1. Tình hình chung
Theo thông báo về chính sách thương mại của Thái Lan cho WTO, từ năm 1991 Thái Lan đã có quy định pháp quy về thuế chống phá giá dưới hình thức Thông tư của Bộ Thương mại (Notification B.E. 2534) thực hiện Luật về hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu (B.E. 2522) và Luật chống phá giá (B.E. 2507).
Từ năm 1999, các luật và quy định nêu trên đã được sửa đổi bổ sung hoàn chỉnh hơn thành Luật Chống phá giá và trợ cấp (B.E. 2542), với quy định áp dụng chi tiết tại các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, thường dưới hình thức Thông tư. Trên thực tế Thái Lan đã nhiều lần áp dụng các luật này để chống lại hàng hoá phá giá nhập khẩu vào Thái Lan. Ví dụ, năm 1994 áp dụng thuế chống phá giá đối với Hydro peroxide của ấn độ, liên tục từ 1997 đến nay áp dụng thuế chống phá giá đối với thép hình chữ I nhập khẩu từ Ba Lan và Hàn Quốc, với thép tấm cán nóng của Nga và Ukraina, từ năm 1998 đối với thuỷ tinh nổi của Indonesia. Một số nét chính của Luật chống phá giá của Thái Lan được nêu dưới đây.
2. Cơ chế điều tra phá giá và điều tra thiệt hại
Uỷ ban về phá giá và chống trợ cấp, gồm 17 thành viên là: - Bộ trưởng Bộ Thương mại - Chủ tịch Uỷ ban
- Thư ký thường trực1 Bộ Thương mại - Thư ký thường trực Bộ Tài chính - Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao
- Thư ký thường trực Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã - Thư ký thường trực Bộ Công nghiệp
- Tổng thư ký Uỷ ban Đầu tư
- Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại - Thư ký Uỷ ban 1 Trong hệ thống hành chính của Thái Lan, Thư ký thường trực (Permarnent Secretary) của một Bộ tương đương với chức Thứ trưởng của Việt Nam.
- Vụ trưởng Vụ Nội thương, Bộ Thương mại
- Vụ trưởng Vụ Kinh tế Kinh doanh, Bộ Thương mại
- 6 thành viên khác do Chính phủ chỉ định, là chuyên gia trong 6 lĩnh vực: thương mại quốc tế, kinh tế học, kế toán, luật, nông nghiệp và công nghiệp.
Theo quy định tại Luật về Chống phá giá và Trợ cấp, Uỷ ban này có nhiệm vụ và quyền hạn
chính sau:
- Thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan đến biện pháp chống phá giá và trợ cấp mà Luật quy định;
- Phê duyệt hoặc từ chối các cam kết về giá;
- Tư vấn trong việc soạn thảo các thông tư và quy định pháp quy cấp Bộ để thực hiện Luật về Chống phá giá và Trợ cấp. Cụ thể, trong toàn bộ quá trình dẫn đến việc áp dụng một biện pháp chống phá giá, Uỷ ban này làm các nhiệm vụ:
- Xem xét đơn kiến nghị cùng toàn bộ hồ sơ đi kèm do Vụ Ngoại thương đệ trình để thấy có đủ bằng chứng về việc bán phá giá, sự thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa chúng hay không, để từ đó ra quyết định có tiến hành điều tra hay không;
- Xem xét đưa ra kết luận sơ bộ về việc bán phá giá có diễn ra hay không và có xảy ra thiệt hại cho ngành công nghiệp nội địa hay không để từ đó đưa ra kết luận có cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm thời để tránh thiệt hại hay không; quyết định về hình thức biện pháp tạm thời (thuế hay đặt cọc), mức và thời hạn áp dụng biện pháp đó;
- Đưa ra quyết định có chấp thuận cam kết về giá của nhà xuất khẩu hay không;
- Xem xét báo cáo điều tra do Vụ Ngoại thương thực hiện để đi đến kết luận cuối cùng về việc bán phá giá và đưa ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, mức thuế, thời hạn áp dụng và cách thức áp dụng;
- Rà soát quá trình áp dụng thuế chống bán phá giá để đưa ra quyết định có kéo dài thêm thời hạn áp dụng hay không.
Như vậy có thể thấy Uỷ ban này, đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Thương mại, là cơ quan duy nhất và được giao quyền lực cao nhất trong việc quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến chống phá giá và chống trợ cấp.
