Các Quỹ đầu tư cần tăng cường công tác tiếp thị, tuyên truyền, tổ chức các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư. Bởi vì khi các công tác này được thực hiện tốt thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Quỹ đầu tư thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi của công chúng đầu tư để phục vụ cho việc mở rộng quy mô vốn hoạt động của Quỹ. Ngoài ra, hàng năm các Quỹ đầu tư cần có chính sách chăm sóc cho các nhà đầu tư của mình thông qua các hình thức như: tổ chức hội nghị khách hàng; lập trang web giới thiệu về Quỹ đầu tư của mình, trong đó có nêu rõ tình hình hoạt động của thị trường chứng khóan nói chung và tình hình hoạt động của Quỹ nói riêng, về cung cấp cho nhà đầu tư báo cáo giá trị tài sản ròng hàng tuần; hàng tháng cung cấp cho nhà đầu tư bản tin về hoạt động của thị trường chứng khóan và của Quỹ đầu tư…
3.2.2 Các giải pháp về chính sách thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngòai (FII):
- Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa, cần đánh giá đúng mức về tầm quan trọng của luồng vốn FII đối với các mục tiêu phát triển kinh tế trong chiến lược chung về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua thị trường vốn. Cần có những chính sách mới đặt trọng tâm hướng đến việc thu hút các luồng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế thông qua các kênh hoạt động của thị trường vốn, thị trường chứng khoán trong nước
- Cần sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật chứng khoán để tạo môi trường thông thoáng và khuôn khổ pháp lý ổn định cho các hoạt động của thị trường vốn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các kênh đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia góp phần cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
- Để góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả hơn nữa chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ nên nới rộng tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam tăng lên 49% phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài.
Các quy định pháp lý khác về đầu tư, hoạt động tiền tệ,... cần được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài mở rộng cho vay vốn, đầu tư vốn vào nền kinh tế Việt Nam.
- Chính phủ cần coi trọng và chủ động hơn nữa trong việc tiếp thị quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, đặc biệt là kênh huy động vốn FII hiện đang còn ở mức xuất phát điểm rất thấp của Việt Nam. Tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam không khác nhiều so với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã làm tốt việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh của đất nước mình ra thị trường quốc tế, nên họ thu được lượng vốn FII rất lớn. Ở Việt Nam, mặc dù đoàn đại biểu của Chính phủ đã đi tiếp thị chào mời đầu tư ở nhiều nước, nhưng việc quảng bá, tiếp thị của các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn yếu. Vì lẽ đó mà trong khi ở Trung Quốc và một số nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan, tỷ lệ vốn FII so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào khoảng 30-40% thì ở Việt Nam, năm 2004 tỷ lệ này chỉ khoảng 3,7%.
Bên cạnh đó, nhà nước cần sớm đưa ra các khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động ra nước ngoài tiếp thị xuất khẩu vốn thông qua các hình thức niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.
- Vì tính chất nguồn vốn FII là đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần, nên để thu hút được nguồn vốn này, ngoài hệ thống pháp lý cần cải thiện, thay đổi cho phù hợp với các quy tắc chung thì Việt Nam còn phải tăng cường cổ phần hoá doanh nghiệp
nhà nước, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bằng việc đưa nhiều doanh nghiệp mạnh lên niêm yết.
- TP.Hồ Chí Minh với lợi thế tiềm năng đặc biệt có thể phát triển thành một Trung tâm Tài chính lớn của cả nước và khu vực. Hồng Kông và Singapore là những kinh nghiệm thành công trên thế giới đã làm được điều này. Trong đó, không thể không kể đến việc 2 nơi này là đầu mối thu hút rất nhiều tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư, các luồng vốn FII trên khắp thế giới quy tụ về trước khi lan toả ra các nước xung quanh. Với lợi thế đặc biệt về nhiều mặt, TP.Hồ Chí Minh hiện đang đứng tước một vận hội rất lớn là có thể trở thành một “bến cảng” quy tụ các luồng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế. Từ đó khơi thông lan toả đến các địa phương khác trên cả nước cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, nếu khơi thông và quy tụ được các luồng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế vào thành phố cũng sẽ có tác dụng tích cực đến khả năng huy động vốn FDI của cả nước vì hình thức đầu tư gián tiếp chính là nguồn hỗ trợ cho đầu tư trực tiếp. Đây chính là một giải pháp chiến lược quan trọng mà thành phố cần lưu ý trong định hướng phát triển TP.Hồ Chí Minh thành một Trung tâm Tài chính của cả nước và khu vực.
3.2.3 Các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam:
Để thúc đẩy sự phát triển của Quỹ đầu tư trên thị trường chứng khóan Việt Nam thì trước hết thị trường chứng khóan Việt Nam phải phát triển mạnh, vững chắc và an toàn. Trong thời gian tới, theo tôi nên tiến hành một số giải pháp sau đây:
- Tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh cầu chứng khoán thông qua việc nâng cao chất lượng và số lượng hàng hoá trên thị trường đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá tại các doanh nghiệp lớn và có uy tín, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại một số công ty cổ phần, có chính sách ưu đãi về tài chính đối với những cá nhân và đơn vị đầu tư vào chứng khoán, phát triển các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư để tăng tính thanh khoản của hàng hoá trên thị trường…
- Khuyến khích và phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường như các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, quỹ tín thác, ngân hàng thương mại… để hoàn thiện một cầu nối rất quan trọng giữa các đơn vị niêm yết và nhà đầu tư trên thị trường.
- Hoàn thiện mô hình tổ chức thị trường chứng khóan Việt Nam theo hướng nâng cao hơn nữa năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; hiện đại hoá hệ thống và sớm nâng cấp Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh lên Sở Giao dịch chứng khoán; Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội hoạt động phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát huy vai trò của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán trong bảo vệ và phối hợp sức mạnh cho các thành viên…
- Để đảm bảo tính minh bạch, vận hành ổn định của thị trường và hạn chế bớt rủi ro có thể xảy ra đối với các nhà đầu tư, cần nâng cao tính công khai và hiệu quả của việc công bố thông tin và giám sát công bố thông tin trên thị trường. Cụ thể cần chuẩn hoá các qui định hướng dẫn qui trình công bố thông tin đối với các tổ chức niêm yết; tăng cường một cách hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện công bố thông tin trên thị trường.
- Chú trọng hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để xây dựng và giữ vững hình ảnh của thị trường chứng khóan Việt Nam trước công chúng và trước các nhà đầu tư quốc tế; thu hút ngày càng nhiều các chủ thể tham gia thị trường. Cần coi trọng công tác quảng bá hình ảnh thị trường chứng khóan Việt Nam ra thế giới để giới đầu tư quốc tế nắm bắt được thông tin về tình hình họat động, giao dịch của thị trường chứng khóan Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo cũng cần được triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu để xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, vững về phẩm chất, đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của thị trường.
- Việc phát triển thị trường chứng khóan Việt Nam không thể bỏ qua các chủ thể người nước ngoài vốn có tiềm lực rất lớn về vốn, công nghệ và kinh doanh trong
lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, việc mở rộng sự tham gia của người nước ngoài cũng cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp phát triển thị trường và tăng cường nội lực của các chủ thể trong nước để có thể phòng ngừa và giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra như lũng đoạn và thao túng thị trường.
- Ngành ngân hàng cần có những chính sách về quản lý ngoại hối phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường chứng khóan Việt Nam. Chính sách tiền tệ cũng cần được định hướng, tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư.
- Đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
3.2.4 Các giải pháp cải thiện môi trường pháp lý:
- Trong thời gian tới khi Luật Đầu tư chung vừa được Quốc hội thông qua sẽ không hạn chế tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực không có điều kiện. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn cụ thể việc không hạn chế tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng đối với cả doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết hay chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp niêm yết.
- Kể từ ngày 1/1/2007 Luật chứng khoán có hiệu lực thi hành. Theo đó dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đang được xây dựng. Trong số nhiều nội dung của dự thảo Nghị định, xin được đề xuất một số vấn đề sau đây:
+ Một công ty đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên cho phép niêm yết cổ phiếu trên cả hai trung tâm giao dịch chứng khoán. Bởi vì cả hai trung tâm này đang được nâng cấp, đều cùng tiêu chuẩn quản lý giám sát như nhau. Đồng thời trong tương lai gần hai trung tâm này được kết nối với nhau, tức là kết nối giữa hai thị trường, bao gồm cả hợp nhất hệ thống báo cáo giao dịch và yết giá giao dịch.
+ Một trong số các điều kiện niêm yết của công ty cổ phần trên trung tâm giao dịch chứng khóan là không có nợ quá hạn, nên chuyển thành quy định nợ quá hạn chưa được dự phòng. Bởi vì phần đông các công ty, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty cho thuê tài chính cổ phần,... đều có nợ quá hạn. Vấn đề là nợ quá hạn đó đã trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và theo thông lệ quốc tế hay chưa.
+ Quy định các thành viên hội đồng quản trị phải giữ 50% số cổ phiếu ít nhất là 2 năm sau khi cổ phiếu của công ty niêm yết mới được chuyển nhượng. Quy định này nên mở rộng ra cả các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược. Đồng thời quy định này cũng nên áp dụng thống nhất với các thành viên trong ban đại diện quỹ đầu tư thay cho dự thảo là phải giữ 100%.
Việc chào bán chứng khoán ra nước ngoài đồng thời với việc chào bán chứng khoán ở Việt Nam, cần áp dụng quy định tương tự đối với việc niêm yết chứng khoán ở nước ngoài. Vấn đề này cần để cho các tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn chủ động quyết định. Cũng theo đó, thông tin Ủy ban Chứng khóan Nhà nước yêu cầu đối với tổ chức niêm yết ở nước ngoài không nên cao hơn các quy định trong Luật Chứng khoán mà tổ chức đó đang niêm yết tại Việt Nam.
Việc phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức hay phát hành thêm cổ phiếu thưởng cho cổ đông nên đưa vào loại hình chào bán ra công chúng, bởi vì đã là công ty đại chúng thì việc phát hành thêm cổ phiếu đều do đại chúng nắm giữ.
- Ngoài ra, trong Luật Chứng khoán có quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán (thực chất là Quỹ đầu tư dạng pháp nhân, được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp để đầu tư vào chứng khoán). Công ty đầu tư chứng khoán trong Luật này là loại hình công ty mới, hiện chưa có ở Việt Nam, tổ chức và bộ máy của công ty này mang tính đặc thù cao. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản về việc thành lập và hoạt động của loại hình công ty này. Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn cụ
thể hơn về tổ chức và hoạt động của loại hình công ty này để đảm bảo tính thực thi và phù hợp với tình hình thực tế.
- Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình Quỹ đầu tư chứng khoán đang có cơ hội tốt để thực hiện khi mà cơ quan quản lý và nhà đầu tư đều thể hiện sự ủng hộ đối với loại hình này. Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng phạm vi huy động vốn của các quỹ lại đang đặt ra bài toán mới cho nhà quản lý. Để phù hợp với thông lệ quốc tế về Quỹ đầu tư chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khóan nên có quy định cho phép các Công ty quản lý quỹ được lập Quỹ đầu tư có vốn góp bằng ngoại tệ, chứ không chỉ bó hẹp phạm vi góp vốn bằng tiền đồng. Bởi vì hiện nay lượng ngoại tệ trong dân rất lớn, trong khi Việt Nam đã cho phép cá nhân được gửi ngoại tệ vào ngân hàng thì cũng nên cho phép họ được góp vốn bằng ngoại tệ vào Quỹ đầu tư. Kinh nghiệm của một số nước có thị trường chứng khóan phát triển cho thấy, họ đã thu hút được lượng ngoại tệ lớn để đổ vào kênh chứng khoán thông qua việc đa dạng hóa phương tiện góp vốn của nhà đầu tư vào quỹ.
- Cơ quan quản lý nhà nước cũng nên tạo nhiều điều kiện ưu đãi hơn cho loại hình Công ty quản lý quỹ đầu tư ra đời và hoạt động, trong đó nên xem xét việc áp dụng chính sách thuế thu nhập ưu đãi đối với nhà đầu tư và Công ty quản lý quỹ, như miễn thuế thu nhập đối với nhà đầu tư cá nhân không cư trú hay áp dụng biểu thuế lũy thoái đối với Công ty quản lý quỹ.
3.2.5 Các giải pháp về cổ phần hóa:
Để tiếp tục tăng cường hàng hoá cho thị trường chứng khóan Việt Nam nhằm thu hút thêm nhiều Quỹ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước cần thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước bằng những giải pháp như sau:
+ Có chính sách và chỉ đạo kiên quyết, sâu sát hơn của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực hoạt động có lãi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả và quy mô vốn lớn, đủ điều
kiện thu hút người đầu tư và tham gia thị trường chứng khóan. Đồng thời cần có những chính sách kiên quyết hơn trong việc tháo gỡ, giải quyết các mâu thuẫn lợi ích và đưa các doanh nghiệp này ra niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khóan ngay sau khi cổ phần hóa.
Cần tập trung chỉ đạo cổ phần hoá các tổng công ty lớn theo danh mục được