trả” (Kosten) của tiến trình phức tạp ấy là điều Max Weber đặc biệt quan tâm và ông có cái nhìn tỉnh táo, cảnh báo về nhiều nguy cơ, chứ không phải là người biện hộ (Apologet) vô điều kiện cho tiến trình ấy như không ít người lầm tưởng. “Tinh thần chức nghiệp”, như đã nói, sớm tách rời khỏi cơ sở tôn giáo của nó và từ một sự quyết định tự do lúc ban đầu đã trở thành sự tất yếu, thậm chí một sự cưỡng bức : “Người Puritanist đã muốn làm một con người-nghề nghiệp, còn chúng ta thì phải làm.”78 Theo một nghĩa nào đó, “lý tính ở trong lịch sử” – như cách nói của Hegel – đã được chứng thực trong thực tế, nhưng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “vương quốc của sự Tự do”! Từ viễn tượng chính trị (nhuốm màu bi quan), ông không thấy có lối thoát ra khỏi “cái lồng của sự lệ thuộc” (Gehäuse der Hörigkeit)79, ra khỏi việc “ấu trĩ hóa con người” (Entmündigung), ra khỏi sự “tha hóa” (Entfremdung) hòng làm cho tính thuần lý – đã bị thoái hóa thành mục đích tự thân – trở lại là phương tiện để phục vụ cho con người và cho các quan hệ xã hội của con người. Ông luôn lo sợ : “Trước bước tiến lên không gì ngăn cản nổi của chủ nghĩa tư bản và sự 'quan liêu hóa', không biết còn có thể cứu vãn phần còn sót lại nào đó của một sự tự do vận động theo một nghĩa 'cá nhân chủ nghĩa' hay không, và làm sao nền 'dân chủ' còn có thể có được trong tương lai.”80 Chính qua các nhận định từ rất sớm giữa khói lửa của cuộc Thế chiến thứ nhất, Max Weber xứng đáng là một trong những “bậc thầy tư tưởng” (maître-penseurs) của thế kỷ XX bên cạnh những Adorno, Horkheimer, G. Lukács… về “biện chứng của sự Khai minh”.
xXx
Quyển sách mà độc giả đang cầm trên tay bao gồm công trình chính là Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản mà Max Weber viết vào năm 1904-1905 (in trong Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik, tập XX, 1904, quyển 1, tr. 1- 54, và tập XXI, 1905, quyển 1, tr. 1-110), và có sửa chữa, bổ sung vào năm 1920. Ngoài ra còn có thêm một bài mang tên là “Các giáo phái Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” (Die protestantischen Sekten und der Geist des Kapitalismus) – đây là một bài mà Weber đã bổ sung thêm nhiều, khởi sự từ một bài báo của ông đăng trên tờ Frankfurter Zeitung, số ra vào dịp Phục sinh năm 1906, sau đó bài này ông được mở rộng và đăng trên tờ tạp chí Christliche Welt (1906) với tựa đề là “Các giáo hội và các giáo phái” (“Kirchen und Sekten”). Ở ngay phần đầu quyển sách này là bài “Lời nhận xét mở đầu” (Vorbemerkung) mà Weber viết vào cuối năm 1919 để mở đầu cho một bộ sách gồm ba tập mang tên là Gesammelte Aufsätze zur Religionssoziologie (Tập hợp các luận văn về xã hội học tôn giáo) – bộ này chỉ được xuất bản sau khi Weber qua đời vào năm 1920. Chúng tôi dịch thêm cả hai phần này để bạn đọc có thêm tư liệu nghiên cứu.
Quyển sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Đức, có tham khảo các bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh, bởi một tập thể dịch giả thuộc nhiều chuyên ngành khoa học xã hội-nhân văn khác nhau bao gồm Bùi Văn Nam Sơn (triết học), Nguyễn Nghị (sử học, văn hóa Kitô giáo), Nguyễn Tùng (xã hội học, dân tộc học) và Trần Hữu Quang (xã hội học). Nguyên bản tiếng Đức được sử dụng là ấn bản Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus của nhà xuất bản C. H. Beck, do Dirk Kaesler ấn hành, München, 78 Max Weber, ĐĐTL, bản gốc tr. 203.