Tác động của chính sách tài khóa

Một phần của tài liệu 151 Vấn đề kiểm soát dòng vốn vào tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 54 - 56)

Trong những năm vừa qua, kết hợp cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đã góp phần tài trợ thâm hụt ngân sách, kiềm chế lạm phát, ổn định cán cân thanh toán quốc tế. Đóng góp chung vào thực hiện các mục tiêu ổn định, tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm 2006 ghi nhận việc hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu NSNN, theo dự toán Quốc hội đã đề ra, tổng thu NSNN năm 2006 là 245,9 ngàn tỷ đồng thì số thu thực hiện được trong năm là 262,1 ngàn tỷ đồng; tổng chi NSNN theo dự toán là 194,4 ngàn tỷ đồng, thực hiện là 319,11 ngàn tỷ đồng, sau khi cân đối với số kết chuyển nguồn từ năm 2005 sang thì bội chi là 48,5 ngàn tỷ đồng, bằng với mức được giao, đảm bảo cân đối được thu chi NSNN.

Bảng 2.4 : Cân bằng dự toán ngân sách Việt Nam giai đoạn 2000-2006 (ngàn tỷ đồng)

Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 Thu ngân sách 90,7 103,9 119 177,409 152,92 189 245,9 Chi ngân sách 102,8 117,3 128,9 197,573 187,67 229,75 294,4 Cán cân ngân sách -12,1 -13,4 -9,9 -29,936 -34,75 -40,75 -48,5 Tài trợ Trong nước Nước ngoài 12,1 5,7 6,4 13,4 8,6 4,8 9,9 4,6 5,3 29,936 22,895 7,041 34,75 27,45 7,3 40,75 33,25 7,5 48,5 36 12,5

Nguồn : Website Bộ Tài Chính

Một thành quả rất đáng khích lệ trong thực hiện việc thu ngân sách là luôn đạt tỷ lệ thu vượt dự toán qua các năm. Năm 2004 tổng thu đạt 164,9 ngàn tỷ đồng, vượt dự toán 7,8%; năm 2005 tổng thu ngân sách đạt 211,4 ngàn tỷ đồng, vuợt dự toán 11,85%; năm 2006 tổng thu đạt 262,1 ngàn tỷ đồng, vượt dự toán 10,2%. Tỷ lệ bội chi ngân sách được kiềm chế không quá 5%GDP. Các khoản thu lớn về NSNN đều vượt chỉ tiêu dự toán : thu từ dầu thô vượt 26% chủ yếu do giá dầu năm 2006 bình quân ở mức cao (riêng khoản thu này đã làm tăng 16,5 ngàn tỷ đồng, chiếm tới

68,2% tổng số vượt thu NSNN năm 2006). Các khoản thu từ thuế XNK vượt 6,3%, thu từ các sắc thuế trong nước vượt 3%.

Tuy nhiên, có thể nhận định rằng, thu NSNN năm 2006 vượt dự toán chủ yếu là nhờ giá dầu thế giới tăng cao hơn mức giá lúc lập dự toán chứ không lạm thu vào các doanh nghiệp. Số thu từ dầu thô tăng mạnh làm thay đổi kết cấu thu NSNN theo hướng không bền vững. Xét về cơ cấu, năm 2006 tổng thu từ dầu thô chiếm 30,5%, tổng thu từ thuế XNK chiếm 16,2%, tổng hai nguồn này chiếm 46,7% tổng thu NSNN. Nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng giảm (mà giá dầu nằm ngoài tầm kiểm soát của nước ta) thì nguồn thu của NSNN từ dầu thô sẽ bị giảm đáng kể. Ngoài ra, việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế XNK, việc giảm giá hàng nhập khẩu (do các nước giảm giá để cạnh tranh thâm nhập vào thị trường nước ta) cũng ảnh hưởng không tốt đến việc thu NSNN. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách, biện pháp thay thế theo hướng tăng tỷ lệ động viên vào NSNN từ các thành phần kinh tế trong nước làm ăn có hiệu quả, nếu không thì thu NSNN sẽ rơi vào thế bị động do hụt hẫng nguồn thu.

Đi cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, chi NSNN cũng không ngừng tăng cao. Nếu như giai đoạn 1986-1990, tổng chi NSNN khoảng 19,7%GDP, thì đến giai đoạn năm 2001-2005 đạt 28,9% GDP, đến năm 2006 chi NSNN thực tế đã đạt 32,8% GDP (vượt ngưỡng 30%GDP). Trong đó, quy mô tuyệt đối các khoản chi thường xuyên của NSNN tuy có tăng lên hàng năm nhưng tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN có xu hướng giảm, chi đầu tư phát triển từ NSNN tăng dần cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng chi NSNN, thể hiện xu hướng ưu tiên cho chi đầu tư phát triển. Năm 2006, tổng chi NSNN cho đầu tư phát triển là 85,7 ngàn tỷ đồng và dự kiến sẽ vượt ngưỡng 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2007. Tuy nhiên, tình trạng chi cho đầu tư phát triển thiếu tập trung vẫn còn tồn tại, năm 2005 bình quân một dự án do Trung ương quản lý được bố trí 6,8 tỷ đồng, dự án do địa phương quản lý là 3,15 tỷ đồng, có dự án chỉ được bố trí vốn có vài trăm triệu đồng.

Ngân sách nhà nước thường xuyên thâm hụt và có xu hướng ngày càng tăng. Những tồn tại trong quản lý ngân sách còn quá lớn như nhiều địa phương bố trí vốn còn phân tán, sử dụng ngân sách còn lãng phí. Việc sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng trường, lớp học chưa hiệu quả. Vốn huy động phi lãi suất chưa được sử dụng kịp thời, thường xuyên bị tồn đọng ở mức lớn. Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn dàn trải, sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả, tỷ lệ thất thoát lớn khi mà nợ xây dựng cơ bản từ nguồn vốn NSNN cao là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng

đến phát triển kinh tế – xã hội và kết quả cân đối NSNN nhưng vẫn chậm được xử lý. Hệ thống thuế vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa đảm bảo đươc chính sách thuế trung lập và công bằng, tạo cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực đầu tư trong điều kiện tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế.

Tóm lại, về chính sách ngân sách, đã hình thành những quan điểm tích cực trong xây dựng và điều hành ngân sách. Bắt đầu chuyển đổi từ một ngân sách thụ động, chủ yếu trong chờ ngoại viện, bao cấp sang một ngân sách tích cực hơn, cơ cấu thu-chi NSNN theo hướng duy trì quan hệ cân đối tài chính hợp lý. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhằm tạo củng cố xây dựng NSNN theo hướng bền vững thì đòi hỏi phải cải thiện cơ cấu nguồn thu, chi NSNN. Tăng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của khu vực sản xuất kinh doanh trong nước cho xứng với tiềm năng của sự phát triển, giảm sự không đồng đều lớn về tiềm lực tài chính giữa các địa phương, hoàn thiện chính sách thuế nhằm hạn chế thất thu, trốn thuế. Chi NSNN cho đầu tư phát triển cần lựa chọn các ưu tiên xác đáng khi bố trí các nguồn lực có hạn của NSNN, tăng chi thường xuyên tới mức đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết của bộ máy hành chính ngày càng hiện đại, đặc biệt chú trọng vấn đề tăng lương công chức đến độ đủ tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng sức lao động, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tăng mạnh chi NSNN cho khoa học-công nghệ có trọng điểm, đáp ứng kịp thời công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một phần của tài liệu 151 Vấn đề kiểm soát dòng vốn vào tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 54 - 56)