Cơ quan điều tra phá giá và thiệt hại: ở Thái Lan, từ 1999 trở về trước, điều tra về phá giá và điều tra về thiệt hai do 2 cơ quan khác nhau đảm nhiệm: Vụ Ngoại thương thực hiện điều tra về phá giá, còn Vụ Nội thương điều tra về thiệt hại. Tuy nhiên, từ 2000, theo quy định của Luật về Chống phá giá và Trợ cấp B.E. 2542, cả hai quá trình điều tra này được giao cho một cơ quan là Vụ Ngoại thương.
Cơ quan thư ký: Luật B.E. 2542 quy định cụ thể Vụ trưởng Vụ Ngoại thương làm Thư ký Uỷ ban về phá giá và trợ cấp, được chỉ định một cán bộ Vụ Ngoại thương làm trợ lý thư ký. Mặc
dù Luật không quy định rõ, nhưng từ các quy định khác nhau trong Luật có thể thấy Vụ Ngoại thương về thực chất được giao làm Ban Thư ký cho Uỷ ban. Cụ thể:
- Tiếp nhận đơn kiến nghị, xem xét về hình thức tính đầy đủ và hợp lệ của đơn;
- Trao đổi thông tin, thư tín với các bên liên quan trong quá trình chống phá giá: thông báo cho người nộp đơn về tính đầy đủ và hợp lệ của đơn; thông báo cho nước xuất khẩu về việc có đơn kiến nghị; thông báo cho người nộp đơn kết quả xem xét của Uỷ ban có đủ bằng chứng về phá giá, thiệt hại và quan hệ nhân quả hay không; thông báo về việc bắt đầu tiến hành điều tra cho các bên liên quan và cho công chúng; thông báo cho các bên liên quan các yếu tố cơ bản được xem xét làm cơ sở cho việc xác định phá giá và thiệt hại;
- Yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình điều tra; - Đàm phán với nhà xuất khẩu về cam kết về giá;
Cơ quan thi hành: Hải quan Thái Lan (Customs Department) là cơ quan thi hành các quyết định của Uỷ ban về phá giá và trợ cấp: thu thuế tạm thời, thu đặt cọc và thu thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính là cơ quan cấp trên của Hải quan Thái Lan chịu trách nhiệm toàn bộ về các vấn đề liên quan đến Hải quan và có trách nhiệm ban hành các quy định pháp quy cấp Bộ có liên quan.
3. Nguyên tắc xác định giá trị thông thường và giá xuất khẩu
a. Giá trị thông thường
Nhìn chung, các nguyên tắc xác định giá trị thông thường quy định trong luật của Thái Lan là giống với các nguyên tắc quy định tại Hiệp định về chống bán phá giá của WTO.
Tuy nhiên, có một điểm rộng hơn, hoặc có thể nói là sự vận dụng cụ thể quy định của WTO khi điều kiện thị trường không cho phép thực hiện so sánh đúng đắn, đó là quy định về việc xác định giá trị thông thường của hàng hoá nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường: giá trị này được xác định dựa trên cơ sở giá ở một nước thứ ba có nền kinh tế thị trường hoặc ngay bản thân giá trên thị trường Thái Lan. Quy định này giống với quy định của một số nước phát triển như Hoa Kỳ và EU.
b. Giá xuất khẩu
Luật của Thái Lan quy định việc xác định giá xuất khẩu cụ thể hơn so với quy định của WTO: trước hết đó là giá đã thực trả hoặc sẽ phải trả cho sản phẩm khi được nhập vào Thái Lan. Cũng như quy định của WTO, luật của Thái Lan cũng có quy định cho trường hợp không có giá xuất khẩu hoặc có lý do để không tin tưởng vào giá xuất khẩu. Lúc đó giá xuất khẩu sẽ được tính dựa trên giá bán lại cho người mua độc lập đầu tiên hoặc được tính toán trên một cơ sở hợp lý do cơ quan hữu trách xác định.
Theo quy định của Luật, bất kỳ một pháp nhân hay nhóm pháp nhân đều có thể đệ đơn đề nghị điều tra và áp dụng thuế chống phá giá. Một điểm đặc biệt là ngay chính Vụ Ngoại thương, là một trong các cơ quan liên quan đến quá trình điều tra và quyết định áp dụng biện pháp, cũng có thể đệ đơn kiến nghị. Đơn kiến nghị phải được đệ trình lên Uỷ ban phá giá và trợ cấp thông qua Vụ Ngoại thương.
Cũng như quy định của WTO, Luật của Thái Lan quy định đơn được coi là hợp lệ khi các nhà sản xuất nộp đơn có sản lượng lớn hơn sản lượng của các nhà sản xuất phản đối đơn đó. Việc điều tra sẽ không được tiến hành nếu như sản lượng của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc nộp đơn thấp hơn 25% tổng sản lượng của toàn ngành sản xuất mặt hàng đó.
