Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống với hiện đại trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay doc (Trang 87 - 92)

trị đạo đức truyền thống cho sinh viên

Lịch sử nhân loại cho thấy, bất cứ dân tộc nào biết kết hợp chặt chẽ các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại, biết chắt lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, với việc sử dụng những giá trị vốn có để làm giàu thêm những giá trị của mình, làm cho nó phù hợp với tình hình thực tiễn thì dân tộc đó sẽ đứng vững, sẽ phát triển trước mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc sống.

Nội dung của truyền thống là cái được kế thừa, trở thành một bộ phận cần thiết đối với cuộc sống. Truyền thống và hiện đại luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, truyền thống là tiền đề, là nền tảng của hiện đại, và hiện đại là sự kế thừa, sự nối tiếp của truyền thống. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành qua bao thăng trầm của lịch sử nước nhà, trải qua bao đời, bao thế hệ, những truyền thống quý

báu ấy đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam và nó được bồi đắp lên mãi mãi, nó trở thành sức mạnh nội sinh để người dân Việt Nam chiến thắng biết bao nhiêu kẻ thù xâm lược.

Dân tộc Việt Nam đã có bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là lịch sử vừa hào hùng vừa có đau thương, mất mát. Quá trình đó đã rèn luyện, đào tạo nên những thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau với tinh thần yêu nước quật cường, đã làm cho đất nước không ngừng phát triển bền vững, với những giá trị truyền thống dân tộc hết sức quý báu, những truyền thống ấy không ngừng được giữ gìn và tô thắm thêm giá trị và ý nghĩa của nó trong tiến trình lịch sử. Thực tế cho thấy, những giá trị truyền thống dân tộc nếu không biết gìn giữ và phát huy trong những điều kiện mới, hoàn cảnh mới, thì nó sẽ bị mai một, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của dân tộc, nó sẽ gây cản trở, tạo xung đột giữa sức nặng uy lực của truyền thống với yêu cầu đổi mới, vươn lên của cuộc sống hiện tại. Những giá trị truyền thống dân tộc như: tinh thần yêu nước, lòng nhân nghĩa nhân ái, tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn, đức tính cần cù tiết kiệm, sáng tạo trong lao động, tư duy linh hoạt, uyển chuyển "dĩ bất biến, ứng vạn biến" luôn luôn được đổi mới, bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới.

Truyền thống yêu nước là một truyền thống đặc trưng nhất, căn bản nhất, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự biến đổi hệ giá trị của dân tộc Việt Nam. Cho dù hệ giá trị có chịu sự chi phối của điều kiện kinh tế - xã hội như thế nào chăng nữa nó vẫn xoay quanh cái trục tinh thần yêu nước đó. Ngày nay, tinh thần yêu nước là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu mới của thực tiễn hiện nay, phải chuyển hóa chủ nghĩa yêu nước trước đây thành ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, quyết tâm thực hiện mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Phải chuyển từ ý chí không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ trước đây thành ý chí không chịu nghèo đói, ngu dốt, lạc hậu, lệ thuộc. Nếu như trước đây yêu nước là phải cứu nước, phải chiến thắng giặc ngoại xâm, thì nay yêu nước phải kiên quyết chống

tham nhũng, buôn lậu, ma túy, và các tệ nạn xã hội khác - những vấn nạn đã và đang từng ngày làm băng hoại các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Yêu nước ngày nay còn phải biết tự hào dân tộc, vì niềm tự hào này đã giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Thế hệ trẻ ngày nay cần gắn tự hào dân tộc với ý thức tự lực, tự cường, ý thức vươn lên bằng chính sức lực của mình, không ảo tưởng, chủ quan, luôn hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Một trong những giải pháp lớn xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng ta trong văn kiện Hội nghị lần thứ năm ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII nêu rõ: Giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước và giáo dục về chủ nghĩa xã hội, về nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước thoát nghèo nàn lạc hậu; làm cho mọi người thấm nhuần truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Lòng nhân ái của ta trước đây mới chỉ là sự giúp đỡ chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn "tắt lửa, tối đèn". Trong điều kiện hiện nay, nhân ái ngoài những cái đó, còn phải tạo mọi điều kiện phát huy năng lực cá nhân, con người phải được coi là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Nhân ái ngày nay vẫn tiếp tục mở rộng trên phạm vi toàn thế giới để cùng các dân tộc khác giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như: bảo vệ thiên nhiên, môi trường, chống chiến tranh, chống bệnh tật hiểm nghèo...

Truyền thống cần cù tiết kiệm trước đây của ta nay vẫn được phát huy và luôn gắn cần cù tiết kiệm với trình độ khoa học, với sáng tạo, có kỷ luật cao trong lao động. Có như vậy, mới thực hiện "đi tắt, đón đầu" biến nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại.

Truyền thống đoàn kết, gắn bó cộng đồng của ta nay cần được thực hiện trên tinh thần bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, tạo mọi cơ hội cho tất

cả mọi người cùng vươn lên, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Đoàn kết trong nước, đoàn kết dân tộc ngày càng được nâng cao và bổ sung lên một tầm cao mới.

