Chính sách Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu
2.3. Các sáng kiến và chương trình của Chính phủ
Có một số chương trình và sáng kiến khác của Chính phủ được thiết kế để hỗ trợ R&D và CGCN và để thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực Chính phủ và tư nhân. Có 3 sáng kiến và chương trình được lựa chọn để đề cập chi tiết hơn, bao gồm: Các Trung tâm Hợp tác nghiên cứu giữa trường đại học và ngành công nghiệp, Chương trình Công nghệ tiên tiến và Dự án BioShield.
Các sáng kiến khác của Chính phủ bao gồm: Cục Dự án nghiên cứu tiên tiến về quốc phòng (DARPA)-một tổ chức R&D trung tâm của Bộ Quốc phòng (DOD), có chức năng cung cấp vốn cho những công trình nghiên cứu có độ rủi ro cao, mang lại lợi ích lớn và hợp tác cùng ngành công nghiệp để tạo ra các giải pháp mới, chủ yếu là phục vụ các mục đích quân sự. DOD cũng thực hiện Chương trình KH&CN 2 mục đích, vừa phục vụ cho quân sự, vừa có tiềm năng thương mại. Chương trình này có đối tác là ngành công nghiệp để cùng phát triển công nghệ. Chương trình Thực nghiệm để mô phỏng nghiên cứu cạnh tranh (EPSCOR) là Chương trình liên kết NSF với một số bang và vùng. Chương trình này thúc đẩy sự phát triển các nguồn lực KH&CN thông qua các quan hệ đối tác với các trường đại học, ngành công nghiệp và Chính phủ. Một Chương trình nữa của NSF là “Các cơ hội lớn cho quan hệ giữa khu vực hàn lâm và công nghiệp” (GOALI), hỗ trợ sự thuyên chuyển cán bộ nghiên cứu giữa khu vực hàn lâm và công nghiệp, cũng như các nhóm nghiên cứu đa ngành của trường đại học và ngành công nghiệp trong những công trình nghiên cứu dài hạn.
Chính sách và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
ở Mỹ, 99% doanh nghiệp thuộc loại quy mô nhỏ (dưới 500 nhân lực), với tổng số gần 23 triệu, thu hút gần 1/2 số nhân lực tư nhân và tạo ra trên 1/2 GDP. Các doanh nghiệp nhỏ (DNN) đem lại 55% số lượng đổi mới và là nguồn bổ sung chủ yếu các việc làm hoàn toàn mới cho nền kinh tế (gần 75%).
DNN là những đơn vị đổi mới rất hiệu quả và đóng vai trò cốt tử cho sự phát triển kinh tế Mỹ, theo một công trình khảo sát mới đây cho thấy. Xét trung bình, các DNN tạo ra các sáng chế có tầm quan trọng về kỹ thuật và được trích dẫn nhiều hơn so với các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ các sáng chế được cấp bằng của DNN là 41% và nếu xét tỷ lệ số bằng sáng chế trên một nhân lực thì tỷ lệ này của DNN cao hơn 13-14 lần so với doanh nghiệp lớn. Số bằng sáng chế được cấp nhiều nhất là các công nghệ về y học. Cuối cùng, các đổi mới của DNN có mối liên kết mật thiết với nghiên cứu khoa học cao gấp 2 lần so với đổi mới của doanh nghiệp lớn vì mang tỷ trọng lớn về công nghệ cao và công nghệ mũi nhọn.
Chương trình nghị sự về DNN do Tổng thống đề ra được thiết kế để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh. Những ưu tiên then chốt bao gồm: giảm thuế, các quy định rõ ràng và nhạy bén, tạo sự cạnh tranh công khai đối với các hợp đồng của Chính phủ, tiếp cận được với các dịch vụ y tế và chế độ hưu trí đáng tin cậy.
Cục DNN (SBA) ở Mỹ được thành lập năm 1953 với mục đích hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và quản lý cho DNN. SBA là cơ quan hỗ trợ tài chính lớn nhất cho DNN, với danh mục các khoản cho vay để hoạt động kinh doanh, giấy bảo lãnh vay tiền và các khoản vay khi gặp tai họa trị giá trên 45 tỷ USD và danh mục vốn mạo hiểm 13 tỷ USD. Năm 2001, 1 triệu DNN đã nhận được sự hỗ trợ. Các Chương trình SBA liên quan đến CGCN nằm trong 3 loại hình chủ yếu: cấp vốn, hợp đồng của Chính phủ và hỗ trợ về quản lý.
1. SBA cung cấp chương trình cho vay cơ bản để giúp DNN nhận được vốn khi họ không thể có đủ tư cách để được vay tiền qua các kênh thông thường. SBA cũng có một số chương trình cho vay khác để đáp ứng nhu cầu vốn để hoạt động quay vòng, cho các công ty phụ thuộc vào ngành Quốc phòng, hỗ trợ xuất khẩu, khuyến khích bảo tồn năng lượng, kiểm soát ô nhiễm v.v… SBA cũng tạo điều kiện cho các công ty mới khởi nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính thông qua các thủ tục cho vay đơn giản hoá và nhanh chóng các khoản tín dụng nhỏ gián tiếp. Ví dụ, Chương trình SBIC (Công ty đầu tư cho DNN) cung cấp vốn cổ phiếu, các khoản vay dài hạn và hỗ trợ về quản lý cho DNN, đặc biệt là các giai đoạn tăng trưởng.
2. Một số các Chương trình SBA được thiết kế để đảm bảo cho các DNN một tỷ lệ công bằng đối với các hợp đồng của Chính phủ-tức là được hỗ trợ để nhận được hợp đồng của Chính phủ Liên bang, bao gồm hỗ trợ tiếp thị mua sắm (Pro-net), hỗ trợ hợp đồng cho các chủ doanh nghiệp là phụ nữ (CAWBO) và chương trình khuyến khích phát triển kinh tế ở các khu vực kinh doanh chưa được tận dụng đầy đủ (HMB Zone). Các Chương trình hỗ trợ R&D có liên quan nhiều nhất tới việc thương mại hoá các công nghệ mới. Chương trình SBIR (Nghiên cứu đổi mới ở DNN) hỗ trợ các DNN cạnh tranh để nhận được các kinh phí R&D của Liên bang và Chương trình STTR (CGCN của các DNN) hỗ trợ các doanh nghiệp nào hợp tác với các tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận để cạnh tranh dành được các dự án như vậy. Các Chương trình khác hỗ trợ mối quan hệ đối tác về công nghệ ở liên bang và các bang (JAST), các doanh nghiệp nhỏ dựa vào công nghệ ở các vùng xa (Rural Outreach) và các hoạt động liên kết mạng lưới (Tech Net) cho các cơ quan liên bang, các nhà đầu tư mạo hiểm và các đối tượng đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh với các công ty công nghệ cao quy mô nhỏ thuộc tất cả các Chương trình hỗ trợ R&D. Thông qua các Chương trình này, được sự uỷ quyền của Luật Phát triển đổi mới của DNN 1982, Luật tăng cường R&D của DNN 1992 và Luật Tái ứng nhiệm Chương trình Nghiên cứu đổi mới ở DNN năm 2000, Văn phòng Công nghệ hỗ trợ trong việc đạt được mục tiêu thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của các Chương trình R&D cấp liên bang và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.
3. Các Chương trình hỗ trợ về quản lý, tư vấn và đào tạo kinh doanh bao gồm Trung tâm Phát triển DNN (SBDC) và Trung tâm Thông tin kinh doanh (BIC) đều chú trọng vào các doanh nghiệp đang chuẩn bị hoặc khởi nghiệp. Các Chương trình SBA khác bao gồm thông tin và tư vấn (Văn phòng Tư
vấn), hỗ trợ trường hợp gặp tai họa, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ cựu chiến binh và phụ nữ.