Giải pháp xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về M&A

Một phần của tài liệu Thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp và khung pháp lý trên thế giới (Trang 46 - 52)

- Các vụ M&A chủ yếu là mua bán doanh nghiệp (toàn bộ hoặc một phần) Hầu

3.2.1.1 Giải pháp xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về M&A

Trong thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra rất rầm rộ kéo theo là sự phát triển nhanh chóng của thị trường M&A nhưng khung pháp lý điều tiết hoạt động này vẫn chưa hoàn thiện. Một hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và minh bạch sẽ góp phần thúc đẩy các giao dịch M&A phát triển, nó sẽ tạo điều kiện để xác lập giao dịch, địa vị pháp lý của các bên trong giao dịch và hậu quả pháp lý sau khi kết thúc giao dịch. Hiện nay, các quy định liên quan đến hoạt động M&A ở Việt Nam được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên các quy định này chưa rõ ràng và đầy đủ.

Trong khi đó, M&A là một giao dịch thương mại, tài chính, nó đòi hỏi phải có quy đinh cụ thể, có một cơ chế thị trường để chào bán, chào mua doanh nghiệp, giá cả, cung cấp thông tin, chuyển giao và xác lập sở hữu, chuyển dịch tư cách pháp nhân, cổ phần, cổ phiếu các nghĩa vụ tài chính, đất đai người lao động, thương hiệu... Đồng thời, còn hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp đến M&A mà pháp luật nước ta còn chưa có quy định cụ thể như kiểm toán, định giá, tư vấn, môi giới, bảo mật, thông tin, cơ chế giải quyết tranh chấp... Do đó Việt Nam phải hoàn thiện hành lang pháp lý về mặt M&A trong thời gian tới đây nhằm làm cơ sở cho việc thực hiện các giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, hạn chế tập trung kinh tế và cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Luật Cạnh tranh năm 2004 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, việc kiểm soát các hành vi sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp có sự tham gia của các cơ quan là:

 Cơ quan quản lý cạnh tranh có chức năng kiểm soát tập trung kinh tế.

 Hội đồng cạnh tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế như thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp bị cấm, tập trung kinh tế mà không thực hiện việc thông báo.

 Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh.

=> Để các cơ quan nói trên thực hiện tốt chức năng của mình, đòi hỏi phải giải quyết được những vấn đề sau:

 Một là, để xác định các trường hợp tập trung kinh tế cụ thể, cần kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm được thực hiện chủ yếu dựa vào việc xác định chính xác thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia. Muốn thực hiện hiệu quả, đòi hỏi khả năng dự báo của các cơ quan hữu trách về tình hình và mức độ tập trung của các thị trường cụ thể. Nói cách khác, các cơ quan có thẩm quyền cần có những số liệu thực tế về các thị trường có khả năng xảy ra những trường hợp tập trung kinh tế cần kiểm soát hoặc bị cấm đoán. Khi có hành vi xảy ra, các cơ

quan có thẩm quyền luôn ở trong trạng thái chủ động thay vì chờ đợi các doanh nhân khác khiếu nại rồi mới điều tra.

 Hai là, thẩm quyền của các cơ quan cạnh tranh, cơ quan đăng ký kinh doanh được thực hiện trong những công đoạn pháp lý khác nhau của quá trình tiến hành tập trung kinh tế. Vì vậy, sự phối hợp trong họat động giữa các cơ quan này là hết sức cần thiết để đảm bảo hiệu quả của việc kiểm soát tập trung kinh tế.

 Ba là, những hành vi tập trung kinh tế vi phạm pháp luật cạnh tranh, suy cho cùng là những trường hợp doanh nghiệp vi phạm đã hoàn tất việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc liên doanh cả về phương diện thực tế lẫn pháp lý. Do đó, để phát hiện sự vi phạm đòi hỏi các cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm soát được tình hình tập trung kinh tế trong địa bàn mình quản lý bằng các số liệu thống kê và cần phải công khai các số liệu này.

Luật Cạnh tranh năm 2004 đã sử dụng thị phần làm cơ sở phân loại nhóm tập trung kinh tế và làm tiêu chí duy nhất để xác định khả năng gây hại của các trường hợp tập trung kinh tế. Theo đó, những trường hợp tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia chiếm trên 50% trên thị trường liên quan luôn mang bản chất hạn chế cạnh tranh. Trong trường hợp này, việc tập trung kinh tế đã hình thành một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nắm giữ đa số thị phần trên thị trường liên quan mà không phải từ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó đã làm cho các doanh nghiệp còn lại chỉ là thiểu số trên thị trường. Bản chất hạn chế cạnh tranh thể hiện ngay ở sự thay đổi cơ bản, đột ngột trong tương quan cạnh tranh và cấu trúc cạnh tranh trên thị trường. Điều đó cũng cho thấy mức độ làm giảm, làm cản trở và sai lệch cạnh tranh một cách đáng kể của nhóm hành vi này. Khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia chỉ chiếm dưới 30% trên thị trường liên quan thì sự tập trung kinh tế chưa có khả năng tạo ra vị trí thống lĩnh cho doanh nghiệp hình thành sau khi tập trung. Lúc này, việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay liên doanh chỉ đơn giản là các biện pháp cơ cấu lại kinh doanh hoặc đầu tư vốn bình thường nên chưa chứa đựng những nguy cơ đe dọa đến trật tự cạnh tranh trên thị trường. Câu hỏi đặt ra là thị phần doanh nghiệp (bao gồm cả thị phần hàng hoá, dịch vụ và thị phần kết hợp)

sẽ được xác định như thế nào và thẩm định sự chính xác của chỉ tiêu này trên cơ sở khoa học nào. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy có thể sử dụng một số tiêu chí khác để đánh giá dự án tập trung kinh tế như tổng doanh thu chưa tinh thuế trên phạm vi toàn cầu của toàn bộ các doanh nghiệp hoặc nhóm pháp nhân, thể nhân tham gia vụ tập trung kinh tế; tổng doanh thu chưa tính thuế được thực hiện trên lãnh thổ quốc gia bởi hai doanh nghiệp hoặc nhóm pháp nhân, thể nhân liên quan.

