Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế chống bán phá giá (1904). Trước khi Bộ luật chống bán phá giá được sửa đổi năm 1968, các điều khoản chống bán phá giá của Canada không quy định thủ tục điều tra thiệt hại. Tương tự như cơ chế chống bán phá giá của Hoa Kỳ, Canada phân trách nhiệm điều tra phá giá và điều tra thiệt hại cho hai cơ quan thực hiện độc lập: Cục Hải quan và Thuế (CCRA) chịu trách nhiệm điều tra phá giá, Tòa án Thương mại quốc tế của Canada (CITT) chịu trách nhiệm điều tra thiệt hại. Sau khi bản sửa đổi năm 1979 của Bộ luật chống bán phá giá của GATT được ban hành vào cuối Vòng đàm
phán Tokyo, Chính phủ Canada đã ban hành Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA) năm 1984.
2. Cơ chế điều tra phá giá và điều tra thiệt hại.
a. Các cơ quan chức năng
Việc điều tra phá giá và điều tra thiệt hại ở Canada do hai cơ quan tiến hành độc lập: Cục Hải quan và Thuế (CCRA) và Tòa án Thương mại quốc tế của Canada (CITT). Cục Hải quan và Thuế (CCRA)
Tổng vụ Chống bán phá giá và Trợ cấp thuộc CCRA có chức năng điều tra phá giá và tính biên độ phá giá. Tổng vụ gồm các chuyên gia về các ngành cụ thể như hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng. Nếu CITT kết luận là việc bán phá giá hàng nhập khẩu gây thiệt hại hoặc sắp gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì CCRA sẽ quyết định đánh thuế chống bán phá giá. Tòa án Thương mại quốc tế của Canada (CITT)
CITT là một cơ quan độc lập có chức năng gần như một tòa án hành chính quasijudicial). CITT bao gồm 9 thành viên: 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch do chính phủ bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. Ngoài ra CITT còn có đội ngũ khoảng 90 chuyên gia giúp việc cho 9 thành viên. CITT có chức năng thẩm tra xem hàng nhập khẩu bị bán phá giá có gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của Canada không. CITT báo cáo kết quả điều tra cho Nghị viện thông qua Bộ trưởng Tài chính.
b. Thủ tục điều tra
Nộp đơn đề nghị điều tra phá giá
Quá trình điều tra phá giá được bắt đầu bằng việc CCRA nhận được đơn đề nghị điều tra phá giá đại diện cho ngành sản xuất Canada với các bằng chứng khẳng định việc nhập khẩu hàng phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của Canada. CCRA cũng có thể tự quyết định điều tra nếu có đủ bằng chứng về việc bán phá giá. Ngoài ra, CCRA còn có thể tiến hành điều tra khi CITT thông báo có hiện tượng bán phá giá hoặc xảy ra thiệt hại cho ngành sản xuất của Canada. Đơn đề nghị điều tra phá giá phải bao gồm những thông tin sau:
- ngành sản xuất ra sản phẩm liên quan của Canada; - mặt hàng đề nghị điều tra phá giá;
- bằng chứng về việc hàng nhập khẩu đang bị bán phá giá;
- bằng chứng về việc bán phá giá hàng nhập khẩu đang gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại về vật chất cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của Canada.
Quá trình xét đơn
Để được coi là .đại diện cho ngành sản xuất Canada., đơn đề nghị điều tra phá giá phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- sản lượng của các nhà sản xuất ủng hộ việc điều tra phá giá phải lớn hơn sản lượng các nhà sản xuất phản đối;
- sản lượng của các nhà sản xuất ủng hộ việc điều tra phá giá phải chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của các nhà sản xuất Canada. SIMA quy định .sản phẩm tương tự. là những hàng hóa đồng nhất trong mọi khía cạnh với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài được nhập khẩu vào Canada, hoặc nếu không có hàng hóa như vậy thì là những hàng hóa gần giống với hàng nhập khẩu từ nước ngoài và có cùng đặc tính và mục đích sử dụng.
CCRA sẽ xem xét đơn đề nghị điều tra phá giá để xác định xem có đầy đủ bằng chứng không và sau 21 ngày sẽ ra quyết định về việc đơn có hợp lệ hay không. Quyết định bắt đầu điều tra chính thức sẽ dựa trên những căn cứ sau:
- Có bằng chứng rằng hàng hóa đã bị bán phá giá;
- Bằng chứng cho thấy việc phá giá đã, đang hoặc sẽ gây ra thiệt hại vật chất cho sản xuất hàng hóa tương tự ở Canada.
Thông báo quyết định điều tra sẽ được gửi cho CITT, người nộp đơn, tất cả các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, chính phủ nước xuất khẩu và được đăng trên Công báo Canada.
