* Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo công bố báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển kinh tế châu Á 2006”. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá như là ngôi sao của Đông Nam Á.
Theo đánh giá của ADB, nền kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những cải thiện đáng kể trong môi trường kinh doanh và triển vọng trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Theo đó, ADB tiếp tục dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2006 ở mức 7,8% và ở 8% trong năm 2007 như đã đưa ra trong cuốn “Triển vọng kinh tế châu Á 2006” xuất bản hồi tháng 4/2006.
* Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố hôm 14-9 ghi nhận Việt Nam là một “thị trường đang nổi lên” với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong cuộc họp báo tại Singapore nhân dịp công bố báo cáo, giám đốc Phòng nghiên cứu IMF Raghuram Rajan nói Việt Nam được nhiều người xem là một “Trung Quốc đang nổi lên” và đây là “một lời ca ngợi”.
Phó giám đốc Phòng nghiên cứu IMF Charles Collyns cũng nhận định rằng Việt Nam đang nhanh chóng đạt được vị thế một nền kinh tế đang nổi lên tuy vẫn còn một số vấn đề khó khăn như lạm phát gia tăng và những vấn đề “mang tính cấu trúc”.
* Theo Thời báo Tài chính Anh, giới kinh doanh Mỹ, châu Âu và châu Á đang hướng tới Việt Nam để khai thác thị trường vốn mới nổi lên này. Thị trường tài chính Việt Nam được nhận định là đang bắt đầu trở nên sôi động.
2.2.2 Triển vọng về thu hút đầu tư nước ngoài: 2.2.2.1 Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Nhận xét về tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, một quan chức của Cục đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Trước hết là trên thế giới dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng đổ vào các nền kinh tế mới nổi có tình hình chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng cao và môi trường đầu tư thuận lợi. Việt Nam được cho là hội tụ khá đầy đủ các điều kiện trên và đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và EU...
Theo dự đoán, thời gian tới sẽ có một làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Có nhiều cơ sở để tin tưởng vào điều này. Mỹ đã kết thúc đàm phán với VN về việc gia nhập WTO và đang xem xét thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ có hiệu lực, đầu tư của Mỹ sang Việt Nam qua các nước thứ 3 cũng ngày một gia tăng. Đặc biệt, sau khi tập đoàn Intel đầu tư vào đây hơn 600 triệu USD, nhiều công ty khác của nước này cũng đã chú ý hơn tới Việt Nam.
Chính việc thu hút được dòng vốn đầu tư FDI như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự gia tăng của dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), thu hút sự quan tâm của các Quỹ đầu tư trên thế giới đến Việt Nam.
2.2.2.2 Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, hiện nay, lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Trong 5 năm tới Việt Nam cần 140 - 150 tỷ USD đầu tư phát triển, nếu vốn đầu tư gián tiếp chỉ ở mức 2 -3 tỷ USD như hiện nay thì tác động rất hạn chế đến sự phát triển nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Mùi - Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính cho rằng, so với vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn ở mức thấp khoảng 2- 3%, trong khi tỷ lệ này ở một số nước trong khu vực là 30-40%.
Các chuyên gia cho rằng, triển vọng thu hút vốn đầu tư gián tiếp của Việt Nam vẫn rất khả quan. Điều đó có cơ sở là nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao với tốc độ bình quân 7,5%/năm. Hệ số tín nhiệm quốc gia được tổ chức Moody đánh giá cải thiện từ B3 lên B1 đã giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ngòai ra, Standard and Poor’s, tổ chức định mức tín nhiệm của Mỹ nâng hệ số tín dụng trung và dài hạn bằng ngọai tệ và tiền đồng của Việt Nam từ BB- lên BB và từ BB lên BB+, cụ thể là từ mức tích cực lên mức ổn định. Như vậy hệ số tín nhiệm của Việt Nam đã cao hơn Philippines và Indonesia một bậc.
Việt Nam đã có hàng loạt các điển hình thành công như Vinamilk, Bảo Minh, REE, Kinh Đô, ACB, Sacombank... toàn bộ do người Việt Nam nắm quyền chi phối về quản lý, có sự tham gia đông đảo của công chúng đầu tư trong nước cùng với việc tham gia đầu tư gián tiếp của các tổ chức tài chính nước ngoài. Với những thành công bước đầu này, Việt Nam đang có khả năng thu hút mạnh vốn FII để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thêm vào đó, cổ phần hóa đang đi vào giai đoạn cuối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn trong những lĩnh vực “blue-chip” như ngân hàng, viễn thông, điện lực...
