1.5.3.1.Lịch sử khai thác lãnh thổ
Những vùng có lịch sử khai thác lâu đời thường là nơi tập trung đông dân cư và lao động. Đó là những vùng được thiên nhiên ưu đãi: đất đai phì nhiêu, giàu tài nguyên hay thuận lợi giao thông, có cở sở hạ tầng phát triển, đội ngũ lao động có trình độ chiếm tỉ lệ cao. Ở những vùng này công nghiệp cũng được chú trọng phát triển vì thế lao động trong công nghiệp chiếm tỉ lệ cao hơn so với các vùng khác.
1.5.3.2.Dân số và lực lượng lao động
Sự gia tăng dân số quyết định mức độ gia tăng lực lượng lao động. Thông thường, gia tăng dân số tự nhiên cao thì mức gia tăng lực lượng lao động cũng cao và ngược lại. Gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến tình trạng tăng, giảm quy mô lực lượng lao động một cách đột biến tại nơi nhập cư và xuất cư, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nơi có tỉ lệ nhập cư quá cao sẽ thiếu việc làm - thừa lao động, nơi có tỉ lệ xuất cư quá lớn sẽ thiếu lao động.
Cơ cấu dân số có ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động. Cơ cấu dân số trẻ: Dân số dưới độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao đã dẫn đến việc chi phí cho tiêu dùng, cho các dịch vụ giáo dục, y tế cao; khả năng đầu tư cho đào tạo và đào tạo lại lao động, cho chuyển giao công nghệ, cho phát triển sản xuất thấp. Cơ cấu dân số già: Có ảnh hưởng nhất định đến cơ cấu lực lượng lao động. Nếu tỷ lệ người già quá đông thì dân số tham gia vào lực lượng lao động thấp, một bộ phận lớn dân số không hoạt động kinh tế sẽ tăng thêm gánh nặng cho lực lượng lao động. Một bộ phận lớn lao động sẽ phải tham gia vào khu vực dịch vụ an sinh xã hội cho người cao tuổi, không thể đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu dân số hợp lý: Nếu cơ cấu dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, thì đầu tư cho phát triển nguồn lao động tương lai và hiện tại thuận lợi hơn. Cơ cấu của lực lượng lao động có những đặc trưng: tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao chiếm phần lớn, tỷ lệ lao động có việc làm cao, thất nghiệp thấp. Do cơ cấu dân số hợp lý với việc phát triển kinh tế xã hội như vậy cho nên có điều kiện để đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, cho đào tạo và đào tạo lại lao động, tạo điều kiện cho công nghiệp, dịch vụ phát triển, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Điều đó dẫn tới khu vực nông nghiệp cần ít lao động và lao động tập trung chủ yếu
trong khu vực kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, tỷ trọng lao động trong khu vực kinh tế nông nghiệp sẽ thấp.
Phân bố dân cư và phân bố lực lượng lao động: Nếu phân bố dân cư bất hợp lý với điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội thì sức ép lao động, việc làm cao. Lao động không gắn với phân bố tài nguyên, với đối tượng lao động, với cơ sở vật chất kỹ thuật khiến cho vấn đề tạo việc làm trở nên khó khăn, dẫn tới mức sống thấp, cuộc sống nghèo đói. Đó là nguyên nhân làm cho mức sinh cao, mức di dân cao và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân bố lực lượng lao động. Nếu phân bố dân cư hợp lý thì sẽ phát huy được các yếu tố tích cực của sản xuất và phát triển như tài nguyên, con người, vốn... Cơ hội kiếm việc làm nhiều, thu nhập cao. Có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, phát triển nguồn nhân lực.
Chất lượng dân số với chất lượng lực lượng lao động: Chất lượng dân số là nói về chất lượng của toàn bộ dân số, từ những người dưới độ tuổi lao động, những người trong độ tuổi lao động đến những người trên độ tuổi lao động. Chất lượng của dân số dưới độ tuổi lao động sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng lực lượng lao động trong tương lai vì sau 10 - 15 năm nữa, họ sẽ vào tuổi lao động. Chất lượng của những dân số trong độ tuổi lao động là chất lượng của lực lượng lao động hiện tại. Nếu chất lượng của lực lượng lao động cao thì tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, chăm sóc nhóm dân số dưới độ tuổi lao động. Trình độ học vấn của trẻ em là sự thể hiện chất lượng lực lượng lao động trong tương lai và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi trình độ học vấn của bố mẹ.