Bảng câu hỏi
Trong 90 ngày kể từ khi bắt đầu điều tra, CCRA sẽ gửi bảng câu hỏi cho các nhà sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu mặt hàng liên quan nhằm xác định giá trị thông thường của mặt hàng này ở nước xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu phải trả lời bảng câu hỏi trong vòng 37 ngày. Mỗi nhà nhập khẩu đã được xác định cũng nhận được một bản câu hỏi yêu cầu cung cấp thông tin về nhập khẩu tất cả các loại hàng hoá. Nếu nhà nhập khẩu và xuất khẩu được coi là có liên quan với nhau, nhà nhập khẩu cũng được yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ về giá cả của loại hàng nhập khẩu vào Canada đang được điều tra và tất cả các chi phí liên quan mà người nhập khẩu phải chịu. Một nhóm chuyên gia được chỉ định từ CCRA sẽ xác minh các bản câu hỏi ngay tại nơi của nhà xuất khẩu (hoặc nhập khẩu). Thông tin được cung cấp cho CCRA sẽ được giữ bí mật nếu có kèm theo giải trình vì sao phải giữ bí mật và phải nộp bản tóm tắt phi bảo mật về các thông tin mật đó.
Quyết định sơ bộ
CCRA sẽ ra quyết định sơ bộ trong vòng 90 ngày và có thể kéo dài thêm 45 ngày trong trường hợp phức tạp kể từ khi bắt đầu điều tra. Quyết định sơ bộ sẽ nêu rõ biên độ phá giá dự kiến và mặt hàng liên quan.
Ngay sau khi có quyết định sơ bộ của CCRA, mặt hàng nhập khẩu vào Canada đang bị điều tra phá giá sẽ bị đánh thuế chống bán phá giá tạm thời hoặc nhà nhập khẩu phải ghi phiếu nợ trong vòng 90 ngày tiếp theo.
Sau khi quyết định sơ bộ cho thấy có phá giá thì CITT sẽ chính thức điều tra xem hàng nhập khẩu có gây hoặc đe dọa gây ra thiệt hại hoặc làm trì trệ phát triển của ngành sản xuất trong nước không.
Cam kết giá
Trong thời gian điều tra, CCRA có thể chấp thuận cam kết giá từ phía nhà xuất khẩu nếu xét thấy việc cam kết giá này đủ để triệt tiêu biên độ phá giá hoặc thiệt hại vật chất. Tuy nhiên, việc điều tra vẫn có thể được hoàn tất ngay cả sau khi đã cam kết giá, nếu người xuất khẩu hoặc chính phủ nước xuất khẩu, yêu cầu như vậy.
Quyết định chính thức
Quyết định chính thức sẽ được ban hành trong vòng 90 ngày kể từ khi ra quyết định sơ bộ nếu CCRA thấy rằng hàng nhập khẩu đã hoặc đang bị bán phá giá với số lượng trên mức tối thiểu (de minimis). Để ra quyết định chính thức, CCRA sẽ trao đổi công khai với những nhà xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng để thông báo cơ sở hình thành bán phá giá theo quyết định sơ bộ. Nếu quyết định cuối cùng cho thấy không có phá giá hoặc biên độ phá giá là tối thiểu (<2% giá xuất khẩu), CCRA sẽ chấm dứt điều tra.
Nếu CCRA xác định là có phá giá, biên độ phá giá chính xác sẽ được xác định cụ thể đối với từng nhà xuất khẩu. Các bên liên quan sẽ được thông báo bằng văn bản và CITT sẽ tiếp tục để ra kết luận về thiệt hại. Nhà nhập khẩu có thể khiếu nại về biên độ phá giá bằng cách đề nghị CITT rà soát lại quyết định của CCRA.
CITT chỉ bắt đầu thực sự điều tra xem hàng nhập khẩu bị bán phá giá có gây thiệt hại, đe dọa gây thiệt hại hoặc gây trì trệ cho sự phát triển của ngành sản xuất của Canada không sau khi có quyết định sơ bộ của CCRA. CITT sẽ công bố kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 120 ngày sau khi có quyết định sơ bộ.
Nếu CITT ra quyết định là không có thiệt hại xảy ra thì việc điều tra sẽ được chấm dứt ngay lập tức, các khoản thuế chống bán phá giá tạm thời đã thu sẽ được hoàn lại. Nếu quyết định của CITT là có thiệt hại xảy ra, hàng nhập khẩu sẽ bị đánh thuế bằng mức chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá trị thông thường (khi giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường).
Quyết định của CITT có thể được khiếu nại ở Tòa án Liên bang.
3. Xác định phá giá và thiệt hại
a. Xác định giá xuất khẩu
Giá xuất khẩu (GXK) là giá mà hàng hóa được bán cho nhà nhập khẩu ở Canada, được điều chỉnh bằng cách khấu trừ tất cả các chi phí mà người xuất khẩu phảI chịu, những chi phí này thường không phát sinh khi bán ở thị trường nội địa.
