đạo đức truyền thống của sinh viên
Con người với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức, quá trình cải tạo thế giới, là chủ thể của mọi quan hệ xã hội, thông qua hoạt động giáo dục (trong đó có mặt thứ hai của giáo dục là tự giáo dục) con người có khả năng tự biến đổi nhân cách của mình một cách có ý thức. Sinh viên là những người được giáo dục bởi nhà trường, gia đình và xã hội. Cùng với quá trình được giáo dục đó thì tự giáo dục là một quá trình sinh viên tự hoàn thiện nhân cách của mình, sao cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống, của xã hội, của thị trường sức lao động, đòi hỏi sinh viên phải phát huy cao độ tính tự giác và tính chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong việc giữ gìn truyền thống.
Sinh viên với những nét đặc thù về tâm sinh lý lứa tuổi, với một trình độ nhận thức và năng lực tư duy nhất định, quá trình giáo dục và tự giáo dục sẽ giúp cho sinh viên không chỉ nắm vững những kiến thức cơ bản, mà còn nắm vững những tri thức đạo đức đã được nhà trường trang bị, cùng với giao tiếp xã hội, sinh viên sẽ chuyển những kiến thức được học đó thành niềm tin cá nhân, thành những tình cảm đạo đức và được thể hiện ngay trong hành vi ứng xử hàng ngày của sinh viên.
Đạo đức là nội dung cơ bản thể hiện văn hóa của con người - văn hóa đạo đức, là mặt giá trị của con người, nó hướng con người vươn tới những giá trị đích thực của cuộc sống. Đạo đức ở mỗi con người không phải tự nhiên mà có đó là kết quả của cả quá trình phấn đấu, rèn luyện vô cùng khó khăn gian khổ. Người có đạo đức phải là
người được giáo dục, qua giáo dục và tự giáo dục. Thông qua hoạt động và giao lưu, con người hiểu rõ hơn về vai trò của lương tâm, nghĩa vụ, ý thức danh dự và các phẩm chất đạo đức cần thiết của cá nhân đối với đời sống cộng đồng.
Cùng với quá trình giáo dục là quá trình tự giáo dục, quá trình tự giáo dục là một quá trình "tự thân vận động", đòi hỏi phải có một nghị lực, một ý chí và quyết tâm cao để chiến thắng chính bản thân mình. Nếu không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên thì rất dễ bị gục ngã trước những cám dỗ của đồng tiền và tâm lý hưởng thụ. Do vậy, tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức không phải là một công việc dễ dàng và đơn giản Hồ Chủ tịch đã để lại cho chúng ta một kiệt tác về tinh thần tự rèn luyện:
Gạo đem vào giã bao đau đớn Gạo giã xong rồi trắng tựa bông Sống ở trên đời người cũng vậy Gian nan rèn luyện mới thành công.
Đạo đức không phải là cái gì sẵn có, mà nó được củng cố phát triển chủ yếu do sự đấu tranh rèn luyện hàng ngày, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cũng giống như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Trên thực tế có nhiều sinh viên được giáo dục đạo đức và đã hiểu rất rõ các phạm trù, nguyên tắc đạo đức nhưng khi ra trường công tác thì lại hành động tỏ ra không có đạo đức, hoặc vi phạm đạo đức.
Việc phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên là một trong những nội dung hiện đại
hóa phương pháp giáo dục: Lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là chủ đạo, là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý "tự thân vận động" của triết học. Với ý nghĩa đó, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp cho sinh viên có cơ hội để thể hiện mình, để tự mình vươn lên trong cuộc sống. Tính tự giác, tính chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên là con đường tất yếu đối với sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của sinh viên ngày nay.