Về thủ công nghiệp:

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa trong các thế kỷ XI - XIX (Trang 40 - 42)

Trong thời Bắc thuộc, ở nước ta đã xuất hiện tiền của Trung Hoa, nhưng chủ yếu sử dụng trong giai cấp thống trị. Khi đất nước giành được độc lập, một trong những công việc đầu tiên của các vua Việt Nam là thực hiện việc đúc tiền. Đúc tiền để giải quyết nhu cầu lưu thông là

chủ yếu, ngoài ra còn để khẳng định nền chính thống của nhà vua. Tiền đúc ở nước ta ở tất cả các thời đều phỏng theo cách chế đúc và hình dáng của tiền Trung Hoa. Tiền đúc tròn, lỗ tiền vuông. Trên mặt tiền có đúc bốn chữ Hán, trong đó hai chữ đầu là niên hiệu nhà vua. Đời Lý Thái Tổ đúc tiền Thuận Thiên đại bảo (1010 – 1028), Thuận Thiên nguyên bảo (1010 – 1028); đời Lý Thái Tông đúc tiền Thiên Thành nguyên bảo (1028 – 1034), Càn Phù nguyên bảo (1039 – 1042); đời Lý Anh Tông đúc tiền Đại Định thông bảo (1140 – 1163), Thiên Cảm thông bảo (1174 – 1175); đời Lý Cao Tông đúc tiền Thiên Tư thông bảo (1186 – 1202), Trị Bình thông bảo (1205 – 1210).

Tuy nhiên, tiền đúc của nước ta trong tất cả mọi thời hầu như không bao giờ đủ dùng. Do vậy, tiền của Trung Hoa vẫn được sử dụng phổ biến trên đất nước ta. Thời Lý, Trần còn dùng cả tiền thời Đường và thời Tống. Những đồng tiền thời Đường và thời Tống tìm thấy ở các tỉnh miền núi ngày nay chứng tỏ rằng đã có sự mậu dịch buôn bán giữa đồng bằng và miền núi, giữa người Việt và người Trung Hoa.

Trên cơ sở nền độc lập tự chủ nền kinh tế ở Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh. Nhà nước và nhân dân đều chú ý phát triển thủ công nghiệp. Việc học tập các kĩ thuật tiến bộ trong sản xuất, các nghề mới được nhà nước và nhân dân quan tâm. Trong những chuyến đi sứ sang Trung Hoa, các sứ thần nước ta đều tranh thủ học tập nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp mới về truyền dạy lại cho nhân dân.

Dưới thời Lý đất nước phồn thịnh, kinh tế mạnh mẽ, quân sự vững mạnh, văn hóa phát triển, đất nước an bình, kĩ nghệ được khuyến khích phát triển. Các nghề thủ công bước vào giai đoạn cực thịnh, đặc biệt là nghề gốm sứ. Những trung tâm gốm sứ xuất hiện đến ngày nay vẫn còn hưng thịnh nghề nghiệp đó là Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phú), Quế Quyền (Hà Nam Ninh), Chum Thanh (Thanh Hóa),… Mỗi vùng quê gốm lại giữ những kĩ nghệ riêng biệt. Mỗi nơi lại có những mặt hàng gốm đặc trưng riêng của mình, tạo thêm sự đa dạng và phong phú của công nghệ gốm Việt Nam. Nghề gốm ở Việt Nam đã có từ lâu đời, từ thời kì đầu dựng nước và ngày càng được cải tiến hơn và có tiếp thu kĩ thuật từ Trung Hoa. Theo tài liệu giới thiệu “Lịch sử nghề gốm ở Thổ Haø” của Ty Văn hóa Hà Bắc và tài liệu “Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng”, tư liệu đánh máy của Viện Mĩ thuật, năm 1964, “Vào khoảng thời Lý – Trần có người đỗ Thái học sinh được cử đi sứ nhà Tống (Trung Quốc) là Hứa Vĩnh Kiều người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiến người làng Thổ Hà (Hà Bắc), Lưu

Phong Tú người làng Kẻ Sặt (Hải Dương). Cả ba ông này khi đi sứ đã học được nghề sứ gốm. Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt, lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Công nghệ đó được phân như sau: ông Kiều về Bồ Bát, ông Tiến về Thổ Hà, ông Tú về Phú Lãng. Làng Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng. Làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ. Làng Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm” [101, tr. 15 – 16]. Đồ gốm thời Lý, Trần phát triển mạnh, nhiều ở số lượng và quí ở chất lượng, ngoài ý nghĩa sử dụng trong nước, còn được bán ra nước ngoài. Cho tới nay, trong lòng đất dọc hai bên bờ bến cảng Vân Đồn còn lại nhiều mảnh gốm được sản xuất trong nhiều thời đại ở Việt Nam, trong đó có gốm men ngọc của thời Lý.

Trong bộ sách Chuyện Kể danh nhân Việt Nam, tập 1: Các vị tổ ngành nghề Việt Nam tác giả Lê Minh Quốc có ghi chép về vùng gốm nổi tiếng ở Gia Định – Đồng Nai: “Từ thế kỉ XII những người thợ gốm Trung Hoa – di thần của nhà Tống – chạy sang nước ta mở lò gốm ở Thanh Hóa, dần dầân họ đi vào phương Nam định cư và lập nghiệp ở Biên Hòa, Đồng Nai” [79, I, tr. 64]. Sự phát triển nghề gốm ở Việt Nam còn có sự đóng góp của những người Hoa đến sinh sống.

Như vậy, trải qua quá trình tiếp xúc lâu dài với Trung Hoa – một đất nước có nền văn minh ra đời sớm, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu những kĩ thuật tiến bộ của Trung Hoa trong sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Cùng với sự nỗ lực của nhà nước và nhân dân, dưới thời Lý, nền kinh tế nước ta có bước phát triển mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện, khối lượng hàng hoá tạo ra nhiều đã thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với nước ngoài phát triển, đặc biệt là với nước láng giềng Trung Hoa.

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa trong các thế kỷ XI - XIX (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)