáo dục ngay từ nhỏ về nghĩa vụ và bổn phận của người làm con. Chính cuộc sống gương mẫu của cha mẹ và sự thấm nhuần nghĩa vụ, bổn phận làm con là gốc rễ sâu bền, chắc chắn tạo cho gia đình nhiều thế hệ sống cùng một mái nhà được bình ổn một cách thực sự.
Trẻ thơ ở lứa tuổi này, hoạt động nhận thức phát triển cả về chất lẫn lượng. Năng lực quan sát theo sự chỉ dẫn của người lớn cũng phát triển. Do đó các bậc cha mẹ đặc biệt chú ý tới hướng dẫn, dạy dỗ con nết ăn, nết ở, ứng xử. Các cụ thường quan niệm "uốn cây" phải từ "thuở còn non". Dạy dỗ, uốn nắn con thói quen tốt, nếp sống gọn gàng, vệ sinh, lễ phép trong sinh hoạt ăn, ở, ứng xử trước khi trẻ học chữ. "Tiên học lễ, hậu học văn" là như vậy.
Chẳng hạn, trong gia đình người Việt, mọi người cùng ăn chung một mâm. Ngồi vào mâm cơm, họ có thói quen mời nhau "ăn có mời, làm có khiến". Họ khó chấp nhận vào mâm cơm ai ăn mặc ai. Trước khi ăn, người nhỏ tuổi phải biết so đũa cho những người lớn tuổi. Người ta cho rằng, người biết ứng xử, biết phép tắc trong bữa cơm thì so đũa và ăn uống từ tốn. Kẻ không được dạy dỗ cẩn thận thì cầm đũa thế nào ăn cũng được. Con trẻ được cha mẹ dạy "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "liệu cơm gắp mắm" chứ không "bạ đâu gắp đấy". Nghĩa là khi ăn cần phải chú ý quan tâm đến người khác, ngồi ăn phải ngay ngắn, đàng hoàng, từ tốn.
Trẻ em ở lứa tuổi này được cha mẹ trong gia đình, thầy giáo ở lớp học trao truyền những mực thước mà kinh nghiệm của cha ông đã truyền lại cho. Nó diễn ra như một hằng số truyền từ đời này sang đời khác. Vả lại kỹ thuật đơn giản thì xã hội cũng đơn giản. Trẻ vào lớp ngồi im phăng phắc nghe thầy giảng rồi cố học thuộc lòng, lấy trí nhớ làm gốc. Trẻ em từ lúc lọt lòng tới 5 - 6 tuổi sống chủ yếu trong gia đình. Tình cảm đầu tiên của con người là tình cảm giữa con và bố mẹ. Tổ chức kỷ luật, thói quen, nếp
sống đầu tiên con người sinh ra cần tiếp nhận, nhập thân chủ yếu là của gia đình. Trước hết, là vai trò của bố mẹ trong việc xây dựng đạo đức cho con. Tức là, xây dựng nền nếp, thói quen, như ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp.
Trẻ từ lọt lòng cho đến 5 - 6 tuổi, chủ yếu là xây dựng nền nếp thói quen. Vì ở giai đoạn này con người của trẻ chưa hoàn chỉnh, các nếp sống, nếp suy nghĩ chưa cố định, đang ở giai đoạn hình thành. Các công trình nghiên cứu tâm lý giáo dục các nước đều nhất trí đến chừng 6 - 7 tuổi thì tính tình trẻ em đã bắt đầu cố định, những nếp sống cơ bản đã hình thành, sau đó rất khó biến đổi. Do đó, từ 0 - 6 tuổi ảnh hưởng bố mẹ, ảnh hưởng của đời sống gia đình tới quá trình nhập thân văn hóa của trẻ chiếm ưu thế tuyệt đối.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng làm hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, trí tưởng tượng bay bổng của trẻ thơ trong gia đình truyền thống là lời ru của mẹ, của bà, của chị.
Ru con là một truyền thống văn hóa dân tộc đã được phát triển qua nhiều thế hệ.
Ru con cũng là một sinh hoạt văn hóa giản dị, đầy ý nghĩa trong gia đình. Bởi có vô vàn lời ru trong vốn văn nghệ dân gian. Tiếng ru là sự chắt lọc những kinh nghiệm sống, vốn trí thức văn hóa từ đời này sang đời khác, lòng nhân ái... bởi vậy, ru con trong xã hội truyền thống cũng có nghĩa "dạy con từ thuở còn thơ".