Về nông nghiệp:

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa trong các thế kỷ XI - XIX (Trang 39 - 40)

Sản xuất nông nghiệp là cơ sở kinh tế của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong giai đoạn đầu của các triều đại phong kiến, sản xuất nông nghiệp thường được đặc biệt quan tâm. Dưới ách đô hộ thời Bắc thuộc, những kĩ thuật canh tác tiến bộ của họ được nhân dân Việt Nam tiếp thu. Đến thời Lý, nhà nước tiếp tục áp dụng những kĩ thuật tiến bộ của Trung Hoa vào sản xuất nông nghiệp. Cày tịch điền là một nghi lễ cổ truyền nhằm khuyến khích nhân dân sản xuất đã có từ thời Lê Hoàn được tiếp tục thực hiện. Đây là nghi lễ có từ các triều đại cổ xưa ở Trung Hoa nhưng phù hợp với một nước nông nghiệp, nên các vua nước ta vẫn sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Khi thực hiện nghi lễ, nhà vua trực tiếp cày ruộng để nêu gương cho nhân dân và để thân dân hơn.

Do hoàn cảnh tự nhiên, nước ta thường xuyên có nhiều lũ lụt nên nhà nước quan tâm nhiều việc trị thủy và thuỷ lợi. Ngay từ thời Bắc thuộc, kĩ thuật làm thuỷ lợi của người Trung Hoa đã được áp dụng ở nước ta. Sách Nam Việt chí phản ánh việc Mã Viện “chất đá làm thành đê để ngăn sóng biển” ở vùng Tạc Khẩu (Tam Điệp, Ninh Bình). Hậu Hán thư ghi lại sự việc Mã Viện “sửa sang kênh ngòi” [83, tr. 69]. Việc trị thủy và thuỷ lợi đã phần nào khống chế được sự tàn phá của lũ lụt. Các vua nước ta đều rất quan tâm và cho đắp nhiều đê nổi tiếng như đê Cơ Xá (thời Lý), đê Quai Vạc (thời Trần),…

Bên cạnh kĩ thuật làm thuỷ lợi, việc sử dụng sức kéo của trâu bò, cách làm và dùng các loại phân bón để bón ruộng cũng được nhân dân ta tiếp thu từ kĩ thuật của người Trung Hoa đã góp phần làm cho nông nghiệp phát triển, nâng cao năng suất, mỗi năm người Việt đã trồng được hai vụ lúa vào mùa hè và mùa đông. Như vậy, quá trình giao lưu, ảnh hưởng kinh tếõ đã tác động đến kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp làm cơ sở ổn định và bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Do nhu cầu vận chuyển vật cống, thuế khoá thu được của nước ta đem về Trung Hoa, chính quyền đô hộ đã chăm lo việc tu sửa, xây đắp đường sá, tạo điều kiện dễ dàng cho sự thông thương giữa Việt Nam với Trung Hoa. Ở thời Lý, đường sá được mở rộng cùng với chính sách ngoại giao mềm dẻo đã thúc đẩy hoạt động trao đổi buôn bán giữa hai nước phát triển.

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa trong các thế kỷ XI - XIX (Trang 39 - 40)