động tích cực đến việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên, chúng ta cần phải xây dựng một môi trường kinh tế - xã hội trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành những chuẩn mực đạo đức mới trong sinh viên. Bởi lẽ, môi trường sống, điều kiện kinh tế - xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, lối sống, tình cảm, sự hình thành nhân cách của con người. Trong "Hệ tư tưởng Đức", C. Mác và Ph.Ăngghen đã viết: "Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy".
Môi trường kinh tế - xã hội bao gồm các yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội có quan hệ mật thiết với nhau bao quanh con người, ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của con người.
Một môi trường kinh tế - xã hội được coi là trong sạch, lành mạnh khi ở đó sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các mặt đời sống xã hội và ngược lại, chính sự phát triển các mặt đời sống xã hội tạo động lực và định hướng cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Cuộc sống chứng tỏ rằng, nếu tạo dựng được một môi trường kinh tế - xã hội trong sạch lành mạnh, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển tải những nội dung giáo dục đạo đức truyền thống tới tầng lớp sinh viên. Đây chính là điều kiện để sinh viên vươn lên làm chủ bản thân và xã hội. Để đáp ứng điều đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi chúng ta phải tạo nên những tiền đề và điều kiện để vừa tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Cần có những phương hướng và những chính sách phù hợp trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phấn đấu để tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Các chính sách kinh tế và chính sách xã hội thống nhất với nhau, sự phát triển kinh tế là tiền đề cho sự phát triển văn hóa, đạo đức. Đến lượt mình, chính trình độ phát triển cao về văn hóa, đạo đức lại góp phần to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển.
Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở từng bước thiết lập quan hệ sản xuất mới từ thấp đến cao với sự đa dạng về các hình thức sở hữu, trong đó, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế hợp tác phải trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, là một đảm bảo kinh tế vững chắc cho sự phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, là tiền đề, là điều kiện vật chất để giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên. Chính trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống mới có điều kiện nhìn nhận một cách khách quan và khoa học hơn và cũng có nhiều cơ hội phát triển hơn. Với sinh viên, đây cũng là lúc mà nhà trường và xã hội tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng để sinh viên học tập, kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc một cách có hiệu quả.
Tạo dựng được môi trường kinh tế mới không thì chưa đủ để phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, đi đôi với nó còn phải tạo lập một môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh. Những phong tục tập quán của ta có thường là những giá trị tốt đẹp, tuy nhiên cũng có thể là những yếu tố lạc hậu, tiêu cực, nó còn tồn tại trong xã hội ngày nay như một tàn dư và chắc chắn rằng nó sẽ dần bị loại bỏ. Những giá trị tốt đẹp phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc chính là các điểm tựa tinh thần, có tác dụng to lớn trong giáo dục đạo đức đối với mọi đối tượng đặc biệt là sinh viên. Ngược lại, những hủ tục lạc hậu chính là vật cản, nó níu kéo, kìm hãm sự phát triển của đạo đức con người, đạo đức xã hội.
Vì vậy, việc duy trì, phát triển các phong tục tập quán tốt, cải tạo các tập tục lạc hậu là vấn đề hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới, có ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng giáo dục đạo đức truyền dân tộc. Ví dụ: trong việc cưới hỏi cần tránh những thủ tục rườm rà gây tốn kém, thực hiện hôn nhân theo đúng quy định của luật pháp. Trong gia đình cần gìn giữ các truyền thống tốt đẹp như yêu kính ông bà cha mẹ, thờ phụng tổ tiên, vợ chồng có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững... Ngoài xã hội vận động sâu rộng hơn nữa những phong trào, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: "Nhường cơm sẻ áo", "Uống nước nhớ nguồn", " Đền ơn đáp nghĩa" "Hiến máu nhân đạo". Đặc biệt đối với thanh niên, sinh viên, phải tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia vào các phong trào của Trung ương đoàn tổ chức. Phát triển mạnh mẽ phong trào thanh niên sinh viên thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển tài năng, thúc đẩy các phong trào của đoàn viên thanh niên sinh viên để tạo môi trường thuận lợi cho các phong trào của sinh viên. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, bản lĩnh chính trị cho người đoàn viên, hội viên làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu vào trong đời sống tinh thần của sinh viên.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, xây dựng môi trường kinh tế - xã hội trong sạch lành mạnh là tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay.