Với vai trò ngân hàng thương lượng chiết khấu

Một phần của tài liệu 160 Giải pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán xuất khẩu bằng phương thức tín dụng chứng từ tại Sở giao dịch II - Ngân hàng Công thương Việt Nam (Trang 44 - 51)

Trong thanh toán xuất khẩu bằng phương thức tín dụng chứng từ, rủi ro trong việc chiết khấu là rủi ro đáng quan tâm nhất đối với ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu. Ngoài những rủi ro như một ngân hàng chuyển chứng từ thì khi thực hiện chiết khấu cho dù là chiết khấu có truy đòi (with recourse) trên cơ sở bộ chứng từ xuất trình theo L/C, ngân hàng chiết khấu có thể gặp rủi ro tín dụng (bộ

chứng từ không được ngân hàng phát hành thanh toán và nhà xuất khẩu không hoàn trả lại số tiền chiết khấu). Việc bộ chứng từ không được thanh toán thường liên quan đến các rủi ro sau: rủi ro về ngân hàng phát hành, rủi ro pháp lý, rủi ro quốc gia, rủi ro đạo đức. Sau đây là các phân tích về một số tình huống có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng chiết khấu.

- Ngân hàng phát hành trì hoãn hay từ chối thanh toán:

Đây là rủi ro liên quan đến uy tín của ngân hàng phát hành. Theo phương thức tín dụng chứng từ, khi bộ chứng từ hợp lệ thì ngân hàng phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán ngay khi nhận được bộ chứng từ (trường hợp L/C quy định trả ngay – at sight). Nếu lúc đó người nhập khẩu đang gặp khó khăn về tài chính và không thể thanh toán được ngay thì với trách nhiệm đã cam kết trong L/C, ngân hàng phát hành phải đứng ra thanh toán thay cho họ. Trên thực tế, các ngân hàng có uy tín đã hành động đúng như vậy và song song đó họ có thể dùng các biện pháp cưỡng chế đối với người nhập khẩu như là cho vay bắt buộc, thậm chí nếu người nhập khẩu phá sản thì ngân hàng có thể nhận lô hàng đó để bán và thu hồi nợ.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng phát hành nào cũng thực hiện đúng như cam kết của mình trong L/C. Vì lý do cạnh tranh trong việc thu hút khách hàng nên ở một số ngân hàng, người nhập khẩu không cần phải ký quỹ 100% trị giá L/C thậm chí có trường hợp người nhập khẩu còn được miễn việc ký quỹ khi mở L/C. Khi nhận được bộ chứng từ hợp lệ theo L/C của người xuất khẩu, ngân hàng phát hành sẽ yêu cầu người nhập khẩu thanh toán và nếu người nhập khẩu trì hoãn thanh toán thì ngân hàng phát hành cũng tìm cách để trì hoãn theo. Cách duy nhất mà họ có thể áp dụng là tìm ra bằng được bất hợp lệ của bộ chứng từ. Có những lỗi nhỏ của bộ chứng từ chẳng hạn như lỗi chính tả là hoàn toàn có thể bỏ qua nhưng trong trường hợp này một số ngân hàng sẽ coi đó là bất hợp lệ để

trì hoãn việc thanh toán. Mặc dù theo ISBP , lỗi chính tả không ảnh hưởng đến ý nghĩa của từ sẽ bị bỏ qua nhưng nhiều ngân hàng vẫn coi lỗi chính tả là bất hợp lệ. Sau đây là một trường hợp cụ thể:

Một Công ty của Việt Nam xuất khẩu cao su sang Thổ Nhĩ Kỳ thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ. L/C do ngân hàng Turk Ekonomi Bank của Thổ Nhĩ Kỳ phát hành, phần mô tả hàng hóa ghi tên hàng là Vietnamese Rubber. Bộ chứng từ do người bán xuất trình với phần ghi mô tả hàng hóa trên B/L là “Vietnamses Rubber” (hàng hóa trên các chứng từ khác là Vietnamese Rubber) bị ngân hàng phát hành cho là bất hợp lệ mặc dù đó chỉ là lỗi chính tả vì không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của từ (cao su của Việt Nam).