Ông Robert Knapp, Giám đốc điều hành Quỹ Millenium Partners (Mỹ) – một trong những nhà đầu tư lớn vào Quỹ VOF và hiện quản lý số vốn khoảng 4 tỷ USD cho rằng, Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vì ở đây có những doanh nghiệp làm ăn tốt, đạt tỷ lệ lợi nhuận cao hơn nhiều so với doanh nghiệp ở những thị trường khác, trong khi giá cổ phiếu lại rẻ vì giá trị doanh nghiệp thường được định giá thấp hơn giá trị thực. Ông Knapp dẫn chứng: tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của các doanh nghiệp ở nhiều châu lục thường là 5% trong khi ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này đạt trên 20%. Môi trường cạnh tranh ở Việt Nam không quá khốc liệt cũng là ưu thế trong thu hút đầu tư. Ở Việt Nam, trong mỗi ngành sản xuất thường chỉ có 45 doanh nghiệp dẫn đầu, còn ở trung Quốc, ngành nào cũng có thể kể ra 10 doanh nghiệp dẫn đầu. Về lâu dài, sức ép cạnh tranh làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì cho rằng, lý do để nhà đầu tư hướng về Việt Nam là Chính phủ đã khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế. Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn các “con hổ” khác trong khu vực, với mức tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 8% trong 5 năm tới. Việc nhà đầu tư nước ngoài đổ xô mua trái phiếu chính phủ Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế cũng là một tín hiệu tích cực cho việc thu hút đầu tư gián tiếp.
Dự báo, sẽ có một luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có các quỹ đầu tư, đổ vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo ra làn sóng FII thứ 3 vào Việt Nam.
Theo dự báo của ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital (Vương quốc Anh), trong năm nay, Việt Nam có thể thu hút khoảng 500 triệu
USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, bằng 1/3 tổng số Việt Nam đã thu hút được từ trước tới nay.
2.2.3 Triển vọng của thị trường chứng khóan Việt Nam trong thời gian tới:
Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển một thị trường chứng khoán có hiệu quả, bởi lẽ:
(1) Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng kinh tế cao, vì vậy nhu cầu vốn đầu tư phát triển rất lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2001 đến 2010, Việt nam cần khoảng 70 tỷ USD. Ngoài vốn đầu tư từ ngân sách, doanh nghiệp tự đầu tư, vốn ODA, FDI; Chính phủ, doanh nghiệp cần huy động vốn trên thị trường chứng khoán dưới các hình thức phát hành các loại trái phiếu, cổ phiếu. Riêng nhu cầu huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước, bình quân mỗi năm Chính phủ phải huy động 5%GDP, trong đó vay nước ngoài 3,5%GDP. Về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, trong thời gian qua, có 2.340 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, song tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này mới chỉ chiếm 7% giá trị tài sản. Mục tiêu 2005 -2006 Nhà nước sẽ cổ phần hoá 1.500 doanh nghiệp với tổng số vốn 200 ngàn tỷ đồng.
(2) Việt Nam có tỷ lệ tiết kiệm khá cao, số liệu năm 2004 cho thấy con số này là 35,8%GDP, trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm của các tầng lớp dân cư trong hệ thống Ngân hàng lên tới 40%GDP, trong đó chưa kể số đầu tư vào bất động sản, vàng, ngoại tệ. Nếu công cụ, sản phẩm tài chính hấp dẫn sẽ có khả năng thu hút nguồn vốn này vào thị trường chứng khoán. Mặt khác, trong tiến trình mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO thì khả năng các luồng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào Việt nam sẽ tăng lên.
Mặc dầu quy mô thị trường chứng khóan Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, nhưng triển vọng phát triển trong tương lai được đánh giá là khá tiềm năng, dựa trên những cơ sở sau đây:
Cổ phần hóa các tổng công ty lớn thuộc sở hữu Nhà nước. Chính phủ đang xúc tiến cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Mobile phone, Vina phone, v.v... với quy mô vốn từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng. Chính phủ chủ trương sau khi cổ phần hóa sẽ nhanh chóng niêm yết cổ phiếu của các tổng công ty này trên Trung tâm giao dịch chứng khoán.
Một điểm nhấn nữa được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài là việc Luật đầu tư chung đã được Quốc hội thông qua, mở ra nhiều điểm “thoáng” cho các nhà đầu tư như cụ thể hóa danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, quy định rõ việc chuyển vốn, tài sản ra nước ngoài và đặc biệt, không khống chế tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần thuộc những lĩnh vực đầu tư không có điều kiện.
Không chỉ các chuyên gia trong nước dự báo thị trường chứng khóan Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới, hứa hẹn phát triển mạnh, các hãng thông tấn nước ngoài cũng liên tục đưa tin về thị trường đang nổi này, việc mà trước đó hầu như không có.