5. Cách tính và thu thuế, truy thu thuế, hoàn thuế
a. Thuế tạm thời
Luật chống phá giá và trợ cấp của Thái Lan chỉ quy định mức trần cho thuế tạm thời: không cao hơn biên độ phá giá được xác định sơ bộ. Cách xác định mức thuế cụ thể được quy định tại các văn bản dưới luật cấp Bộ, tuy nhiên việc tìm kiếm các văn bản này bằng tiếng Anh rất khó khăn nên chưa xác định được cách tính cụ thể. Bên cạnh thuế tạm thời, Luật của Thái Lan còn cho phép một hình thức nữa để áp dụng biện pháp tạm thời, đó là đặt cọc nhưng cũng chỉ vì mục đích thu thuế tạm thời sau này.
Trong điều kiện bình thường, biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng trong thời gian không quá 4 tháng, nhưng nếu có yêu cầu của một nhà xuất khẩu chiếm tỷ lệ đáng kể trong thương mại mặt hàng đó, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng tối đa cũng không quá 6 tháng.
b. Thuế chống bán phá giá chính thức
Cũng như WTO, Luật của Thái Lan quy định nguyên tắc thuế chống phá giá được đặt ở mức đủ để khắc phục thiệt hại và trong mọi trường hợp không vượt quá biên độ phá giá.
Thuế chống phá giá có thể được áp dụng với thuế suất khác nhau cho từng loại nhà nhập khẩu. Trường hợp này xảy ra khi phương pháp xác định biên độ phá giá là phương pháp lấy theo mẫu. Thuế suất thuế chống phá giá được ấn định sẽ chỉ áp dụng đối với các nhà nhập khẩu được lựa chọn để tính biên độ phá giá. Đối với các nhà nhập khẩu khác, thuế suất chống phá giá không được vượt quá biên độ phá giá bình quân gia quyền đã xác định được. Nếu mỗi bên liên quan có thể đệ trình thông tin phù hợp với trường hợp của mình thì thuế suất riêng cũng được áp dụng đối với bên đó.
Thuế chống phá giá chỉ được thu từ ngày xác định được có thiệt hại do phá giá gây ra và chỉ duy trì trong khoảng thời gian đủ để chống lại việc phá giá gây ra thiệt hại.
Thuế chống phá giá sẽ được dỡ bỏ không muộn hơn 5 năm kể từ ngày áp dụng hoặc kể từ ngày rà soát gần nhất xác định được việc bán phá giá và thiệt hại.
c. Truy thu và hoàn thuế
Hoàn thuế: Các khoản thu tạm thời được giữ riêng cho mục đích hoàn thuế khi cần thiết cho đến khi có lý do rõ ràng để không cần phải giữ các khoản này nữa. Thủ tục hoàn thuế được quy định tại văn bản pháp quy dưới luật cấp Bộ. Ngay khi thuế chống phá giá được thu, thuế tạm thời phải được hoàn lại trong thời gian sớm nhất. Thuế tạm thời hoặc tiền đặt cọc cũng phải được hoàn lại khi xác định không có việc bán phá giá hoặc không có thiệt hại.
Truy thu thuế: Thuế chống phá giá có thể được truy thu trong các trường hợp sau:
- Khi đã xác định được có thiệt hại và thiệt hại đó là do hàng nhập khẩu phá giá gây ra do không áp dụng biện pháp tạm thời, Uỷ ban về phá giá và trợ cấp có thể quyết định truy thu thuế đối với giai đoạn đáng lẽ biện pháp tạm thời đã được áp dụng;
- Uỷ ban về phá giá và trợ cấp cũng có thể quyết định truy thu thuế chống phá giá đối với giai đoạn không quá 90 ngày trước thời điểm áp dụng thuế tạm thời nếu:
Sản phẩm đó đã có lịch sử bán phá giá và đã gây thiệt hại, hoặc nhà nhập khẩu đã biết hoặc đáng ra phải biết nhà xuất khẩu sản phẩm đó thường bán phá giá và việc bán phá giá đó gây thiệt hại; và
Thiệt hại là do lượng hàng nhập khẩu phá giá quá lớn trong một thời gian ngắn, làm ảnh hưởng đáng kể đến tác dụng của thuế chống phá giá cuối cùng do chưa áp dụng thuế chống phá giá trước thời điểm áp dụng biện pháp tạm thời.
CHƯƠNG III
CÁC KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP LIÊN QUAN TỚI VIỆC ÁP DỤNGTHUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TẠI VIỆT NAM THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TẠI VIỆT NAM