Nguyên nhân của mặt hạn chế, yếu kém

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay doc (Trang 78 - 83)

Quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực cần được khẳng định, cơ chế thị trường cũng có mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội nói chung, sinh viên nói riêng. Không ít sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường được giáo dục đầy đủ, thấm nhuần lý tưởng cách mạng, hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước, nhưng khi bước vào cuộc sống họ đã không đủ sức đề kháng đối với vòng xoáy của đồng tiền, đã gục ngã trước sự cám dỗ của "sức mạnh vật chất". Và cũng chính sự cạnh tranh gay gắt trong thương trường, đã làm cho kẻ thì gục ngã, người thì thành công, dẫn đến tình trạng phân hóa giàu - nghèo ngày càng tăng trong xã hội. Những chuẩn mực đạo đức trong cơ chế thị trường như: "làm giàu chính đáng", "cạnh tranh lành mạnh" được thay vào đó là nguyên tắc sống theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé" "tiền trao cháo múc" lạnh lùng, sòng phẳng theo kiểu trả tiền ngay không tình không nghĩa. Những cá nhân đó đã làm phai nhạt đi những tính cách, những quan hệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: tình nhân ái yêu thương con người, lòng khoan dung độ lượng, tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn với tinh thần "lá lành đùm lá rách"; " thương người như thể thương thân"; "một miếng khi đói bằng một gói khi no"; "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", hàng xóm "tối lửa tắt đèn có nhau"..., những biến đổi to lớn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống tình cảm của con người nói chung, sinh viên nói riêng.

Chủ trương mở cửa, giao lưu, hội nhập với các nước trên thế giới và trong khu vực đã giúp cho thanh niên sinh viên ngày nay được tiếp xúc, tiếp thu nhiều giá trị văn

hóa mới từ nhiều nền văn hóa khác nhau để làm phong phú thêm cho nền văn hóa nước nhà. Những làn gió mới đó không chỉ đem lại cho chúng ta gió mát, mà còn có cả "gió độc", trong khi lớp trẻ hiện nay là những người năng động nhạy bén, nhưng dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo bởi những cái "mới" cái "lạ" đó nhiều khi dẫn tới tình trạng vi phạm đạo lý, truyền thống dân tộc.

Mặt khác, âm mưu "diễn biến hòa bình" của kẻ thù đang có tác động tiêu cực đến một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên, ngăn cản sự nghiệp đổi mới của chúng ta. Đối với sinh viên, mục tiêu của chúng hòng làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời truyền thống dân tộc, chúng lợi dụng những thanh niên, sinh viên xấu để kích động, gây rối trật tự xã hội. Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý của Nhà nước ta, chúng đã tung vào nước ta những văn hóa phẩm độc hại, truyền bá những tư tưởng tự do và lối sống theo kiểu phương Tây... để xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành quả cách mạng và quá khứ hào hùng của dân tộc ta. Với những thủ đoạn xảo quyệt, chúng hòng làm cho thế hệ trẻ Việt Nam bị lẫn lộn, không phân biệt được phải, trái, đúng, sai, đâu là bạn, đâu là thù, tạo nên một lớp người phi chính trị, sống mờ nhạt không có lý tưởng, thiếu hoài bão và ước mơ.

Ngoài những nguyên nhân trên, phải kể đến một nguyên nhân khác, đó là do sự quản lý của nhà nước còn chưa chặt chẽ, có chiều hướng hữu khuynh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Công tác đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn tiêu cực trong xã hội chưa cao, môi trường xã hội nhìn chung còn ô nhiễm. Tất cả đó tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch và kẻ xấu lợi dụng lôi kéo tầng lớp trẻ trong đó có sinh viên. Bên cạnh đó, việc quan tâm đầu tư cho những hoạt động mang ý nghĩa giáo dục những giá trị truyền thống dân tộc còn chưa thỏa đáng, nếu không muốn nói là nhiều lúc còn bị xem nhẹ.

Các chủ thể giáo dục, các đoàn thể, các hội trong công việc của mình còn chưa toàn tâm toàn ý, thậm chí trong giáo dục truyền thống còn giữ các quan niệm cũ,

không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, không chịu đổi mới các phương thức hoạt động cho phù hợp trong khi thực tế đang thay đổi từng ngày từng giờ, dẫn đến hiệu quả giáo dục kém. Có những chủ thể không chịu lắng nghe ý kiến, nguyện vọng tâm tư của lớp trẻ, luôn áp đặt những suy nghĩ những ý kiến của mình cho họ mà không cần biết họ có chấp nhận và tiếp thu hay không.

