đại học và cao đẳng
Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên, nhiều lần Bộ đã tổ chức biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ môn học; tổ chức các cuộc hội thảo (ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) bàn về việc nâng cao chất lượng dạy và học môn "Đạo đức học". Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, môn học này cho đến nay vẫn chưa được triển khai một cách đồng loạt ở các trường đại học và cao đẳng với tư cách là một môn học bắt buộc, thuộc "phần cứng" chứ không phải là môn học "tự chọn". Nhiều trường không dạy bộ môn này, một số trường chỉ dạy cho một số ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn.
Về nội dung, chương trình nhìn chung còn nghèo nàn nhiều khi xa rời thực tế, thiếu cập nhật. Giáo viên dạy bộ môn đạo đức học phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu, chủ yếu là do các giáo viên giảng dạy triết học đảm nhiệm, vì vậy, chất lượng và hiệu quả thấp. Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã chỉ ra: "Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức và nhân cách cũng như việc giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ bị xem nhẹ. Hiệu quả giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin bị hạn chế" [8, tr. 26].
Để khắc phục tình trạng trên, theo chúng tôi, ngay từ bây giờ các trường đại học và cao đẳng ở nước ta cần phải đưa bộ môn Đạo đức học trở thành một môn học bắt buộc, với nội dung chương trình đầy đủ phong phú và phù hợp với thực tế, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1226/GD-ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một số vấn đề về dạy và học các môn khoa học Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học và cao đẳng, ra ngày 06/4/1995, ở mục 5 có ghi: "Nội dung giáo dục đạo đức trong tất cả các loại hình trường với tư cách là môn bắt buộc".
Thực tế cho thấy rằng, để trở thành con người có đạo đức không nhất thiết phải nghiên cứu, học tập môn Đạo đức học. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, nhân loại không hề biết moralis hay ethicos là gì nhưng người ta vẫn sống một cách "rất có đạo đức", cũng giống như: "Từ lâu người ta suy nghĩ một cách biện chứng trước khi biết biện chứng là gì, cũng như từ lâu người ta đã nói theo văn xuôi trước khi có danh từ văn xuôi" (Ph. Ăngghen). Thế nhưng để trở thành con người thực sự có đạo đức dựa trên một niềm tin khoa học, một tình cảm mãnh liệt được soi sáng bởi lý tưởng đạo đức cao cả... không có con đường nào tốt hơn là nghiên cứu "Đạo đức học" và các khoa học liên ngành. Do đó, việc đưa môn đạo đức học trở thành môn học bắt buộc vào trong các trường đại học và cao đẳng là một việc làm cần thiết. Sự cần thiết ấy thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất: Việc giảng dạy môn Đạo đức học ở bậc giáo dục đại học nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho sinh viên, từ nhận thức cảm tính lên nhận thức lý tính, trang bị cho sinh viên một cách có hệ thống lý luận đạo đức (đạo đức học) với những khái niệm, phạm trù, quy luật. Giúp cho sinh viên nhận thức được bản chất của vấn đề, đi sâu tìm hiểu quy luật vận động và phát triển của đời sống đạo đức. Thấy được ý nghĩa, vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội... từ sự hiểu biết, nhận thức một cách đúng đắn các nguyên lý đạo đức học giúp sinh viên biến sự nhận thức đó (tức biến ý thức đạo đức) thành hành động, thành thực tiễn đạo đức.
Để biến quá trình nhận thức từ cảm tính lên lý tính, không có con đường nào tốt hơn và nhanh chóng hơn bằng con đường giáo dục. Về bản chất, giáo dục đạo đức là giáo dục khả năng tự giáo dục, tự rèn luyện, tự phấn đấu vươn lên của đối tượng giáo dục, qua đó giúp họ nhận thức một cách đúng đắn những giá trị đạo đức, xây dựng và củng cố ý thức, tình cảm, niềm tin, lý tưởng... đạo đức, biến chúng thành thói quen,
thành hành vi văn minh trong cuộc sống, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.
Để công tác giáo dục mang lại hiệu quả cao, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (vấn đề có ý nghĩa quyết định) cần phải tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình, giáo khoa phục vụ công tác giảng dạy môn "đạo đức học". Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội để thu hút sinh viên tham gia, kích thích tính tích cực xã hội ở họ, đồng thời đó cũng là giải pháp tốt nhất để thực hiện phương châm giáo dục: lý luận kết hợp với thực tiễn, học đi đôi với hành.
Thứ hai: Đưa môn Đạo đức học trở thành môn học bắt buộc trong trường đại học và cao đẳng là quán triệt một cách sâu sắc các quan điểm của Đảng ta đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong nhà trường. Những năm gần đây, Đảng ta rất chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên ở các nhà trường. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII, tháng giêng 1993) chỉ rõ: Chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc... đẩy mạnh giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII, tháng 12/1996) xác định nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục ở nước ta hiện nay là: thực hiện giáo dục toàn diện đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục ở tất cả các bậc học. Hết sức coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nhân cách cho học sinh, sinh viên. Vì lẽ đó, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII tháng 7/1998 cũng đã khẳng định: tư tưởng, đạo đức, lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa.
Kết luận của Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày 5-7-2004 về vấn đề thực hiện tốt 10 nhiệm vụ văn hóa do Nghị quyết Trung ương năm (khóa VIII) đề ra, trong đó nhiệm vụ thứ nhất là: "Đẩy mạnh giáo dục xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng lòng yêu nước, tạo sự chuyển biến rõ rệt về bản lĩnh chính
trị, đạo đức, lối sống, năng lực trí tuệ của con người Việt Nam, đủ sức thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" [1, tr. 60].
Hội nghị cho đây là một nhiệm vụ trọng yếu nhất của sự nghiệp văn hóa, vì vậy, trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo là, ngoài việc trang bị cho học sinh nói chung, sinh viên nói riêng những kiến thức cơ bản của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, thì việc giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên là hết sức quan trọng. Làm thế nào để đào tạo được cho đất nước những con người có đạo đức, có ý thức trách nhiệm của một công dân, có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, vừa có tri thức vừa có đạo đức để có đủ sức góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để cho "Đạo đức học" thực sự trở thành một môn học góp phần tích cực trong việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên, đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên vừa có phẩm chất đạo đức tốt, vừa có năng lực chuyên môn chuyên sâu và trình độ sư phạm cao, đảm nhiệm công tác giảng dạy môn Đạo đức học. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết giáo viên giảng dạy môn Đạo đức học ở một số trường đại học và cao đẳng không được đào tạo chuyên sâu, do đó chất lượng và hiệu quả giảng dạy môn học này nhìn chung thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ môn học. Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi chưa tổ chức được các lớp đào tạo tập trung, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể học tập kinh nghiệm bồi dưỡng các chuyên gia đạo đức học cho giáo viên giảng dạy môn học này của khoa Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Qua các đợt tập huấn chuyên ngành, nhất định trình độ của giáo viên sẽ được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy môn Đạo đức học.
Giáo dục đạo đức cho lớp trẻ nói chung, cho tầng lớp sinh viên nói riêng, là một vấn đề mang tính cấp thiết và lâu dài, để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, phát triển toàn diện, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài việc giáo dục trong gia đình, ngoài xã hội thì nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng, nhà trường không phải chỉ là nơi các em học tập những tri thức, kiến thức, mà còn là
nơi các em được tham gia vào những hoạt động có ý nghĩa thiết thực khác như: lao động, vệ sinh, sinh hoạt đoàn thể, giao lưu văn hóa... những hoạt động này đã giúp cho các em hiểu thêm những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, rèn luyện ý thức tập thể, tính cộng đồng nhân văn.