1. Nghiên cứu môi trường tiếp thị quốc tế
2. Quyết định vươn ra thị trường nước ngoài
Doanh nghiệp cần cân nhắc những vấn đề cơ bản sau trước khi đưa ra quyết định có tiếp cận thị trường nước ngoài không:
- Thị trường nước ngoài có những khả năng thuận lợi để có thể tiêu thụ được sản phẩm của doanh nghiệp không.
- Mục tiêu của doanh nghiệp là thực hiện được bao nhiêu phần trăm khối lượng bán trên thị trường quốc tế.
- Công ty tiến hành xâm nhập một thị trường hay tiến hành đồng thời ở nhiều thị trường.
- Những rủi ro có thể gặp phải khi xâm nhập thị trường nước ngoài…
3. Quyết định thị trường sẽ xâm nhập
Ở đây là quyết định xem doanh nghiệp sẽ tổ chức tiếp thị ở một hay nhiều nước. Tính hấp dẫn của một nước chịu ảnh hưởng của sản phẩm, các yêu tố địa lý, nhân khẩu học, tình hình chính trị và nhiều yếu tố khác. Điều này đòi hỏi Công ty phải tiến hành đánh giá tính hấp dẫn của thị trường thông qua một số tiêu chí như:
- Dự bán chi phí xâm nhập thị trường và kiểm soát thị trường
- Đánh giá tiềm năng của thị trường và tiềm năng bán hàng thông qua một số tiêu chí như tổng mức bán ra, thị phần mà doanh nghiệp có thể đạt được nếu xâm nhập thị trường.
- Dự báo những rủi ro có thể gặp phải khi xâm nhập thị trường…
4. Quyết định cách thức xâm nhập thị trường
Doanh nghiệp có thể xâm nhập thị trường nước ngoài thông qua nhiều cách thức khác nhau: xuất khẩu, liên doanh hay đầu tư trực tiếp, mỗi cách thức xếp sau đòi hỏi phải gánh chịu nhiều cam kết hơn, rủi ro cao hơn nhưng cũng hứa hẹn lợi nhuận lớn hơn.
- Xuất khẩu: là cách thức thông thường nhất để xâm nhập vào một thị trường nước ngoài. Công ty có thể xuất khẩu theo hai phương thức. Phương thức thứ nhất là xuất khẩu trực tiếp, thông qua bộ phận hay phòng chịu trách nhiệm xuất khẩu đóng ở trong nước, thông qua chi nhánh hay công ty con đóng ở địa bàn nước ngoài, hoặc thông qua người đại lý hay phân phối ở nước ngoài. Phương thức thứ hai là xuất khẩu gián tiếp (xuất khẩu uỷ thác), tức là công ty sử dụng dịch vụ của những người trung gian tiếp thị quốc tế.
Hình thức xuất khẩu uỷ thác tỏ ra có nhiều ưu điểm đối với công ty vừa bắt đầu hoạt động xuất khẩu. Nó đòi hỏi đầu tư ít vốn hơn, công ty cũng không cần xây dựng bộ máy của mình ở thị trường nước ngoài hay thiết lập mạng lưới tiếp thị quốc tế. Xuất khẩu uỷ thác cũng có độ rủi ro thấp hơn so với xuất khẩu trực tiếp.
- Liên doanh: là việc liên kết với các đối tác ở nước ngoài để xây dựng những cơ sở sản xuất và tiếp thị ở nước đó. Liên doanh cũng có thể tiến hành thông qua các phương thức khác nhau như cấp giấy phép sản xuất, quản lý theo hợp đồng và công ty liên doanh. Cấp giấy phép sản xuất là việc doanh nghiệp thoả thuận với người được cấp giấy phép ở thị trường nước ngoài về việc trao quyền sử dụng quy trình sản xuất, nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền, bí mật thương mại…để đổi lấy tiền tác quyền. Giao thầu sản xuất là việc doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người sản xuất ở nước ngoài về việc sản xuất hàng hoá. Quản lý theo hợp đồng là việc doanh nghiệp cung cấp cho đối tác nước ngoài quy trình quản lý, còn đối tác sẽ đảm bảo vốn cần thiết. Thành lập công ty liên doanh là việc công ty góp vốn với đối tác nước ngoài để xây dựng một công ty đóng tại nước sở tại, hai bên cùng sở hữu và quản lý.
- Đầu tư trực tiếp: là hình thức doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ nhất vào thị trường nước ngoài thông qua việc đầu tư vốn để thành lập ở nước ngoài các doanh nghiệp lắp ráp hay sản xuất của mình.
5. Quyết định cơ cấu bộ phận tiếp thị
Công ty có thể tổ chức bộ phận tiếo thị của mình thông qua phòng xuất khẩu hay phòng tiếp thị quốc tế. Nếu tiềm lực của công ty đủ mạnh thì công ty có thể thành lập chi nhánh quốc tế của công ty mình
Tiếp thị là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của công ty. Chỉ thông qua nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của khách hàng và những thay đổi của môi trường kinh doanh, công ty mới có thể thực hiện có hiệu quả các chương trình tiếp thị để có thành công trong kinh doanh.