Có những bất hợp lệ mà ngân hàng chiết khấu biết rõ rằng đây là cái cớ để ngân hàng phát hành trì hoãn hay từ chối thanh toán, chẳng hạn ngân hàng phát hành nêu bất hợp lệ là bộ chứng từ bị thiếu một bản Hóa đơn (Invoice), Phiếu đóng gói (Packing List) hay bất kỳ một chứng từ nào đó mặc dù thực sự là ngân hàng chiết khấu đã gửi đầy đủ số lượng mà L/C yêu cầu. Nếu chứng từ đó cấp thêm được thì ngân hàng chiết khấu có thể gửi chứng từ bổ sung khi còn thời hạn xuất trình. Nhưng sẽ rất rủi ro nếu không còn thời hạn để gửi bổ sung chứng từ hay chứng từ không cấp thêm được vì ngân hàng có thể dựa vào bất hợp lệ này để từ chối thanh toán khi nhà nhập khẩu không nhận hàng.

Trước đây, có một số ngân hàng phát hành thường nêu những bất hợp lệ vô lý, ví dụ: ngân hàng Caixanova ở Tây Ban Nha cho rằng ngày của Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of origin - C/O) sau ngày B/L là bất hợp lệ mặc dù theo ISBP thì C/O được phép đề ngày sau ngày B/L.

Việc ra đời của UCP 600 đã phần nào hạn chế được sự tùy tiện của ngân hàng phát hành trong việc kiểm tra chứng từ. Tuy nhiên, khi muốn trì hoãn hoặc từ chối thanh toán thì một số ngân hàng không có uy tín vẫn tìm mọi cách để tìm

ra bất hợp lệ của bộ chứng từ . Ngoài mục đích trì hoãn thanh toán thì ngân hàng phát hành còn thu được thêm phí trong trường hợp bộ chứng từ bất hợp lệ (phí bất hợp lệ, điện phí). Việc vận dụng UCP, ISBP để phản bác lại các bất hợp lệ vô lý cũng thường xuyên xảy ra tại Sở giao dịch II – NHCTVN. Tuy nhiên, một số ngân hàng phát hành vẫn trừ phí bất hợp lệ trên số tiền thanh toán cho dù các lập luận phản bác là hoàn toàn phù hợp với UCP, ISBP.

- Ngân hàng phát hành đưa vào L/C những điều kiện, điều khoản phức tạp:

Đó có thể là do người nhập khẩu quá cẩn trọng nên đưa vào L/C quá nhiều chi tiết nhưng cũng có trường hợp là do người nhập khẩu và/ hoặc ngân hàng phát hành ngay từ đầu đã chủ ý mở L/C với những điều kiện phức tạp, không phù hợp với thực tế làm cho bộ chứng từ dễ bất hợp lệ. Mục đích của việc mở L/C như thế là nhằm trì hoãn hoặc từ chối việc thanh toán sau này. Nếu ngân hàng chiết khấu không thận trọng và phân tích kỹ những điều khoản không rõ ràng này thì có thể sẽ gặp rủi ro. Người xuất khẩu thường không bao quát được những trường hợp và tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện bộ chứng từ theo L/C cho nên thường bị mắc bẫy nếu như L/C đã cố tình đưa ra những điều khoản phức tạp. Đứng ở vị trí ngân hàng chiết khấu, nếu không tư vấn kỹ cho người xuất khẩu để sửa lại chứng từ kịp thời thì ngân hàng chiết khấu có thể gặp rủi ro do ngân hàng phát hành từ chối thanh toán.

Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bán hàng cho một nhà nhập khẩu ở Tây Ban Nha, thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ. L/C được phát hành bởi ngân hàng Banco Santander Central Hispano S.A ở Tây Ban Nha có điều khoản “B/L must states Goods are carried in refrigerated container maintained at minus 18 degrees Celsius maximum” (B/L phải nêu hàng hóa được chuyên chở trong container lạnh được duy trì ở nhiệt độ cao nhất là âm 18 độ C). Sau khi giao hàng, người bán trình bộ chứng từ đến Sở giao dịch II - NHCTVN