1.5.3.3.Cơ cấu kinh tế quyết định cơ cấu lực lượng lao động theo ngành, theo thành phần kinh tế và sự phân công lao động theo lãnh thổ.
Cơ cấu ngành kinh tế chi phối cơ cấu lực lượng lao động theo ngành.
ngư nghiệp, năng suất lao động thấp. Nền kinh tế công nghiệp phát triển, lao động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, người lao động có tính năng động cao, có kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp, năng suất lao động cũng cao hơn.
Cơ cấu thành phần kinh tế đơn điệu làm cho người lao động bị gò bó
không phát huy hết khả năng của mình. Thành phần kinh tế đa dạng mở đường cho người lao động tự chủ, phát huy hết khả năng về vốn, sức khoẻ, thời gian và trình độ của mình để mở mang sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân gia đình và xã hội.
Cơ cấu lãnh thổ ảnh hưởng đến sự phân bố lực lượng lao động theo lãnh thổ và đặc trưng cơ cấu nghề nghiệp ở từng địa phương. Sự chuyên môn hoá của các vùng kinh tế tạo nên sự chuyên môn hoá lao động của vùng. Đồng thời, sự phát triển tổng hợp vùng sẽ tận dụng tiềm năng lao động trong vùng để phát triển kinh tế - xã hội và tăng lực lượng lao động dịch vụ, tạo những mối liên hệ hữu cơ trong và ngoài vùng, ổn định và phát triển vùng kinh tế. Cơ cấu lãnh thổ nền kinh tế - xã hội càng phát triển, càng tạo điều kiện sử dụng hợp lý lực lượng lao động, tạo nên sức mạnh của nền kinh tế.
Nước ta đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đa ngành, đa thành phần. Cùng với sự chuyển dịch đó là sự chuyển dịch tỷ trọng lao động giữa các ngành, các thành phần kinh tế và các khu vực kinh tế. Tỷ trọng lao động quốc doanh giảm, lao động ngoài quốc doanh tăng. Sự phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, các khu công nghiệp tập trung đang tạo điều kiện cho sự phân bố lại lao động theo lãnh thổ.
1.5.3.4.Nhu cầu của thị trường là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu ngành công nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến quy mô cơ cấu sử dụng lực lượng lao động trong công nghiệp. Công nghiệp có thị trường tiêu thụ rộng lớn bởi vì công nghiệp vừa cung cấp
trang thiết bị cho các ngành sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế công nghiệp có điều kiện phát triển thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động.
1.5.3.5.Chính sách sử dụng lao động và phát triển nguồn nhân lực: chúng ta biết rằng, trong mọi thời đại, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Thực tế đã chứng minh: giáo dục đào tạo là nền tảng, cơ sở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Anh; là nguồn gốc sự thành công trong công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai ở Mỹ; là gốc rễ ưu thế về kĩ nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba ở Nhật. Vì vậy, rất nhiều quốc gia đưa ra “phát triển khả năng con người” và “chiến lược phát triển con người”… như Nhật Bản, Thụy Điển, các nước Đông Âu, Trung Quốc…
Những năm gần đây, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển công nghiệp, huy động vốn trong nước, chính sách mở cửa cũng như Luật Đầu Tư ra đời và liên tục được hoàn thiện đang phát huy tác dụng, đặc biệt là trong công nghiệp. Vì thế đòi hỏi lao động ngày càng nhiều và có trình độ kĩ thuật ngày càng cao.
Nước ta cũng đã chú ý hơn đến công tác giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nói chung, lao động công nghiệp nói riêng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao khả năng sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, để có thể hòa nhịp với xu hướng phát triển của thế giới. Trên đây là một số những khái niệm chỉ tiêu cơ bản liên quan đến lực lượng lao động và tình hình sử dụng lực lượng lao động nói chung. Luận văn sử dụng những khái niệm, những chỉ tiêu trên làm cơ sở lí luận trong quá trình nghiên cứu và sử dụng lực lượng lao động trong ngành công nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
1.6. Một vài nét về lực lượng lao động và sử dụng lực lượng lao động ở một số nước Châu Á và Việt Nam