Nhật báo kinh tế "Diễn đàn" của Pháp số ra ngày 31/8 đã đăng bài viết ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán ở Việt Nam.
Tờ báo cho rằng việc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) quyết định niêm yết cổ phiếu hồi đầu tháng 7 vừa qua không chỉ giúp nâng tổng mức vốn hoá thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh từ 1,5 tỷ lên trên 2 tỷ USD mà còn góp phần tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Sau Sacombank, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khóan. Bên cạnh đó, Tổng công ty hàng không Việt Nam cũng mới thông báo ý định tham gia thị trường chứng khoán trong nước và cả thị trường chứng khoán Hồng Kông và Singapore trong vòng 2 hoặc 3 năm tới.
Trước đó, tờ báo phục vụ giới tài chính hàng đầu tại Mỹ - Bloomberg đã đưa bài phỏng vấn ông Trần Đắc Sinh, giám đốc trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM cho biết Việt Nam sẽ tăng giá trị thị trường chứng khoán từ 6% GDP như hiện nay lên 20 - 30%. Và GDP của Việt Nam đến năm 2010 có thể đạt 80 tỉ USD.
Như vậy, giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng gấp 8 lần lên 24 tỉ USD trong 4 năm tới khi các công ty nhà nước, bao gồm cả các tổng công ty và các ngân hàng quốc doanh được cổ phần hoá.
Rõ ràng nhiều nhà đầu tư cũng đã nhận thấy cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam như: Việt Nam sẽ gia nhập Tổ chức thương mại thế giới; Luật chứng khoán có hiệu lực (giúp thị trường hoạt động ổn định hơn); sự tham gia mạnh mẽ hơn của nhân tố nước ngoài; dòng vốn gián tiếp thứ 3…
2.2.4 Triển vọng của các Quỹ đầu tư chứng khoán:
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khóan Việt Nam trong thời gian tới, khung pháp lý (Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2007) ngày càng hoàn thiện hơn, hiểu biết về thị trường chứng khóan của nhà đầu tư được nâng cao, đó sẽ là những điều kiện thuận lợi cho các Quỹ đầu tư chứng khoán phát triển.
Bên cạnh đó, thành công của các Quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian gần đây như là cơ hội và bằng chứng về cơ hội đầu tư sinh lời có thật và là hấp lực để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn vào Việt Nam.
Việc 3 công ty của Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc được cấp giấy phép mở Văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam đã cho thấy các tổ chức nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến thị trường chứng khóan Việt Nam.
Cụ thể, ngày 8/9 Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã cấp Giấy phép Văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam cho phép Công ty Mirae Asset Maps Investment Management Co., Ltd của Hàn Quốc.
Trước đó, ngày 6/9, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng đã cấp Giấy phép Văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam cho phép Công ty Blackhorse Asset Management Pte Ltd (Singapore) được đặt Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Và ngày 5/9, Uỷ ban đã cấp Giấy phép Văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam cho phép Công ty Nomura International Limited (Hong Kong) được đặt Văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Vào đầu tháng 8, tổ chức đầu tư quốc tế hàng đầu là Merrill Lynch đã được cấp mã giao dịch thông qua Ngân hàng lưu ký HSBC.
Mặc dù thời điểm bắt đầu đầu tư, quy mô đầu tư chưa được tiết lộ, nhưng việc Merrill Lynch mở tài khoản lưu ký, xin mã số giao dịch và chọn công ty môi giới là những động thái cho thấy tổ chức này đã sẵn sàng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số quỹ hàng đầu tại châu Á như quỹ Pheim-quỹ đầu tư tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN vừa thông báo đang lên kế hoạch đầu tư vào thị trường chứng khóan Việt Nam.
Quỹ Pheim cho biết Việt Nam có một thị trường chứng khoán đang trong đà phát triển nhanh nhất trong khu vực và Pheim muốn vào Việt Nam sớm để có thể cạnh tranh với các quỹ đã vào Việt Nam trước đó.
Pheim là một quỹ đầu tư của Singapore với tổng vốn lên tới 700 triệu USD. Quỹ này đạt mức tăng trưởng 29% từ đầu năm đến này và là quỹ hoạt động tốt nhất trong các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khóan các nước ASEAN.
Tại thị trường chứng khóan Việt Nam, ý thức được vai trò quan trọng của loại hình Công ty quản lý quỹ, cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy sự ra đời của loại doanh nghiệp này. Tính đến nay, thị trường chứng khóan Việt Nam có 7
Công ty quản lý quỹ trong nước đang hoạt động, trong đó có 6 công ty đã chính thức