với vận đơn (B/L) có nêu câu: “Goods are carried in refrigerated container maintained at minus 20 degrees Celsius” (Hàng hóa được chuyên chở trong container lạnh được duy trì ở nhiệt độ âm 20 độ C). Sở giao dịch II – NHCTVN đã có khuyến cáo nhà xuất khẩu nên sửa lại câu trên cho giống câu đã quy định trong L/C nhưng họ bảo là hãng tàu không đồng ý sửa như vậy. Sở giao dịch II – NHCTVN đã xác nhận bộ chứng từ hợp lệ và chuyển đến ngân hàng phát hành để yêu cầu thanh toán. Nhưng sau khi nhận chứng từ, ngân hàng phát hành đã thông báo cho Sở giao dịch II bộ chứng từ trên có bất hợp lệ là B/L không chỉ ra câu “Goods are carried in refrigerated container maintained at minus 18 degrees Celsius maximum” và từ chối thanh toán chờ sự định đoạt của người mua. Rõ ràng, ngân hàng phát hành đã cố ý viện vào câu chữ để tìm bất hợp lệ cho bộ chứng từ bởi theo phân tích và cách hiểu thông thường thì câu nói về nhiệt độ đã nêu trên B/L được xuất trình hoàn toàn phù hợp với điều kiện quy định trong L/C. Ngoài ra, cách quy định chi tiết cho một chứng từ cũng có thể làm bộ chứng từ bất hợp lệ. Thông thường một L/C nhập hàng thủy sản từ Việt Nam được các ngân hàng nước ngoài phát hành với điều khoản về chứng từ chứng nhận an toàn thực phẩm (Health Cert) do Nafiqaved cấp như sau: “Health Certificate issued by Nafiqaved” (Health Cert được phát hành bởi Nafiqaved) hay “Health Certificate issued by Government Authority” (Health Cert được phát hành bởi cơ quan có thẩm quyền). Nhưng cũng có trường hợp lại quy định quá chi tiết, ví dụ ngân hàng Banco Santander Central Hispano S.A ở Tây Ban Nha còn thêm điều kiện “ … Health Cert must shows clearly the name in capital letters, capacity and qualifications of the signor” (… Health Cert phải nêu rõ tên bằng chữ in hoa, năng lực và tư cách của người ký).

Những quy định chi tiết như vậy làm cho bộ chứng từ dễ bất hợp lệ bởi vì nhà xuất khẩu khó có thể đáp ứng những yêu cầu đôi khi vô lý của L/C. Hơn nữa,

mỗi cơ quan đều có một hình thức trình bày chứng từ riêng và đôi khi có những mẫu chứng từ phải được lập theo các tiêu chuẩn, quy định của quốc gia nhập khẩu hay theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký.

Trở lại với yêu cầu trên của ngân hàng Banco Santander Central Hispano S.A, nhà xuất khẩu trình bộ chứng từ xuất khẩu cho Sở giao dịch II – NHCTVN với Health Cert được phát hành bởi Nafiqaved và ghi rõ chức vụ và tên của người ký “DIRECTOR – NGUYEN CHINH”. Bộ chứng từ trên bị ngân hàng phát hành cho là bất hợp lệ vì Health Cert không đáp ứng được yêu cầu của L/C. Trong những trường hợp như vậy, ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu phải mất thời gian để giải thích cho ngân hàng phát hành. Có trường hợp ngân hàng phát hành còn chấp nhận lời giải thích nhưng có những trường hợp họ vẫn giữ ý kiến của mình.

- Ngân hàng phát hành bị phá sản:

Rủi ro này nhìn chung ít xảy ra nhưng không phải là không có. Lĩnh vực tài chính ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm đối với nền kinh tế nên được chính phủ các nước quan tâm rất lớn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia thì điều kiện thành lập ngân hàng còn khá dễ dàng dẫn đến nhiều ngân hàng không có năng lực tài chính vững mạnh cũng như kinh nghiệm trong thanh toán quốc tế. Khi xảy ra khủng hoảng, các ngân hàng này có thể bị phá sản. Nếu ngân hàng chiết khấu các bộ chứng từ theo L/C do các ngân hàng này phát hành vào thời điểm họ phá sản sẽ gặp rủi ro là bộ chứng từ chiết khấu không được thanh toán.