Truyền thống và hiện đại là một sự thống nhất biện chứng, thống nhất trong mâu thuẫn, bao hàm mâu thuẫn. Có những giá trị truyền thống tiếp tục được bảo tồn, phát huy trong điều kiện, hoàn cảnh mới, có tác dụng to lớn trong sự phát triển đời sống tinh thần xã hội, ngược lại cũng có những truyền thống không còn thích ứng với xã hội hiện đại; có những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức vốn được coi trọng trong quá khứ đến nay nó đã không còn phù hợp với điều kiện mới. Chẳng hạn, các quan hệ trong xã hội phong kiến chủ yếu thực hiện thông qua các mối quan hệ tình cảm, mang tính huyết thống, làng xã, đẳng cấp... hơn là theo các nguyên tắc pháp luật và theo kỷ cương của nhà nước. Ngoài ra, còn có sự xung đột giữa các thế hệ, thế hệ sau với thế hệ trước, thế hệ già với thế hệ trẻ. Các thế hệ này thường có sự bất đồng trong các quan niệm, cách ứng xử, nguyện vọng, sở thích, thị hiếu, tác phong... Thế hệ già thường mong muốn sự ổn định, không thích có những biến động lớn, và luôn muốn bảo vệ, giữ gìn những giá trị truyền thống, do vậy thường chậm thích nghi với các yếu tố của xã hội hiện đại. Thế hệ trẻ ngày nay sống trong thế giới với sự bùng nổ về thông tin và khoa học kỹ thuật hiện đại cùng với những biến động lớn về chính trị - xã hội, có sự giao lưu với các nền văn hoá khác nhau, mà các sản phẩm của "nền văn minh hiện đại" thường có tính hai mặt, vừa có cái tốt vừa có cái xấu. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn tới tâm sinh lý, tư tưởng, tình cảm của lớp trẻ ngày nay (trong đó có sinh viên), nếu không có sự định hướng rõ ràng họ rất dễ bị chệch hướng. Chính vì lẽ đó, trong công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay là phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong giáo dục đạo đức mối quan hệ này được thể hiện rõ rệt cả ở nội dung và hình thức giáo dục, tránh thái độ cực đoan, hoài cổ, phục cổ, hay đón nhận một cách không có chọn lọc, thiếu cân nhắc những giá trị văn hóa ngoại lai, đón nhận những giá trị lai căng.

Ngày nay, chúng ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế với tốc độ cao, cường độ mạnh, điều này đặt

ra cho chúng ta nhiều thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn. Cách mạng khoa học - công nghệ đang tạo ra sự phát triển nhanh chóng của thế giới hiện đại, trong đó những thành tựu vĩ đại của công nghệ thông tin là không thể không thừa nhận, nó đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng của xã hội, nó làm thay đổi sâu sắc tới bộ mặt kinh tế văn hóa của nhiều quốc gia. Tạo điều kiện cho các nước trao đổi thông tin nhanh hơn chính xác hơn, làm cho các nước xích lại gần nhau hơn, từ đó cập nhật nắm bắt thông tin, tri thức khoa học kỹ thuật mới một cách nhanh chóng... điều đó đòi hỏi chúng ta hơn lúc nào hết phải biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống dân tộc - nhất là những giá trị đạo đức mới với những giá trị của nền văn hóa, văn minh tiên tiến, hiện đại, coi đó là nguồn lực nội sinh của sự phát triển. Hơn ai hết, thanh niên Việt Nam nói chung, sinh viên nói riêng cần được định hướng trong việc tiếp thu các giá trị nhân loại phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, để thực hiện tốt yêu cầu này cần phải làm tốt các nhiệm vụ sau:

- Một là, nâng cao trình độ mọi mặt cho thế hệ trẻ (trong đó có sinh viên) đặc biệt là trình độ học vấn, giúp họ am hiểu và nắm vững truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc, từ đó hình thành niềm tin khoa học và lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, tự tin bước vào hội nhập mà không bị "hòa tan" trước văn hóa ngoại lai.

- Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của các thế lực thù địch. Vì thanh niên, đặc biệt là sinh viên là một trong những đối tượng được "ưu tiên" của chiến lược này.

- Ba là, chú trọng và tăng cường có hiệu quả công tác giáo dục thể chất, không ngừng nâng cao thể lực cho sinh viên. Đối với mỗi sinh viên, cũng như toàn xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Bốn là, trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, định hướng giá trị (trong đó có giá trị đạo đức) cho sinh viên giữ một vai trò hết sức quan trọng. Điều này sẽ giúp cho sinh viên biết kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử mới, đồng thời biết tiếp thu (có chọn lọc) tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm giá trị truyền thống dân tộc.

Tóm lại, trong điều kiện mở cửa, hội nhập như hiện nay, để có thể tồn tại và phát triển, tất yếu chúng ta phải kết hợp được các giá trị đạo đức truyền thống với các giá trị đạo đức hiện đại, phải nâng được các giá trị đạo đức truyền thống lên một tầm cao mới. Kết hợp chặt chẽ tính truyền thống với tính hiện đại là một phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên Việt Nam.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay doc (Trang 87 - 92)