Khung pháp lý về M&A cần chuyên biệt, không dựa quá nhiều trên các khung pháp lý dành cho cổ phần hóa, phát hành và niêm yết chứng khoán. Hiện nay, các quy định liên quan đến hoạt động M&A mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của hoạt động M&A, trong khi đó, các vấn đề về mặt nội dung cần phải được quy định đầy đủ hơn nữa bởi vì hoạt động M&A còn có nhiều nội dung liên quan đến định giá doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề tài chính, cổ phần, cổ phiếu, người lao động, thuế, phí... của doanh nghiệp trong và sau quá trình M&A. Khung pháp lý này sẽ tạo điều kiện để xác lập giao dịch, địa vị của bên mua, bên bán, hậu quả pháp lý sau khi kết thúc giao dịch.

Những nhà hoạch định chính sách cần liên tục theo sát thực tiễn để bắt nhịp với thị trường.

Việt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để nhu cầu M&A của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Đẩy mạnh cải cách hành chính.

Nhà nước nên coi mua bán sáp nhập doanh nghiệp như là một giao dịch thuơng mại thuần tuý, giống như việc mua bán một loại tài sản. Điều đó sẽ dễ sàng hơn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giải quyết tranh chấp giữa các bên nếu có. Còn nếu vẫn giữ nguyên như hiện nay, tức là coi đó là hình thức đầu tư, thì Nhà nước cũng nên tạo điều kiện để quan hệ thị trường này được thực hiện tốt, không nên có những đòi hỏi về dự án đầu tư, yêu cầu thẩm tra… và bổ sung một số quy định về tranh chấp giữa các bên.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự nhận thức vấn đề một cách đúng đắn, đầy đủ từ các cơ quan quản lý cũng như từ phía các doanh nghiệp nhà nước.

Nhà nước cũng cần hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian uy tín chuyên đứng ra phụ trách để thực hiện các vụ mua lại và sáp nhập

Nên có một bộ phận riêng nằm trong Cục Quản lý cạnh tranh để thi hành các quy định về việc xem xét các vụ sáp nhập, mua lại và để phối hợp với các cơ quan khác trong kiểm soát hoạt động sáp nhập, mua lại.

Cần có sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê trong việc kiểm soát, hình thành cơ sở dữ liệu về các vụ việc tập trung kinh tế.

Chính phủ cần có những biện pháp kiểm soát, can thiệp cụ thể hơn nữa để minh bạch hóa hệ thống thông tin, đặc biệt là về tình hình hoạt động tài chính của các doanh nghiệp để không ảnh hưởng đến nền kinh tế, người tiêu dùng.

Tuy nhiên thị trường M&A của Việt Nam mới chỉ có chưa đầy 10 năm để làm quen với các khái niệm quản trị công ty theo các thông lệ phố biến của quốc tế (từ sau năm 2000, thông qua việc thực thi Luật Doanh Nghiệp 1999). Do đó, các khái niệm về góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, mua bán, sáp nhập, chia tách, giải thể công ty, và các vấn đề kỹ thuật như chuyển nhượng cổ phần, thanh toán, xử lý quyền lợi cổ đông, thuế, nợ, thương hiệu, thực hiện quyền chủ sở hữu trong quản trị công ty nhìn tổng thể vẫn còn rất mới mẻ đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa và tư nhân. Như vậy, có thể thấy hoạt động M&A đã có được nền tảng pháp lý cơ bản và tương đối đầy đủ, tuy rằng còn phải được bổ sung và hoàn thiện rất nhiều trong quá trình phát triển của mình nhằm góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thích ứng với những đổi thay nhanh chóng từ áp lực hội nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặt ra.

KẾT LUẬN

Hoạt động M&A mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của nền kinh tế, như là tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng vốn đầu tư, có khả năng mở rộng ngành nghề kinh doanh, giảm khả năng bị triệt tiêu trên thị trường... điều này đã được khẳng định với sự phát triển phát triển nhanh chóng của thị trường này trong những năm gần đây. Việt Nam đang ở những bước đi đầu tiên của sự phát triển thì sự cần thiết phát triển hoạt động này càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên M&A cũng không tránh khỏi phải đối mặt với những vấn đề khá phức tạp, gây thiệt hại đối với nền kinh tế như độc quyền, thuế, kế toán, chuyển đổi tài sản, phân chia lợi nhuận, trách nhiệm giải quyết các khoản nợ chưa thanh toán của các doanh nghiệp hợp nhất, giải quyết lao động dôi dư, môi trường văn hóa doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, tính toán các vấn đề hậu sáp nhập làm sao cho giá trị doanh nghiệp ngày càng tăng để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Pháp luật về kiểm soát hoạt động sáp nhập, mua lại của Việt Nam đã tương đối đầy đủ (đã có những quy định cụ thể trong Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật chứng khoán ) nhưng để hoạt động M&A thật sự đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế thì rất cần sự quan tâm, quản lý kịp thời của các nhà hoạch định chính sách nhà nước cũng như sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này. Đặc biệt việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về M&A là rất cần thiết, vì đó là cơ sở để hình thành một loại thị trường mới, rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường - thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp và khung pháp lý trên thế giới (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(53 trang)