- Rủi ro pháp lý:

Ngân hàng chiết khấu có thể gặp rủi ro khi xuất hiện các vấn đề liên quan đến luật pháp. Tòa án của nước nhập khẩu có thể ra lệnh ngân hàng phát hành ngừng thanh toán khi người nhập khẩu đang kiện người xuất khẩu. Xem trường hợp sau chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

Một doanh nghiệp của Việt Nam bán gạo cho một công ty ở Singapore, thanh toán bằng L/C phát hành bởi ngân hàng Credit Lyonnnais Singapore. L/C có giá trị thương lượng tại bất kỳ ngân hàng nào (available with any bank by negotiation). Sau khi giao hàng, người bán xuất trình bộ chứng từ hợp lệ tại Sở giao dịch II – NHCTVN và bộ chứng từ trên đã được Sở giao dịch II – NHCTVN chiết khấu ngày ngày 31/5/2004. Cùng ngày, Sở giao dịch II – NHCTVN đã gửi chứng từ đến ngân hàng phát hành đồng thời lập điện đòi tiền ngân hàng phát hành (L/C cho phép đòi tiền bằng điện). Nhưng đến ngày 07/6/2004, tòa án tối cao Singapore ra lệnh ngừng thanh toán bộ chứng từ trên do người mua đang kiện người bán vi phạm hợp đồng (sự việc được ngân hàng phát hành thông báo cho Sở giao dịch II – NHCTVN bằng điện và fax).

Lệnh của tòa án tối cao Singapore làm ngân hàng chiết khấu đứng trước nguy cơ rủi ro rất cao trong việc thu hồi số tiền đã chiết khấu cho nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng phát hành đã phải chấp nhận thanh toán bởi theo lập luận của ngân hàng chiết khấu thì việc chiết khấu đã được thực hiện theo điều khoản cho phép của L/C (available with any bank by negotiation) và lệnh của tòa án có sau ngày chiết khấu nên không làm cản trở trách nhiệm thanh toán của ngân hàng phát hành cho ngân hàng chiết khấu.

- Lệnh cấm vận và tình hình kinh tế – chính trị bất ổn của quốc gia nhập khẩu:

Rủi ro quốc gia là một vấn đề mà các ngân hàng rất quan tâm trước khi quyết định chiết khấu. Việc chiết khấu những bộ chứng từ xuất khẩu sang các nước bị cấm vận hay có tình hình chính trị bất ổn có thể làm ngân hàng gặp các rủi ro sau:

+ Bộ chứng từ không được thanh toán do ngân hàng phát hành có thể ngưng hoạt động khi có chiến tranh, nổi loạn hay bạo động xảy ra.

+ Khoản tiền thanh toán từ các nước trong danh sách cấm vận có thể bị phong tỏa nên ngân hàng chiết khấu không thể nhận được tiền.

Theo quy trình nghiệp vụ, Sở giao dịch II – NHCTVN không thực hiện chiết khấu các bộ chứng từ xuất khẩu sang các nước bị cấm vận, có chiến tranh hay bất ổn về chính trị.

- Cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt hàng nhập khẩu của một số quốc gia:

Các chính sách và sự kiểm tra đối với hàng nhập khẩu cũng có thể là những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho ngân hàng chiết khấu. Các mặt hàng thực phẩm đặc biệt là thủy sản nhập vào Bắc Mỹ và Châu Âu phải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng của các cơ quan chức năng. Các L/C nhập khẩu thủy sản của các ngân hàng ở Châu Âu và Bắc Mỹ thường có điều kiện sau: Việc thanh toán chỉ được thực hiện khi hàng qua được sự kiểm tra của cơ quan chức năng nước nhập khẩu. Nếu hàng hóa không đạt chất lượng sẽ bị tiêu hủy hay gửi trả về và bộ chứng từ xuất khẩu dù hợp lệ cũng không được thanh toán.

Tại Sở giao dịch II – NHCTVN, khả năng hoàn trả của doanh nghiệp xuất khẩu là yếu tố quan trọng cho việc chiết khấu các bộ chứng từ theo L/C có những điều kiện như thế.

- Chứng từ giả mạo:

Rủi ro này ít khi xảy ra nhưng cũng là rủi ro mà các ngân hàng cần chú ý khi chiết khấu bộ chứng từ theo L/C nhất là những khách hàng mới giao dịch lần đầu. Nguyên nhân có thể là do sự lừa đảo từ phía nhà xuất khẩu hoặc do hai bên người bán và người mua thỏa thuận với nhau để lừa ngân hàng.

Một phần của tài liệu 160 Giải pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán xuất khẩu bằng phương thức tín dụng chứng từ tại Sở giao dịch II - Ngân hàng Công thương Việt Nam (Trang 44 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)