.Xu hướng liên kết kinh tế quốc tế trên thế giới:

Một phần của tài liệu Những xu hướng, tác động của liên kết kinh tế quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam trong quá trình tham gia các liên kết kinh tế quốc tế (Trang 46 - 50)

II. XU HƯỚNG CỦA CÁC LIÊN KẾT KINH TẾ QUỐC TẾ TRONG TƯƠNG LAI:

1.Xu hướng liên kết kinh tế quốc tế trên thế giới:

1.1 Xu hướng gia nhập các khu vực thương mại tự do( FTA)

Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ là điều kiện, là tiền đề cho những bước đi tiếp theo của hội nhập kinh tế. Với những gì đã và đang diễn ra hiện nay có thể thấy xu thế khu vực hóa đang chiếm ưu thế và sẽ định hướng tự do hóa thương mại trong cả thập kỷ tiếp theo. Và Việt Nam cần xác định những định hướng của mình khi tham gia vào tiến trình chung này.

Vòng phát triển Doha (DDR) đã lỡ đích 2005 và để ngỏ thời điểm kết thúc. Khả năng kết thúc vòng đàm phán đầu tiên trong khuôn khổ WTO trở nên khó dự báo hơn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự quay lại của xu thế bảo hộ.

Đó là một trong những lý do khiến một số quốc gia lựa chọn giải pháp tự do hóa thương mại thông qua đàm phán các hiệp định FTA. Theo con số của Ban Thư ký WTO, hiện có 194 FTA đã đăng ký với WTO và vẫn đang còn hiệu lực.

Trong đó 153 hiệp định có hiệu lực sau năm 1995, khi WTO ra đời. Và điều đáng lưu ý là xu hướng đàm phán các thỏa thuận khu vực tiếp tục gia tăng sau 2002, giai đoạn vòng Doha về toàn cầu hóa diễn ra.

Bảng 4 : Số lượng các FTA có hiệu lực theo năm

Nguồn: http://www.vnciem.gov.vn

Nguyên nhân trước tiên để các nước lựa chọn giải pháp FTA cho tự do hóa thương mại bắt nguồn từ những lợi ích cơ bản của toàn cầu hóa: mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả nhờ sản xuất quy mô lớn, củng cố các quan hệ chính trị…

Bên cạnh đó, đàm phán FTA có quy mô không quá lớn, giữa các nước có điều kiện tương đồng nên dễ tìm được tiếng nói chung hơn. Nội dung đàm phán được thiết lập gần với lợi ích và mối quan tâm các bên hơn so với đàm phán trong WTO.

Một lý do khác để nhận định đàm phán FTA sẽ là xu thế ít nhất trong thập niên tới căn cứ trên thực tế các cuộc đàm phán FTA không chỉ gia tăng về số lượng mà còn có nội dung ngày càng mở rộng về phạm vi vấn đề thảo luận cũng như các tiêu chí, mức độ tự do hóa. Các quốc gia theo đuổi chủ trương đàm phán FTA phục vụ mục tiêu phát triển thị trường, mở rộng xuất khẩu đã thiết lập các tiêu chí đàm phán mới về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động… với mức độ tự do hóa cao hơn nhiều trong WTO. Điển hình là Khu vực tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Thương mại tự do song phương Hoa Kỳ - Hàn Quốc (KORUS), Hiệp ước đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nắm bắt xu hướng khu vực hóa, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng các chiến lược đàm phán FTA có định hướng rõ ràng để phục vụ mục tiêu phát triển đặc thù của mình. Singapore, Chile… là những quốc gia tiêu biểu trong việc theo đuổi chính sách FTA theo mô hình “trục nan hoa”. Họ đàm phán FTA với tất cả các đối tác có thể trên phạm vi toàn cầu và hình thành một hệ thống các thỏa thuận tự do hóa thương mại với bản thân là trục của “hệ nan hoa” các FTA.

Nhờ vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại những quốc gia này được hưởng điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều khi tiếp cận thị trường các nước trong “hệ nan hoa” so với nhà đầu tư tại các nước khác. Và trong trường hợp này, FTA không chỉ tạo cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài mà còn tăng đáng kể sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. FTA trên thực tế đã góp phần làm tăng tính hấp dẫn của môi trường thương mại các quốc gia này.

Đặc biệt trong thời đại thương mại có ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội và quan hệ quốc tế, FTA ngày càng được nhìn nhận như công cụ hỗ trợ

cho các quan hệ chính trị. Ý tưởng thiết lập một thị trường chung khổng lồ cho toàn châu Mỹ (AAFTA) rõ ràng thể hiện tham vọng tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ với khu vực Mỹ Latinh. Trung Quốc, sau khi gia nhập WTO đã tận dụng đà cải cách, mở cửa để đàm phán và ký kết một loạt các FTA.

FTA mang lại cho các bên tham gia lợi ích nhiều mặt về kinh tế, thương mại và đầu tư trong khi tiến trình tự do hóa đa phương trong khuôn khổ WTO hiện vẫn đang trong tình trạng bế tắc và tiến triển chậm chạp. Vì vậy ký kết các FTA là biện pháp giúp đẩy mạnh tự do hóa thương mại trong thời gian hiện nay, các nước đang phát triển, sợ bị chậm chân, rơi vào tình thế bất lợi do không được hưởng ưu đãi về tiếp cận thị trường như các nước đã ký kết FTA nên rất tích cực tham gia vào các FTA khu vực và song phương. Trong thời gian tới, số lượng các FTA chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng.

1.2 Xu hướng mở rộng lĩnh vực liên kết

Hiện nay, việc ký kết FTA diễn ra giữa các nước, nhóm nước không chỉ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho thương mại mà còn nhằm khai thông nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư và tự do hóa ngành dịch vụ. Điều này có thể thấy rõ qua việc các nước khi ký kết FTA thường ký thêm hiệp định về dịch vụ và hình thức FTA ngày càng trở nên phổ biến.

Trong thời gian gần đây, một xu hướng mới xuất hiện trong việc ký kết các FTA. Đó là ký các hiệp định đối tác kinh tế( EPA). Theo đó, các nước ký kết không chỉ cam kết loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hoặc những yếu tố truyền thống của FTA, mà còn cam kết tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI), tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch và các lĩnh vực khác. Theo đó hiệp định sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động kinh tế, trong đó không chỉ hàng hóa, mà cả con người, nguồn vốn và thông tin đều vượt qua biên giới một cách tự do.

Nhật Bản hiện đang tích cực theo đuổi các EPA: Đã ký EPA với Xingapo, Mêhicô, Thái Lan và Philippin. Nhật Bản cũng đã ký hiệp định khung với ASEAN nhằm tiến tới ký kết EPA. Một số EPA khác có thể kể đến là EPA Trung Quốc - Hồng Công, Ấn Độ - Hàn Quốc.

Một phần của tài liệu Những xu hướng, tác động của liên kết kinh tế quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam trong quá trình tham gia các liên kết kinh tế quốc tế (Trang 46 - 50)