Giá trị thông thường (GTTT) là mức giá thực của hàng hóa được bán ở thị trường nội địa nước xuất khẩu cho những người mua độc lập. GTTT có thể được xác định bằng:
- Giá bán ở thị trường nước xuất khẩu; - Giá bán cho nhà xuất khẩu ở nước thứ ba;
- Giá ước tính bằng chi phí sản xuất hàng hóa nhập khẩu thực cộng với một khoản lợi nhuận trong trường hợp không có giá nội địa.
c. Biên độ phá giá
Theo qui định của SIMA, biên độ phá giá được tính bằng độ chênh lệch giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu của hàng hóa đang được điều tra.
d. Xác định thiệt hại
Giống như qui định của WTO, thiệt hại đối với ngành sản xuất của Canada được hiểu là: - thiệt hại đã và đang xảy ra;
- nguy cơ xảy ra thiệt hại
- làm trì trệ phát triển ngành sản xuất
Việc xác định xem hàng nhập khẩu bị bán phá giá có gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại hoặc làm trì trệ phát triển ngành sản xuất trong nước không sẽ do CITT đảm nhiệm. CITT sẽ cân nhắc các khía cạnh sau để đánh giá thiệt hại vật chất:
- Khối lượng thực tế và tiềm năng của hàng hoá bị phá giá; - Tác động của hàng hoá bị phá giá lên giá nội địa;
- Tác động của hàng hoá bị phá giá lên sản xuất ở Canada;
- Tăng đáng kể việc nhập khẩu hàng bị phá giá vào Canada, tương đối hoặc tuyệt đối đối với việc sản xuất hoặc tiêu thụ ở Canada;
- Liệu giá của hàng bị phá giá có làm giảm nghiêm trọng giá của hàng hoá cùng loại được sản xuất và bán ở Canada hay không;
- Suy giảm lợi nhuận; - Chững giá.
4. Cách tính và thu thuế, truy thu thuế, hoàn thuế, rà soát
a. Thu thuế
Sau khi CCRA có quyết định sơ bộ rằng có bán phá giá thì mặt hàng nhập khẩu liên quan vào Canada sẽ bị đánh thuế chống bán phá giá tạm thời. Thời gian đánh thuế tạm thời kết thúc vào ngày CITT ra quyết định về thiệt hại. Mức thuế tạm thời được tính dựa trên biên độ phá giá ước tính. Canada xác định mức thuế bằng cách so sánh giá trị thông thường .ước tính. dựa trên các dữ liệu của giai đoạn trước với giá xuất khẩu thực tế, và áp dụng thuế chống bán phá giá
theo từng giao dịch. Với cách đánh thuế trên cơ sở từng giao dịch, người nhập khẩu chỉ trả thuế nếu giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường thực tế hoặc ước tính.
Theo luật của Canada, thuế chống bán phá giá có thể được đánh thấp hơn biên độ phá giá nếu như đã đủ để triệt tiêu thiệt hại nhằm tránh bảo hộ sản xuất trong nước quá mức cần thiết. CITT sẽ xác định mức thuế cần thiết đủ để triệt tiêu thiệt hại.
b. Truy thu thuế
Nếu quyết định cuối cùng của CITT là việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại hoặc làm trì trệ phát triển ngành sản xuất trong nước thì thuế chống bán phá giá sẽ được truy thu từ ngày ra quyết định sơ bộ.
Nếu quyết định cuối cùng của CITT là chỉ có nguy cơ thiệt hại thì thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ không bị truy thu và phải hoàn lại cho nhà nhập khẩu nếu họ đã nộp.
c. Hoàn thuế
Thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ được hoàn lại cho nhà nhập khẩu nếu CITT quyết định là không có thiệt hại. Nếu mức thuế tạm thời cao hơn biên độ phá giá, khoản chênh lệch sẽ được hoàn lại cho người nhập khẩu. Nếu mức thuế tạm thời thấp hơn biên độ phá giá thì khoản chênh lệch không bị truy thu.
d. Rà soát
Rà soát hàng năm
Sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá được 1 năm, CCRA sẽ tiến hành rà soát để tính lại giá trị thông thường, giá xuất khẩu để điều chỉnh lại biên độ phá giá. Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu phải cung cấp các thông tin cần thiết để CCRA tính lại biên độ phá giá. Nếu kết quả rà soát cho thấy biên độ phá giá giảm thì CCRA sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá mới tương ứng.
Rà soát cuối kỳ
Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng trong thời hạn 5 năm, trước khi kết thúc thời hạn này CITT sẽ rà soát lại xem liệu việc áp dụng thuế chống bán phá giá có còn cần thiết để khắc phục thiệt hại trong tương lai không. Thủ tục rà soát này cũng giống như thủ tục điều tra thiệt hại ban đầu.