Đối với các tổ chức Hội sinh viên, công tác cán bộ ở một số nơi còn lúng túng, thụ động, chưa được quan tâm đúng mức; cán bộ Hội đa phần là sinh viên luân chuyển nhanh lại không thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng. Mặt khác, việc tập huấn cán bộ ở một số nơi còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu nên cán bộ Hội hạn chế về năng lực chỉ đạo, kỹ năng tổ chức. Công tác chỉ đạo của các cấp Hội đặc biệt là cấp cơ sở còn yếu, đôi khi còn chưa kịp thời và thiếu nhạy bén sáng tạo. Công tác kiểm tra còn chưa được chú trọng, công tác nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm, phát huy sáng kiến trong hoạt động còn chưa được thực hiện thường xuyên. Một số nơi, vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn đối với tổ chức Hội còn hạn chế, nhất là trong công tác cán bộ, trong việc phát huy vai trò, sự chủ động, sáng tạo của tổ chức Hội sinh viên. Đối với hội viên, sinh viên còn có một bộ phận thờ ơ với tổ chức, ít tham gia các hoạt động tập thể. Mặt khác, việc phát huy vai trò tự nguyện, tự giác, ý thức trách nhiệm của sinh viên đối với công tác Hội, phong trào do Hội chưa cao.

Một nguyên nhân hết sức quan trọng khác là từ chính sinh viên - với tư cách là đối tượng được giáo dục. Bên cạnh những mặt tích cực, trong một bộ phận sinh viên tỏ ra thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Không biết tôn trọng quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc, xem nhẹ những giá trị nhân văn cao cả được ông cha ta tạo lập, vun đắp bởi bao thế hệ. Nhiều sinh viên tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt trong các giờ học các bộ môn lý luận Mác - Lênin hay trong các giờ sinh hoạt có tính chất thực tiễn chính trị - xã hội. Với những sinh viên này, cần phải có phương pháp giáo dục đạo đức truyền thống riêng, phù hợp; vừa giáo dục, thuyết phục, vừa có những biện pháp khác buộc họ phải hòa nhập với tập thể lớp, khoa, trường.

Ngày nay, sinh viên được sống trong một đất nước hoàn toàn độc lập, tự do, có đầy đủ điều kiện để phát triển hết tài năng vốn có của mình. Họ không phải trải qua chiến tranh và gian khổ, nên chưa thấy hết những giá trị của cuộc sống hiện tại mà các thế hệ đi trước đã phải đổ biết bao xương máu mới có được. Họ chỉ biết tận hưởng những thành quả của ông cha như hít thở không khí và thừa hưởng ánh sáng của tự nhiên vậy. Từ cách nhìn lệch lạc đã làm cho cuộc sống của một số sinh viên trở nên hẹp hòi, ích kỷ, luôn dựa vào người khác, đến khi gặp phải khó khăn thì ngay lập tức tỏ ra bi quan chán nản, tìm cách đả kích, giễu cợt những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc mà họ cho là đã lỗi thời, lạc hậu không còn giá trị đối với cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, còn có một số sinh viên khác có lối sống thực dụng, đua đòi ăn chơi, không quan tâm đến tình hình xã hội, thậm chí một số sinh viên còn lười học, vi phạm nội quy quy chế học tập, sa vào các tệ nạn xã hội.

Trong khi tập trung vào phát triển kinh tế, chúng ta chưa lường hết được những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng đến lớp trẻ hiện nay. Do vậy, trên thực tế luôn luôn xẩy ra những hiện tượng vi phạm đạo đức, lối sống trong đó có sinh viên. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế - xã hội là sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức trong một bộ phận dân cư. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho xã hội.

Tiểu kết chương 2

Sinh viên hiện nay đại đa số đều có ý thức chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hăng hái tham gia các phong trào do nhà trường và các đoàn thể, Hội sinh viên Thành phố tổ chức. Kết quả của những phong trào ấy đã góp phần tích cực đối với đời sống xã hội, khẳng định rõ vị trí vai trò người sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Thủ đô nói riêng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Việc giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên ở các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Có được những thành công đó trước hết là do Đảng và Nhà nước đã quan tâm chú ý và đầu tư đúng hướng cho giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc nói riêng. Bên cạnh đó, nhờ có sự nỗ lực cố gắng của những cán bộ ngành giáo dục và do chính bản thân sinh viên đã có sự phấn đấu rèn luyện, ý thức việc học tập là nhiệm vụ, tự giác trau dồi đạo đức, lối sống, có tinh thần gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Tuy nhiên, còn một số ít sinh viên chưa ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với tổ quốc, còn có những biểu hiện ham chơi, lười biếng, vi phạm những chuẩn mực đạo đức nói chung, đạo đức sinh viên nói riêng. Những hạn chế đó trong sinh viên một phần do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, một phần do gia đình, nhà trường, xã hội (chủ yếu là các đoàn thể, hiệp hội), chưa có sự phối hợp chặt chẽ, còn nhiều hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên. Cái quyết định hơn là do chính bản thân một số sinh viên chưa tự giác phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống, dẫn đến những hành động tiêu cực gây hậu quả xấu cho bản thân, gia đình và toàn xã hội, gây khó khăn đối với quá trình giáo dục nói chung giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc nói riêng. Để khắc phục tình trạng trên chúng ta cần phải có những phương hướng và giải pháp khả thi để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chương 3

phương hướng và Một số giải pháp chủ yếu

nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay doc (Trang 78 - 83)